Tình yêu của Bố

30 năm trước, mẹ là một thiếu nữ óng ả, nết na. Gia đình ngoại là gia đình công nhân, đồng lương bấp bênh, để có thể nuôi nổi 6 người con, ngoại đã phải cố gắng rất nhiều.

Bài dự thi cuộc thi ” Viết cho người bạn đời của tôi” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức

Mã số: 011_NBĐ
Họ và Tên: Nguyễn Văn Công
Địa chỉ: Thương Tín, Hà Nội

Tóc mẹ đã điểm bạc, hàng ngày, mẹ  vẫn bôn tẩu khắp ngóc ngách, phố phường để mưu sinh. Mẹ dần bắt đầu chuyển sang một thế hệ khác, trừ trung niên lên…có tuổi. Bố, người bạn đời của mẹ, dường như bây giờ mới nhận ra rằng mình đang sở hữu một tình yêu lớn lao, vô tận, những ngày tháng tuổi trẻ bố đã vô tình để tình yêu đó tuột mất chính trong tay bố.

Tuổi của bố mẹ, ít khi người ta nhắc đến hai chữ tình yêu, nếu có nhắc đến thì bố mẹ cũng sẽ rất ngại ngùng cho dù đã chung sống với nhau gần 30 mùa xuân.

30 năm trước, mẹ là một thiếu nữ óng ả, nết na. Gia đình ngoại là gia đình công nhân, đồng lương bấp bênh, để có thể nuôi nổi 6 người con, ngoại đã phải cố gắng rất nhiều. Ngoại quý các cậu hơn, ngoại muốn mẹ lấy chồng khi đã đủ tuổi, đó cũng là cách để vơi bớt gánh nặng kinh tế lên vai ngoại, và như thế, mẹ đã về với bố khi tròn 18 tuổi. Không một lời yêu trao nhau, không một nhành hoa cài tóc mẹ và cũng không có cái gọi là tuần trăng mật…thế mà bố đã có mẹ. Mẹ nghe lời ngoại về với bố, không một lời trách móc, giận hờn. Bố cũng chỉ là người nông dân bình thường, lớn lên giữa chênh chao của xã hội, tình yêu đối với bố cũng quá xa xỉ, rồi bố cũng học làm ăn như bao người khác, đành vậy, những biến cố ở đời, những xích mích trong làm ăn mà người những người nông dân như bố rất khó giải quyết đã xảy ra liên tiếp, liên tiếp…

Ngày chị ra đời, bố vẫn còn chìm trong men say với bạn bè, bố không nghĩ mình đã làm bố và cũng không biết phải làm bố thế nào? Tiếng khóc choe choé của chị không làm bố ngủi lòng, bố vẫn đắm đuối vào những chai rượu của bố, có nhiều điều làm bố suy sụp nhưng chắc chắn mẹ không phải là nguyên nhân, mẹ muốn có một gia đình cho dù là hình thức, không mang hai tiếng tình yêu đi chăng nữa, mẹ không muốn men say làm mềm lòng bố.

Mẹ gượng dậy sau những ngày đầu khó khăn, mẹ đi buôn bán trong âm thầm, cô đơn để kiếm những đồng tiền nhỏ lẻ , góp nhặt lại nuôi chị và nuôi gia đình mẹ hằng mong ước. Có lần mẹ đã mang chị về với ngoại, trách hờn ngoại, sao ngoại lại gả mẹ cho bố? Bố đâu có yêu mẹ? Nhưng ngoại cũng chỉ biết khóc, nước mắt ngoại nhỏ từng giọt lên má hồng của chị. Mẹ tự hỏi đây là số phận hay sao? Vì có duyên phận thì mới gặp được nhau, nhưng duyên của mẹ với bố là gì? Là lương duyên hay hoạn duyên? Là gì vậy? Mẹ có nuốt hai hàng nước mắt lại, và lại bế chị trở lại với gia đình nhỏ của mình, mẹ tin là ngoại cũng chỉ muốn tốt cho mẹ.

Có những đêm, mưa ngút trời, gió không thương những nhành cây yếu mềm, màn đêm bám riết những ưu tư, mình mẹ ôm trọn cả con phố vắng teo, nước mắt mẹ hoà vào nước mưa và bụi trần. Mẹ không mong ngày 8/3 lãng mạn, mẹ cũng không cần ngày 20/10 nghỉ ngơi, mẹ đón Tết như một đêm khó ngủ, mẹ chỉ mong một tình yêu sống lại, nhưng bố chỉ đáp lại bằng những tiếng kề ca trong men rượu và thậm chí, những lời kề ca đó đã chạm đến nỗi đau nơi trái tim mẹ.

Ngày chị còn bé, vẫn chỉ gọi bố mẹ bằng những tiếng khóc thất thanh, bố thường mắng mẹ bằng những câu xúc phạm, những lời lẽ mà văn chương chưa một lần dám nhắc đến, trong những bản “hùng ca” đó của bố, có cả tên ngoại, ngoại không thể tưởng tượng được rằng người con rể yêu quý của ngoại lại hay gọi tên mình ra như thế? Mẹ buồn. Mẹ chỉ muốn có một gia đình yên ấm, cho dù không chứa đựng những lời yêu thương mặn nồng, mẹ cũng không cần bố phải đọc được nội tâm của mình hay những nỗi niềm sâu kín, mẹ chỉ mong bố làm đúng trách nhiệm của mình và chấp nhận cái duyên số chớ trêu này.

Mẹ chỉ dám giữ cái buồn cho riêng mình, nỗi buồn trong chính ngôi nhà của mình, những lần bố mắng mẹ, mẽ chỉ lũi thũi một mình trong bếp, rồi mẹ đổi lỗi cho khói bếp làm mắt mẹ bị cay, mẹ đổ lỗi cho chiếc xe đạp hỏng làm mẹ ngã bị bầm đùi, mẹ đổi lỗi con đường trơn làm mẹ ngã bị trầy xước…nhưng mẹ không đổi lỗi cho ai cả.

Cuộc sống mưu sinh hun hút, đã làm cho thời gian trôi đi nhanh hơn, đồng nghĩa với việc mái tóc của mẹ già nhanh hơn tuổi , mẹ ít ngủ, nhiều đêm mẹ thức trắng để tránh xa vào giấc mơ, mẹ sợ những giấc mơ hoa hồng, nó làm cho mẹ thèm thuồng nhưng mẹ cũng sợ phải thức, nếu thức, có lẽ mẹ sẽ nghe thấy những lời chửi bới của bố, tên ngoại lại vang lên trong “tiếng ca” của bố. Rồi từng ngày trôi qua, chị cũng đã lớn, chị cũng giống mẹ, một thiếu nữ xinh xắn, duyên thầm, và chị cũng như mẹ, cũng đi tìm hạnh phúc cho riêng mình.

Ngày chị đi lấy chồng, mẹ khóc nhiều. Chị tìm được một người nói yêu chị, rất ngọt ngào và hứa hẹn trăm năm hạnh phúc với chị, điều mà ngày xưa ngoại đã làm thay cho mẹ. Mẹ chưa bao giờ lặng lẽ như vậy, bên cửa sổ, mẹ cứ nhìn hoài về con đường đã tiễn chị theo chồng, mà con đường cứ dài mãi, dài mãi. Chị là chỗ dựa tinh thần cho mẹ sau những lần bố mắng chửi, đập phá, giờ chị đi rồi, mẹ thấy cô đơn. Mẹ bị nước mắt làm chủ cảm xúc của mình, mẹ tham gia Hội phụ nữ ở xã để vơi bớt đi cảm xúc, và khao khát một thứ hạnh phúc giản đơn là gia đình, mẹ chỉ biết hy sinh cho con cái và nhận về những câu mắng chửi từ bố, trong những lúc tủi thân mẹ không tìm được những lối thoát và câu trả lời cho hai chữ duyên phận.

Chị lấy chồng xa không mấy khi về thăm nhà, tuy bố bị men say làm chủ nhưng vẫn nhớ con gái của mình. Bố đến thăm chị trong một ngày nắng nhẹ, cái ngõ nhà chồng chị trải đầy 2 hàng hoa ti-gôn, loài hoa có trái tim vỡ vụn và tan nát, bố bước đến với vẻ ngoài thô kệch, trên tay bố là chút quà cho cháu nhỏ. Bố tiến vào. Rồi tên bố vang lại vang lên từ miệng anh con rể, bố lùi lại đầu ngõ ,và, tên bố cứ vang lên giống như bố “vang” tên ngoại, cái giá bố phải trả đây sao?

Túi quà nhỏ bố mang tặng cháu bỗng rơi xuống đất, chiếc xe đạp của bỗ ngã lộn xuống đường, bố trách số phận đã đẩy con gái bố đến với người không tốt, bố trách sao con gái đã dại tìm người không tử tế và bố trách bản thân mình, trách anh con rể sao lại học bố kêu tên ngoại ra. Bố lững thững, bố nghĩ về mẹ, nghĩ về con gái, bố ngồi bệt ngay dưới giàn hoa đang thắm tươi, bố đâu biết mẹ thèm một gia đình ấm áp, có vậy thôi mà bố không làm được. Bố vội đứng dậy và lao ngay về chợ, mua nhiều đồ mẹ thích rồi về nấu nướng, bố cũng không rõ mẹ thích món gì vì bao lâu nay bố có thèm để ý đâu, bao lâu nay bố vẫn chỉ coi mẹ như món quà ngoại tặng cho mẹ, bố hoàn toàn chưa từng trân trọng món quà vô giá đó. Nhưng không muộn. Mẹ đã về trong ngày chợ ế ẩm, mẹ đang chờ những lời kề ca của bố…nhưng không, bố đã chạy ra đón mẹ từ đầu ngõ, đỡ cho mẹ gánh hàng còn dở dang, đưa mẹ vào nhà ăn bữa cơm gia đình như bao gia đình hạnh phúc khác. Mẹ bàng hoàng rồi bỡ ngỡ, mẹ giật mình nghĩ mình đang nằm mơ, nhưng giấc mơ đó đã được bố chắp cánh trở lại, bố biết mình đã sai, bố biết mình đã không biết đến tình yêu, bố biết rằng người bạn đời của bố khao khát gì ở bố. Nỗi cô đơn của mẹ từ đó được bố bào mòn dần đi, chính bố là người gây nên nỗi buồn khủng khiếp đó của mẹ và giờ cũng chính bố đang dần xoá nỗi cô quạnh của chính bố đi. Bố nhớ đến ngoại. Bố xấu hổ vì những gì đã làm với mẹ với ngoại, bố biết rằng ngoại đã trao cho bố một tình yêu vô tận, một hạnh phúc trìu mến nhưng bố đã phụ bạc tất cả trong men say, nhưng mẹ đâu có tính toán, mẹ vẫn mở rộng trái tim đón nhận tình yêu của bố. Bó hoa đầu tiên bố tặng mẹ, nó không phải hoa hồng, hay bất cứ một loài hoa nào tượng trưng cho tình yêu, đơn giản chỉ là những nhành hoa ti gôn bố gói gọn rồi cài lên mái tóc đã quá nửa ngả bạc của mẹ.

Thời gian qua nhanh, tiếng cười đã vỗ cánh bay đi với mẹ từ lâu nhưng giờ nó đã quay lại trên đôi môi của mẹ. Mẹ thấy hạnh phúc, trong đêm, mẹ không còn in hình mình lên vách tường mục nát nữa, mẹ ngả đầu vào bờ vai của bố, điều mà mẹ đã từng ước khi còn ở nhà với ngoại. Bố đã tự hỏi, có phải chúng ta đã quá dễ đến với nhau nên chưa biết trân trọng tình cảm của nhau không? Có người sống cả đời độc thân vì không tìm được người mình yêu, có người thì có vô vàn những mối quan hệ nhưng không tìm được sợi dây kết nối yêu thương trong đó. Bố chần chừ trong chính câu hỏi của mình, bố biết mẹ cần một gia đình tràn đầy yêu thương nhưng lại phải để mẹ chờ đợi quá lâu…rồi bố không còn uống rượu nữa, bố đến thăm ngoại nhiều hơn, ngoại đã yếu và không còn nhớ nổi chính những người con của mình nữa nhưng bố cũng không dám nhìn thẳng vào đôi mắt đùng đục của ngoại, có lẽ ngoại cũng đã quên hết mọi chuyện rồi, để bố cũng vơi bớt áy náy nơi tâm can.

Rồi từ đó, buổi chợ nào bố cũng cùng mẹ bôn ba, những gánh hàng rong của mẹ giờ đã nặng thêm vì bờ vai của bố cũng vững chắc hơn và có thể che chở được tất cả. Bố vuốt tóc mẹ nơi phố chợ, cho dù mẹ ngại ngùng nhưng mẹ vẫn hằng mơ ước điều đó, chỉ nhẹ nhàng như thế là đủ với mẹ.  Phần còn lại của cuộc đời đủ để bố sửa sai và trao hết yêu thương của mình cho mẹ, thế nên người ta mới nói tình yêu đâu có tuổi, chỉ tại người ta cứ thích đếm tuổi cho tình yêu thôi.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết cho người bạn đời của tôi” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

(Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN