Sau ồn ào với thông tin về việc đóng 2/5 cửa hàng trong hệ thống Koh Samui, founder của chuỗi tráng miệng nổi tiếng này – Hà Linh, đã có một cuộc trò chuyện vô cùng thẳng thắn với chúng tôi về quyết định này cũng như những câu chuyện đằng sau nó.
Rất dễ để lẫn chị Hà Linh vào những cô gái văn phòng đang uống cafe trưa trong quán nhỏ – nơi chúng tôi hẹn nhau. Hà Linh nhỏ nhắn, giản dị, mặc một chiếc váy hoa nhẹ nhàng, túi Balenciaga, cười rất tươi và chẳng có vẻ gì giống với những thứ ta tưởng tượng về một doanh nhân thành đạt. Phóng tầm mắt sang bên đường từ cửa sổ hàng cafe chúng tôi ngồi, đó là quán kem dừa – đồ tráng miệng kiểu Thái hoành tráng của Linh, đang đông nghẹt khách vào giờ nghỉ trưa và đó cũng là lý do mà chúng tôi phải hẹn nhau ở một địa điểm khác để có cuộc trò chuyện này.
Một ngày trước đó, Hà Linh khiến cộng đồng startup có một phen rúng động khi xuất hiện thông tin, cô đã đóng cửa 2/5 nhà hàng Koh Samui của mình sau một thời gian dài “ăn nên làm ra”. Lý do duy nhất mà phần đông người ta nhìn thấy được là một mô hình kinh doanh thành công đã bị vỡ vụn và dần đi vào bế tắc khi mở rộng quá nhiều, một sự thất bại dễ hiểu của bong bóng startup và sự lèo lái lệch hướng của “đầu tàu”. Tuy nhiên, những gì đằng sau nó lại là cả một câu chuyện mà hoá ra, bước lùi này của Hà Linh và Koh Samui, không hẳn là một bước lùi theo hướng tiêu cực như chúng ta vẫn đang nghĩ, mà bước lùi này hoá ra lại kể một câu chuyện về sự tỉnh táo, về tình yêu với những gì mà Hà Linh đang dày công theo đuổi.
1. “Lùi để tiến, chứ không phải lùi để lùi hẳn”
Trước cả một cơn bão ập đến sau thông tin 2/5 cửa hàng Koh Samui đã bị đóng cửa, Hà Linh vẫn vô cùng vui vẻ và nhẹ nhàng khi kể lại câu chuyện của mình. “Đó là một sự hiểu lầm nhỏ. Tất cả mọi thứ đều ở thế chủ động. Các cửa hàng không hợp lý, chúng tôi đóng lại để chuẩn bị cho một bước tiến dài hơi hơn.” Linh tự tin chia sẻ: “Tất cả đều nằm trong chiến lược và kế hoạch của tôi và nhóm cổ đông, cho sự phát triển tất lẽ dĩ ngẫu phải có cho thương hiệu mới, cũng như tạo đà tiếp theo cho sự phát triển một cách bền vững về sau”.
Câu trả lời đó có lẽ chưa khiến phần đông hài lòng. Không có lý do gì, để một chuỗi cửa hàng đang thành công – lại phải đóng cửa gần một nửa cửa hàng của mình – mà vẫn có thể chia sẻ đang tạo đà để phát triển tiếp. “Tôi đã trải qua những giai đoạn thịnh vượng cũng như những giai đoạn cần đổi mới. Trong tất cả những giai đoạn đó, tôi cần có sự quyết tâm, phải cải tổ để đi lên và sẵn sàng đầu tư. Sự đầu tư này cần phải thông minh, và mình cần phải biết được – trong mô hình mình đã xây dựng, đã có những vấn đề gì”. Linh trả lời vô cùng đơn giản và quyết đoán.
Koh Samui đã tạo nên một trào lưu lớn ở Hà Nội, không phải thương hiệu nào cũng có thể làm được điều đó. Quan trọng hơn cả, trào lưu mà Koh Samui khởi tạo nên được phần đông đón nhận một cách tự nhiên chứ không hề khiên cưỡng. Và chính vì thế, nó sẽ đến một giai đoạn chững lại, chờ đợi một cú hích tiếp theo được đến từ chính người chủ. “Tôi nghĩ rằng, kết quả của mỗi chuỗi dựa vào giá trị ban đầu và sự chuẩn bị cho sức tăng trưởng của chuỗi được tương xứng.” Linh chia sẻ. “Tôi không muốn mình cứ ồ ạt chạy theo việc làm chuỗi để rồi nó trở thành một bong bóng vỡ ra. Tôi kìm lại những mong muốn nhất thời để nhìn ra bức tranh toàn cảnh, bởi tôi có trách nhiệm với hàng trăm nhân viên ở dưới mình và hàng tỉ đồng đầu tư của các cổ đông góp vốn”.
“Đây là một bước lùi để tiến, chứ không phải một bước lùi để lùi hẳn. Là bước để tôi có thể chỉn chu, lấy đà cho mô hình kinh doanh của mình. Rất khó để một doanh nghiệp nhận ra cái giai đoạn mà mình có thể lùi được”. Hà Linh thẳng thắn. Trong suốt 2 năm vừa qua, Koh Samui đã có một sự phát triển chóng mặt, hay như Hà Linh nói: Phát triển nóng, và khi nhận ra sự phình to này có thể đẩy mình đi xa khỏi những giá trị cốt lõi ban đầu muốn mang đến cho khách hàng, cô cùng các đồng nghiệp đang tìm cách để… làm mát nó lại. “Hàng tháng, chúng tôi nhận được rất nhiều lời mời mở franchise của Koh Samui”. Linh chia sẻ. Nhưng cô tạm dừng tất cả việc chốt deal bán chuyển nhượng thêm, bởi tham vọng muốn tái cơ cấu, muốn tách thương hiệu để mang đến những thương hiệu mới, muốn tìm cho mình những cộng sự tâm huyết, sẵn sàng đi cùng cô cả con đường phía trước.
“Tôi luôn tự hỏi: Vì sao mình lại bắt đầu? Và câu hỏi đấy chính là kim chỉ nam để kéo tôi lại, nhìn xem giá trị mình mang đến cho khách hàng là gì? Vì sao mình làm nó?”. Và cũng chính những giá trị nguyên bản mà Linh vẫn giữ gìn cho đến thời điểm này – đã ngăn cô bước vào một guồng quay đầy cám dỗ của việc mở chuỗi và thành công đến vội. “Tôi nghĩ rằng sự phình to ấy là một may mắn, để chúng tôi có thể tạo ra một bước đi dài hơn”.
Tất nhiên là Linh không chỉ “nói cho có” để lấp liếm đi những cuộc đóng cửa ồn ào trong thời gian vừa qua. Cô đã có những động thái để thực hiện những gì mà mình dự định. Trong kế hoạch tương lai – vốn đã được Hà Linh và nhóm cổ đông cùng bàn bạc kỹ lưỡng từ 6 tháng trước, việc đóng đi các cửa hàng là bản lề để tiến tới những dự định to lớn hơn. “Khi chúng tôi mở cửa hàng, sẽ có những cửa hàng không còn phù hợp với tiêu chuẩn nữa như kích thước, quy mô tương xứng mô hình bền vững về sau nữa. Chúng tôi đóng lại để tìm địa điểm mới phù hợp hơn.” Một cái tên tiêu biểu mà Hà Linh không giấu diếm được sự hào hứng khi nhắc đến, đó là mô hình nhà hàng Thái “thế-hệ-tiếp-theo” của Koh Samui, có tên Koh Yam Thai. “Chúng tôi đã có ngày khai trương vào tháng 7, vẫn sẽ giữ nguyên đồ tráng miệng và đồ uống của Koh Samui, nhưng có thêm 60 món ăn mới của Thái Lan”. Linh thì thầm tự hào.
“Đi tìm một nhà hàng Thái ở đất Hà Nội này không khó, nhưng để tìm ra một nhà hàng Thái dành cho bạn trẻ, có trend, có giá cả hợp lý và cả sự tận tình phục vụ thì rất khó. Vậy nên tôi nghĩ rằng, mình vẫn có sự ổn định của thương hiệu mới đó, và tôi hướng đến sự bền vững. Tôi muốn thương hiệu của mình trở thành thói quen của khách hàng, chứ không phải là: “À, hôm nay có cái này mới, ngày mai lại có cái khác lại đến”.
2. “Tôi luôn cố gắng kiềm chế cái ngông của các bạn lại”
Tôi lao vào cuộc nói chuyện với Linh mà hoàn toàn quên mất rằng cô cũng là một diễn giả có “nghề”, và cách cô trả lời những câu hỏi chẳng hề nao núng sẽ khiến bạn – dù khó tính đến đâu – cũng sẽ bị thuyết phục hoàn toàn.
Ở tuổi của Linh, rất ít người làm được như cô, và số phụ nữ có thể một tay gây dựng cho mình cả một sự nghiệp hoành tráng như vậy – lại càng không phải là nhiều. Điều này khiến tôi hứng thú hơn cả, bởi rõ là những câu chuyện về phụ nữ và thành công vẫn luôn gây tranh cãi, đi cùng đó là những niềm cảm hứng không dứt về cả một thế hệ phụ nữ trẻ đang bước lên phía trước và lăn xả vào cuộc sống để thực hiện ước mơ của mình.
Sau câu chuyện về Koh Samui, tôi ngỏ ý muốn được lắng nghe thêm những chia sẻ của Linh về quan điểm về sự nghiệp. Tôi muốn nghe về thất bại, về sự liều lĩnh, bởi nó phù hợp với câu chuyện về cách Linh và các cộng sự đã quyết định đóng cửa một nửa số cửa hàng Koh Samui để tính toán những bước đi dài hơn. Và quan trọng hơn, cả thất bại lẫn liều lĩnh đều là hai yếu tố song hành mà bất cứ bạn trẻ nào – khi bước chân vào con đường startup – đều phải học cách sống chung.
“Như thế nào nhỉ…” Linh gật gù “ Tôi đã từng thất bại rất nhiều lần để có được thành công như bây giờ. Mỗi lần thất bại, đó lại là một bài học rất lớn. May mắn là, tôi tự tâm niệm: Trong cái khó ló cái khôn, trong nguy thì có cơ. Đó là sự lạc quan của chính bản thân mình, nhận ra giá trị của “buông bỏ” để hướng tới mục tiêu cao hơn đã giúp tôi lấy lại phong độ mỗi khi rơi vào những giai đoạn khủng hoảng”.
Có một chuyện Linh khá hài lòng khi nhắc đến, đó là việc cô đã rất kín đáo về mình trong những dự án kinh doanh từ trước đến nay. “Tôi không thích cái gì nó quá, tôi chỉ muốn làm tốt việc của mình thôi”. Cô thì thầm. Từ khi khởi nghiệp với Ibest cho đến bài toán đầu tư đến thời điểm Cộng caphe đã trở thành một thương hiệu lớn, hầu như không ai biết đến Hà Linh là ai. “Nếu ngay từ đầu mà tôi được báo chí biết đến thì có lẽ, tôi đã không được như bây giờ. Tôi sẽ ngủ quên trên chiến thắng, được o bế từ sớm và nhận áp lực phải làm mọi thứ thật hoành tráng để mọi người phải ngước nhìn”. Với Linh, sự “lặng lẽ” đó được coi là một thứ may mắn.
Linh thừa nhận rằng, mình là một người liễu lĩnh. “Rõ ràng là mình phải có máu liều thì mới dám xông pha”. Cô cười. “Tôi nghĩ rằng, bản thân tôi có máu liều, nhưng máu liều ấy phải đi đôi với sự gan lì, của chính nội lực trong bản thân”. Với Linh, điều quan trọng hơn cả chính là nuôi dưỡng được sự gan lì đấy cho tinh thần của mình. Và chính sự gan lì ấy sẽ giúp bạn tiến gần hơn tới những gì mà mình đang theo đuổi trên con đường gian khổ mà mình đã liều lĩnh bước vào.
Dù vậy, một trong những điều mà Hà Linh luôn dành để chia sẻ với các bạn trẻ muốn dấn thân vào khởi nghiệp, đó là kiềm chế lại sự ngông của các bạn. “Không phải cái ngông nào cũng đi đúng hướng. Những người CEO của các công ty vĩ đại – họ không ngông, họ rất khiêm tốn và thận trọng, họ không ồn ào, không cao xa vời vợi, không bóng bẩy”. Linh khoát tay. “Ngay cả với nhân viên của tôi, những người sát sườn tôi nhất, tôi không bao giờ kể về những ngày huy hoàng cả. Tôi muốn thúc đẩy họ phải làm việc, phải cống hiến đã.” Linh đã từng cọ toilet, từng phát tờ rơi, phải gõ cửa từng nhà, chèo kéo từng người bạn thân để đi học. Và cho đến bây giờ, cô vẫn có thể tự làm những công việc đấy nếu thấy cần thiết.
“Ví dụ, tôi nói một bạn marketing đi ra chụp ảnh khách, em ấy nói em ngại lắm, em sợ lắm… thì tôi sẽ là người đứng ra chụp ảnh khách luôn. Hoặc khi tôi đưa một tập tờ rơi cho em nhân viên, nói em phát quanh cửa hàng, em ngỏ ý muốn thuê một đội để phát hộ và vẫn đảm bảo chỉ tiêu, tôi sẽ nói: Chị ra phát cùng em.” Tất nhiên, không phải lúc nào Linh cũng khiến nhân viên của mình “giật mình” như thế, nhưng cô thật sự muốn những nhân sự chủ chốt của mình, có thể thấy được rằng để đạt được vị trí như hiện tại, để đi được đến quãng đường như hiện tại, Linh đã phải trải qua một con đường thế nào. “Các bạn đừng nghĩ rằng, những công việc đó chỉ là đi phát một cái tờ rơi, mà nó còn là nhiều những cái sau đó”. Linh mỉm cười.
3. Kết
Chúng tôi tạm biệt sau hơn 1 tiếng nói chuyện, và tôi ngạc nhiên về việc chúng tôi đã có thể chia sẻ với nhau nhiều hơn những gì tôi dự định. Từ một động cơ đơn thuần là để kể lại cho rõ câu chuyện đóng cửa hàng, chúng tôi nói về thất bại, về những hoài bão và cả cách mỗi người chúng ta thực hiện ước mơ, Linh vẫn còn hàng tá câu chuyện mà tôi chưa thể nói được hết trong bài viết này, và tôi tin rằng ở một thời điểm nào đó, Linh sẽ sẵn sàng kể lại để có thể truyền cảm hứng thêm cho rất nhiều bạn trẻ đang mơ giấc mơ khởi nghiệp, cho rất nhiều phụ nữ trẻ, cho những cô gái đang loay hoay giữa sự ổn định mà gia đình mong muốn và niềm đam mê cùng những tham vọng của bản thân.
Và tôi tin rằng, với lòng can đảm và sự tử tế của mình, những gì Hà Linh đã và đang làm sẽ là một hình ảnh rất đẹp, để bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể nhìn vào và lấy đó làm động lực – để dấn thân về phía trước, miệt mài lao động và sẵn sàng sống với ước mơ của mình mà không hề sợ hãi.
Theo Trí Thức Trẻ