Xoay quanh việc cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ thi hoa hậu, hãy cùng lắng nghe trưởng ban giám khảo Miss Charm 2021 nói gì về vấn đề này.
- Khởi động cuộc thi ảnh Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2021
- Muôn kiểu biểu cảm hài hước của 9 hoa hậu, á hậu khi đối đầu thử thách
- Thi hoa hậu bỏ số đo ba vòng và bikini có ảnh hưởng gì không
Đứng đằng sau sự thành công của một thế hệ người đẹp thành công ở đấu trường quốc tế như Nguyễn Thị Huyền – Mai Phương Thúy – Lan Khuê – Thúy Vân – Loan Nguyễn. Khán giả còn biết đến bà Nguyễn Thị Thúy Nga với vai trò là người đã nỗ lực rất nhiều để mang bản quyền Miss World về Việt Nam, là trưởng ban giám khảo Miss Charm 2021.
Xoay quanh vấn đề cuộc thi Miss World Vietnam 2021 cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ tham dự, hãy cùng lắng nghe trưởng ban giám khảo Miss Charm 2021 nói gì về vấn đề này.
– Chào chị Thúy Nga. Vào năm 2002, với cương vị là đơn vị đề cử đại diện Việt Nam tham dự Miss World. Ắt hẳn chị phải luôn tâm niệm đó phải là những cô gái mang vẻ đẹp đặc trưng, hình mẫu cho phụ nữ Việt Nam?
– Chúng ta từ lâu đã rất quen thuộc với câu “hoà nhập chứ không hoà tan”, trong lĩnh vực nhan sắc cũng như vậy, chúng ta phải hoà nhập với tiêu chí thế giới chứ không phải là cứ khăng khăng giữ những gì là truyền thống và coi đó là tiêu chuẩn. Tôi luôn mong muốn chọn ra được những vẻ đẹp Việt hiện đại, thông minh, bản lĩnh, nhân hậu nhưng sẽ đem những nét đặc trưng của Việt Nam thông qua nét văn hoá truyền thống được thể hiện qua những phần thi như trang phục dân tộc, hay những clip giới thiệu về đất nước con người, hay thông qua những trang phục được thể hiện qua những hoạt động của cuộc thi.
– Gần 2 thập kỉ qua, rất nhiều đại diện Việt Nam tham dự Miss World đã mang nhiều màu sắc cá tính khác nhau. Thậm chí có 1 thế hệ người mẫu đi chinh chiến. Chị có thấy đây là một bước tiến mới của Việt Nam đi kịp với xu thế chung của thế giới hay không?
– Từ lâu, trên thế giới, có khá nhiều thí sinh đạt danh hiệu cao đều đã trải qua thời gian hoạt động người mẫu, nhờ đó họ đã tích lũy được những kỹ năng như biểu diễn thời trang, bản lĩnh trước đám đông, biết cách làm đẹp, giữ gìn dáng. Khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, họ tham dự các cuộc thi nhan sắc và thường dễ đạt danh hiệu cao hơn các cô gái bình thường khác. Tôi cho rằng chúng ta đã dần hoà nhập với xu hướng thế giới trong lĩnh vực này và đó là tín hiệu đáng mừng.
– Theo nghị định mới nhất của Chính phủ có quy định rõ về việc các đại diện thi quốc tế không cần phải cấp phép dự thi. Điều này dẫn đến tình trạng loạn hoa hậu và thi thố 1 cách tràn lan khó kiểm soát. Chị có cảm thấy lo ngại về điều này?
– Tôi không cho là như vậy, tại sao lại phải kiểm soát? Thị trường sẽ tự điều tiết. Những cuộc thi không có chất lượng thì sẽ dẫn đến không có khán giả, truyền thông không quan tâm. Xét cho cùng những cuộc thi nhan sắc cũng chỉ một trong rất nhiều hoạt động giải trí và khán giả sẽ tự lựa chọn những sản phẩm giải trí mà họ yêu thích. Chúng ta cứ để thị trường làm nhiệm vụ đào thải của nó.
– Nghị định 144 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 cho phép các cuộc thi nhan sắc tiếp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ. Chị nghĩ sao về sự đổi mới này?
– Thực ra việc cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ được dự thi theo tôi là một bước tiến theo kịp xu hướng thế giới của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đây cũng chính là vấn đề rất cần những giám khảo có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhan sắc tham gia.
Trên thế giới từ lâu các cuộc thi có uy tín như Miss World, Miss Universe, Miss International đều chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ tham gia bình đẳng với những thí sinh khác. Thế nhưng, ban giám khảo của họ đều là những chuyên gia cực kỳ uy tín và có kinh nghiệm trong việc đánh giá nhan sắc, tố chất tiềm ẩn của thí sinh để đưa ra kết quả chấm, làm sao mà việc phẫu thuật thẩm mỹ không ảnh hưởng đến kết quả chấm, đặc biệt là những thí sinh vào Top 3. Tôi cho đây sẽ là một bước tiến rất lớn trong lĩnh vực tổ chức các cuộc thi hoa hậu, nhưng đòi hỏi sự chuyên nghiệp lớn để có thể tiến kịp với xu hướng thế giới.
– Nhưng cần làm rõ giữa việc chỉnh sửa khuyết điểm trên cơ thể và phẫu thuật thẩm mỹ. Chị nghĩ 2 phạm trù này giống và khác nhau ở điểm nào?
– Thực ra việc cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ không có nghĩa là đánh đồng những thí sinh chỉ chỉnh sửa những khiếm khuyết rất nhỏ như nhấn mí, sửa răng, nâng mũi với những thí sinh chỉnh sửa dao kéo, phẫu thuật nó thay đổi nhan sắc rất nhiều. Đó chính là lý do như tôi đã nói việc này cần sự chuyên nghiệp của những ban giám khảo có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực này đánh giá.
– Vậy theo quan điểm của chị, trường hợp của Nguyễn Thị Thành từng bị loại vì làm răng tại Hoa hậu Việt Nam 2016 thì đây có phải được gọi là phẫu thuật thẩm mỹ không?
– Trường hợp này theo tôi sẽ có 2 vấn đề cần làm rõ. Vào thời điểm đó quy định của Bộ văn hóa là cấm phẫu thuật thẩm mỹ và nếu đã là quy định thì tất cả mọi thí sinh và ban tổ chức phải chấp hành. Đến giờ luật đã được thay đổi, theo quan điểm cá nhân tôi và kinh nghiệm gần 20 năm trong lĩnh vực này thì trường hợp làm răng chắc chắn là phẫu thuật thẩm mỹ nhưng được coi là không ảnh hưởng đến kết quả chấm của ban giám khảo. Ở các cuộc thi quốc tế thậm chí thí sinh rất quan tâm đến việc thẩm mỹ hàm răng vì nó góp phần làm nụ cười và gương mặt sáng lên rất nhiều.
– Việc cởi trói cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ thi hoa hậu dẫn đến tình trạng lạm dụng dao kéo từ sớm đối với các cô gái – vì họ muốn có 1 ngoại hình thật hoàn hảo ngay từ vòng lộ diện. Chị muốn gửi 1 điều gì đến với thế hệ đàn em đang loay hoay đi tìm hào quang hoa hậu?
– Việc phẫu thuật thẩm mỹ ở các cuộc thi quốc tế không bị cấm nhưng thực chất trong ban giám khảo họ đã có luật ngầm với nhau rằng, những trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ ít, không làm thay đổi hẳn khuôn mặt, nhan sắc, cấu trúc cơ thể thì sẽ được chấp nhận. Ngược lại, việc phẫu thuật thẩm mỹ của thí sinh cần thiệp quá sâu vào việc thay đổi nhiều vào nhan sắc thật thì dù họ có xuất sắc về nhan sắc, về kỹ năng như thế nào thì hầu như chưa có thí sinh nào lọt vào top cao.
Hoa hậu khác với người mẫu, người đạt danh hiệu cao hoặc cao nhất phải hội tụ đủ nhan sắc, trình độ, kỹ năng, đủ sức thuyết phục ban giám khảo tin vào sự tỏa sáng của mình và những đóng góp sau này cho xã hội. Vì vậy nếu thí sinh chỉ nghĩ đến việc thẩm mỹ sao cho thật đẹp thì theo tôi đó là tư duy chưa đúng, chưa đủ.
Nguyễn Thị Thúy Nga cho rằng làm răng cũng là phẫu thuật thẩm mỹ.
– Cũng liên quan đến việc phẫu thuật thẩm mỹ, vậy tiêu chí nào để chấm chỉ số nhân trắc học? Khi rất nhiều cô gái có tiềm năng đã bị rớt ở vòng này vì làm răng, sửa mũi, độn cằm?
– Trên thế giới từ lâu ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu đã bỏ phần nhân trắc học, họ chỉ lấy số đo chiều cao, cân nặng và số đo 3 vòng, sau đó thí sinh đua tài ở các vòng thi khác nhau để chọn ra top cao. Bởi hoa hậu có thể không phải là người xinh đẹp nhất, có thể không phải là người biểu diễn tốt nhất nhưng cô ấy là người có nhan sắc hài hoà, có sự tổng hoà của các yếu tố nhan sắc, tài năng, kỹ năng biểu diễn. Và quan trọng nhất, hoa hậu phải là người thật sự có năng lực và mong muốn đóng góp cho các hoạt động của cộng đồng.
Đó chính là lý do mọi người có thể thấy chưa chắc Miss World hay Miss Universe là người đoạt giải thí sinh có gương mặt đẹp nhất hay là thí sinh biểu diễn catwalk tốt nhất. Hoa hậu của các cuộc thi này là thí sinh có đầy đủ những tố chất trên, được sự yêu mến của của khán giả và thuyết phục được ban giám khảo chấm cho mình giải cao nhất.
– Không chỉ phẫu thuật thẩm mỹ mà ngay cả cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng cho phép thí sinh chuyển giới tham gia ở phần thi Hoa hậu ảnh Online. Chị có ủng hộ điều này khi Việt Nam còn quá nhiều hà khắc về bình đẳng giới?
– Đây là câu chuyện khá nhạy cảm và thực sự rất khó khăn cho ban giám khảo bởi nó còn quá mới mẻ không những ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Cá nhân tôi ủng hộ việc bình đẳng giới bởi chúng ta đang sống ở một thế giới đã rất phát triển và giới tính đã không còn là rào cản cho bất kể công việc nào.
Tôi sẽ rất háo hức theo dõi những thí sinh này đua tài với các bạn khác như thế nào trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm nay và chúc các bạn sẽ có một sân chơi để thể hiện tài năng của mình.
– Việc chấp nhận và cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ tham gia cuộc thi nhan sắc có vô tình cổ súy cho việc phẫu thuật thẩm mỹ tại các cuộc thi hoa hậu nói riêng và vẻ đẹp nhân tạo nói chung hay không? Chị có lo ngại trong tương lai các cô gái 17, 18 tuổi sớm phẫu thuật thẩm mỹ để tham gia các cuộc thi hoa hậu hay không?
– Việc cho phép phẫu thuật thẩm mỹ theo tôi là để tránh bỏ phí những nhan sắc nổi bật, có tài nhưng chỉ phẫu thuật thẩm mỹ rất ít như nhấn mí, làm răng, nâng mũi. Vì vậy, nếu các thí sinh quá lạm dụng việc phẫu thuật thẩm mỹ, tôi cho là không đúng và chưa đủ cho việc chuẩn bị tham gia các cuộc thi nhan sắc.
– Xin cảm ơn chị Thúy Nga về buổi trò chuyện thú vị này.
Theo Văn Thao – saostar.vn