Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 602_VVM
Họ tên: Tống Thị Kim Quỳnh
Địa chỉ: TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang
———————————————–
“Mày là đứa không cha!” – Câu nói ấy đã ám ảnh tôi từ năm lên sáu, cái tuổi mới chập chững những bước đi loạng choạng đầu đời, cái tuổi ngây thơ chưa nhận ra nỗi đau từ những lời mỉa mai, châm chọc. Tôi chỉ khóc và chạy thật nhanh thật nhanh tìm một lối thoát hay một nơi đầy bóng tối để quên đi những lời trêu chọc của đám bạn cùng trường và tôi ghét mẹ.
Mẹ tôi – người phụ nữ được sinh ra từ một miền quê nghèo khó, nơi mênh mông một vùng sông nước, nơi những ánh mắt đau đáu với nỗi bi ai khi mùa lũ tràn về. Có lẽ vì tuổi thơ của mẹ vô vàn những tủi cực, nhọc nhằn nên mẹ chẳng dám hi vọng nhiều gì về những con người chung huyết thống và cũng chẳng dám đặt niềm tin quá nhiều về cuộc đời đầy rẫy cạm bẫy, sân si. Mẹ sinh ra trong một gia đình đông con, là người con thứ bảy trong gia đình, sau mẹ vẫn còn bốn, năm đứa em nheo nhóc. Bất hạnh thay, năm mẹ mười một tuổi, bà ngoại qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo, một mình mẹ chăm lo đàn em thơ dại, săn sóc luôn những bậc đàn anh suốt ngày chìm đắm trong men rượu và người cha luôn đau ốm. Mẹ phải bỏ học giữa chừng, một mình mẹ quặng gánh trên vai hết dấn thuốc đến bán bún cá, bún riêu,… lay lắt qua ngày để giữ lửa cho mái ấm gia đình và niềm hy vọng còn sót lại cho ngôi nhà tổ. Và cuối cùng mẹ tôi bén duyên cùng nghề may vá và một tay nuôi tôi ăn học. Mỗi lần nhắc đến quá khứ – những chuỗi ngày nhọc nhằn ấy, mẹ tôi lại chực trào nước mắt thấy thương gia đình nhiều hơn là thương thân mình. Như thế đó, cuộc sống của tôi chỉ có tôi và mẹ! Tôi lớn lên nhờ sự chăm sóc của một bàn tay khéo léo đan từng đường kim mũi chỉ để che chở cho tôi trước những sóng gió cuộc đời. Mẹ tôi là thợ may, bạn bè thường trêu “nghề rung đùi nhàn hạ” nhưng ẩn sâu trong đó là mồ hôi, công sức, là tình mẫu tử thiêng liêng. Và mẹ tôi chỉ có một mình trên hành trình cuộc đời mang tên “cô đơn” ấy!
Năm năm cấp một, bốn năm cấp hai và ba năm cấp ba, tôi vô tư không biết được tình hình kinh tế gia đình đang đến bờ vực thẳm khi chỉ mình mẹ gồng mình chống đỡ mái nhà nhỏ bé liêu xiêu. Tôi vô tư đến vô tâm để không nhận ra rằng mẹ khổ tâm nhiều lắm vì việc thi đại học của tôi. Nhiều đêm liền mẹ tôi thức trắng, mắt mỏi, lưng đau và chân tê dại nhưng mẹ không một lời oán trách. Còn tôi, tôi nào hay nào biết, đầu tôi chỉ quẩn quanh câu hỏi “Tại sao tôi lại mang họ mẹ, tại sao trong giấy khai sinh luôn dở dang họ tên cha, cùng lời mỉa mai của đám bạn về người cha chỉ có trong tâm tưởng đó!”. Tôi buồn nhưng không khóc, tôi quyết tìm câu trả lời “Cha tôi là ai?”.
Đến khi xa nhà, xa quê lên Sài Gòn ăn học thì tôi mới hiểu và thấm thía tình thương vô bờ bến của mẹ. Đến với môi trường mới, được hòa nhập cộng đồng và quen được nhiều bạn từ nhiều vùng miền khác nhau. Sau những lần tham gia câu lạc bộ tình nguyện rồi những cuộc vui cùng đám bạn mà quên cả lối về, tôi chợt nhận ra rằng vì mải bon chen theo những cuộc vui chốn đô thành hoa lệ mà tôi quên mất người mẹ già thầm lặng hy sinh. Tôi chợt nhận ra đã lâu rồi tôi không điện về cho mẹ, không biết giờ này mẹ tôi ra sao, đứa con bất hiếu cảm thấy xấu hổ khi điện về quê, nhưng tôi tự trấn an mình và bắt đầu gọi điện.
“Alô” – Một giọng nói thân thuộc vang lên mang theo dư vị cay đắng…
“Mẹ ơi, con Quỳnh nè, sao lâu rồi mẹ không gọi điện cho con? Mẹ khỏe không?” – Câu nói cộc lốc như mũi kim ghim sâu vào lòng mẹ vì tôi không đủ tư cách để trách mẹ của mình.
“Con… Mẹ khỏe, mẹ nhớ mày lắm, mày nhớ giữ gìn sức khỏe, trân trọng từng giây từng phút trên giảng đường nghe con. Đừng lo cho mẹ, lâu lâu nhớ gọi điện về hỏi thăm tao, mẹ không gọi mày là vì muốn mày tập trung học. Có người mẹ nào thờ ơ với con cái mình đâu con!” – Mẹ tôi nói trong hạnh phúc và nước mắt lưng tròng.
“Mẹ khỏe là con mừng rồi, thôi con cúp máy vì con có hẹn với bạn rồi!” – Tôi vội vàng cúp máy để lại một khoảng lặng êm ái đến nát lòng trong mẹ.
Một thời gian sau thì tôi mới biết, mẹ tôi quyết tăng ca để tăng thu nhập gửi tiền cho tôi ăn học, mẹ lặng lẽ chống chọi với cơn lũ khi nước tràn vào nhà, mẹ âm thầm chịu đựng cơn đau lưng hành hạ MỘT MÌNH, không than vãn, không oán trách. Của cải mất đi mẹ không tiếc, nhưng những kỉ vật thời thơ ấu của tôi mẹ quyết tâm gìn giữ trong cơn lũ đang cuồn cuộn kéo về, cuốn theo cả tấm chân tình của mẹ tôi. Tim tôi nhói lại và không thể khóc thành tiếng, thành lời…
Bởi trong khi tôi có bạn bè, còn mẹ tôi chỉ còn lại một mình trong mái nhà tranh xiêu vẹo với bao kỷ niệm về đứa con bất hiếu là tôi. Khuya sớm đi về, mặc kệ sóng gió cuộc đời đang chực chờ ập đến mẹ tôi vẫn chung thủy với lời ru chân chất khi tôi còn bé bỏng:
“Ầu ơ ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời”.
Trường đời của mẹ sao chông gai, gian truân quá! Và khi tôi đang cười với tập thể thì mẹ tôi đang khóc trong đau đớn vì cơn đau thắt lưng khi trái gió trở trời, khi mà đầu mẹ đã mang hai thứ tóc. Tôi quyết định không đi tìm đáp án cho câu hỏi khó về người cha chỉ hiện về trong vô thức mà cố gắng học vì tương lai của mẹ con tôi. Tôi tự hứa với lòng sẽ không vô tâm như thế một lần nào nữa.
Mẹ ơi, chiều nay Sài Gòn mưa nặng hạt và con đang bắt chuyến xe tốc hành về quê thăm mẹ. Con nhớ lắm câu vọng cổ mặn mà của quê mình:
Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau
Mẹ ơi con biết một ngày nào đó đứa con nào cũng mang trên ngực áo bông hồng trắng vì quy luật của tạo hóa thì không thể chống lại. Nhưng con sẽ làm mọi cách để níu giữ hương vị và sắc màu của bông hồng đỏ để nó không phải phai màu theo thời gian.
Dù mẹ bạn là ai, cám ơn mẹ đã cho con cuộc sống để con có thể cảm nhận và yêu thương. “Dù mẹ tôi chỉ có một mình trên hành trình cuộc đời mang tên một mình ấy, nhưng mẹ tôi không cô đơn, không bao giờ cô độc. Vì trên từng mốc của chặng đường đó luôn có tôi sát cánh bên mẹ cũng như mẹ đã luôn bên tôi từ lúc còn chập chững cho đến khi trưởng thành. Dù là niềm đau hay hạnh phúc, dẫu có những lúc bế tắc tuyệt vọng thì một bữa cơm cá kho, canh chua bông điên điển thấm đượm tình quê, tình mẫu tử cũng đủ hàn gắn tất cả mọi vết thương lòng. Vì sau tất cả, tình thân là vĩnh hằng và bất tử. Vì con là hai gánh nặng cuộc đời mẹ, với con mẹ vừa là người mẹ bao dung và cũng là một người cha mẫu mực. Bấy nhiêu thôi con không bao giờ hối tiếc khi mẹ đã mang con đến với cuộc sống này! Con thương mẹ, mẹ ơi!
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!