Trước sóng gió cuộc đời, tôi nuôi con khôn lớn. Trách ông vô tâm để mình tôi đơn côi gối chiếc, trách ông vô tình để con cái xa cha. Rồi tôi lại tự trách bản thân mình. Lương hai cọc ba đồng chẳng nuôi con đủ ăn đủ ấm. Thằng cả học hết lớp ba đã lên tàu bán nước, chiều tối lại ra bãi đất hoang bắt châu chấu bỏ lọ đem về ăn.
Bài dự thi cuộc thi ” Viết cho người bạn đời của tôi” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chứcMã số: 134_NBĐ |
Cắm những bông cúc vàng vào lọ, đặt lên bàn thờ. Hôm nay đi chợ sớm nên chọn được một nhánh cau tươi, cùng một hộp bánh đậu xanh mà ông thích.
Ông à, cũng đã năm năm rồi. Mai đã là cái giỗ thứ năm.
Ngày ấy, căn bệnh ung thư phổi đã mang ông đi, đi xa khỏi trần thế. Bác sĩ nói ông hít nhiều khói củi, lại nghiện rượu nghiện bia, nghiện cả thuốc lá.
Đến đêm hôm qua tôi mơ thấy ông, cũng thấy ông nhắc mua cho cái điếu cày. “Ở dưới kia tôi thèm thuốc quá.” Nói rồi ông ho khụ khụ, thân hình gầy gò cũng dần mờ đi. Rồi chả hiểu sao khi tỉnh dậy, tôi lại nhớ một sáng xách làn đi chợ, thấy ông đang nhóm lò bên lề đường. Những làn khói theo gió cuốn về phía ông, màu tóc hay màu khói mắt tôi lèm nhèm nhìn chẳng rõ nữa. Tiếng ông ho mãi chẳng ngừng, bàn chân tôi không biết là muốn đi tiếp hay là con tim muốn quay đầu lại. Chỉ muốn hỏi thăm ông vài câu, lại sợ ông thấy chán ghét mà lạnh nhạt. Thế rồi cứ bước tiếp như thế.
Chúng ta vốn là vợ chồng, nhưng lại bước trên hai con đường như đường thẳng song song. Ấy vậy mà cũng hết một kiếp người.
Tôi tự hỏi mình rằng, gần sáu mươi năm kết tóc se duyên, tôi và ông có được bao đêm chung gối.
Ngày ấy chúng ta đến với nhau do sự sắp đặt của gia đình, tôi nào biết trong lòng ông đã có người phụ nữ khác.
Tôi vốn là chị cả trong nhà có tám người con, học hết lớp hai đã về chăm em giúp mẹ bán hàng ăn lề đường. Người gầy gò ốm yếu, cả năm cũng chỉ diện hai tà áo màu nâu, hằng ngày bế em đến trẹo cả xương sườn. Đâu có biết gì đến chuyện nam nữ. Cho đến ngày lần đầu gặp ông, dù chẳng thân nhau nhưng cũng đôi phần xao xuyến. Tôi tự may cho mình một tà áo ngà, kẹp trên mái tóc một chiếc nơ màu xanh.
Không tình yêu, không có những buổi hẹn hò. Nhưng phận làm vợ, tôi luôn quyết một lòng, cứ thế mà dành trọn tất cả, thương ông. Mọi chuyện từ cơm nước đến nhà cửa, chỉ mong ông vừa ý. Chỉ tiếc là, ông chẳng quan tâm, hờ hững, lạnh nhạt. Cho đến khi tôi biết được rằng, ông yêu một người phụ nữ ở làng bên nhưng chẳng thế cưới. Do đó mới lấy tôi.
Tôi sinh cho ông được ba mụn con, một trai hai gái. Đến khi con gái út tròn hai tuổi, mẹ mất, ông cũng chuyển ra ngoài sống luôn. Chúng ta coi như ly thân, cứ như vậy rồi chẳng liên quan gì đến cuộc sống của nhau nữa.
Cũng giống như trước kia, ông cứ đi suốt rồi tối mới về. Đến đêm tôi ngủ giường trong, ông nằm giường ngoài. Ngày đông cũng như hè, nóng bức hay lạnh giá, chiếc giường hiu quạnh, không biết sẻ chia giá rét cùng ai. Nhưng mỗi sáng thức dậy, lại thấy đôi dép cao su xếp ngay ngắn ngoài cửa. Một phần cũng ấm áp mà vui vẻ cả ngày. Bây giờ, trong nhà chỉ còn đôi guốc mộc. Ấy vậy mà đôi guốc mộc nó còn có đôi.
Trước sóng gió cuộc đời, tôi nuôi con khôn lớn. Trách ông vô tâm để mình tôi đơn côi gối chiếc, trách ông vô tình để con cái xa cha. Rồi tôi lại tự trách bản thân mình. Lương hai cọc ba đồng chẳng nuôi con đủ ăn đủ ấm. Thằng cả học hết lớp ba đã lên tàu bán nước, chiều tối lại ra bãi đất hoang bắt châu chấu bỏ lọ đem về ăn. Rồi đứa thứ hai, thứ ba, là con gái mới lên tám lên mười cũng phải ra chợ bán rau mưu sinh kiếm sống.
Ngày đi làm, tối muộn về ngủ. Mặc kệ thời gian trôi đi. Cho tới ngày thằng cả ngỏ ý muốn cưới cô nàng nhà bên, cả hai đều thương nhau đã lâu. Vậy là cũng đã gần hai mươi năm, cuộc sống cứ hằng ngày mà trôi qua như thế.
Đến khi nhìn lại, tôi tự hỏi những đứa con kia đã lớn lên như thế nào. Từ mái tóc cho đến hàm răng, khuôn mặt cho đến vóc dáng. Giờ mới thấy sau gáy thằng cả có vết sẹo dài, hàm răng thì cái trước cái sau. Cái hồi con thay răng tôi nào có để ý. Tôi vô tâm quá, thiếu trách nhiệm quá, đến ngày tết cũng chẳng có tiền sắm quần áo mới cho các con mặc.
Cho tới khi con cái có gia đình, ổn định công việc. Tôi cũng đã già đi, ông cũng già đi.
Mà tôi có ít tiền lương, một nửa đóng tiền ăn cho thằng cả, còn một nửa để chi tiêu bữa sáng ăn vặt hằng ngày.
Còn ông?
Sáng sớm tôi xách làn đi chợ, đã thấy ông đang dọn quán nước bên đường. Không biết liệu ông dậy từ mấy giờ, đã ăn sáng hay chưa. Cả năm mình chỉ gặp nhau trong ngày giỗ cha mẹ. Nếu vô tình bắt gặp ánh mắt nhau trên đường, cũng chỉ gật đầu hỏi thăm nhau vài câu. Rồi lại như những người xa lạ, bước qua nhau rồi mỗi người một hướng.
Từ ngày còn trẻ cho tới lúc già nua, ông vẫn một mình trong căn nhà 12m2. Sáng dọn hàng nước tối dọn về.
Còn tôi, cuộc sống mẹ chồng nàng dâu vốn chẳng hòa hợp. Con cái ai rồi cũng lo cho hạnh phúc riêng. Huống chi trong tuổi hồng của những đứa con, tôi vốn là người mẹ vô tâm đến thế.
Ông biết không ông, lúc biết ông có bệnh cũng là lúc giai đoạn cuối. Con cái trách ông chuyện năm xưa nhưng lại thương ông nhiều hơn. Chăm ông cho đến ngày ông mất, hết vay nợ tiền thuốc thang rồi vay nợ lo đám tang yên lành. Rồi cuộc sống có dư giả gì đâu, bao nhiêu việc phải chi tiêu bao nhiêu việc phải nghĩ. Trong một lần nào ấy tôi chẳng nhớ nữa, con nó bảo tôi rằng sống chẳng lo được chúng cái gì, đến khi nhắm mắt cũng để lại cho chúng cả số nợ lớn. Bảo tôi rằng tự dành tiền mà lo hậu sự của tôi sau này. Chúng nó nói khổ lắm rồi.
Ông à, ngày ấy chúng ta mới đôi mươi, rồi ba mươi… Chớp mắt cái giờ đây đã già, da nhăn nheo, bạc cả nửa đầu. Đêm hôm qua mơ thấy ông, lần đầu thấy ông tâm sự muốn mua điếu cày, ông thèm thuốc lá. Giật mình tỉnh dậy liền thắp cho ông nén nhang, rồi cứ nghĩ vẩn vơ bao chuyện cho tới sáng.
Ông à, liệu rằng khi kiếp người đến hạn. Nơi ấy gặp nhau liệu có bình yên hơn trước?
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết cho người bạn đời của tôi” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!