Đằng sau những hành trình xê dịch ngút ngàn cùng những sản phẩm thu hút triệu lượt xem là công sức và sự hy sinh mà người làm công việc travel blogger phải đối mặt.
- Nhiều blogger thế giới check in bãi biển ít người biết ở Phú Quốc
- Đến Kyoto, nhất định phải thử qua 8 trải nghiệm này
Phá vỡ sự chật chội của bốn bức tường ngột ngạt và tù túng của chốn văn phòng để xách ba-lô lên và xê dịch là điều mà không ít người trẻ khao khát. Vì lẽ đó “travel blogger”đang dần trở thành khái niệm được người trẻ Việt quan tâm. Nhiều người vẫn đùa nhau rằng, “travel blogger” là một nghề vô cùng sung sướng; bởi lẽ, người làm nghề này không những được đều đặn hàng ngày rong chơi trên những cung đường, tham quan và khám phá thắng cảnh của nhiều vùng đất mà còn “hái” ra tiền, khác hẳn so với việc những người bình thường khác phải trích hầu bao để được đi đây, đi đó.
(Ảnh: himmelblau_und_abendrot)
Thế nhưng, phàm ở đời việc gì cũng có hai mặt của nó, nghề nào cũng có riêng cho mình những góc khuất cũng như những điều thầm kín mà chỉ người trong cuộc mới tường tận và thấu đáo. Đằng sau những bức ảnh “xịn xò” triệu lượt thích cùng với những chiếc video đẹp mắt thu hút triệu lượt xem là những nỗi niềm, những câu chuyện hàm chứa mà người xem chưa chắc hiểu rõ. Liệu cuộc sống của các “travel blogger” có như mây, như mộng và vui sướng như mọi người vẫn nghĩ? Dưới đây là một số vấn đề khó nói của những con người ngày ngày kiếm tiền bằng việc xê dịch:
Không có thu nhập ổn định
Bất cứ công việc nào cũng có giai đoạn người làm nghề chập chững tiếp cận. Hơn ai hết, những “travel blogger” hiểu rõ thực tế tồn tại rằng họ sẽ khó có thể kiếm được nhiều tiền trong quãng thời gian đầu. Bởi có một nguyên tắc tương đối dễ hiểu, chẳng nhãn hàng hay nhà tài trợ nào “mặn mà” với những con người chưa có “tên tuổi” vì rõ ràng hiệu quả truyền thông mang lại là không cao, nếu không muốn nói là không có. Do đó, việc tạo dựng được tiếng tăm và thương hiệu cá nhân là việc mà các “travel blogger” mới vào nghề cần tập trung.
Ngay cả các “travel blogger” kỳ cựu cũng phải thừa nhận một thực tế rằng mình có thể kiếm được kha khá trong hôm nay nhưng vẫn có thể “rỗng túi” vào ngày mai. Bởi lẽ, công việc này vốn lắm cạnh tranh, nếu không duy trì được độ phủ cũng như bản sắc cá nhân, bạn có thể bị quên đi một cách nhanh chóng.
Làm việc 24 giờ mỗi ngày là chuyện bình thường
Đừng nghĩ rằng bạn phải vùi đầu 10 giờ một ngày nơi bốn bức tường chật hẹp của văn phòng là điều kinh khủng. Ít ra bạn vẫn còn khối thời gian để nghỉ ngơi và các hoạt động khác. Còn với một “travel blogger” thì lại khác, bởi việc tự mình vận hành một trang blog về du lịch chẳng phải việc dễ dàng. Trên thực tế, các “travel blogger” còn phải làm nhiều công việc hơn thế, đơn cử như: trả lời email mỗi ngày, đàm phán với các nhãn hàng để ký kết hợp đồng quảng cáo, chỉnh sửa ảnh và video, đồng thời liên tục tương tác với fan và các blogger khác.
(Ảnh: kray_ventures)
Không được cảm nhận mọi thứ một cách chỉn chu và hoàn hảo
Khi bạn tự bỏ tiền ra để tận hưởng một chuyến đi, bạn có quyền làm bất cứ thứ gì tùy theo sở thích của bản thân mình. Tuy nhiên, một “travel blogger” thì khác, xung quanh họ lúc nào cũng lỉnh kỉnh đồ nghề, bao gồm máy ảnh, máy quay phim… Và cũng vì thế mà mọi thứ họ cảm nhận được, lúc nào cũng thông qua ống kính chứ chẳng chân thật và mộc mạc như cách chúng ta có thể tự do làm.
(Ảnh: sahra_cibrian)
“Lừa tình”, “Ảo diệu”
Bên cạnh việc khám phá những miền đất mới, những văn hóa lạ thì phần lớn sản phẩm của các “travel blogger” vẫn cần hướng đến công chúng. Và tất nhiên, để có thể thu hút được sự chú ý của đông đảo người xem; trong nhiều trường hợp, các “travel blogger” phải “bấm bụng” để khiến mọi thứ lung linh hơn so với bản chất chúng vốn như thế.
(Ảnh: emanueledimola)
Khó cân bằng cuộc sống
Như đã đề cập, việc bạn phải chôn chân 10 giờ đồng hồ mỗi ngày trong bốn bức tường chật hẹp chốn công sở chưa hẳn là một điều gì đó quá đáng sợ so với lịch trình dày đặc của các “travel blogger”. Việc cứ mãi rong ruổi trên những cung đường khám phá khiến các “travel blogger” không còn đủ quỹ thời gian để dành cho gia đình và những người thân yêu. Bên cạnh đó, sau những chuyến đi, có rất nhiều sản phẩm thô cóp nhặt được đang chờ xử lý để có thể hoàn thiện và đưa đến với công chúng.
(Ảnh: johnmeed94)
Nguy cơ “Ế” rất cao
Như đã đề cập ở trên, quỹ thời gian của các “travel blogger” là vô cùng hạn hẹp; do đó, thời gian dành cho gia đình đã khó, lấy đâu thời gian để tìm hiểu và yêu đương. Còn đối với những “travel blogger” đã có nửa kia của mình thì việc cứ “biệt tăm biệt tích” lâu ngày cũng khiến mối quan hệ dễ gặp trục trặc.
(Ảnh: anne_roseee)
Còn lại gì sau những chuyến đi
Tâm thế của người đi đóng một vai trò rất quan trọng trong những chuyến xê dịch. Với tâm thế khám phá và tận hưởng, bạn có thể dành hết 100% công sức và năng lượng cho việc tập trung tìm hiểu và tận hưởng. Nhưng với “travel blogger” thì khác, những chuyến đi của họ nhiều phần là vì công việc. Do đó, mang tiếng là đi nhiều, đi xa nhưng xét về thực chất, ký ức cũng như những thứ còn đọng lại trong tim của một “travel blogger” sau những chuyến đi có thể sẽ vô cùng mờ nhạt.
Theo Helino