Người Sài Gòn cuối tuần rong chơi trong đầm cá sấu, tràm chim ở rừng Vàm Sát

Ở TP.HCM có gì rong chơi cuối tuần ngoài sở thú, Suối Tiên, Đầm Sen? Đây là câu hỏi khá khó cho nhiều người. Vàm sát là lựa chọn khá hay.

Cò bợ hay còn gọi là cò ma, cò cói ở rừng Vàm Sát_Ảnh: ĐỘC LẬP
Cò bợ hay còn gọi là cò ma, cò cói ở rừng Vàm Sát_Ảnh: ĐỘC LẬP

Đạp xe xem chim kiếm ăn đầu ngày

Hẹn 2 mùa hè nhưng chúng tôi vẫn chưa đến được rừng sinh thái Vàm Sát ở Cần Giờ, TP.HCM. Cứ hẹn đi nhưng trời lại mưa. Trời mưa thì chim cò đi núp hết nên không có cơ hội ngắm. Nhân cuối tuần giữa tháng 7, trời nắng, chúng tôi đánh liều xuống Vàm Sát.
6 giờ sáng, ở Vàm Sát không có gì ngoài chim chóc, ở khu Tràm Chim thì đàn chim thức giấc đi kiếm ăn cũng rộn rã như chúng về ngủ. Còn ở quanh các cây sộp thì loài dơi nghệ mất hút, thay vào đó là đàn chim chích chòe, chim bắt sâu… cũng tề tựu. Chúng tôi bắt đầu tận hưởng âm thanh của các loài chim.

Buổi sáng, có thể đạp xe ở khu Vàm Sát và ngắm những đàn chim đi kiếm ăn_ ẢNH: ĐỘC LẬP
Buổi sáng, có thể đạp xe ở khu Vàm Sát và ngắm những đàn chim đi kiếm ăn_ ẢNH: ĐỘC LẬP
Chim gõ kiến săn mồi đầu ngày_ ẢNH: ĐỘC LẬP
Chim gõ kiến săn mồi đầu ngày_ ẢNH: ĐỘC LẬP
Mượn chiếc xe đạp, chúng tôi bắt đầu rảo quanh một đoạn rừng sát và bắt gặp chim bói cá trên cành cây đước ven đường đang “rình mò” con mồi.
Trên chiếc xe đạp chinh phục rừng sát, chúng tôi bắt gặp những chú khỉ hoang, loài khỉ đuôi dài. Chúng rất dạn dĩ và thoải mái… tạo hình trước ống kính. Người dẫn đường cho biết rằng đàn khỉ hoang này có khoảng 40 con.

Ảnh: ĐỘC LẬP
Ảnh: ĐỘC LẬP
Đàn khỉ hoang tập trung nhiều nhất xung quanh Đầm Sấu _ ẢNH: ĐỘC LẬP
Đàn khỉ hoang tập trung nhiều nhất xung quanh Đầm Sấu _ ẢNH: ĐỘC LẬP

Đầm Sấu cũng có khoảng 40 con trưởng thành sinh sống. Chúng được cách ly, rào chắn kỹ lưỡng. Tại Đầm Sấu, chúng tôi quan sát được trứng cá sấu, trại ấp trứng và những cá sấu con. Một trải nghiệm không thể tuyệt vời hơn.

Ảnh ĐỘC LẬP
Ảnh ĐỘC LẬP
Sông Lò Rèn_ẢNH: ĐỘC LẬP
Sông Lò Rèn_ẢNH: ĐỘC LẬP
Những con cá sấu con ở Đầm sấu_Ảnh: ĐỘC LẬP
Những con cá sấu con ở Đầm sấu_Ảnh: ĐỘC LẬP

Chiều muộn khám phá Tràm Chim, Đầm Dơi

Trong cái nắng vàng vọt sắp hoàng hôn lúc 17 giờ 30 phút, mảng xanh rừng sát biến thành mảng rừng vàng bạt ngàn. Đứng trên đài quan sát ở độ cao 25 mét nhìn xuống cứ ngỡ như đang lạc vào khu rừng chớm thu nào đó ở châu Âu hay châu Mỹ, đẹp mê người.

Hoàng hôn buông trên rừng sát_ẢNH: DUY TÍNH
Hoàng hôn buông trên rừng sát_ẢNH: DUY TÍNH

Ngắm hoàng hôn chán, chúng tôi di chuyển tiếp 300 mét và leo lên trạm quan sát cao 15 mét. Từng luồng sáng xuyên qua mây như những ánh hào quang xuyên xuống đầu rừng cây đước. Trong cái gió hiu hiu, lạnh lạnh tắt nắng của rừng, từng chụm trắng trên các ngọn cây xa xa lúc im lìm, rồi lô nhô, rồi nhốn nhào, rồi bỗng nghe âm thanh “quạc quạc”. Hàng ngàn, hàng ngàn con cò trắng, cò đen, về rừng ngủ.

Từng đàn cò tìm về tổ - ẢNH: ĐỘC LẬP
Từng đàn cò tìm về tổ _ẢNH: ĐỘC LẬP

Năm nay trời ít mưa, đàn chim về khu Tràm Chim cũng ít và ở xa trạm quan sát hơn. Dù mang ống kính zoom 600 mm nhưng chúng tôi cũng chỉ chụp cận cảnh đàn chim ở mức độ vừa phải. Người dẫn đường cho biết, đàm chim trong rừng sinh thái Vàm Sát thường xuất hiện vào đầu mưa, tầm từ tháng 6 – 12 dương lịch (tháng 4 đến 10 âm lịch). Sở dĩ thời gian này chúng về vì nơi đây phù hợp để làm tổ, kiếm ăn với đầy cá tôm.

Về sớm và nhiều nhất vẫn là cò trắng, nhưng chúng cũng đi rất sớm khi bầy chim con đã trưởng thành. Ngoài cò trắng thì nhiều thứ 2 ở đây là cò xám, cò đen, tiếp đến là còng cọc.
Về muộn nhất là loài điên điển. Chúng về vào cuối mưa – tháng 10 âm lịch. Đứng cả giờ trên trạm quan sát, chúng tôi thấy thấp thoáng một con điên điển sải cánh rộng cả mét lượn lờ xa xa và tấp vào một ngọn cây to.
Trời vào tối, khu Tràm Chim vang lên âm thanh giống như một bản giao hưởng.

Ảnh ĐỘC LẬP
Ảnh ĐỘC LẬP
Mặt trời đã lặn đằng Tây, chúng tôi được người dẫn đường đưa ra bến thuyền và dùng ca nô đưa qua khu Đầm Dơi cách đó 1km. Muốn vào khu này chỉ có cách đi thuyền hoặc ca nô. Ở đây, không có sóng điện thoại, không có điện lưới, rất phù hợp cho những ai muốn tạm xa thế giới mạng ồn ào. Vậy mà có người đã ở đây 13 năm.
Dưới con nước thấp, chị Trần Thị Hồng Thái – 13 năm ở đây chèo xuồng – đã đưa chúng tôi rảo một vòng quanh Đầm Dơi. Chị cho biết, loài dơi nghệ ban ngày rụt xuống “neo” ở giữa cây đước. Về đêm, dơi đã trèo lên ngọn. Qua ống kính, chúng tôi thấy từng “chùm” dơi treo lủng lẳng trên ngọn cây đước. Trời tối, ở khu sinh thái Vàm Sát, mọi hoạt động đều nhường chỗ cho loài dơi nghệ. Chúng tập trung kiếm ăn đông nhất quanh các cây sộp trĩu quả.

Loài dơi nghệ ban ngày rụt xuống “neo” ở giữa cây đước -_ẢNH: ĐỘC LẬP
Loài dơi nghệ ban ngày rụt xuống “neo” ở giữa cây đước -_ẢNH: ĐỘC LẬP

Dưới con nước thấp lè tè, từng chỏm bùn và rong rêu nổi lên, con chim So đũa lông trắng – cánh đen với đôi chân hồng dài thườn thượt đã không thèm quan tâm đến con thuyền lướt qua, nó vẫn say sưa rình mồi.  Chị Hồng Thái nói hiện ở Vàm Sát mới có 1 cặp về, mọi khi có 1 đàn 5 – 6 con. Đây được xem là loài quý hiếm ít gặp ngoài thiên nhiên.

Chim So đũa chăm chú kiếm ăn_ẢNH: ĐỘC LẬP
Chim So đũa chăm chú kiếm ăn_ẢNH: ĐỘC LẬP
Nhiều người cũng tìm đến Vàm Sát để trải nghiệm, mỗi người thích một kiểu, người câu cá, người nghỉ ngơi, người xem cảnh vật, nhưng có thể sẽ khó có thể biết hết được Vàm Sát nhiều thú vị trong 1 ngày ngắn ngủi.
Chúng tôi đã đến đây và Vàm Sát thật đẹp, ấn tượng theo cảm nhận riêng của mình.

Đến Vàm sát như thế nào?

Khu sinh thái Vàm Sát ở xã Lý Nhơn, H.Cần Giờ, TP.HCM, cách bến phà Bình Khánh khoảng 40 km. Khu sinh thái Vàm Sát nằm trong Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Riêng khu Vàm Sát rộng chừng 1.500 ha, trong đó có khu Tràm Chim, Đầm Dơi, Đầm Sấu… Nếu đi từ trung tâm TP.HCM, qua Phà Bình Khánh chừng 12 km sẽ đến ngã 3 Lý Nhơn, tiếp tục quẹo phải rồi đi hơn 20 km nữa là tới.

Theo thanhnien.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN