Mộc Châu nổi tiếng với đặc sản bò sữa và chè, nhưng gần đây, cao nguyên xinh đẹp này còn trở thành trung tâm của du lịch vùng Tây Bắc với vẻ đẹp của những cánh đồng hoa mênh mông bát ngát, với nét độc đáo trong văn hóa của các dân tộc H’Mông, Thái, Dao, Mường…
Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu thuộc huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La cách Hà Nội 180 km về phía Tây Bắc, là cao nguyên lớn trải dài khoảng 80 km, rộng 25 km, có độ cao trung bình trên 1050 m, nhiệt độ trung bình 18 – 21oC, được mệnh danh là Đà Lạt của miền Bắc. Đây là vùng đất hội tụ đầy đủ các hệ sinh thái tiêu biểu của Việt Nam như: thảo nguyên với cánh đồng mênh mang hoa cải trắng, hoa dã quỳ, đồi chè xanh biếc, suối nước nóng 4 mùa, rừng nhiệt đới, rừng nguyên sinh với nhiều loại cây, hoa cỏ quý, độc đáo.
Thắng cảnh:
Sơn Mộc Hương (Hang Dơi), di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia nằm tại trung tâm huyện .
Ngũ động Bản Ôn cách thị trấn Nông trường Mộc Châu 10km.
Rừng thông mộng mơ nằm ở bản Áng xã Đông Sang, cách thị trấn Mộc Châu chừng 3km.
Thác Dải Yếm mềm như dải lụa nằm tại bản Vặt, xã Mường Sang, cách thị trấn Mộc Châu khoảng 5km, trên đường vào cửa khẩu Lóng Sập
Thảo nguyên xanh – Ấn tượng sinh thái, nông nghiệp:
Ấn tượng bởi những biển mây, biển sương mù giăng giăng đỉnh núi và những sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn.
Nổi bật với những đồng cỏ, đồi chè xanh mơn mởn; đàn bò thung thăng gặm cỏ và nhiều đặc sản: sữa tươi, sữa chua, bánh sữa, chè shan tuyết, chè ô long, chè bát tiên.
Đến Mộc Châu, du khách không quên ngắm đồi chè xanh mơn mởn nơi đây.
Đến Mộc Châu, ngoài ngắm các đồi chè trái tim, đồi chè shan tuyết, du khách được thử thách bản thân khi trở thành công nhân hái chè, chế biến chè và thưởng thức các loại chè…
Thảo nguyên 4 mùa đều có hoa thơm, trái ngọt:
Hoa cải nở trắng đồi Mộc Châu
– Mùa xuân có hoa đào, hoa ban, hoa mận nhuộm trắng, nhuộm hồng các quả đồi, bản làng thành những rừng hoa bạt ngàn. Mùa đông có hoa cải, hoa trạng nguyên, hoa dã quỳ xen lẫn trên những sườn đồi, thung lũng trải dài không dứt.
Những tán cây hoa mận nhuộm trắng bên những nóc nhà.
– Mùa hạ có mận, mơ, đào chín. Mùa thu có hồng giòn, bơ. Sang đông có trái dâu tây ngon ngọt…
Những vườn hoa trồng theo công nghệ cao 4 mùa đều rực rỡ sắc hoa ly, tuy -lip, lan hồ điệp, van đa, đai trâu….; Những nông trại rau an toàn 4 mùa đều xanh tươi rau trái. Tới Mộc Châu là tới với thiên đường du lịch nông nghiệp với những trải nghiệm thu hái rau của quả, chế biến và thưởng thức ngay tại vườn.
Lễ hội:
12 dân tộc anh em sống quần tụ trên cao nguyên tạo nên sự đa dạng, phong phú trong lối sống, sinh hoạt và lễ hội.
Tết Độc lập hay còn gọi là chợ tình Mộc Châu được tổ chức vào dịp 2-9 hàng năm, thu hút sự tham gia của người H’Mông tại địa phương cùng người H’Mông khắp trong, ngoài nước đến chung vui. Đến hội, có người đi tìm lại bạn cũ, có người kết bạn mới, họ cùng nhau ca hát, cùng nhau say sưa trong những lời ca, điệu múa, tham gia vào những trò chơi dân gian truyền thống, và hẹn nhau ngày này năm sau sẽ còn gặp lại…
Tết truyền thống của người H’Mông diễn ra trước tết Nguyên Đán của người Kinh khoảng 1 tháng. Lễ hội Nào Sồng được tổ chức vào dịp đầu xuân hàng năm. Độc đáo trong cách ăn tết, chơi tết vui tươi và rực rỡ sắc màu.
Tháng 3 hàng năm, Bản Áng xã Đông Sang thường tổ chức lễ hội Hết Chá. Đồng bào sẽ diễn lại những tích truyện về quá trình lập bản, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Tháng 3 hàng năm, Bản Áng xã Đông Sang thường tổ chức lễ hội Hết Chá. Đồng bào sẽ diễn lại những tích truyện về quá trình lập bản, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn. Các tích trò được diễn ra qua lời hát và phần diễn mang tính chất vui tươi, hài hước trong tiếng chiêng trống rộn ràng. Sau màn diễn là vòng xòe đoàn kết nhộn nhip, phấn khởi xung quanh cây chá.
Đến với lễ hội Hết Chá, cái vui của du khách là được tham dự các trò chơi truyền thống: ném còn, nhảy tha kềnh; được thưởng thức miễn phí các món ăn độc đáo, hấp dẫn từ các mâm cơm do những người phụ nữ Thái đảm đang, tháo vát chế biến.
Hàng năm cứ vào ngày 15 tháng 10 Mộc Châu lại vui tươi với một cuộc thi độc đáo nhất cả nước – thi Hoa hậu bò sữa. Cuộc thi là ngày hội tri ân những chú bò có thân hình đẹp, sản lượng sữa tốt, ngày vinh danh những gia đình chăn nuôi bò sữa giỏi.
Ẩm thực:
Đến Mộc Châu, bê chao là món ăn bất cứ du khách nào cũng muốn thưởng thức bằng được. Món ăn được chế biến từ bê sữa khoảng 1 tuần tuổi nên thịt mềm, thơm và rất ngọt. Thịt thái miếng cỡ bao diêm rồi ướp với nước gừng, sả, tỏi, ớt sau đó chao qua mỡ nóng 2 lần. Miếng thịt có màu vàng cánh gián ăn ngậy, ngọt nhưng không ngấy.
Đến Mộc Châu, bê chao là món ăn bất cứ du khách nào cũng muốn thưởng thức bằng được.
Người H’Mông có các món ăn đặc trưng: thắng cố, bánh dày, rượu ngô, thịt lợn lửng. Người Dao có thịt chua, rượu hoẵng…
Đặc biệt, với bàn tay khéo léo và kỳ công, những người phụ nữ dân tộc Thái đã khéo léo kết hợp các nguyên liệu của núi rừng, sông suối với nhiều loại gia vị đặc trưng: Mắc khén, hạt dổi để chế biến nên hàng trăm món ăn độc đáo: cơm lam, xôi tình yêu, cá nướng, gà mọ, nộm rau rừng, hoa ban, lạp trâu, nậm pịa …
Bản du lịch cộng đồng:
Bản Áng 1,2,3 của người Thái nằm cạnh rừng Thông, còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc, cách thị trấn Mộc Châu 3km.
Bản Áng – nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc.
Bản Tà Phềnh, Phiêng Cành (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu) bản Lóng Luông (xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ), bản Hua Tạt (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) là những bản người H’Mong còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc.
Bản Dọi, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu cách thị trấn nông trường Mộc Châu gần 30km và bản Hua Tạt là hai bản có homestay đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch nước ngoài.
Bản Nà Bai của người Mường, bản Phụ Mẫu của người Thái (xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ) cách Mộc Châu khoảng 45km theo hướng Mộc Châu – Hà Nội.
Với lợi thế và tiềm năng vốn có, Mộc Châu đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2050/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong tương lai không xa, chắc chắn Mộc Châu sẽ trở thành trung tâm du lịch – viên ngọc của vùng Tây Bắc.
Nguồn Vntinnhanh