120 bức ảnh màu khổ lớn đầy ắp thông tin, giàu tính nghệ thuật – ghi nhận về “Lý Sơn thời hiện đại” đã đem đến cho người xem thủ đô cảm giác như được đặt chân lên chuyến tàu khởi hành từ cảng Sa Kỳ, cùng du khảo về nguồn với tác giả…
Sáng 30-6, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á đã giới thiệu đến công chúng cuộc triển lãm ảnh đồng thời ra mắt sách Lý Sơn hôm nay.
Đây là cuộc trưng bày ảnh lần thứ 10 trong hơn 20 năm tác nghiệp, tạo ra một “phong cách ảnh Nguyễn Á” rất riêng.
120 bức ảnh màu khổ lớn (40cm x 60cm) – đầy ắp thông tin, giàu tính nghệ thuật – ghi nhận về “Lý Sơn thời hiện đại” đã đem đến cho người xem thủ đô cảm giác như được đặt chân lên chuyến tàu khởi hành từ cảng Sa Kỳ, cùng du khảo về nguồn với tác giả.
Chuyện biển, đất và người huyện đảo
Ống kính của Nguyễn Á dẫn người xem lần lượt tìm hiểu, khảo sát một huyện đảo được phê duyệt vào danh mục “Khu bảo tồn biển”, cách đất liền 15 hải lý, nằm giữa Biển Đông, chỉ rộng khoảng 10km2 – trong đó đến 70% diện tích là đồi núi, bề mặt bờ biển cũng toàn đá và rạn san hô.
Nguyễn Á đã công phu đeo bám, kiên trì tiếp cận từng sự kiện ở nhiều góc máy – từ toàn cảnh bằng thiết bị flycam đến trung cảnh hoặc áp sát cận cảnh hiện trường – giúp người xem dễ dàng nắm bắt câu chuyện qua ảnh ở cả 10 chủ đề: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Danh lam thắng cảnh, Đua thuyền tứ linh, Tuần lễ văn hóa – du lịch lần nhất, Ngư nghiệp và hải vật, Lặn biển và san hô, Nông nghiệp, Đất và con người, Lực lượng vũ trang và Giao thông.
Như ở Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức tại đình làng An Vĩnh vào ngày 16-3 âm lịch hằng năm, ống kính xoáy sâu miêu tả từng chi tiết: chuẩn bị các vật phẩm cho buổi tế lễ, bài vị của các vị thần cai quản biển cả, nghi thức thổi ốc u ra hiệu lệnh xuất quân, lễ thả thuyền câu và cúng hình nhân thế mạng cho người sống để cầu mong người đi được bình yên trở về.
Với chủ đề Lặn biển và san hô, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Á dẫn du khách, đặc biệt là các bạn trẻ yêu thích khám phá thiên nhiên, chiêm ngưỡng Lý Sơn với một hệ sinh thái nhiệt đới sinh học đa dạng. Hay đi đến khu vực phía tây và phía đông bờ biển là các di tích lịch sử – văn hóa với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo còn nguyên bản.
Cạnh những di tích vật thể, tác giả bộ ảnh không quên phản ánh một hệ thống văn hóa phi vật thể truyền thống, được lưu giữ qua phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, một số nghề thủ công độc đáo…
Mối duyên giữa nhiếp ảnh và du lịch
Ngoài giá trị ghi nhận được một bộ sử bằng ảnh sống động về diện mạo đổi mới, khẳng định sức sống mãnh liệt của huyện đảo sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, sức hút của triển lãm và công trình sách ảnh còn ghi dấu rõ nét cho mô hình kết hợp giữa nhiếp ảnh và du lịch. Bởi những hình ảnh làm người xem thích thú có thể khiến họ mong muốn khoác balô lên đường khám phá Lý Sơn.
Và dù người xem đến với “hòn đảo tiên nằm giữa Biển Đông” này hay chưa, các bức ảnh Lý Sơn hôm nay hẳn sẽ tạo ra những giá trị sống và năng lượng sáng tạo, cuốn bạn vào thế giới tuy riêng mà rất chung của Nguyễn Á…
* Ông NGUYỄN QUỐC VIỆT (chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn):
Công dân thực thụ của huyện đảo Để thực hiện cuộc triển lãm ảnh giàu giá trị Lý Sơn hôm nay, tác giả Nguyễn Á gần như đã trở thành công dân thực thụ của huyện đảo. Từ năm 2014, anh bám trụ “cùng ăn – cùng ở – cùng làm” với cư dân. Bà con nhiều người nhận xét: “Ảnh yêu nghề dữ lắm, lăn lê bò toài chụp ảnh dưới nắng hàng giờ liền, chẳng nề hà gì!”. * Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC: Thông điệp hướng thiện và đề cao lòng yêu nước Các bức ảnh từ trước tới nay của Nguyễn Á luôn đưa ra những thông điệp hướng thiện và đặc biệt cuốn này còn đề cao lòng yêu nước. Ở diễn đàn Quốc hội, tôi thường nhắc đừng bao giờ nói chúng ta đang bảo vệ toàn bộ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Hãy nhớ có một phần lãnh thổ của Tổ quốc vẫn còn bị chiếm đóng. Cuộc đấu tranh thu hồi và bảo vệ phần lãnh thổ ấy là lâu dài và gian khổ. Tất cả những gì Lý Sơn làm được hôm nay cũng nằm trong tiến trình ấy… |
Một số bức ảnh về Lý Sơn của Nguyễn Á: Theo LÊ XUÂN THẮNG (tuoitre.vn)
Một số bức ảnh về Lý Sơn của Nguyễn Á: