Một lãnh đạo Bộ Thông tin – truyền thông khẳng định với Tuổi Trẻ dự kiến ngày 24-2, bộ này ban hành kế hoạch truyền thông Du lịch Việt Nam an toàn, trong đó có bộ tiêu chí Du lịch Việt Nam an toàn.
Theo nhiều ý kiến, việc ban hành này như “phát pháo” quan trọng đánh dấu Việt Nam bắt đầu tập trung mạnh cho chiến dịch thúc đẩy trách nhiệm các bên liên quan, đồng thời quảng bá Việt Nam an toàn, góp phần vực dậy ngành du lịch cũng như những ngành liên quan.
Mọi người cùng có trách nhiệm
Cụ thể, theo bộ tiêu chí, khách du lịch cần khai báo trung thực tình trạng sức khỏe, kịp thời thông báo về tình trạng sức khỏe khi có những triệu chứng nghi nhiễm COVID-19, tuân thủ hướng dẫn của công ty lữ hành và hướng dẫn viên trong quá trình du lịch…
Hướng dẫn viên phải nắm rõ các yêu cầu đảm bảo vệ sinh, phòng chống dịch và thực hành đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới; không chào bán và dẫn khách đi mua bán, sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao…
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành không tổ chức đón khách từ vùng có dịch, hoặc tổ chức tour cho khách đi du lịch đến vùng có dịch…
Cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải khách du lịch cũng được yêu cầu phải thường xuyên vệ sinh, khử trùng các phương tiện vận tải khách du lịch theo đúng quy định của Bộ Y tế; cung cấp khẩu trang cho khách du lịch khi có yêu cầu, bố trí dung dịch rửa tay diệt khuẩn trên phương tiện; điều chỉnh nhiệt độ 26 độ C trên phương tiện vận tải.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch phải bố trí chỗ rửa tay bằng nước sạch với xà phòng hoặc cung cấp các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn, bố trí khu vực cách ly cho khách nghi nhiễm COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế, lập đường dây nóng…
Cũng theo kế hoạch truyền thông Du lịch Việt Nam an toàn, ngay trong tháng 2 này Tổng cục Du lịch tiến hành gặp gỡ các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao đoàn để truyền thông điệp du lịch an toàn tại Việt Nam; tổ chức các đoàn công tác đi nắm tình hình hoạt động du lịch tại các địa phương…
Phải đồng bộ
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc Vietravel, cho rằng dịch COVID-19 đang gây nhiều khó khăn cho ngành du lịch nhưng đây không phải khủng hoảng về thị trường, mà là khủng hoảng tâm lý.
Rõ ràng, khách trên thị trường có sẵn nhưng bị “đóng băng” bởi nỗi lo sợ dịch bệnh, họ trong tâm lý chờ dịch đi qua mới dám đi du lịch trở lại.
Do đó, theo ông Kỳ, các chiến dịch truyền thông phải làm thế nào để tạo cho du khách tâm lý an tâm. Nhưng bản thân các doanh nghiệp tự nói khách sẽ không tin. Do đó, những thông tin kiểm soát tốt dịch bệnh cần được cập nhật trên cổng thông tin của sở ban ngành mới thuyết phục được khách hàng.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết chương trình kích cầu du lịch mà hiệp hội vừa phát động cũng được chia thành từng giai đoạn. Hiện nay, để khuyến khích người dân đi du lịch, một số doanh nghiệp đã tặng gói bảo hiểm dịch corona cho những khách đăng ký tour trong tháng 3 và 4-2020.
Các hãng hàng không cam kết 100% khử trùng khoang buồng lái, các xe chuyên chở sẽ được chứng nhận khử trùng để du khách an tâm thăm thú, trang bị cho khách khẩu trang và gel rửa tay…
Ông Trần Ngọc Toản, tổng giám đốc Images Travel, cho rằng Tổng cục Du lịch cần có kế hoạch cho những buổi họp báo quốc tế, chẳng hạn khi có tin vui về diễn tiến xử lý dịch bệnh, hay ngay nếu khi có rủi ro cũng cần có họp báo thông tin chính thức. Cái này hiệu quả hơn tất thảy kênh thông tin nào.
Bắt đầu từ những sự kiện được quan tâm
Ngành du lịch Việt Nam đang bắt tay cho chiến dịch Việt Nam – Điểm đến an toàn bằng việc chọn lọc các sự kiện quốc tế được nhiều người quan tâm.
Theo ông Đinh Ngọc Đức – vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch), ngành du lịch đã lên chương trình phục hồi sau COVID-19, trong đó có các chương trình quảng bá hình ảnh Việt Nam an toàn, đến du khách quốc tế.
Trước mắt, ngành du lịch sẽ lấy sự kiện Giải đua xe công thức 1 (F1), lần đầu tiên được tổ chức ở Hà Nội, làm điểm nhấn của các hoạt động quảng bá. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế, nên dễ dàng truyền tải thông điệp mà ngành du lịch đang muốn gửi gắm.
Bà Bùi Viết Thủy Tiên, tổng giám đốc Công ty Asia Trails, cho biết dù COVID-19 đang ảnh hưởng đến tâm lý của du khách quốc tế nhưng nhiều người vẫn muốn đến Việt Nam xem Giải đua xe công thức 1 (F1) diễn ra vào tháng 4 tới.
Trước khi xảy ra dịch bệnh, giá phòng khách sạn ở vị trí trung tâm Hà Nội tăng 2-3 lần, khiến chi phí xem Giải đua xe công thức F1 của Việt Nam kém cạnh tranh hơn cả giải ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Nếu lúc này, các khách sạn có chương trình kích cầu giảm giá và chính sách cho hủy, trả phòng linh hoạt thì sẽ dễ cho doanh nghiệp tìm nguồn khách mới bù lại lượng khách hủy…
Tiếp tục kiến nghị giãn, giảm thuế
Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa bên cạnh việc kết nối khuyến mãi cho khách cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng giảm lãi suất và giãn nợ vay, đồng thời cho doanh nghiệp vay thêm với lãi suất đặc biệt. Hiệp hội Du lịch cũng đề nghị gia hạn thời gian đóng thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 đến hết năm 2020, giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% còn 5% đến hết năm 2020, cho phép các doanh nghiệp lữ hành rút 50% số tiền ký quỹ đang gửi ở các ngân hàng để có thêm nguồn vốn duy trì, phục hồi hoạt động kinh doanh. ĐÌNH CƯƠNG |
Điểm du lịch phải có đường dây nóng
Theo bộ tiêu chí Du lịch Việt Nam an toàn, các khu du lịch, điểm du lịch cần sẵn sàng cung cấp thông tin cho khách du lịch về tình hình dịch bệnh COVID-19; khi có các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cần thực hiện cách ly ngay, đồng thời thông báo cho cơ quan y tế; Bố trí chỗ rửa tay bằng nước sạch với xà phòng hoặc cung cấp các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn tại các điểm cung cấp dịch vụ; thường xuyên vệ sinh, khử trùng tại các khu vực trong cơ sở dịch vụ theo đúng quy định của Bộ Y tế; lập đường dây nóng, bố trí cán bộ làm đầu mối thông tin hỗ trợ khách… |
Tăng khuyến mãi, đón hàng chục ngàn khách Nga
Công ty TNHH Lữ hành Pegas Misr Việt Nam cho biết công ty đã phối hợp với các đối tác Nga triển khai nhiều chương trình khuyến mãi. Trong tháng 2, công ty dự kiến đưa hơn 16.600 lượt khách bay đến TP Cam Ranh. Hiện số lượng khách đăng ký trong tháng 3 cũng đã đạt gần 9.000 lượt và đang tăng lên. Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Vinpearl cho biết đang kết hợp với Vietnam Airlines và một công ty bảo hiểm lớn nhất tại Nga để mở 8 đường bay định kỳ nối liền 4 thành phố của Nga với TP Nha Trang và đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Dự kiến thời gian tới, công ty đặt mục tiêu phải đạt tối thiểu 168 chuyến/năm, đưa hơn 50.000 lượt khách Nga đến Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên từ Matxcơva (Nga) sẽ tới TP Nha Trang vào ngày 12-3 tới đây. Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, ước tính quý 1 lượng khách đến du lịch sút giảm hơn 1 triệu lượt, thiệt hại khoảng 9.000 tỉ đồng. Nếu dịch kéo dài đến hết quý 2, con số thiệt hại có thể sẽ tăng lên khoảng 17.000 tỉ đồng. Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết sẽ đẩy nhanh việc ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin để hỗ trợ gói kích cầu. Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh sẽ làm đầu mối kết nối về thông tin với các doanh nghiệp, phối hợp với báo chí đẩy mạnh truyền thông. ĐÌNH CƯƠNG |
Miền Tây, khách đến đã đông hơn
Ông Nguyễn Khánh Tùng, giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch (VH-TT&DL) TP Cần Thơ, cho biết ngay từ đầu tuần này sẽ xây dựng kế hoạch truyền thông “Cần Thơ an toàn – thân thiện – chất lượng” với các hoạt động: gửi thư ngỏ đến đối tác, khách du lịch (bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Nhật), đăng tải lên website và các mạng xã hội; xây dựng bản đồ điểm đến an toàn của Cần Thơ. “Trước đó, nhờ chúng tôi gửi thư ngỏ mời chào, những ngày qua lượng khách du lịch đến thành phố đã bắt đầu phục hồi dần, có tăng trở lại” – ông Tùng nói. Bà Cao Xuân Thu Vân, giám đốc Sở VH-TT&DL Bạc Liêu, cho biết trong ngày 23-2, nhiều điểm du lịch tại tỉnh này đã đông đúc, có sự xuất hiện của xe chở khách du lịch trên 29 chỗ mà suốt thời gian có dịch không thấy. Bà Vân cũng nhận định những ngày qua, lượng khách đi theo gia đình trên xe 7 chỗ, 16 chỗ đến Bạc Liêu đã trở lại bình thường như thời điểm chưa có dịch (chủ yếu đến từ TP.HCM). Bà Huỳnh Thị Như Lam – trưởng phòng quản lý du lịch Sở VH-TT&DL An Giang – cho biết tỉnh này vẫn là điểm đến an toàn vì chưa có ca nhiễm bệnh. “Đầu tuần, chúng tôi sẽ trình lãnh đạo sở phát hành thư ngỏ đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành để khẳng định An Giang là điểm đến an toàn” – bà Lam nói. C.QUỐC – B.ĐẤU |
Chính quyền xuống tận nơi, doanh nghiệp “gượng dậy đón khách” Sau khi trực tiếp làm việc với UBND TP Hội An, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết chính sự chủ động và khoa học của toàn tỉnh đã góp phần giữ cho Quảng Nam an toàn tới nay, và dù lượng khách có giảm nhưng du khách đã bắt đầu trở lại. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam Phan Xuân Thanh nói rằng nhiều doanh nghiệp đã “mất phương hướng, bị choáng” trước cú sốc dịch bệnh đầu năm. Tuy nhiên, sự quyết liệt và xắn tay vào việc của chính quyền đã bước đầu giúp các doanh nghiệp bình tĩnh hơn. Đặc biệt, sau bức thư tay của ông Lê Trí Thanh gửi các đơn vị thông báo “Quảng Nam an toàn” và sự có mặt của ông Thanh tại các phố đi bộ, quán cà phê Hội An để trò chuyện với khách đã góp phần trấn an và quảng bá hình ảnh. Theo ông Thanh, hiện các doanh nghiệp đã bắt đầu kinh doanh trở lại và kế hoạch kinh doanh đã được điều chỉnh. 40 doanh nghiệp du lịch lớn tại Quảng Nam cũng đã ký kết chương trình hành động kích cầu du lịch. “Tháng 3 này, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế sẽ ngồi lại để ký chương trình kích cầu quốc gia. Chúng tôi hi vọng sự kết nối và nắm tay nhau này sẽ giúp các tỉnh phục hồi sản xuất, đưa khách đến nhiều hơn” – ông Thanh nói. Theo một lãnh đạo UBND TP Hội An thì từ ra tết đến nay đã có ít nhất 6 lần lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam đến Hội An kiểm tra chống dịch COVID-19, động viên các doanh nghiệp. “Chúng tôi đã lỗ 5 tỉ đồng. Nhưng những lúc này chúng tôi hiểu rằng mình cố gắng, mọi người cùng cố gắng, với những nỗ lực từ chính quyền thì tình hình chắc chắn sẽ sớm ổn” – chủ một nhà hàng cao cấp tại Hội An nói. THÁI BÁ DŨNG |
Theo tuoitre.vn
Link nguồn: https://dulich.tuoitre.vn/khoi-dong-du-lich-viet-nam-an-toan-20200223230124075.htm