Bạn là người ưa thích mạo hiểm, thích chinh phục đỉnh cao, muốn leo núi an toàn đặc biệt trong những ngày mưa, bạn nên thuộc lòng những kỹ năng cơ bản sau.
Chọn đúng thời điểm
Khi đi leo núi bạn nên tránh đi vào những ngày mưa, mùa lạnh, thời tiết ẩm ướt, đặc biệt từ tháng 10 cho đến tháng 3 năm sau, mưa nhiều đường bị trơn trượt, nhiêu rêu trên đá dễ bị trơn trượt, rất nguy hiểm. Thời điểm thích hợp leo núi vào mùa khô, mùa hè hoặc mùa thu ở miền Bắc. Hơn nữa, để chuyến đi an toàn bạn cũng nên tìm hiểu kỹ địa hình trước khi đi.
Leo núi an toàn
Chọn giày leo núi chuyên dụng
Nên chọn giày leo núi chuyên dụng.
Khi đi leo núi điều đầu tiên là phải chuẩn bị một đôi giày leo núi chuyên dụng, có độ ma sát, bám cao, đế nhám không chọn những đôi giày bệt, trơn dễ trượt chân, té ngã. Hiện nay, trên thị trường có nhiều dòng sản được thiết kế chuyên biệt dành cho leo núi, bạn có thể tham tìm mua ở một số hãng giày.
Giữ cho nhịp thở ổn định
Khi đi leo núi bạn không nên đi với tốc độ nhanh, điều này khiến bạn thở mạnh, thở gấp dễ bị kiệt sức. Nên duy trì tốc độ như đi bộ bình thường, điều hòa nhịp thở, nếu cảm thấy mệt khó thở cứ 10 phút tạm nghỉ chân một lần. Cũng không nên nghỉ lâu cơ bắp sẽ bị giãn, gây đau nhức.
Chuẩn bị gậy leo núi
Bạn có thể bẻ một cành cây bên đường hoặc chuẩn bị sẵn gậy từ nhà mang theo. Gậy sẽ hỗ trợ bạn ở những đoạn đường trơn, dốc dựng đứng.
Khi bước chân lên phiến đá nên ướm chân thử
Nếu đoạn đường bạn di chuyển có nhiều đá lởm chởm, trước khi bước chân lên phiến đá bạn nên ướm thử chân trước, thử có trơn trượt không. Còn với đoạn đường dốc đứng, hãy men theo hình chữ Z, tay bám vào mỏm đá và thân cây bên đường.
Khi xuống dốc
Nên di chuyển chậm, cúi khom người và bám vào các thân cây, cành bên đường. Nếu dốc dựng đứng không nên đi thẳng mà men theo các mỏn đá, thân cây để đi xuống, không nên mang theo ba lô cồng kềnh khi leo núi, có thể bị vướng vào đá nguy hiểm cho bạn khi di chuyển.
Đồ dùng mang theo phải tối giản
Mang theo đồ dùng cá nhân tối giản nhất.
Việc mang theo quá nhiều đồ đạc cồng kềnh sẽ khiến bạn mất nhiều sức, đồng thời gây cản trở và có thể gây tai nạn khi leo núi. Nên chỉ cần mang theo những món đồ cần thiết, tối giản nhất. Tùy theo mùa mà đồ dùng cá nhân mang theo cũng phải phù hợp, mùa đông nên mang theo áo ấm, có tác dụng thoát hơi, miếng bọc gối, cổ chân, khuỷu tay, mũ rộng vành, áo mưa nhẹ. Nhớ mang theo đèn pin và con dao nhỏ phòng hờ khi cần dùng đến.
Mang theo thuốc diệt côn trùng, muỗi, vắt, bông băng cá nhân, dung dịch khử trùng, thuốc đau bụng, đau đầu…
Nên mang theo đồ ăn gì?
Nếu đi về trong ngày chỉ nên mang theo bánh giàu năng lượng, nước uống chứa điện giải hoặc nước lọc thứ cần phải có. Khi khát không nên uống quá nhiều cùng lúc và uống quá nhanh mà chỉ nên uống từng ngụm nhỏ vừa tiết kiệm nước, vừa tiết kiệm sức lực. Nước chanh pha muối là thức uống tốt cho bạn.
Không tự tiện hái và ăn trái cây trong rừng
Trên núi có nhiều trái cây hoa quả dại, nhìn rất bắt mắt và ngon miệng. Nhưng nếu không chắc chắn nó là quả gì đừng vội hái và ăn hay chơi nhé, bạn có thể bị ngộ độc rất nguy hiểm.
Không ôm nhau lôi kéo ở vách đá
Ở trên núi cao vách đá dựng cheo leo không hề an toàn, không được đứng cả nhóm trên đó vì chúng có thể quá tải và gây lở đá rất nguy hiểm.
Không di chuyển trên những phiến đá phủ đầy rong rêu
Những phiến đá phủ đầy rêu xanh nếu trèo lên bạn có thể bị trơ trượt, té ngã vô cùng nguy hiểm.
Không nên leo núi một mình
Khi đi leo núi nên đi cùng một nhóm bạn, đi một mình tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi gặp bất trắc không biết nhờ ai giúp đỡ.
Bình Nguyên (Tổng hợp)