Viết về mẹ: Ngày mai hạt thóc nảy mầm

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 816_VVM

Họ tên: Hoàng Tuấn Thanh

Địa chỉ: TP.Bà Rịa, Bà Rịa – Vũng Tàu

 ————————————-

Trong ký ức của tôi luôn hiện ra những trận bão.

Ngày đó, mẹ luôn ôm tôi vào lòng, xoa dịu đi nỗi sợ hãi của trẻ nhỏ về những trận sấm, chớp. Lòng mẹ lúc nào cũng ấm, cũng thơm, luôn là chỗ dựa an yên cho nỗi bất an sinh ra từ những trận giông gió. Thoảng hoặc, tôi ngủ quên trong vòng tay đó, bỏ lại mẹ với nỗi lo đau đáu cùng ánh nhìn xa xăm hướng về phía cánh đồng.

Giữa trận bão, luôn có một giấc mơ nở hiền từ tình yêu thương ấm áp, và một giấc chiêm bao khắc khoải suốt đêm gầy.

Mùa lũ, con sông quê trở nên hung hãn dội sóng mắt mẹ. Nước lên nhiều quá, chảy tràn đồng tử thành hai nhánh sông nhỏ, đục ngầu như phù sa, mặn chát. Nhìn lên trời, những cơn mưa như gom hết mây đen mà trút xuống cánh đồng đang sắp sửa chờ gặt, những cây lúa ngụp lặn dưới nước như chết đuối, nhìn mà xót xa.

Mưa xối xả, mưa lút mặt lút mày, mưa dai dẳng triền miên, mưa tối tăm mặt mũi, mưa trút lấy trút để mà vẫn không dập tắt nổi đống lửa âu lo nhen nhóm trong lòng mẹ.

Tối, mẹ ngồi hát ru mà không quên buông tiếng thở dài, giấc tôi thuở lên chín lên mười vì thế cũng chòng chành, chông chênh và nghiêng ngã. Để rồi mỗi lần nhớ lại, chỉ nhớ mãi hai câu ca dao mẹ hát khứa gọn vào tim:

“Ông tha mà bà chẳng tha

Vẫn làm cơn lụt mùng ba tháng mười”

Những ký ức cứ thay phiên nhau chấp vá để tạo thành hoài niệm. Những thước phim tuổi thơ đắng đót cứ mặc nhiên tua về miền xưa cũ. Lại nhớ những lần lặn lội mưa dầm cùng mẹ ra đồng cứu lúa. Những thân lúa ngập sâu trong nước, mẹ cặm cụi ngồi trên thuyền nan mò mẫm từng cụm, từng cụm lúa mà gặt. Tay mẹ, tay tôi, nhòe nhoẹt và héo quắt bởi nhúng lâu trong nước.

Tôi hỏi: “Lúa ướt vậy tuốt thế nào mẹ?”. Vậy là thêm một nỗi lo. Sau câu nói đó, tôi chỉ thấy dáng mẹ cần mẫn ngồi nhặt nhạnh từng hạt thóc chắc mẫm ngày này qua ngày nọ. Kiên trì và nhẫn nại. Xong xuôi, lại mong từng cọng nắng chiếu xuyên qua bầu trời xám xịt kia để mang ra mà phơi phóng. Cái mong mỏi đó mãnh liệt đến mức muốn xé toạc bầu trời, thu mưa gom bão mà đổi lại chỉ nhận lấy những tiếng thở dài, rưng rức.

Ngày xưa đó, chỉ những ai chứng kiến mới cảm nhận thấu đáo cái khó khăn, cái cực nhọc, cái vất vả của những người nông dân chân lắm tay bùn mùa lũ.

Để rồi những bữa ăn, mẹ luôn kể về những trận bão chi tiết đến từng cọng rơm, ngọn cỏ, về những nỗi lo cơm áo bữa ruộng đồng ngập lụt, âu cũng là để nhắc nhở những đứa con (như tôi) giá trị của từng hạt thóc, miếng ăn.

Quá khứ không thể quay lại, nhưng ký ức thì mãi lưu tồn. Đứa trẻ lên chín, lên mười là tôi ngày đó giờ đã lớn. Nhưng hình ảnh về người mẹ tảo tần cần lao thì chẳng phút nào già nua. Có chăng chỉ có chứng nhân thời gian đã ghim sâu vết chân chim nơi khóe mắt mẹ, đã in hằn từng vết nhăn trũng sâu nơi vầng trán, đã mờ đục đi ít nhiều đôi mắt trong veo một thời chất chứa lo âu.

Vậy mà chẳng thể nào bào mòn tình yêu của mẹ từ thời son trẻ đến tận bây giờ, họa chăng chỉ thêm tròn đầy theo năm tháng. Nhà văn Lão Xá đã nói: “Con người, cho dù có sống đến tám chín chục tuổi, chỉ cần mẹ vẫn sống thì ít nhiều vẫn còn có tính trẻ con”. Điều đó đúng, thực sự đúng, lý giải cho mỗi lần ở bên mẹ, tôi những tưởng mình là trẻ con, đứa trẻ lên chín lên mười thuở chưa biết lo biết nghĩ, dù cho cuộc sống đã trui rèn đi ít nhiều sương gió.

Nói để ngẫm, tình cảm mẫu tử thiêng liêng như là hành trang đeo mang suốt một đời người, chẳng khi nào mai một. Mùa này, mẹ vẫn cần mẫn ra đồng gieo hạt. Tuổi tác có thể già đi, nhưng đức tính chịu thương chịu khó nơi mẹ thì vẫn luôn vẹn nguyên vẹn toàn, điều đó làm tôi cảm tưởng rằng mọi thứ vẫn như vừa mới hôm qua, thuở tôi đầu trần chân đất cùng mẹ ra đồng những buổi trưa nắng gió.

Và rồi, tôi sẽ cười thật tươi, nói rằng: “Ngày mai hạt thóc nảy mầm, mẹ ơi”

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn! 

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN