Tôi đã làm một cuộc khảo sát bỏ túi với 10 cô nàng công sở, khi được hỏi “Bạn mơ ước sẽ đi đâu trong tuần trăng mật của mình?” thì có đến 6 nàng mơ màng thốt lên “Jeju!!!”. Có lẽ cách quảng bá du lịch của Hàn Quốc thông qua phim ảnh quá hiệu quả. Jeju khắc đậm trong trí óc những fan hâm mộ phim Hàn như là thiên đường của tình yêu. Tôi cũng không ngoại lệ. Trong chuyến đi ngắn ngủi đến Hàn Quốc, tôi đã ưu ái dành phần lớn thời gian cho hòn đảo này.
- Trải nghiệm thiên đường ẩm thực của Jeonju, Hàn Quốc
- Đi tìm mùa thu Hàn Quốc
- 10 quốc gia sẽ khiến bạn tiêu tiền nhanh nhất
Ba đặc sản của Jeju
Jeju là đảo lớn nhất của Hàn Quốc, với diện tích 1.845km2 (gấp ba lần diện tích Singapore), dân số trên nửa triệu người, nằm ở phía Nam của Hàn Quốc và ngăn cách với đất liền bởi eo biển Jeju. Thời phong kiến, đây là nơi giam giữ tù nhân do địa thế bờ biển đặc biệt hiểm trở nên rất khó vượt ngục. Cho đến những năm 90 của thế kỷ trước, Jeju vẫn còn khá hoang sơ, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản. Chỉ đến khi một số bộ phim truyền hình như Dae Jang Geum, All In lấy hòn đảo này làm bối cảnh thì người ta mới khám phá ra tiềm năng du lịch của Jeju.
Trước khi đến Jeju, tôi đã từng mường tượng hòn đảo này như một vùng đất êm đềm lãng mạn với những con đường rợp bóng lá vàng cuối thu, hay những bờ cát dài trắng mịn cho các đôi lứa yêu nhau thả bước ngắm hoàng hôn (hòn đảo dành cho tình nhân mà lại). Thế nhưng khi đến đây tôi đã ngỡ ngàng rồi ngay lập tức bị chinh phục bởi nét đẹp sắc cạnh, hùng vĩ, khỏe khoắn của một hòn đảo được hình thành từ núi lửa.
Một người bạn địa phương đã nói với tôi “ba đặc sản của Jeju là: đá, gió và phụ nữ”, “Tại sao?”, “Vì đó là những điều thể hiện sự mạnh mẽ của Jeju”. Đặc sản đầu tiên của Jeju mà tôi cảm nhận được là gió. Sáng đầu tiên thức dậy ở Jeju, khi vừa bước ra khỏi khách sạn, cảm xúc của tôi như vỡ òa khi ngay lập tức cảm nhận được không khí khoáng đạt của biển đảo trong cơn gió lồng lộng thổi qua, gió Jeju mạnh mẽ thổi như hút qua các ngõ hẻm quanh co đặc trưng kiểu địa hình núi đồi của Hàn Quốc, mang theo cái lạnh mùa thu và cả ánh nắng ấm áp của khí hậu phương Nam, khiến cho bầu không khí rất nhẹ và trong. Cảm giác sảng khoái và vui tươi ngay cả khi một ngày mới còn chưa bắt đầu.
Tuy nhiên, chỉ đến khi tham quan đỉnh núi lửa Seongsan Ilchulbong – di sản thế giới được UNESCO công nhận thì tôi mới cảm nhận rõ nét sự mạnh mẽ của gió Jeju. “Seongsan” trong tiếng Hàn có nghĩa là “núi pháo đài” là một bán đảo hình nón nằm bên rìa phía đông của đảo Jeju, hình thành từ vụ phun trào của núi lửa cách đây 5.000 năm. Nhìn từ xa, Seongsan Ilchulbong giống như một chiếc vương miện vĩ đại của thiên nhiên.
Bản thân Seongsan có thể không phải là một ngọn núi đáng chú ý lắm khi chỉ cao có 99m nhưng địa hình tuyệt đẹp với một mặt là vách đá thẳng đứng nhìn thẳng ra biển khơi xanh thẳm còn một bên là thảm cỏ xanh mát trải dài, nơi sẽ là cánh đồng hoa vàng ngút mắt vào mùa xuân khiến bán đảo này là điểm tham quan chính của Jeju. Seongsan Ilchulbong là nơi ngắm bình minh đẹp nhất ở Jeju nên còn được gọi là đỉnh Bình Minh hay đỉnh Mặt Trời (Sunrise peak). Cảnh tượng huyền ảo khi mặt trời như một quả cầu lửa nhô lên từ miệng núi hình lòng chảo trong khi bầu trời phương Đông nhuộm đỏ đủ khiến du khách nhớ về Jeju mãi mãi.
Đường lên đỉnh Mặt Trời men theo vách đá nhìn xuống biển có vô số những tảng đá hình thù lạ lùng trong khi đường đi xuống lại là một cầu thang gỗ tinh tế thanh nhã như trong phim cổ trang. Chỉ đến khoảng lưng chừng núi là bạn đã có thể chiêm ngưỡng toàn bộ đảo Jeju. Từ đỉnh Mặt Trời nhìn xuống mới hình dung được Jeju là hòn đảo của núi lửa. Những đỉnh núi lửa há miệng làm tôi liên tưởng đến những con bào ngư – một đặc sản “ngon lành” của Jeju. Trên đỉnh núi Pháo Đài là một… pháo đài.
Với địa thế quan sát được toàn bộ bờ biển phía Đông, ngọn núi này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc canh giữ Jeju. Nằm giữa biển cả mênh mông, Seongsan hứng toàn bộ gió từ biển ùa về. Không rõ có phải do địa hình núi lửa mà gió Jeju lại mạnh mẽ như vậy, hơn hẳn các đảo biển khác. Những cơn gió bạt cả người khiến bước chân du khách lên xuống núi như xiêu vẹo nhưng chính bầu không khí lồng lộng ấy đã khiến cho du khách đến Jeju và núi Pháo Đài nói riêng như lây cảm giác hân hoan của đất trời. Từ đỉnh núi, ngắm Jeju trong một buổi trưa lộng gió, tôi thấy cuộc đời thật tươi sáng và phóng khoáng, những lo âu trong cuộc sống thường nhật “bỗng dưng trở thành… chuyện nhỏ”.
Đặc sản thứ hai đem lại nhiều cảnh quan độc đáo, phát triển du lịch cho Jeju là đá. Jeju được hình thành từ những đợt phun trào núi lửa từ hai triệu năm về trước cho nên cấu tạo địa chất của đảo chủ yếu là nham thạch. Trên đảo, đâu đâu cũng thấy đá đen. Đá nằm khắp nơi hai bên đường, đá dọc bờ biển, đá được dùng làm hàng rào bao quanh những ngôi nhà xinh xắn hay những vườn quýt trĩu quả, đá dùng để tạc tượng Tổ Phụ trấn giữ trước nhà.
Rất ít bãi biển bao bọc Jeju có bờ cát, thay vào đó là những vách đá cao hàng trăm mét, từng con sóng bạc đầu hung hăng tiến vào đất liền liền bị bức tường hùng vĩ này chắn lại khiến sóng bị đánh tung lên cao kèm theo những âm thanh vang động thể hiện sự tức giận của biển khơi. Cảnh tượng khiến con người vừa sợ hãi vừa say mê. Sóng nước tưởng như mềm mại lại như những lưỡi dao điêu khắc bức tường đá bao bọc bờ biển thành những hình thù độc đáo như đá đầu rồng (Yongduam Rock), cột đá cô đơn Oeldolgae cao 20m đứng một mình giữa biển và lạ lùng hơn là tổ hợp những cột trụ đá 4 cạnh hay 6 cạnh thẳng tấp cao hơn trăm mét đứng chụm vào nhau ở Jusangjeolli Cliff, thoạt nhìn như có bàn tay con người tác động.
Thán phục cuộc chiến giữa sóng biển và đá Jeju một thì tôi lại thán phục những người nữ thợ lặn Jeju- điều mạnh mẽ thứ ba của hòn đảo này bội phần. Nhìn những ngọn sóng bạc đầu và những xoáy nước hun hút ngay gần bờ, thật khó tưởng tượng có những người phụ nữ lại từ đó đưa thuyền ra biển khơi. Vào thế kỷ XIX, đàn ông làm nghề lặn biển đánh bắt hải sản ở Jeju sẽ bị đánh thuế nặng trong khi phụ nữ làm nghề này được miễn thuế. Từ đó, phụ nữ trở thành lao động chính trong các gia đình còn đàn ông chịu trách nhiệm đi chợ và chăm sóc con. Sự hoán đổi vai trò trong gia đình dẫn đến Jeju là nơi duy nhất ở Hàn Quốc theo chế độ mẫu hệ. Những nữ thợ lặn Jeju gọi mình là “haenyo” (hải nữ – người con gái của biển). Các hải nữ không sử dụng bình oxy vì sức nặng của bình sẽ làm họ khó thao tác dưới đáy biển. Bộ đồ lặn màu đen và kính bơi là tất cả những gì họ cần. Làm việc trong một môi trường vất vả kham khổ, mang trong mình một sức sống bền bỉ và một tinh thần mạnh mẽ, những nữ thợ lặn được coi như biểu tượng của đảo Jeju.
Tuy nhiên, truyền thống này đang dần mai một khi con gái của các hải nữ thường không theo nghề của mẹ. Ngày nay, chỉ còn khoảng 5.000 hải nữ theo nghề và nhiều người trong số họ đã hơn 60 tuổi. Khách du lịch đến Jeju một phần vì yêu mến và muốn gặp gỡ các hải nữ. Hàng ngày, dù thời tiết xấu, các du khách đều tụ tâp ở bãi biển Jungmun hay ghềnh đá dưới chân núi Seongsan để tận mắt xem các nữ thợ lặn ra khơi hay trở về từ biển với thành quả lao động của mình.
Thiên nhiên đa sắc
Jeju được mệnh danh là thiên đường tình yêu, thiên đường trăng mật nhưng khi đến đây tôi nhận ra có lẽ mọi người đều có thể tìm thấy cảnh quan mà mình yêu thích ở Jeju. Thiên nhiên đã quá ưu đãi hòn đảo này khi cho Jeju mọi thứ: biển, rừng, thác, động thạch nhũ và cả núi lửa. Với dân mê thể thao, thích phiêu lưu khám phá thì núi lửa Hallasan của Jeju là mục tiêu đáng để chinh phục. Hallasan là ngọn núi cao nhất Hàn Quốc, từng được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của UNESCO nhờ có sự đa dạng sinh học với hơn 1.800 loài cây và hàng ngàn loài động vật. Hàng năm, khi hoa đỗ quyên mùa xuân nở khắp chân núi như một tấm chăn hồng rực cũng là lúc báo hiệu mùa leo núi (trekking) bắt đầu. Có bảy đường lên đỉnh Hallasan (6-8km) từ mức độ dễ đến khó để dân mê leo núi thử sức mình, mỗi con đường lại dẫn dắt người đi qua những cảnh sắc khác nhau khiến quãng đường dường như ngắn lại. Ngoài ra, Jeju còn có hệ thống động thạch nhũ (tube cave) độc đáo và những thác nước thơ mộng nhưng với quỹ thời gian ở Jeju khá eo hẹp, tôi đành bấm bụng bỏ qua với triết lý AQ kiểu “không thạch động nào đẹp hơn Phong Nha và không thác nước nào hùng vĩ như Bản Giốc” nhưng vẫn âm thầm… lên kế hoạch quay trở lại Jeju.
Dân Jeju làm du lịch
Không chỉ trông chờ vào sự ưu đãi của thiên nhiên, người dân Jeju và Chính phủ Hàn Quốc đã luôn đầu tư xây dựng cho Jeju những điểm vui chơi mới lạ, thay đổi hàng năm để thu hút khách du lịch quay trở lại. Độc đáo nhất có lẽ là các Love Land (vườn tình yêu) với những tranh, tượng điêu khắc mô tả các tư thế phòng the táo bạo. Có lẽ đây là một trong những điểm thu hút nhiều đôi uyên ương đến Jeju. Ngoài ra, Jeju còn có các bảo tàng theo chủ đề rất thú vị phù hợp với các bạn trẻ hay gia đình có con nhỏ như bảo tàng gấu Teddy, bảo tàng chocolate, công viên tranh 3D, Hải dương học (Pacific Land). Đối với những người thích tìm hiểu lịch sử văn hóa Hàn Quốc, đã có những làng bảo tồn văn hóa dân gian như làng Seongup, tái hiện hình ảnh ngôi làng nông thôn Hàn Quốc dưới triều đại Joseon với thuyền chài, những ngôi nhà đá lợp tranh tròn tròn xinh xinh như cây nấm khổng lồ trong truyện cổ tích, các phiên chợ quê, cảnh sinh hoạt thường nhật của người dân thuở xưa, những nghi lễ cưới xin, học hành… và đặc biệt, trong làng vẫn còn người dân sinh sống và làm nghề truyền thống, du khách có thể gặp gỡ và trò chuyện để hiểu thêm về văn hóa dân gian độc đáo của người Hàn Quốc.
Đến Jeju tôi đã trả lời được câu hỏi “Tại sao lại là Jeju? Tại sao hòn đảo này luôn là điểm đến hàng đầu châu Á và khách du lịch luôn muốn quay lại Jeju?”. Câu trả lời không chỉ nằm trong vẻ đẹp, hay sự phát triển các dịch vụ du lịch mà ở bầu không khí thanh bình, hồn hậu trong cuộc sống nơi đây. Ba cái không bao giờ ở Jeju là nhà không có cổng rào, không có trộm cướp và không có người ăn xin. Quả thật đi khắp Jeju tôi chưa từng bắt gặp ngôi nhà nào có tường cao quá hông người, kể cả những vườn quýt, vườn hồng lúc lỉu quả. Người dân sống trong sự tự trọng và tôn trọng lẫn nhau. Người dân Jeju thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ khách du lịch dù không giỏi tiếng Anh. Ấn tượng đầu tiên tốt đẹp của tôi về Jeju đến từ những cư dân hết sức bình thường. Một người đàn ông khi được tôi hỏi đường về khách sạn dù không biết tiếng Anh nhưng anh đã làm mọi cách: tra Google, GPRS, hỏi hàng xóm để giúp tôi và cuối cùng là gọi một chiếc taxi để chở cả nhóm tôi về khách sạn. Đến nơi, khi trả tiền, tôi mới biết anh đã thanh toán tiền cho taxi trước đó. Một cử chỉ đẹp dù nhỏ của người đàn ông tôi không biết tên và sự chân thật của anh lái taxi còn hơn ngàn khẩu hiệu “mỗi người dân là một đại sứ du lịch” và là lý do để người khách khi đến đây luôn có cảm giác nơi đây là nhà, là bạn và còn muốn quay lại Jeju.
Jeju miễn visa cho khách du lịch. Du khách nếu chỉ bay đến và đi từ Jeju thì không cần phải xin visa Hàn Quốc. Vietnam airlines thường có khuyến mãi mùa thu đi Hàn Quốc (tháng 9 – tháng 12 hàng năm) với giá vé khứ hồi khoảng 7.000.000VND (đã bao gồm thuế, phí) hoặc bay cùng Cebu pacific air hay air asia với giá vé rẻ hơn, từ 5.000.000VND/khứ hồi nhưng phải transit ở Manila hoặc Malaysia. Từ Seoul có các hãng hàng không giá rẻ đi Jeju như Jeju air, Busan air, eastarjet với giá vé khứ hồi từ 3.000.000VND. Đảo Jeju bao gồm hai thành phố lớn: Jejudo ở phía Bắc đảo và Seowipo ở Nam đảo. để thuận tiện cho việc đi lại, tham quan, bạn nên chia số đêm nghỉ (khách sạn) cho hai thành phố này. Các điểm tham quan gần Jejudo là Seongsan ilchulbong, Con đường Ma Quái, động thạch nhũ còn phía nam là các bờ biển, vịnh, ghềnh đá, làng văn hóa. Thành phố có hệ thống xe buýt khá phát triển đến được hầu hết các điểm du lịch. Khách sạn Jeju có đủ loại từ motel đến resort 5 sao, giá từ 500.000VND/đêm/phòng. Đến Jeju, bạn đừng quên thưởng thức các món kim chi hải sản ngon, lạ như: kim chi hàu, kim chi ghẹ, kim chi bào ngư. |
Phụ Nữ Ngày Nay