Mũi Né cần được giải cứu

Được mệnh danh là “thiên đường du lịch biển”, nhưng giờ đây Mũi Né trở nên đìu hiu với hàng loạt resort, khách sạn, quán xá đóng cửa, treo biển cho thuê mặt bằng.

“Làm du lịch hơn 10 năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy một Mũi Né như thế này”, ông Vũ, quản lý nhà hàng Mr. Crab (Mũi Né, TP Phan Thiết, Bình Thuận), nói với Zing.

Ông kể, đoạn đường Nguyễn Đình Chiểu dọc bờ kè biển Mũi Né có trên dưới 20 quán hải sản lớn nhỏ, nhưng đến nay hơn 10 chỗ vẫn đóng cửa, một số chỉ bán vào cuối tuần. Trong khi đó, không ít resort 3-4 sao đã tạm dừng hoạt động. Số ít vừa mở cửa khoảng 1 tháng trở lại đây thì lượng khách cũng sụt giảm mạnh.

Nhìn nhận về bối cảnh vắng lặng khác thường hiện nay, ông Vũ nhấn mạnh chưa năm nào thời điểm này thiếu bóng khách Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc… như vậy.

Một Mũi Né rất khác

Tại hai chi nhánh của Mr. Crab trên đường Nguyễn Đình Chiểu, cứ khoảng 18h30 là khách ngồi kín bàn, thậm chí cuối tuần phải đặt thêm bàn ghế ở khu vực đậu xe. Với lượng nhân sự gần 40 người, doanh thu mỗi ngày lên đến 200-300 triệu đồng.

Nhưng đó là câu chuyện của những năm về trước. Bước sang năm 2020, sau cú đánh bồi của đại dịch Covid-19, mỗi nhà hàng chỉ còn phục vụ khoảng 10 bàn mỗi ngày, tương đương trên dưới 50 thực khách. Doanh thu bình quân giảm sâu, còn cỡ vài chục triệu đồng mỗi ngày.

“Mấy tuần gần đây, may mắn là đến cuối tuần chúng tôi còn được bận rộn. Tính đến nay, nhân viên chạy bàn đã bị cắt giảm từ 15 người còn 4 người. Quầy order hải sản tươi sống cũng bớt phân nửa, chỉ để lại 3 người”, ông Vũ cho biết.

Thậm chí, đối với nhà hàng Bờ kè Gia đình cách đó không xa, chính người chủ là ông Cường còn tự tiếp đón khách, giữ xe, dắt xe cho khách. Ông chia sẻ đã cắt giảm nhiều nhân viên trong thời gian qua để tiết kiệm chi phí vận hành.

Thực tế, với mức giá thuê mặt bằng ở các vị trí đẹp lên đến 40-50 triệu đồng/tháng, những nhà hàng, quán ăn, cà phê này chỉ cố gắng duy trì hoạt động nhằm giảm lỗ trong giai đoạn khủng hoảng. Ghi nhận của Zing vào các tối 3-4/10, lượng khách hàng tại đa số những điểm đang mở cửa đều không đáng kể.

d2Coco Beach, resort đầu tiên của Việt Nam, đã “cửa đóng then cài” suốt nhiều tháng qua. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đối với các địa điểm lưu trú, tình hình kinh doanh thậm chí còn ảm đạm hơn. Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Bình Thuận cho biết, tính đến đầu tháng 10, chỉ khoảng 60-70% khách sạn, resort mở cửa trở lại. Tuy vậy, công suất phòng bình quân chỉ đạt khoảng 10-15%.

d3Ông Trần Anh Thi, Giám đốc điều hành resort Seahorse, cho rằng tỷ lệ này phải đạt ít nhất 65% thì các doanh nghiệp mới có thể huề vốn.

Trước đó, hàng loạt cơ sở lưu trú, kể cả 3-4 sao, đã tạm dừng hoạt động. Nhưng ít ra, ở thời điểm đó, công suất phòng còn đạt mức 25-40%.

Thậm chí, trao đổi với Zing, đại diện khách sạn Song Hương cho hay chỉ phục vụ 1-2 phòng trong tổng công suất 50 phòng vào các ngày cuối tuần. Điều này buộc doanh nghiệp phải đóng cửa nhà hàng bên cạnh và cho thuê lại mặt bằng.

Tương tự, resort Rạch Dừa Tropico cũng đang dựng thông báo cho thuê lại toàn bộ khuôn viên resort và dãy kiosk. Khách thuê còn có thể thuê riêng từng phần phòng nghỉ, kiosk, nhà hàng, quán bar, massage hoặc mở trường dạy thể thao biển.

Tuy nhiên, trong bối cảnh vắng khách du lịch và chi tiêu người dân không còn như trước, từ đầu năm đến nay các đơn vị này vẫn chưa tìm được người thuê lại mặt bằng.

“Lượng khách đến tỉnh sụt giảm nên nguồn lao động du lịch bị ảnh hưởng theo. Doanh nghiệp du lịch cắt giảm lao động, cho nghỉ không lương hoặc tạm đóng cửa làm cho tình trạng lao động thất nghiệp tăng cao.

Lực lượng lao động trong ngành đã được đi làm lại chỉ khoảng 30-40%”, đại diện Sở VHTT&DL tỉnh Bình Thuận chia sẻ.

Với những người còn duy trì được công việc, mức thu nhập cũng không còn như trước. Chị Thùy Linh, một nhân viên lâu năm tại khách sạn Mũi Né Sports, cho biết mức lương tháng đã giảm từ 7 triệu đồng xuống còn 5 triệu đồng từ khi dịch mới bùng phát hồi đầu năm.

Chưa kể trước đây, chị và đồng nghiệp còn được nhận thêm hoa hồng từ việc bán các tour tham quan, vui chơi. Tổng thu nhập khi đó ít nhất cũng khoảng 13-14 triệu đồng/tháng.

Nay không có khách du lịch nước ngoài, các dịch vụ này hầu như không được cần đến, bởi người Việt chủ yếu chỉ nghỉ ngơi ở khách sạn, bãi biển và ăn uống, theo đánh giá của chị Thùy Linh.

d4Khắp đường Nguyễn Đình Chiểu dán thông báo cho thuê mặt bằng của các resort, khách sạn, nhà hàng, tiệm massage… Ảnh: Quỳnh Danh.

Khó khăn chung là vậy, nhưng lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Bình Thuận khẳng định chưa có doanh nghiệp lưu trú nào rơi vào tình trạng phá sản. Duy chỉ có các công ty lữ hành địa phương, hầu hết ở quy mô nhỏ, vừa qua phải chấp nhận đóng cửa. Điều này khiến không ít doanh nghiệp trong cùng chuỗi giá trị chịu ảnh hưởng nặng nề.

Đáng chú ý, nhiều đơn vị lưu trú, F&B trên địa bàn đang lâm vào cảnh lao đao vì khoản nợ lớn từ công ty lữ hành Pegas (Nga), vốn chiếm 25% thị phần du lịch tại Bình Thuận.

“Sau Covid-19 đợt một, lượng khách du lịch trở lại Mũi Né khá nhiều, phần vì vừa được kết thúc giãn cách xã hội, phần vì đúng dịp hè, các doanh nghiệp mừng lắm. Còn bây giờ rất khó gượng dậy, họ đành đóng cửa, cắt giảm lao động. Không có Covid-19 lần hai, câu chuyện đã khác nhiều”, đại diện Sở VHTT&DL chia sẻ.

Mũi Né tự “giải cứu”

Được coi là “thiên đường nghỉ dưỡng biển”, cách TP.HCM chỉ khoảng 200 km, Mũi Né mỗi năm đón lượng lớn du khách người Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc và phương Tây… Nhưng đối diện với tình hình phức tạp của dịch bệnh, ngành du lịch nơi đây chỉ còn trông cậy vào khách nội địa.

Thực tế, ngay sau đợt cách ly toàn xã hội, tỉnh Bình Thuận phát 1.000 voucher du lịch cho khách từ TP.HCM, trong đó giảm 50% chi phí lưu trú và dịch vụ tại một số cơ sở đăng ký tham gia chương trình. Tuy nhiên, kế hoạch vừa triển khai được mấy ngày thì dịch tái phát lần hai.

Lượng khách lẫn doanh thu du lịch sụt giảm mạnh kéo theo tác động tiêu cực lên nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, tiêu biểu là dịch vụ ăn uống, vui chơi, mua sắm trên địa bàn.

Đến lúc này, Sở VHTT&DL tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Du lịch Bình Thuận đẩy mạnh chương trình quảng bá điểm đến Bình Thuận an toàn, thân thiện, hấp dẫn và chất lượng với chủ đề “Oh Wow! Mũi Né”. Đồng thời, đầu tháng 10, tỉnh cũng ký chương trình liên kết kích cầu du lịch an toàn với 7 tỉnh Đông Nam Bộ.

Ghi nhận đến nay, khách du lịch tại Mũi Né chủ yếu là người Việt, tập trung vào các ngày cuối tuần.

d5Mũi Né tận dụng lợi thế bãi biển đẹp, giàu canxi và đa dạng chốn lưu trú đặc biệt để thu hút khách du lịch trong thời gian tới. Ảnh: Quỳnh Danh.

Điều hành một trong vài resort hiếm hoi còn đông khách trong giai đoạn hiện nay, ông Trần Anh Thi cho rằng điểm mấu chốt là doanh nghiệp biết chủ động thích nghi với điều kiện mới.

Nhìn lại tình hình kinh doanh tại resort Seahorse, ông cho biết hồi tháng 7, công suất phòng rất khả quan, lên đến 87%. Tuy vậy, khi có thông tin về bệnh nhân đầu tiên của Covid-19 đợt hai, gần 1.500 phòng đã đặt bị hủy ngay lập tức, đến tháng 9 vẫn chưa thể phục hồi.

Đến nay, khi toàn bộ đội ngũ tập trung kết nối lại với khách hàng và thực hiện nhiều điều chỉnh về dịch vụ để phù hợp hơn với đối tượng khách nội địa, resort này gần như đã kín phòng cho tháng 10.

“Để kích cầu, giảm giá tiền là một chuyện, nhưng quan trọng là làm cho du khách hiểu họ sẽ được gì sau chuyến đi. Theo tôi, đến với Mũi Né, hít hà vị biển giàu canxi, khách du lịch có thể nâng cao sức khỏe cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, thay vì chỉ đơn thuần đi du lịch giá rẻ và đến chụp hình check-in”, ông Trần Anh Thi nêu quan điểm.

d6Cũng với suy nghĩ này, Sở VHTT&DL tỉnh Bình Thuận cho biết nhiều sản phẩm du lịch mới của địa phương đang được phát triển, trong đó chú trọng chất lượng dịch vụ tốt.

Cơ quan quản lý ngành đồng thời khuyến khích doanh nghiệp chủ động triển khai các giải pháp linh hoạt và xác định phân khúc khách để tập trung khai thác, như khách công vụ, khách công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hay khách đi theo nhóm nhỏ, gia đình…

Chính nguồn nhân lực tại đây cũng đang tích cực làm mới mình để thích nghi với khách du lịch nội địa.

“Lâu nay tôi đã quen phục vụ khách Nga, khách Hàn, nay nói chuyện với khách Việt nhiều khi vẫn bị nhầm lẫn ngôn ngữ. Nhưng tôi nghĩ đây sẽ là một bước chuyển cần thiết, bởi chúng ta không thể quá phụ thuộc vào thị trường khách nước ngoài”, ông Vũ nói.

Chị Hương Quỳnh, ở TP.HCM, lâu nay tự nhận là người “cuồng” Mũi Né. Trước đây, trung bình cứ 2 tháng trong năm, chị lại cùng gia đình kéo nhau ra đây nghỉ dưỡng. Thậm chí vào mùa có thời tiết đẹp, một tháng chị ra nghỉ 2 lần.

“Resort đẹp, thân thiện, giá phòng chỉ khoảng 2 triệu đồng/đêm cho gia đình 4 người, trong khi khoảng cách từ TP.HCM không xa, tự lái xe chỉ tầm 3 giờ đồng hồ. Nhưng đại dịch lần này khiến gia đình tôi quyết định tạm thời không ra đây, mà chuyển hướng ra Vũng Tàu, Hồ Tràm… gần hơn”, chị Quỳnh nói.

Tuy nhiên, nữ du khách này cho biết, Mũi Né theo đánh giá của chị vẫn cho cảm giác thân thuộc hơn với hệ thống resort được phân bố quy củ, dịch vụ quản lý đồng bộ…

“Giá phòng hiện rất hấp dẫn. Tôi mới gọi cho một resort 4 sao trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Một bungalow dành cho gia đình ngày cuối tuần mà chỉ có giá 1,5 triệu/đêm, nên cả gia đình quyết định sẽ trở lại Mũi Né”, chị cho biết.

d7Mũi Né sẽ hưởng lợi lớn từ dự án sân bay Phan Thiết và đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.

Lan Anh (Theo Zing.vn)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN