Cựu đoàn trưởng Đoàn tiếp viên VN Airlines: Tiếp viên hàng không là nghề bạc bẽo

“Nghề tiếp viên hàng không có thu nhập coi là cao, nhưng với cuộc sống triền miên xa nhà, công việc vất vả, ở góc độ nào đó cũng là nghề bạc bẽo”.

Chị Trần Bích Hà là Đoàn Trưởng Đoàn tiếp viên đầu tiên của Vietnam Airlines, công tác ở vị trí này từ tháng 5/1993 đến hết năm 1996. Chị học trường Hàng không Kiev, Liên xô cũ từ 1976 – 1981, sau đó về làm phụ trách kế hoạch hàng hóa nội địa ở sân bay Tân Sơn Nhất vài năm năm, làm Trạm Phó Trạm hàng hóa, rồi trưởng phòng vé Quốc tế và quốc nội từ 1990 – tháng 5/1993 thì nhận quyết định về làm Đoàn trưởng Đoàn tiếp viên. Sau năm 1996, chị thôi vị trí này và chuyển sang làm công ty du lịch.

Làm sếp của tiếp viên hàng không, áp lực nhiều, niềm vui cũng lắm

Cách đây chưa lâu, khi trên mạng xã hội xuất hiện một bức ảnh chụp các tiếp viên mang đồng phục hãng hàng không Vietnam Airlines ngủ gật trong phòng chờ hạng thương gia tại một sân bay ở Nhật Bản, làm dấy lên những ý kiến tranh luận rằng tiếp viên hàng không Việt Nam làm xấu hình ảnh chính mình và đất nước, chị Trần Bích Hà đã khiến cư dân mạng giật mình, khi với một status dài và đanh thép, chị đã lên tiếng bảo vệ những cô gái bị “ném đá” hôm ấy. Với luận điểm chính: Nhiệm vụ của tiếp viên ngành hàng không không phải là lúc nào cũng đẹp như hoa hậu khi nhận vương miện. Nhiệm vụ chính của các em là phục vụ và đảm bảo an toàn cho hành khách trên các chuyến bay, chị Bích Hà đồng thời nói về những áp lực, vất vả và ấm ức trong nghề, mà không phải người ngoài ngành nào cũng hiểu được.

Với hơn 3 năm gắn bó với vị trí quản lý cấp cao của các tiếp viên hàng không hãng Vietnam Airlines hồi 20 năm về trước, chị Trần Bích Hà đã có những quan sát cũng như trải nghiệm thấm thía về cái nghề được coi là “sang chảnh”, “nghề nhàn lương cao” này. Chưa từng bay một giờ nào trước khi làm trưởng đoàn tiếp viên hàng không, lúc đầu, chị Bích Hà cũng nghĩ đó là môt thách thức lớn. Nhưng sau khi đi tìm hiểu về tổ chức của các hãng hàng không khác trên thế giới, chị biết, người quản lý cao nhất của tiếp viên các hãng đều là quản lý chuyên nghiệp, vì nghiệp vụ rất khác so với việc đi bay của các tiếp viên.

11

Chị Trần Bích Hà là Trưởng đoàn tiếp viên đầu tiên tại Vietnam Airlines.

Vị trí này cũng tương tự như là Giám đốc một đơn vị trực thuộc Vietnam Airlines, phải chịu trách nhiệm tổ chức mọi hoạt động, từ khâu tuyển chọn theo tiêu chuẩn, đào tạo (về dịch vụ, an toàn bay và tiếng Anh nghề nghiệp), phân công bay để dảm bảo đủ tiếp viên cho các chuyến bay của Vietnam Airlines hồi đó. Chị nhớ lại: “Đó là quãng thời gian làm việc vui và đẹp nhất của tôi. Khi tôi nhận quyết định, chẳng có gì: văn phòng không, bộ máy không, chỉ có 168 tiếp viên. Tôi rủ được 5 – 6 người về để làm văn phòng ở mặt đất và dành gần 3 tuần đầu để gặp gỡ, nói chuyện với từng tiếp viên một để nắm tình hình, tìm hiểu công việc, nhờ các em hỗ trợ, và động viên các em hãy học để làm việc tốt, đem lại niềm tự hào cho nghề này. Trong 3,5 năm, tôi tổ chức tuyển gần 800 tiếp viên mới, thuê chuyên gia tổ chức dạy giáo viên viết giáo trình đào tạo, viết quy định về tư thế, tác phong, trang phục… Nghề tiếp viên những năm đó là biểu tượng của vẻ đẹp và chất lượng dịch vụ, tiêu biểu cho sự đổi mới, nên ai cũng tự hào”.

12

Hồi đó, tiếp viên hàng không còn có tên khác là chiêu đãi viên.

Chị nhớ lại những năm đó, chỉ nghĩ về những niềm vui. Thời chị Hà làm đoàn trưởng, nghề tiếp viên quá mới, lại nhiều cô đẹp và duyên dáng, nên các anh theo hàng đàn “Những vụ tôi phải tiếp các anh chàng mê tiếp viên mà bị các nàng ngoảnh mặt đi vừa vui vừa tức cười. Có một anh Tây mê một cô đã có người yêu rồi. Hễ anh ta xuất hiện thì cô ấy bỏ trốn. Suốt gần 1 tháng, hôm nào quân của anh ấy cũng vào gặp tôi, năn nỉ được bỏ tiền tổ chức dạ hội cho cả đoàn, chỉ để mời được em tiếp viên đó cho anh ấy gặp.

Rồi hôm khác, tôi nhận được bức thư của một cậu nào đó thổ lộ là thích một cô tiếp viên trong đoàn, mà bị cô ấy dọa: “Chị Hà nghiêm lắm, không cho tiếp viên nhận thư của bạn khác giới”. Tôi tá hỏa, mời cô bé lên hỏi thì cô này thổ lộ, đó là một anh chàng si tình, cứ lên xem lịch bay rồi mua vé bay theo cô ấy, trong khi cô ấy có người yêu rồi, nên phải lôi chị Hà ra dọa.

Hoặc như cái lần Bryan Adams sang Việt Nam biểu diễn, mê một cô tiếp viên trên chuyến bay từ Đài Loan về Sài Gòn, thế là anh mời cả đoàn tiếp viên tối hôm đó đi xem miễn phí (mà vé hồi đó bán đắt lắm). Cả đoàn mặc đồng phục, kéo hàng trăm cô đến nhà hát Hòa Bình, Bryan ra đón vào, ban tổ chức gần phát điên, còn cả đám đứng phía dưới ban nhạc vừa xem vừa nhảy múa loạn xạ, vui ơi là vui”.

13

Tiếp viên hàng không, 20 năm trước cũng là một nghề hot, được nhiều người ngưỡng mộ.

Nói vậy, chứ công việc quản lý không tránh khỏi những điều khó nói. Chị Bích Hà thẳng thắn chia sẻ, chị là người tôn trọng luật và công bằng, nên ngoài việc đặt ra khung luật chặt chẽ, chị cũng “cứng” trong những trường hợp xử phạt khi tiếp viên phạm lỗi hoặc vi phạm pháp luật. “Cũng có những tin đồn xung quanh mối quan hệ giữa các tiếp viên và đoàn bay, hoặc chuyện tiếp viên cặp kè bồ bịch, tôi tuyên bố đó là việc riêng, tôi không có trách nhiệm quản lý, cho đến khi xảy ra các việc như vợ hoặc chồng một trong hai bên có ý kiến với tôi, hoặc chuyện đó ảnh hưởng đến công việc và uy tín của nghề”. Những lúc khổ nhất của người quản lý, theo chị Bích Hà, không phải là những khi xử phạt tiếp viên, mà là khi nhìn họ khóc do bị khách mắng vô lý; là đêm giao thừa lên tiễn họ đi bay, mấy chị em ôm nhau khóc, rồi phải cố lau nước mắt động viên họ đi làm nhiệm vụ; là lúc phải căng óc nghĩ ra các cách phân lịch bay sao cho công bằng, vì chỉ có công bằng mới giữ được kỷ luật kỷ cương…

14

Sau hơn 3 năm với rất nhiều kỷ niệm, niềm vui nỗi buồn, chị Bích Hà đã rời ngành hàng không để tập trung vào việc làm mẹ.

Sau hơn 3 năm gắn bó, chị Bích Hà xin thôi việc ở đoàn tiếp viên Việt Nam Airlines. Chị bảo, lúc đó, chị đã 40 tuổi, nên muốn có con. Chị nghĩ mình sẽ không thể làm tốt nhiệm vụ người mẹ, nếu vẫn tiếp tục công việc bận rộn, lại hay phải đi công tác như quản lý tiếp viên. Năm 1996, chị rời Vietnam Airlines với cảm giác trăn trở như mình “bỏ mặc” các tiếp viên, nhất là những người đã cùng mình dành hết thời gian và sức lực trong hơn 3 năm trời để xây dựng nên đoàn tiếp viên từ con số 0.

“Nhưng cuộc sống vốn vậy, nó cứ tiến lên phía trước, còn con người thì vẫn phải già đi thôi. Tôi đã là người ngoài ngành 20 năm nay, nhưng cảm giác với các tiếp viên hàng không vẫn rất thân thuộc. Tôi thấy xót xa khi có gì đó xảy ra với tiếp viên, rồi mọi người hiểu lầm, coi thường các em. Nghề tiếp viên có thu nhập coi là cao, nhưng với cuộc sống triền miên xa nhà, công việc vất vả, ở góc độ nào đó cũng là nghề bạc bẽo”.

Những nỗi khổ “gan ruột” từ người trong cuộc

Chị Bích Hà cho rằng, nghề tiếp viên hàng không hồi 20 năm trước với bây giờ, về nhiệm vụ chung thì giống nhau, phải đảm bảo an toàn cho khách và phục vụ khách theo các tiêu chuẩn hãng hàng không đề ra. Nhưng ngày nay, các tiếp viên hàng không được bay các loại máy bay hiện đại hơn với các điểm đến đa dạng hơn. Nhờ internet, nên khi bay các chuyến đường dài, họ vẫn có thể giữ liên lạc thường xuyên với gia đình, bạn bè, vẫn được cập tức thời các thông tin từ trong nước. Tuy vậy, chị cũng thẳng thắn cho rằng, các tiếp viên 20 năm trước có tâm lý ổn định và phấn khởi hơn, cũng tự hào và yêu nghề hơn hiện nay.

Với chị Bích Hà, nỗi vất và kinh khủng nhất của nghề tiếp viên hàng không là sự xa lạ với cuộc sống thường ngày. “Cuộc sống của tổ bay và tiếp viên khác rất nhiều với cuộc sống của mọi người. Tôi biết, các tiếp viên hàng không ngày nào cũng làm từ 12 – 14 tiếng, kể từ khi rời khỏi nhà đến lúc trở về, những giờ cuối của ngày làm việc là mệt đến mức chẳng muốn đi lại, nhưng vẫn phải thoăn thoắt phục vụ khách. Sau nhiều giờ bay, về đến nhà chỉ còn đủ sức… tắm, rồi lăn ra ngủ để hôm sau bay tiếp. Kể cả những ngày được nghỉ bù trong tuần, nhiều người dành trọn thời gian này để ngủ, vì tiếp viên nào cũng thiếu ngủ và thèm ngủ trầm trọng

15

Những bóng hồng tiếp viên hàng không và tổ bay phải chịu nhiều thiệt thòi, vì công việc đầy áp lực của mình.

Thời gian trước, người ta thường thấy các cặp vợ chồng cùng ngành như tiếp viên và tổ lái hoặc bộ phận mặt đất lấy nhau, có thể trong tình yêu, họ dễ hòa hợp, nhưng cũng như mặt trăng mặt trời, có khi hàng tháng không gặp mặt nhau. Họ về nhà mình mà cứ như là khách, không biết cái gì xảy ra, con cái học hành thế nào, mọi việc gần như khoán trắng cho mẹ hoặc giúp việc. Họ hầu như không có cơ hội tham gia vào bất cứ sự kiện gì trong gia đình liên quan đến chồng (vợ), con cái hoặc bố mẹ mình, chứ đừng nói đến việc đọc tin tức để biết những gì xảy ra hàng ngày, xem phim hay thư giãn.

Thời gian gần đây, số lượng tiếp viên tăng nhiều để đáp ứng nhu cầu chuyến bay, đúng là có tình trạng nhiều tiếp viên khó lấy chồng. Nghề phi công và tiếp viên ở nước ngoài cũng vậy, tỉ lệ độc thân và muộn có con cũng nhiều, vì cái giờ giấc oái ăm của họ”.

Chị Bích Hà cũng nói đùa, tiếp viên hàng không đúng là người sống ở trên mây, hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, do chính sự xa lạ với cuộc sống này. Có lẽ vì thế, mà nhiều người, bỏ thì thương, vương thì tội cái nghề của mình. Khi làm tiếp viên, chỉ bay và phục vụ khách, đảm bảo an toàn trên máy bay, thì kiến thức và kỹ năng thông dụng (như sử dụng và làm các công việc trên máy tính) dần dần mất đi. Và nếu sau 5 – 10 năm làm tiếp viên, họ muốn bỏ để đi làm việc khác cũng khó, phải học lại gần như từ đầu, trừ ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp, còn cứ tiếp tục, thì sẽ vẫn là điệp khúc cũ.

16

Không chỉ riêng các tiếp viên, bản thân chị Bích Hà cũng nếm trải những áp lực lớn từ công việc bận rộn của mình.

“Hồi đó, hiểu khó khăn này, nên tôi đã dự kiến chuẩn bị một chính sách có tình có lý cho các tiếp viên: khi có con, họ có thể có quyền lựa chọn để bay bán thời gian, ví dụ bay 1 tuần nghỉ 1 tuần, bay 50 – 60 giờ/tháng thôi, nhưng lúc đó quá thiếu nhân lực và tôi cũng nghỉ sớm nên chưa áp dụng được. Bây giờ mà có quyền, tôi sẽ làm vậy: các em phải bay đủ 5 năm mới được hưởng chính sách đó, khi có con. Điều đó sẽ kích thích thêm các hãng tuyển tiếp viên, tạo thêm công ăn việc làm cho nhân lực mới. Đương nhiên, hãng hàng không sẽ phải chịu thêm chi phí tuyển dụng và đào tạo, nhưng nó cũng chẳng đáng bao nhiêu so với các lợi ích dành cho tiếp viên, cho hãng bay cũng như cho xã hội” – chị bày tỏ.

Theo Trí Thức Trẻ

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN