Cuộc sống ấy vậy mà nhanh nhẹn, mới quay đi quay lại, cũng đã gian khó, cháo rau, đã chông chênh mà cùng ông bước được hết một nửa quãng đường đời người. Con nhỏ cứ định danh “hạnh phúc”, có gì xa xôi, phải không ông? Nó ngay trước mắt, ngay minh chứng ông và tôi, ngay là bốn đứa con: đứa trưởng thành, đứa vẫn trong tay mình nuôi nấng. Cái hạnh phúc nó giản dị, đơn sơ, mà sao cứ nghĩ lại, tôi vẫn ấm lắm.”
Bài dự thi cuộc thi “Viết cho người bạn đời của tôi” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chứcMã số: 121_NBĐ |
“Cái tình cái nghĩa vẹn đầy, duyên số nợ nần nhau từ kiếp nào kiếp nào, cũng chỉ gói gọn trong hai chữ “vợ chồng”, trong bốn mươi năm từ đó đến nay, và từ nay trở đi thêm nhiều năm nữa, ông nhỉ?
Chúng ta là ông, là bà rồi. Lên chức ngoại cũng đã ba năm nay, cái câu “chồng ơi” tôi không còn gọi từ khi đó nữa, thay vào đó là câu “ông bà” mình dành cho nhau. Nghe vẫn thân thương, mà thêm phần trách nhiệm.
Cuộc sống ấy vậy mà nhanh nhẹn, mới quay đi quay lại, cũng đã gian khó, cháo rau, đã chông chênh mà cùng ông bước được hết một nửa quãng đường đời người. Con nhỏ cứ định danh “hạnh phúc”, có gì xa xôi, phải không ông? Nó ngay trước mắt, ngay minh chứng ông và tôi, ngay là bốn đứa con: đứa trưởng thành, đứa vẫn trong tay mình nuôi nấng. Cái hạnh phúc nó giản dị, đơn sơ, mà sao cứ nghĩ lại, tôi vẫn ấm lắm.”
Đó, những lời nói vẫn nhẹ nhàng như thế của người vợ, người Mẹ, người Bà ngày ngày chăm chồng, người chồng thương binh với cái nắng gió trở trời là nằm im một chỗ, quay người cũng khó khăn. Biết bao nhiêu nước mắt rơi xuống hằng đêm, tim của người phụ nữ ấy nghẹn lại. Nhìn người chồng đầu gối tay kề nằm thở mệt nhọc, có một ước nguyện nhỏ nhoi chị muốn “ước gì chồng mình khỏe mạnh, được khỏe như người ta”. Cái ước muốn khao khát tưởng chừng nhỏ bé, vậy mà đong đầy bao thương yêu, đong đầy bao lo toan nhọc nhằn, đong đầy nước mắt, mồ hôi, tảo tần khuya sớm của chị.
Anh chị, sinh ra vào thời chiến. Anh sống cuộc đời người lính, chị sống cuộc sống hậu phương. Cái tình cái ý chưa kịp nảy nở, hai anh chị về sống một nhà.
Bố chị khen “Thằng ấy nó học thức, bộ đội chỉ huy. Sau này con cái cũng có cái chữ cái nghĩa, con không phải khổ.”
Bố anh tấm tắc “Cô con dâu vàng mười. Khéo ăn khéo làm, cái nết vun vén gia đình con này được cả, mặt hoa da phấn, nhất làng”.
Ấy là chị e ấp trong cái nón mẹ chồng trao, luýnh quýnh tay chân về làm dâu trưởng.
Cưới được hôm trước, hôm sau anh nhận lệnh lên đường. Chị nghẹn ngào “anh đi mạnh khỏe”. Bao nhớ thương, chị gửi trọn vào đạo nghĩa dâu con, quyết tâm làm dâu hiền vợ đảm. Cả làng cả họ không ai nói một tiếng chê bai, họ thầm phục chị chịu thương chịu khó. Có những lần anh về, thấy tay vợ ngày càng chai sần, thân hình mảnh khảnh cứ ngày càng gầy thêm, ruột gan như thắt lại, nhưng vì hai tiếng Tổ Quốc thiêng liêng, anh để lại gia đình, gói lại nhớ thương, anh vẫn xa chị.
Ngày anh về hẳn bên chị, quà cho chị là mảnh đạn trên đầu, là cả hàm răng xô lệch, cái còn cái mất, là bước chân không nhanh nhẹn, là anh nhớ chị mà vượt qua thập tử nhất sinh, qua cái sập hầm bạn bè tìm anh, tìm đồng đội trong bất lực. Chị nghẹn ngào. Chồng chị về rồi, về bên chị rồi đó. Nhưng sao đau đớn, xót xa?
Chị không trách được ai, chị trách từ “chiến tranh” khắc nghiệt. Có thêm anh bên đời, chị vùng lên quật cường, mạnh mẽ. Anh dần dần khỏe lại, giúp chị được ấm nước, nồi cơm. Mỗi lúc thấy chị ống thấp ống cao, tóc lệch một bên, mồ hôi ướt đầm lưng áo, đỏ dừ khuôn mặt, anh cố nén giọt nước mắt lăn dài, quay vào góc tối. Người phụ nữ ấy, vất vả quá rồi, vất vả vì anh.
Nếu hỏi chị, được chọn lại, chị có chọn anh không? Chị cười:
– Không được chọn. Bố mẹ gả đi. Chứ nếu được chọn, có anh chăm sóc mấy đứa con, cho chúng nó học hành nên người, thì vẫn chọn anh, không chọn ai khác.
Cái ánh mắt lấp lánh tự hào khi nói về anh, chị còn cười tươi mà bảo:
– Ngày mới về, anh yếu lắm. Mắt kém. Đi đâm vào con trâu cũng có biết đâu. Ngày đó không có nghiện. Chứ có thì cả làng cả nước người ta bảo ông này sida.
Rồi chị cười. Niềm hạnh phúc cứ gói gọn trong mỗi trang kí ức. Cứ ai gợi về, thấy sáng bừng trên khuôn mặt. Chị bảo:
– Có ông ấy, cuộc đời tôi biết thêm nhiều thứ lắm. Mất mát đong đếm được, chứ hạnh phúc chẳng cân đo được cô ơi. Nhìn ông ấy cứ nằm mệt mỏi, không quay được người, mà cứ nén tiếng kêu đau, nước mắt cứ từ đâu rơi xuống. Như trẻ con, cứ phải giấu chứ sợ ông ấy buồn.
Anh chị sinh ra ở cái thời “cái gì hỏng thì sửa, chứ không lỡ vội quẳng vứt nó đi”. Gian khó bao nhiêu, truân chuyên bao nhiêu vẫn thua sức dẻo dai, mềm mỏng của người phụ nữ. Mệt mỏi bao nhiêu, thử thách bao nhiêu, vẫn sau những ấm áp động viên của đạo nghĩa vợ chồng.
“Cuộc đời, có phải lúc nào cũng êm đềm đâu cô, sóng gió có chứ. Mình người trần mắt thịt, người đời thường, có lúc giận, lúc buồn tủi, nhưng nhìn nhau, người rắn người mềm, người cứng người nhường, thì mới qua được cả đoạn đường dài thế. Con trẻ nhiều lúc cứ bảo chẳng hạnh phúc, hạnh phúc là những gì mình đã đi qua. Nắm tay nhau mà đi. Quãng lội anh không cõng được tôi thì dìu. Đấy cứ thế là hết một đời. Tìm kiếm hạnh phúc làm gì, nó hiển nhiên ngay trước mắt cô ạ. Bầy con khỏe mạnh là hạnh phúc, ông ấy khỏe mạnh là hạnh phúc”.
Nghe tiếng chị vẫn in lại trong tim. Có xa xôi đâu. Người phụ nữ nhỏ người, tóc có sợi bạc, mặt đầy những vết chân chim, vẫn nồng hậu, nhiệt tình, vẫn yêu thương người chồng đau yếu của chị. Người phụ nữ dạy con đạo nghĩa, vun vén gia đình, mệt nhọc chị xua đi bằng những tiếng cười.
Người phụ nữ, tôi gọi tiếng “Mẹ”, người tôi mến phục, cảm kích. Người là động lực vươn lên của mỗi đứa con, là ánh sáng soi đường những lúc bế tắc mệt mỏi.
Cám ơn hạnh phúc bình dị của Bố Mẹ, cám ơn bài học người để lại cho chúng con. Chúc Bố Mẹ sức khỏe, bình an và yêu thương.
Con gái.
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết cho người bạn đời của tôi” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!