Sau 90 ngày, hành lý ở sân bay không ai đến nhận được xác nhận là vô chủ, sau đó có thể đem đi quyên góp, bán lại hoặc bỏ đi.
Thất lạc hành lý luôn là cơn ác mộng với bất cứ du khách nào. Nhưng sự cố này lại thường xuyên xảy ra, nhất là với những chặng bay dài, phải nối chuyến. Thông thường, khi thất lạc hành lý, du khách cần thông báo ngay với hãng hàng không và nhà ga nơi mình vừa hạ cánh. Mỗi sân bay đều có hẳn một bộ phận chuyên trách để xử lý vấn đề này (tiếng Anh gọi là Lost and Found). Cơ quan này sẽ có trách nhiệm xác định vị trí của hành lý thất lạc, kết nối thông tin giữa người nhận và sân ga nơi hành lý đang nằm lại; sau đó sẽ chuyển trả lại cho hành khách.
Ở Việt Nam, theo thông tư hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải ban hành, mỗi nhà ga đều phải có một khu vực riêng biệt để quản lý hành lý thất lạc. Khu vực này phải được bảo vệ, không cho người ra vào nếu không có phận sự. Số lượng hành lý, trọng lượng, các thông tin ghi trên tag hành lý cũng được lưu lại trong hồ sơ. Mỗi kiện hành lý thất lạc chưa xác định chủ đều phải trải qua quá trình soi chiếu, kiểm tra và niêm phong để đảm bảo không mất mát tài sản.
Tuy nhiên, mỗi hành lý chỉ có thời gian xử lý nhất định. Ví dụ, hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ lưu giữ hành lý ký gửi thất lạc trong 90 ngày và tính phí. Hết thời hạn này, không có người nhận, hãng có toàn quyền quyết định với số hành lý trên. Đây cũng là thời hạn phổ biến của nhiều hãng hàng không trên thế giới, trong đó có Mỹ.
Sau khi hành lý được xác định là tài sản vô chủ, mỗi quốc gia và mỗi hàng hàng không lại có quy định xử lý khác nhau. Ở Mỹ, hành lý sẽ bị gỡ tag hành trình, khui niêm phong và mở ra hoàn toàn. Nhân viên sẽ tiến hành phân loại tài sản bên trong, chia làm 3 phần: phần quyên góp, phần bán ra ngoài và phần bỏ đi.
Thông thường, những tài sản cần bán đi hay quyên góp sẽ được chuyển cho bên thứ 3. Một trong số đó là trung tâm Unclaimed Luggage ở thành phố Scottsboro, bang Alabama (Mỹ), tại đây có một cửa hàng rất nổi tiếng, chuyên bán thanh lý những đồ dùng thuộc hành lý thất lạc hàng không được nhiều người biết tới. Vì là cửa hàng đồ cũ nên có rất nhiều loại mặt hàng, từ quần áo, giày dép, phụ kiện, đồ gia dụng… Thậm chí còn có cả những tài sản giá trị như một chiếc đồng hồ Rolex có giá gốc 60.000 USD hay một chiếc đầu cá sấu cũng từng bị đưa tới đây.
Do đó, lời khuyên dành cho khách du lịch là tuyệt đối không được để những đồ vật giá trị trong hành lý ký gửi vì những nguy cơ thất lạc có thể xảy ra. Ngoài ra, khi gặp tình huống không may, cần tích cực và chủ động liên hệ với các bên liên quan như hãng hàng không, bộ phận Lost and Found của sân bay 2 chiều để nhanh chóng tìm ra tài sản và gửi trả. Nên nhớ, bạn chỉ có 90 ngày.
Theo Nguyên Chi (ngoisao.net)