Thuyền chạy trên mặt hồ. Một vùng trời nước Na Hang mênh mang trong tầm mắt. Những dải rừng xanh nối nhau. 99 ngọn núi gần xa nhấp nhô tạo cảm giác về một “Hạ Long xanh” trên vùng đất này.
- Khách tây mê mệt trước loạt di sản hàng đầu thế giới tại Đông Nam Á
- Đi du lịch Hà Lan ăn gì ngon? Hãy cùng tham khảo gợi ý của Kỳ Duyên, Minh Triệu
Trước mắt chúng tôi là núi Cọc Vài (tiếng Tày nghĩa là “Cọc buộc trâu”), tách ra giữa lòng hồ như một cây cột lớn. Xa xa là đỉnh Pắc Tạ, và nhiều ngọn thác làm phong cảnh thêm kỳ thú. Sâu trong lòng núi quanh hồ là các hang động nhiều hình dáng, nơi lưu nhiều dấu tích cuộc sống người Việt cổ xưa làm nên một vùng văn hóa đặc sắc.
Lên Na Hang lần này, chúng tôi có may mắn được đi cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Chính, người sinh ra và gắn bó với mảnh đất Tuyên Quang cả đời mình. Gần 50 năm cầm máy, anh đã lên Na Hang rất nhiều lần, thuộc từng cảnh vật ở đây như lòng bàn tay. Nhiều người ở đây anh quen biết mấy thế hệ trong gia đình, đi đâu cũng là nơi thân thuộc. Nhiều cảnh đẹp Na Hang qua ống kính Nguyễn Chính đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp cho đất và người nơi đây.
Theo NSNA Nguyễn Chính, tên gọi Na Hang bắt nguồn từ hai chữ Nà Hang, tiếng Tày có nghĩa là Ruộng Cuối. Trước đây, từ Tuyên Quang đến Na Hang hơn 100 km, phải đi mất cả ngày, nay nhờ đường nâng cấp mở rộng nên chỉ còn khoảng hơn 2 tiếng. Nhờ vậy, kinh tế phát triển, đời sống đồng bào các dân tộc được cải thiện, khách du lịch đến ngày một đông.
Được biết, thủy điện Tuyên Quang tích nước, cùng với việc phát điện, còn tạo nên một vùng sinh thái mới. Mặt hồ hiện tại diện tích trên 8.000 héc ta. 10 địa điểm tại khu vực hồ đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Vì vậy, những năm gần đây, các tour du lịch khá phát triển.
Với các tour du lịch khác nhau ở Na Hang, trên bộ và đi thuyền trên hồ, du khách được ngắm nhìn một vùng non nước, qua nhiều địa điểm đẹp; tham quan các nhà máy thủy điện Tuyên Quang, Chiêm Hóa; thăm thác Mơ, thác Khuẩy Nhi, thác Súng, thắc Khuẩy Me, thác Tin Tát; thăm khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung với hàng ngàn loại động thực vật quý hiếm, trong đó có loài voọc mũi hếch được ghi trong sách đỏ thế giới. Du khách cũng có dịp thăm hang Phia Vài, nơi phát hiện ra hai di tích mộ táng và bếp lửa thuộc thời đồ đá; hang Thẩm Choóng thuộc bản Không Mây, xã Năng Khả, nơi cư trú của người nguyên thủy…
Thăm chợ vùng cao Thượng Lâm, khách có thể vừa thưởng thức chén rượu ngô Na Hang nổi tiếng nấu bằng men lá, nghe những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết về miền đất nhiều huyền thoại này. Trên thượng nguồn sông Gâm, sông Năng, du khách sẽ được thưởng thức món cá lăng, cá chiên, cá rầm xanh, cá anh vũ với hương vị đặc trưng của núi rừng; nhâm nhi chén trà Shan Tuyết với vị ngọt đậm đà của vùng núi cao Na Hang.
Na Hang là vùng đất của 12 dân tộc sinh sống. Người ta có thể cảm nhận nét đẹp đa văn hóa của cuộc sống ở đây. Những điệu hát Then của người Tày, hát Sli của người Nùng, hát Soong Cô của người Sán Dìu, lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn… rất có sức cuốn hút du khách.
Tuyên Quang đang xây dựng khu du lịch sinh thái Na Hang với phạm vi quy hoạch rộng 15.000 ha. Khu du lịch này sẽ bao gồm các phân khu: Khu đón khách du lịch tại thị trấn; Khu lâm viên Phiêng Bung; Khu lâm thuỷ Cọc Vài; khu thể thao, khu ngắm cảnh trên nước; khu thủy trại Đà Vị và các điểm làng du lịch văn hóa. Các hệ thống sân golf, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, đường cáp treo, trường đua ngựa, khu vui chơi giải trí…
Bà Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông; xây dựng được sản phẩm du lịch của địa phương, trong đó xác định sản phẩm độc đáo, riêng biệt. Đồng thời, tập trung hoàn thiện hồ sơ đề xuất UNESCO công nhận “hát Then của người Tày – Nùng – Thái ở Việt Nam” là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại; xây dựng hồ sơ Khu di sản thiên nhiên Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) – Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) trình UNESCO đưa vào danh mục xây dựng hồ sơ di sản thế giới… qua đó, từng bước đưa Tuyên Quang – Thủ đô kháng chiến trở thành điểm đến thân thiện, an toàn của du khách trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch huyện Na Hang, nhằm tạo sự kết nối trong phát triển du lịch, trong thời gian qua, huyện Na Hang đã phối hợp giáp gianh như: huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), huyện huyện Ba Bể, Pắc Năm, tỉnh Bắc Kạn; huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang ký kết, thực hiện liên kết phát triển du lịch vùng, qua đó, tạo rất nhiều ấn tượng trải nghiệm cho du khách đến với Na Hang nói riêng và toàn vùng nói chung.
Gặp gỡ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Lâm Bình chia sẻ: Lâm Bình, cùng với Na Hang, có tiềm năng và thuận lớn để phát triển du lịch. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng mấy năm qua, huyện đã phấn đấu làm nhiều việc để đưa du lịch thành mũi nhọn đột phá, tạo điều phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân!
Ông cho biết , thời gian qua, Lâm Bình đã khôi phục lễ hội Lồng Tông ở hai xã Thượng Lâm và Lăng Can; lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn tại xã Hồng Quang. Huyện chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, tạo điều kiện để xây dựng các homestay phục vụ du khách, gắn với việc phát triển các loại hình du lịch thể thao như chèo thuyền Kayak hay du lịch mạo hiểm khám phá rừng nguyên sinh, hang động; sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu và nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc phục vụ du khách.
Một số dự án của huyện đã huy động các nguồn vốn từ các nhà đầu tư phát triển hạ tầng tại các điểm có tiềm năng du lịch, ưu tiên du lịch văn hóa, sinh thái và du lịch cộng đồng. Lâm Bình đã xây dựng các làng văn hóa – du lịch tại các thôn Nà Tông, Nà Đông, xã Thượng Lâm; Nà Muông, xã Khuôn Hà; Nặm Đíp, xã Lăng Can… Năm nay, Lâm Bình phấn đấu đón 36.000 lượt du khách.
Kết thúc chuyến thăm lòng hồ, chúng tôi dừng chân tại homestay A Phủ của chị Đặng Vân Anh và anh Hỏa Đức Phủ ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm. Đây là một cơ sở du lịch theo mô hình mới: Người dân bỏ vốn đầu tư, phục vụ du khách ăn nghỉ; có dịch vụ tắm chữa bệnh bằng các bài thuốc của người Dao; có thuyền máy và nhân viên đưa khách thăm lòng hồ và các khu vực xung quanh. Khách còn có thể tham gia giao lưu văn hoá với đội văn nghệ là người dân địa phương… Nhờ chất lượng dịch vụ tốt, tuy khai trương mới được được nửa năm, homestay A Phủ đã là một địa chỉ có sức thu hút. Được biết, Lâm Bình đã có 6 Homestay như A Phủ. Mô hình này đang được nhân rộng.
Chúng tôi có một bữa ăn khá ấn tượng ở homestay A Phủ với các món ăn đậm bản sắc ở vùng này: Cá tươi lòng hồ và gà đồi rán; măng nhồi thịt; rau Giảo Cổ Lam xào: canh rau ngót; bắp bi (hoa chuối rừng) luộc; trứng rán với rau hôi băm nhỏ.
Chúng tôi chia tay Na Hang – Lâm Bình với lời hẹn của chủ tịch Nguyễn Văn Dưng: Cuối năm nay sẽ có lễ hội Nhảy Lửa của người Pà Thẻn rất đẹp và các hoạt động văn hóa khác với nhiều màu sắc. Mong được đón các anh quay lại để hiểu thêm cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây!
Theo baovemoitruong.org.vn