Những nguy hiểm cần tránh khi du lịch Malaysia

Malaysia là một đất nước thú vị nhưng bạn cần biết những nguy hiểm cần tránh ở đất nước đa sắc tộc này.

Du lịch Malaysia vẫn còn tồn tại nhiều điều nguy hiểm mà du khách cần lưu ý. Đây là những kinh nghiệm có thể áp dụng ở Malaysia hay bất kì nước nào khác, nó sẽ giúp bạn an toàn hơn và tránh được những rắc rối.

Tỉnh táo khi di chuyển bằng taxi

Có rất nhiều phương tiện di chuyển tại Malaysia nhưng taxi vẫn là phương tiện di chuyển tiện dụng nhất, đặc biệt là tại thủ đô Kuala Lumpur. Tuy nhiên, ở Malaysia, taxi được xem như một phương tiện đi lại nguy hiểm nếu như bạn không chịu tìm hiểu kỹ.

Những người đã thông thuộc các chuyến du lịch tại Malaysia cũng chia sẻ kinh nghiệm nên chọn các tài xế lớn tuổi người Hoa, biết chút ít tiếng Anh. Không nên đi xe của cánh tài xế gốc Ấn hoặc những lái xe có biểu hiện chèo kéo bạn.

Taxi Malaysia khá phức tạp nên bạn cần cẩn thận khi chọn tài xế. Ảnh Huy Bân.
Taxi Malaysia khá phức tạp nên bạn cần cẩn thận khi chọn tài xế. Ảnh Huy Bân.

 

Đặc biệt, nếu đi theo nhóm có trả giá trước cho khoảng cách di chuyển. Chẳng hạn, bạn biết được với khoảng cách đó là bao nhiêu tiền thì nói địa điểm và ra giá cụ thể với tài xế. Và không nên quên khẳng định đó là giá tiền cho cả nhóm vì một số kẻ lừa đảo sẽ “lý luận” số tiền đó chỉ dành cho một người mà thôi. Trường hợp, không giải quyết được, bạn phải gọi cho cảnh sát đến giải quyết ngay lập tức.

Từ chối sự giúp đỡ bất ngờ

Ở bất cứ địa điểm du lịch nào, khi bạn tự dưng được người khác yêu cầu giúp đỡ thì nên cần đề phòng. Trường hợp của chị Tuyết Hồng, nhân viên văn phòng ở Quận 7 chia sẻ kinh nghiệm: “Trong một lần đi thăm đền thờ hồi giáo ở Malaysia thì được một người phụ nữ có cho tôi mượn trang phục.

Khi được hỏi có tính tiền không thì chị này bảo miễn phí. Nhưng khi tham quan xong, chị ta đòi tiền đèn, hoa, nhang,… với giá gần 75 RM (tương đương 487.000 đồng). Biết là mình bị lừa nhưng đành phải chấp nhận trả tiền cho êm chuyện”.

Từ chối sự giúp đỡ nhiệt tình đến bất ngờ ngay cả khi bạn không nhờ giúp đỡ. Ảnh Huy Bân.
Từ chối sự giúp đỡ nhiệt tình đến bất ngờ ngay cả khi bạn không nhờ giúp đỡ. Ảnh Huy Bân.

 

Sự giúp đỡ bất ngờ từ người hoàn toàn xa lạ cần cân nhắc thật kỹ lưỡng, nhất là với cánh tài xế. Thông thường, tài xế sẽ đưa ra giá di chuyển rất rẻ, bù lại bạn phải đến tham quan chỗ họ yêu cầu. Đơn giản vì họ đã móc nối với chủ cửa hàng để chia hoa hồng khi bạn mua hàng nhưng để tránh phiền phức thì cách tốt nhất là không nên chọn, nhằm hạn chế rắc rối không cần thiết.

Khi xảy ra chuyện cần bình tĩnh

Cảnh sát ở Malaysia không túc trực thường xuyên, do đó cần lưu ý khi có cảnh sát đột nhiên yêu cầu kiểm tra tiền hay giấy tờ của bạn. Cách tốt nhất là nên yêu cầu đưa về đồn giải quyết để biết cảnh sát thật hay giả. Nếu đi một mình, bắt gặp cảnh sát không mặc đồng phục bạn phải tìm cách thoái thác hoặc nhờ người dân địa phương trợ giúp xác nhận. Đặc biệt, luôn mang theo số điện thoại khách sạn nơi bạn ở. Vì đó cũng là nơi có thể xin ý kiến đáng tin cậy trong những vụ việc xảy ra bất chợt.

Ở Malaysia có tình trạng xuất hiện cảnh sát giả mạo nên khi du lịch cần cảnh giác. Ảnh minh họa: nguồn images.says.
Ở Malaysia có tình trạng xuất hiện cảnh sát giả mạo nên khi du lịch cần cảnh giác. Ảnh minh họa: nguồn images.says.

 

Anh Minh Huấn trong một chuyến công tác ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Đang đi bộ trên đường cùng một người bạn thì thấy có xe hơi dừng ngay trước mặt (đoạn đường rất vắng vẻ). Bước xuống xe là hai người gốc Ấn trong trang phục cảnh sát Malaysia, yêu cầu anh cho kiểm tra giấy tờ tùy thân. Do cũng biết đôi chút tiếng Anh và cũng có kinh nghiệm du lịch nên anh nói passport đang để ở khách sạn. Hai viên “cảnh sát” này tiếp tục yêu cầu anh cho xem ví tiền để kiểm tra.

Rất bình tĩnh anh yêu cầu nhóm người này chở về trụ sở và không quên nhấc điện thoại nói lớn là gọi số khẩn cấp của cảnh sát để xác nhận. Lúc đó, hai “cảnh sát” viên liền bảo không cần kiểm tra nữa rồi lên xe đi thẳng. Một số người nếu đưa ví sẽ bị nhóm lừa đảo này lấy giấy tờ hoặc tráo tiền.

Nữ không nên đi quá khuya một mình

Malaysia là một xã hội đa tôn giáo và Đạo Hồi là tôn giáo chính thức của Malaysia. Theo cuộc điều tra dân số gần đây, xấp xỉ 60.4% dân số theo Đạo Hồi; 19.2% theo Phật giáo; 9.1% theo Ki-tô giáo và 6.3% theo Hindu giáo; 5% còn lại được tính vào các đức tin khác.

Tình trạng đa văn hóa này cũng gây không ít khó khăn khi quản lý. Chính vì thế, tỷ lệ phạm tội ở Malaysia khá cao, nhất là án hiếp dâm và cướp giật. Một người Việt lấy chồng tại đây và sinh sống hơn 7 năm cho biết: “Không nên đi quá khuya vào ban đêm, nhất là phụ nữ.

Phụ nữ không nên đi một mình quá khuya, nhất là chỗ vắng vẻ ở Malaysia. Ảnh infonet.
Phụ nữ không nên đi một mình quá khuya, nhất là chỗ vắng vẻ ở Malaysia. Ảnh infonet.

 

Nếu có việc gấp thì phải có đàn ông đi kèm”. Chị cũng chia sẻ: “Khi đi khuya mà phải sử dụng taxi thì nữ giới cũng nên nhờ người đi cùng, tránh đi một mình. Đồng thời nên chú ý thái độ của tài xế, nhất là trong các cuộc điện thoại anh ta nhận hoặc gọi đến. Còn tình trạng cưới giật ở Malaysia cũng tương tự như ở Sài Gòn nhưng đa phần bọn cướp ở đây nhắm vào ví, túi xách nhiều hơn là điện thoại, máy tính bảng,…”

Theo Huy Bân (traveltimes.vn)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN