Dù không phải là lần đầu tiên đặt chân tới xứ sở anh đào, song với tôi, lần nào cũng vậy, Nhật Bản như một mê cung huyền bí, mới mẻ. Trong chuyến đi gần nhất, tôi hoàn toàn bị quyến rũ bởi những chiếc bánh xinh xắn dịu dàng mà đầy mê hoặc, để nếu chọn cái tên đáng nhớ nhất của chuyến đi, tôi sẽ gọi Mochi!
Cũng giống như bao du khách từng tới Nhật Bản, tôi đã lập tức bị hớp hồn bởi cảnh quan thơ mộng, trữ tình đẹp như tranh. Không xao xuyến sao được trước sự kỳ vĩ của núi tuyết Phú Sĩ, nét mong manh, dịu dàng của những cánh anh đào trước gió, sức hấp dẫn lạ kỳ đằng sau những câu chuyện về nền văn hóa ngàn năm lịch sử… Và với tôi, Nhật Bản còn là nơi để người ta phải “ nghiêng mình ngả mũ” trước nền ẩm thực tinh tế bậc nhất.
Ẩm thực Nhật Bản nổi tiếng trên toàn thế giới là điều không phải bàn cãi, nhưng hơn hết những món ăn ấy thể hiện rõ nét tinh hoa văn hóa của một quốc gia. Tôi có thể khám phá Nhật Bản qua những món ăn và cho phép tất thảy các giác quan của mình được thăng hoa cùng thiên đường ẩm thực của đất nước này.
Mỗi một món ăn bày ra trước mắt đều cho thấy sự cầu kỳ trong cách chế biến và bày trí. Điều thú vị là món Nhật rất thanh tao, nhẹ nhàng nhưng khó quên. Ngoài những cái tên đặc trưng làm nên thương hiệu đất nước mặt trời mọc như sushi, shasimi, shabu – shabu… tươi ngon, đẹp mắt hay các loại mì nức tiếng như U-don, Ramen, Soba… thì Nhật Bản còn là xứ sở của các loại bánh ngọt. Chính sức hấp dẫn không thể chối từ này đã thôi thúc tôi quyết định theo dấu những món ăn để tìm đến giá trị văn hóa đầy lý thú đằng sau. Mochi – tên loại bánh truyền thống của Nhật Bản đã trở thành chiếc la bàn đắc lực cho hành trình khám phá của tôi.
Lựa chọn một không gian tĩnh lặng, nhâm nhi tách trà matcha đậm vị, thưởng thức các loại Mochi và lắng nghe những câu chuyện về giá trị văn hóa gắn kết với chúng đã quá đủ để gọi là tận hưởng. Vậy nên nếu được đến với nguồn cội tạo nên từng loại mochi, chứng kiến cách người bản địa làm nên những món ngon ấy và trải nghiệm không gian hòa lẫn giữa các giá trị văn hóa quả là không gì thú vị hơn.
Vào thời đại Nara (710 – 748 sau công nguyên) người Nhật bắt đầu làm bánh Mochi. Ban đầu loại bánh này được làm bằng loại gạo đỏ giàu dinh dưỡng và chỉ được phục vụ trong hoàng tộc, quý tộc. Bánh này dùng trong các lễ hiến tế Thần linh. Lâu dần người Nhật quen thuộc với Mochi và những chiếc bánh xinh xắn trở thành món ăn truyền thống trong dịp chào đón năm mới, cũng như các lễ hội quan trọng.
Thưởng thức mochi với tôi là cũng là cách để thưởng thức hương vị truyền thống, đặc trưng Nhật Bản. Mochi hội tụ đầy đủ sự tinh túy, chắt lọc trí tuệ, tâm linh và cả sự khéo léo của con người nơi đây. Lần theo hương vị hàng chục loại Mochi khác nhau tôi cũng được biết thêm về địa danh, con người và đặc trưng văn hóa của nơi sản sinh ra loại bánh mochi đó.
Mặc dù hiện nay, công nghệ chế biến thực phẩm phát triển cho phép con người làm nên những chiếc mochi thơm ngon như mong muốn, song người dân Nhật Bản vẫn muốn tự tay làm mocha theo phương pháp truyền thống “Mochitsuki” để thể hiện lòng thành kính với các vị thần cũng như sợi dây kết nối tình thân và lưu giữ giá trị văn hóa.
Khá giống với quan điểm của người Việt chúng ta, người Nhật Bản cũng xem hạt gạo là tinh hoa của đất trời, là cội nguồn của cuộc sống. Bánh mochi cũng được làm từ những hạt gạo tinh khiết ấy. Nguyên liệu làm nên món bánh mochi cơ bản là loại nếp dẻo, thơm ngon và các loại nhân khác nhau.
Đầu tiên phải kể đến Daifku mochi.Tên chiếc bánh này với từ “Daifku” trong tiếng Nhật nghĩa là may mắn đã phần nào nói lên ý nghĩa của nó. Hầu như trên toàn nước Nhật chúng ta đều có thể tìm thấy Daifku mochi tại các cửa hàng bánh ngọt truyền thống. Loại Mochi này là được làm từ nguyên liệu cơ bản nhất là gạo nếp Mochi tròn nhỏ và nhân đậu đỏ xay nhuyễn hay một vài loại trái cây mà phổ biến nhất là dâu (Ichigo Daifuku).
Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng và thưởng thức chiếc Ichigo Daifuku tôi đã không nỡ đưa lên cắn bởi vẻ đẹp của nó. Rất đơn giản chỉ là chiếc bánh tròn nhỏ màu trắng nhưng nó như ẩn chứa cả một quá trình công phu, tỉ mỉ. Bất ngờ hơn khi bên trong sắc trắng tinh khiết ấy lại là gam màu đỏ rực rỡ của nhân dâu tây ngào đường. Tôi đã được một nghệ nhân bánh truyền thống của hiệu bánh Kameya Yoshinaga – Kyoto cho biết với người Nhật Ichigo Daifuku cũng chính là biểu tượng cho hình ảnh của nước Nhật, nó giống như lá cờ trắng có mặt trời đỏ bên trong. Người Nhật thưởng thức Daifku mochi bằng cách nướng chúng lên để chiếc bánh thêm phần mềm mại.
Đến Nhật Bản vào tháng 3 đến tháng 5, không chỉ cho tôi cơ hội được ngắm nhìn một trời anh đào nở rộ, hương thơm dịu nhẹ và những cánh hoa hồng phớt chao nghiêng trước gió. Niềm hưng phấn của tôi còn là khi được thưởng thức hương vị của những chiếc bánh Sakura Mochi. Như những cánh hoa anh đào mềm mại, loại mochi này làm say lòng người trước sự kết hợp độc đáo giữa gạo nếp và hoa anh đào muối. Sakura mochi thường được làm trong lễ hội hoa anh đào và thưởng thức trong suốt mùa xuân.
Mặc dù là loại bánh truyền thống song Sakura mochi có nhiều cách chế biến khác nhau tùy theo vùng miền. Đặc trưng nhất là loại bánh Sakura mochi ở vùng Kansai với hình tròn, nhân đậu đỏ và lá anh đào bọc bên ngoài, trong khi đó, bánh này ở vùng Kanto lại được tạo hình thành những miếng mỏng cuốn lại, bao bọc quanh nhân.
Khám phá một thời huy hoàng của thủ đô cũ Kyoto, đến với vùng Phía Tây Kansai và Okinawa tôi đã không bỏ qua cơ hội thưởng thức Warabi Mochi. Loại bánh trước đây chỉ dành cho quý tộc với hương thơm tinh tế, vị tươi mát đến lịm người. Đây là loại mochi được làm từ nguyên liệu không phải là gạo nếp mà lại là bột cây dương xỉ. Để có được thành phẩm hoàn hảo từ hình thức đến hương vị, người làm bánh đã phải thực hiện nhiều công đoạn vô cùng tỉ mỉ, công phu. Chiếc bánh này chính là thành quả của sự sáng tạo và am hiểu thiên nhiên của người Nhật. Tôi đã tìm thấy Warabi Mochi được bán trong các xe tải nhỏ giống như các loại xe bán kem ở phương tây.
Hai loại mochi khác được người Nhật làm trong kỳ nghỉ Phật giáo của Ohigan đó chính là Botamochi và Ohagi. Kỳ nghỉ Phật giáo này được tổ chức vào mùa thu và mùa xuân.Tới Nhật trong thời điểm này tôi cảm nhận được sự tôn kính của người dân xứ sở Phù Tang dành cho tổ tiên và thần linh. Bánh Botamochi được đặt tên theo bông hoa mẫu đơn của nước này và được dâng kính vào mùa xuân, còn Ohagi đặt tên theo cỏ ba lá Nhật và được sử dụng vào mùa thu.
Tôi đã rất bất ngờ vì thực ra về nguyên liệu, hai loại mochi này đều làm từ gạo nếp và nhân ngọt bao bọc bởi đậu đỏ hay đậu nành, song do thời điểm thưởng thức không giống nhau nên tên của chúng được đặt theo hai loại hoa sẽ nở vào mùa đó.
Một thức ăn tráng miệng khá phổ biến và cách thưởng thức gần giống với warabi mochi khi ăn kèm với bột kinado và xi-ro kuromitsu chính là Kuzumochi, một loại mocha được làm bằng tinh bột cây kuzu. Chiếc bánh dai dai, giòn giòn vô cùng kích thích vị giác. Loại mochi này được đánh giá lọt top 18 món ngon của hoàng gia Nhật.
Tôi đã lòng vòng ở khu vực Nara và Kyoto nhiều lần chỉ để thưởng thức thêm về Kusa Mochi, một loại bánh mà ở Việt Nam chúng ta thường gọi là “mochi cỏ xanh”. Chiếc bánh này có đặc trưng hương vị ngải cứu rất tốt cho sức khỏe. Tùy vào từng địa phương bánh có thể được tạo hình vuông hay tròn. Kusa Mochi là món ăn truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ tết.
Bản hòa tấu mochi của Nhật Bản vẫn chưa thể kết thúc với rất nhiều loại mochi độc đáo khác và không thể không nhắc tới Hishimochi. Chiếc bánh kim cương được dùng nhiều trong lễ hội Hinamatsuri – Lễ hộ dành cho các bé gái. Chiếc bánh với 3 tầng tượng trưng cho ba điều mong ước. Tầng màu hồng biểu trưng cho mong muốn sức khỏe dồi dào, tầng màu trắng biểu thị cho mùa đông với mưu cầu cuộc sống trường thọ, hoàn thành thiên chức làm mẹ của phụ nữ thuận lợi và màu xanh biểu trưng cho mùa xuân và cuộc sống mới.
Tôi đã tận mắt chứng kiến sự tất bật của các gia đình có con gái trong dịp lễ này, họ cho rằng sự chỉn chu dâng kính lên thần linh thì con cái sẽ được ban phước lành.
Một loại mochi khá hiếm ở khu vực Kyoto nhưng lại được người Nhật vô cùng ưa chuộng đó chính là Hanabira mochi. Chiếc bánh này thường xuất hiện trong những buổi tiệc trà mừng năm mới. Hanabira mochi có một dáng vẻ đặc biệt, biểu trưng cho một năm mới tròn đầy, hạnh phúc. Cảm giác được cùng người thân uống ngụm trà thơm, thưởng thức Hananira mochi và trao gửi những lời yêu thương, những lời chúc may mắn đầu năm mới chính là cách người Nhật gắn kết tình thân.
Mặc dù là người hảo ngọt, song tôi vẫn không cưỡng lại được với hai món bánh Kirimochi và marumochi. Đây là hai loại bánh không ngọt, khi ăn hai loại mochi này có thể nướng trên than hồng hay lò vi sóng. Marumochi là dạng bánh tươi còn Kirimochi là khối bánh khô.Kirimochi và marumochi được sử dụng trong một loạt các chế phẩm, chẳng hạn như món súp ozoni thơm ngon trong các bữa tiệc năm mới, hoặc ăn kèm với món gia vị ngọt cho món tráng miệng. Hai loại mochi này khá dễ để tìm thấy tại các cửa hàng, siêu thị Nhật Bản.
Mochi là tinh hoa trong nền ẩm thực Nhật, mỗi chiếc bánh đều là kiệt tác nghệ thuật mà người đầu bếp đã đặt hết tâm tư, tình cảm vào trong. Những chiếc bánh mochi còn ẩn chứa nhiều nét đẹp văn hóa xứ sở Phù Tang. Mochi như một nhịp cầu kết nối ngọt ngào giữa du khách và Nhật Bản.
Thanh Hà