Mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh nổi mụn trên mặt?

    Tình trạng trẻ sơ sinh nổi mụn trên mặt gây nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh. Tình trạng này không quá nghiêm trọng và sẽ hết hoàn toàn nếu mẹ chăm sóc bé đúng cách.

    Trẻ sơ sinh nổi mụn trên mặt là tình trạng khá phổ biến và thường xuất hiện trong tháng đầu tiên. Mụn có thể xuất hiện ngay từ khi mới sinh ra hoặc sau đó vài tuần, nhưng thông thường là từ 2 đến 4 tuần tuổi. Đôi khi có thể xuất hiện sau vài tháng ở một số trẻ.

    Mụn có thể mọc ở bất kỳ khu vực nào như mặt, cằm, cổ, lưng và ngực. Tuy nhiên chúng thường xuất hiện ở má, mũi và trán. Nguyên nhân của tình trạng này chưa được xác định một cách rõ ràng, nhưng chúng thường sẽ tự mất đi sau vài tuần đến vài tháng mà không gây hại gì đến sức khỏe của bé.

    1. Dấu hiệu nhận biết

    Nổi mụn ở trẻ sơ sinh cũng giống như ở người lớn. Các nốt mụn thường là màu trắng hoặc đỏ, đôi khi chúng được bao bọc bởi một vùng da hơi sưng và tấy đỏ. Các nốt mụn này thường ửng đỏ hơn khi bé quấy khóc hoặc khi da bé bị kích thích bởi nước bọt, sữa mẹ hay chất tẩy rửa…

    Tuy nhiên, không phải lúc nào tình trạng mụn ở trẻ sơ sinh cũng là mụn trứng cá lành tính. Đôi khi chúng có thể là do các tình trạng sức khỏe khác. Do đó, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu rõ để có cách chăm sóc phù hợp tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.

    2. Các loại mụn thường gặp ở trẻ sơ sinh

    Các nốt mụn ở trẻ sơ sinh phần lớn là mụn trứng cá hay mụn sữa, mụn do phát ban hoặc là bệnh chàm sữa.

    2.1. Mụn sữa

    Mụn sữa là tình trạng khá phổ biến, chúng xuất hiện ở khoảng 50% số trẻ sơ sinh. Những nốt mụn này thường liti, có màu trắng sữa hoặc hơi vàng. Chúng không gây ngứa hay đau ở trẻ.

    Mụn sữa hay xuất hiện ở mũi, má, ngực, trán hay quanh mắt và đôi khi ở niêm mạc miệng hay thân người. Những nốt mụn này khá lành tính và sẽ tự biến mất trong từ 1 đến 3 tháng mà không cần điều trị.

    Do chúng khá lành tính, vì vậy mẹ không cần bôi thuốc điều trị cho bé. Cần lưu ý tuyệt đối không lấy khăn chà mạnh hay tự nặn các nốt mụn vì có thể gây nhiễm trùng da ở bé.

    huong-dan-cach-tri-mun-sua-o-tre-so-sinh-hieu-qua-tai-nha2-e1546938598325-1600765080066580613170-1600766285696-1600766286531150873634 Mụn sữa ở trẻ sơ sinh – Ảnh Internet

    2.2. Phát ban nhiệt

    Phát ban nhiệt có tên tiếng anh là Miliaria. Chúng có 3 thể tuy nhiên thường gặp nhất là mụn hạt kê và rôm sảy. Trong đó mụn hạt kê khi trở nặng sẽ trở nặng thành ban nhiệt. Những tình trạng này thường xảy ra bởi tình trạng tắc nghẽn mồ hôi. Điều này là do mồ hôi tiết ra quá nhiều nhưng ống dẫn mồ hôi của trẻ chưa hoàn thiện đầy đủ.

    Ngoài ra, yếu tố chính dẫn đến tình trạng phát ban nhiệt này là do khí hậu nóng ẩm vào mùa hè gây đổ nhiều mồ hôi. Những loại mụn này thường gặp ở trẻ dưới 3 tuần tuổi và thường xuất hiện ở mặt, cổ, ngực, lưng, mông hay các các nếp gấp ở khuỷu tay, chân.

    Ban đầu, mụn hạt kê xuất hiện dưới dạng hạt trắng nhỏ, hơi cộm, không viêm. Sau đó chúng tự vỡ ra và nếu che chắn quá kĩ hay quá nóng có thể dẫn đến rôm sảy. Chúng sẽ trở thành ban mụn viêm đỏ và gây ngứa cũng như khó chịu cho bé.

    2.3. Chàm sữa

    Chàm sữa hay lác sữa là một dạng viêm da. Chúng ít xảy ra ở trẻ sơ sinh mà thường gặp ở trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi. Các vết này xuất hiện ở mặt và 2 bên má đối xứng rồi lan ra thân mình. Ban đầu chúng là những vết mẩn đỏ sau đó phát triển thành những mụn nước nhỏ liti. Tiếp theo các nốt mụn này rỉ nước, đóng mày rồi tróc vảy, để lộ những mảng da đỏ và khô.

    Bệnh chàm sữa gây ngứa, khó chịu sẽ khiến bé lấy tay cào, gãi, dụi. Do vậy mẹ cần đưa bé đi khám để có thuốc bôi thích hợp. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc vì có thể làm tình trạng nặng hơn.

    3. Khi nào cần đi khám tại cơ sở y tế?

    Các loại mụn đã nhắc ở trên đều là các tình trạng lành tính và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, mẹ cần theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác để có thể đưa bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt, nhất là trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi. Các dấu hiệu nguy hiểm có thể đi kèm như:

    – Sốt, lừ đừ.

    – Trẻ bỏ bú.

    – Da trở nên vàng đậm.

    20200427tre-so-sinh-co-bi-vang-da-2-16007651185621719149432-1600766288092-1600766288516776585650 Khi da trẻ xuất hiện màu vàng đậm – Ảnh Internet

    Ngoài ra nếu tình trạng mụn kéo dài trên 3 tháng mà vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế để bé được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hãy chắc chắn bạn đã tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bôi bất kỳ loại kem dưỡng da hay xà phòng nào lên da bé để tránh các tác dụng không mong muốn.

    4. Chăm sóc bé tại nhà

    Các bậc phụ huynh nên nhớ khi chăm sóc bé tại nhà, mẹ không nên bôi bất kỳ loại kem hay thuốc nào trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, mẹ có thể thực hiện một số phương pháp dưới đây:

    – Lau và tắm cho bé bằng xà phòng, sữa tắm dành cho trẻ sơ sinh và nước hàng ngày.

    – Không chà rửa, lau mạnh trên da nhiều lần để tránh kích thích da bé.

    – Nếu vết mụn không gây khó chịu cho bé, mẹ hãy kiên nhẫn chờ chúng tự hết.

    – Luôn rửa tay sạch sẽ khi chạm vào mặt em bé.

    – Không nặn hay bóp vết mụn.

    – Hạn chế bôi kem dưỡng ẩm da hoặc dầu lên da mặt bé để tránh tắc nghẽn lỗ chân lông nhiều hơn.

    – Không để bé tiếp xúc với môi trường khói bụi hay những người đang bị nhiễm trùng da để tránh tình trạng nặng hơn.

    Theo Anh Dũng – phunuvietnam.vn

    Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

    0 BÌNH LUẬN

    BÌNH LUẬN