Với Ngọc Nguyễn, người dân Malawi, một trong những quốc gia kém phát triển nhất thế giới luôn giản dị, chân thật và nồng hậu.
- Hộ chiếu Việt Nam có thể đến 49 quốc gia và vùng lãnh thổ không cần visa
- Ảnh hưởng dịch Covid-19, du lịch Tràng An vắng hoe dù nghỉ lễ dài ngày
- Du lịch ảo mà như thật, khỏi cần bước chân ra khỏi nhà
Nguyễn Ngọc, hiện sinh sống tại Đức, có chuyến đi tới Malawi khi Covid-19 chưa bùng phát. Đây là quốc gia không giáp biển tại Đông Nam Phi, được gọi là Trái tim ấm của châu Phi. Cái tên Malawi, nghĩa là ngọn lửa, xuất phát từ Maravi, bộ tộc đầu tiên tại quốc gia này.
Hầu hết người Malawi cư trú tại các vùng nông thôn. Ngôn ngữ quốc gia là Chewa. Tài sản lớn nhất Malawi là con người. Họ thân thiện và nồng nhiệt chào đón bạn với những nụ cười và sự giản dị chân thật, anh Ngọc chia sẻ.
Đàn ông thường phải đi xa buôn bán hay làm tài xế để kiếm thu nhập. Phụ nữ ở nhà trồng rau quả, chăm sóc con cái và trông nom nhà cửa. Phụ nữ thường lấy chồng sớm và có trung bình khoảng 3 con.
Hầu hết dân số Malawi tham gia vào nông nghiệp. Lương thực chính là ngô, sắn, khoai lang, lúa miến, chuối, gạo và khoai tây Ireland. Ngoài ra họ nuôi cừu, dê. Ngành công nghiệp chính là chế biến thuốc lá, chè, đường và các sản phẩm từ gỗ.
Quốc gia này chỉ có 1/3 diện tích đất thích hợp để canh tác, còn lại là đồng cỏ khô và đồi núi. Vì dân trí thấp, nhiều hộ gia đình gặp hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ tín dụng và khuyến nông. Điều này dẫn đến việc sử dụng đất nông nghiệp còn thấp và an ninh lương thực cũng như bữa ăn cho bản thân chưa được cải thiện.
Bữa sáng phổ biến của người Malawi là bột và lá sắn. Trong số các loại cây lương thực, cây sắn (khoai mì) được cho là dễ trồng và thu hoạch nhanh nhất.
Một ngôi nhà điển hình của người Maravi trong làng Chitimba nằm ở phía nam, cách biên giới giữa Malawi và Tanzania khoảng 120 km.
Hồ nước ngọt Malawi nằm giữa nước này, Tanzania và Mozambique được công nhận là khu bảo tồn vào năm 2011. Đây là hồ lớn thứ ba ở châu Phi với chiều dài là 580 km và nơi rộng nhất là 75 km. Nhiều người tập trung sống ven hồ Malawi và lập thành làng chài.
Đây là một trong những nơi chủ yếu ở Malawi thu hút du khách quốc tế nghỉ dưỡng tại các resort ven hồ. Người dân địa phương thường đến hồ trong dịp lễ để vui chơi giải trí. Ngày thường, đây là nơi họ giặt giũ, tắm gội.
Quần áo giặt xong được phơi trên cát.
Vấn đề nước uống và sinh hoạt tại các ngôi làng nông thôn luôn là thách thức của chính quyền Malawi. Máy bơm nước do châu Âu tài trợ được sử dụng chung cho cả làng. Kể từ đó, người dân nông thôn có thể cải thiện hệ thống tưới tiêu.
Bộ phim “Cậu bé khai thác sức gió” được thực hiện tại Malawi năm 2019 cho người xem hiểu được khát khao của người dân mong có nguồn nước sạch cho sinh hoạt và điều kiện tốt hơn cho giáo dục ở nơi này.
Giáo dục miễn phí ở Malawi ra đời từ năm 1994, dẫn đến số lượng học sinh ngày càng gia tăng nhưng chất lượng giáo dục giảm. Ở các trường làng, tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Có những lớp có đến 80-100 học sinh. Hơn nữa, nhiều ngôi trường không có nhà vệ sinh và nguồn nước sạch. Trong ảnh, thầy hiệu trưởng đang giới thiệu về một ngôi trường và xin ủng hộ từ các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện.
Tất cả các chuyến du lịch ở Malawi sẽ bao gồm trải nghiệm văn hóa như ca hát, nhảy múa và thưởng thức trà với người dân. Du khách đến đây được hiểu về con người và tự nhiên trong chuyến thăm một ngôi làng địa phương. Bạn cũng có thể lập một nhóm thiện nguyện giúp đỡ người dân. “Sau chuyến đi, những nụ cười lạc quan trong nghèo khó của người dân là điều đọng lại nhất trong tôi“, anh Ngọc nói.
Ảnh: Nguyễn Ngọc
Thanh Thu (Theo vnexpress.net)