Ngôi làng lạ nhất hành tinh: Dân làng chẳng ai có tên, gọi tên nhau bằng tiếng huýt sáo chính xác đến 100%

Ai sinh ra trên đời cũng đều có một cái tên do cha mẹ đặt cho. Ấy vậy mà, người dân ngôi làng Kongthong ở East Hills, tiểu bang Meghalaya, Ấn Độ không ai có tên và họ dùng tiếng huýt sáo để gọi nhau khi cần liên lạc và điều đáng nói là không bao giờ xảy ra nhầm lẫn.

Độc lạ ngôi làng gọi tên nhau bằng tiếng huýt sáo

Ngôi làng không ai có tên

Làng Kongthong là địa điểm khiến nhiều người tò mò và kinh ngạc khi chứng kiến người dân ở đây gọi nhau bằng tiếng huýt sáo. Đáng nói, họ gọi hoàn toàn chính xác, hầu như không bao giờ nhầm người.

Được biết, Kongthong là ngôi làng miền cao nằm giáp biên giới Bangladesh, có dân số chừng 700 người, sống dựa vào tài nguyên rừng núi bằng nghề nông, săn bắn. Họ sống hòa mình vào thiên nhiên và tất cả đều mang sắc tộc Khasi.

1 Dân làng Kongthong chẳng ai có tên, gọi nhau bằng một những giai điệu riêng dài cả phút (Ảnh: Tri thức trẻ)

Khasi là một bộ tộc khá đông ở Ấn Độ với tổng dân cư rơi vào khoảng 1,41 triệu người, phân bố khắp các vùng miền tiểu bang Meghalaya. Người Khasi theo truyền thống mẫu hệ. Phụ nữ làm chủ gia đình, con gái út có quyền thừa kế và trách nhiệm phụng dưỡng mẹ cha già.

Nhưng người Khasi trong làng Kongthong có chút khác biệt. Dù vẫn theo văn hóa mẫu hệ nhưng họ lại có truyền thống đặt tên cực lạ. Sau khi sinh con được khoảng 1 tuần, người mẹ sẽ phải sáng tạo ra làn điệu âm thanh mới mẻ làm tên gọi cho đứa bé.

2 Ngôi làng được bao quanh bởi các thác nước, ao nhỏ, rừng cây tạo nên cảnh quan rất tuyệt đẹp (Ảnh:themileage)

Theo đó, các bà mẹ thường mượn âm thanh từ tự nhiên như mưa, gió, thác đổ, tiếng chim hót… biến tấu và sáng tạo thành tên làn điệu riêng cho con cái. Tên gọi thường dài từ 30-60 giây và không được trùng với bất cứ tên nào của người trong làng, thậm chí tránh lặp với giai điệu của những người đã khuất.

Sau khi giai điệu huýt sáo được đảm bảo là thứ “độc nhất vô nhị” thì nó sẽ trở thành tên của đứa trẻ, dấu hiệu nhận biết trẻ và khi lớn lên chúng học và nhớ được tên của mình rất nhanh.

3Kongthong là một trong những ngôi làng kỳ lạ nhất thế giới (Ảnh: supergirlunplugged)

Đây là một truyền thống văn hóa lâu đời của làng Kongthong, nó có ích trong những cuộc săn bắn. Khi có nhóm thợ săn vào rừng, họ dùng tiếng huýt sáo để cảnh báo đồng đội và cũng là cách khơi dậy sự tò mò của các nhóm khác đang cùng săn bắt con mồi.

Vì sao phải mất công như vậy?

Bản thân người làng huýt sáo Kongthong không biết truyền thống gọi tên bằng cách huýt sáo này có từ bao giờ, chỉ biết rằng người trong làng đã đặt tên giai điệu và gọi nhau bằng cách thổi sáo từ hàng trăm năm nay.

4 Sau 1 tuần tuổi, các bé mới sinh sẽ được mẹ đặt tên theo một giai điệu mới, riêng biệt (Ảnh: guwahatiplus)

Đặc biệt hơn, mỗi người trong làng Kongthong có 2 tên giai điệu. Một cái là đoạn nhạc ngắn, được dùng ở nhà hay trong làng. Nó giống như tên thân mật. Cái còn lại là tên đầy đủ, thường được huýt gọi khi các cư dân săn bắt, hái lượm ở trong rừng.

Nguồn gốc của truyền thống này vẫn là một bí ẩn. Theo truyền thuyết từ làng Kongthong, trong rừng Meghalaya có những ác quỷ chuyên nghe trộm tên người. Nếu ai bị ác quỷ biết tên thật, họ sẽ bị “quỷ vật” đến ốm liệt giường. Vì thế, người Khasi ở đây bèn nghĩ ra cách đặt tên không cần từ, mà ngân nga nó thành điệu nhạc. Và để chắc chắn ác quỷ không học lỏm được giai điệu này, họ gọi nhau bằng cách huýt sáo.

5 Khi cần liên lạc với nhau, người dân chỉ cần huýt sáo giai điệu của người kia (Ảnh: straitstimes)

Trong văn hóa dân gian thì giải thích, những người dân trong làng Kongthong nhờ những tiếng huýt sao mà được thoát được cuộc tấn công của quân giặc. Người bị tấn công sẽ cầu cứu bằng cách sử dụng giai điệu ru. Nhờ đó họ đánh lạc hướng được những kẻ tấn công và được giải cứu ngay lập tức.

Dù tên giai điệu của làng Kongthong không có lời, nhưng các cư dân ở đây chẳng bao giờ gọi nhầm cả. Bà Shithoh Khongsti, 50 tuổi cho hay, “Tôi nhớ hết tên giai điệu của lũ trẻ trong làng mình”. Hiện bà đang trông coi một tiệm tạp hóa, rất thích huýt sáo gọi tên từng đứa mỗi khi thấy chúng chạy ngang qua. Trong 700 cư dân của làng, bà Shithoh tự tin nhớ rõ tên của khoảng 500 người.

6 Mọi người dân trong làng nhớ rõ giai điệu của từng người (Ảnh: Tri thức trẻ)

Tuy vậy, khi thế giới bắt buộc công dân phải có thẻ căn cước, thì người làng Kongthong cũng có tên bình thường. Họ dùng nó trong các giấy tờ nhân thân, ký xác nhận giao dịch,.. Các bà mẹ ở Kongthong có xu hướng chọn tên tiếng Anh đặt cho con. Song, dù ở đâu thì họ vẫn chỉ thích gọi tên giai điệu. Ngay cả khi bắt gặp nhau trong một thành phố xa lạ, người làng Kongthong vẫn hân hoan huýt sáo tên giai điệu để chào hỏi nhau.

Truyền thống đặc biệt và sẽ còn mãi

Làng Kongthong Ấn Độ gọi truyền thống đặt tên theo giai điệu là Jingrwai lawbei. Dù đồi núi Kongthong thì rộng lớn, mà cư dân ở đây thì thưa thớt, nhưng khi họ thổi sáo gọi nhau, âm thanh giai điệu riêng ấy vang xa, có thể không nghe thấy toàn bộ đoạn nhạc, nhưng vẫn đoán biết có phải là tên của mình hay không.

7 Tiếng huýt sáo để gọi nhau chính xác đến 100% (Ảnh: straitstimes)

Thanh niên làng Kongthong có thể lấy vợ từ các làng Khasi khác. Thiếu nữ của làng nếu lấy chồng xa cũng không bao giờ quên đặt và gọi tên con bằng làn điệu âm thanh của quê nhà. Khi con dâu, con rể về Kongthong sinh sống, các bà-mẹ-dì sẽ nghĩ cho dâu, con rể ngoài làng này một cái tên giai điệu. Cũng kể từ đây, các cư dân mới được phép dùng tên du dương và gọi người khác bằng cách huýt sáo.

8 Thanh niên trong làng Kongthong có thể lấy vợ, lấy chồng từ các làng Khasi khác nhưng vẫn giữ tập tục đặt tên cho con bằng làn điệu âm thanh (Ảnh: AP)

Với người làng Kongthong, cái tên giai điệu là niềm tự hào, chứa đựng toàn bộ tình yêu thương, sự gửi gắm và hy vọng của mẹ cha. Họ mong muốn gìn giữ cách thức gọi tên độc đáo này và duy trì vĩnh viễn cho các thế hệ sau. Nếu có dịp đi du lịch Ấn Độ thì các bạn hãy ghé thăm ngôi làng lạ nhất hành tình này nhé để chứng kiến tận mắt cách huýt sáo gọi nhau của những người dân nơi đây/.

Theo Nguyễn Ngân – dulichvietnam.com.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN