Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 179_VVM
Họ tên: Đỗ Thị Lương
Địa chỉ: huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông
—————————————————
Nói đúng ra ít năm trở về trước gia đình tôi luôn nằm trong diện nghèo khó, mặc dù cha, mẹ tôi suốt tháng, cùng ngày cứ chân đất, quần săn ống thấp, ống cao lận đận đi làm mướn làm thuê suốt, bởi nhà có 6 người gồm bà nội, cha mẹ và ba chị em chúng tôi nhưng đất đai chưa được một ngàn mét vuông liền canh, liền cư lại ở tận trong tuyến ba không bán buôn hay làm thêm cái nghề gì được.
Ấy vậy mà, chẳng hiểu sao mái tóc của mẹ tôi mặc dù đã từng dầu dãi đội nắng, phơi sương tới hơn 30 năm trời kể từ khi có chồng mà nó vẫn cứ dài và đen nhánh. Ngay từ khi mới lớn khôn tôi để ý thấy mẹ khi trời chưa sáng hẳn đã phải thức dậy làm đủ mọi thứ việc trong nhà, rồi ăn vội lưng cơm đã chụp cái nón lên đầu tất tưởi cầm sạt, cầm cuốc đi làm công để kịp buổi cho người ta. Trưa, chiều cũng vậy, khi buông công việ thì trời đã khuya, ấy vậy mà mẹ vẫn cố tranh thủ nấu nước bồ kết và gội đầu hai ngày một lần đều đặn.
Tôi ra trường, tháng đầu tiên đi làm có lương, điều quan tâm trước nhất là dành ra số tiền mua cho mẹ 30 gói dầu gội sun-siu bồ kết. Tưởng mẹ thích lắm, nào ngờ tháng sau tôi giật mình khi cái hộp giấy đựng dầu vẫn còn nguyên đủ; gạn hỏi, mẹ bảo: “Xưa nay mẹ đã quen gội nước bồ kết đặc quen rồi, chẳng thích hợp chút nào với cái mùi lạ khác. Phụ nữ thời nay thích những loại dầu gội đầu đắt tiền, ấy vậy mà tóc đâu có đen, có dày như các bà, các chị ngày xưa’’. Tôi chợt sững sờ “có khi mẹ nói đúng’’!
Mẹ luôn có một giỏ bồ kết treo trên cạnh bếp củi, tôi hỏi: “Cớ sao lại treo đó cho bụi bặm hả mẹ?’’, mẹ gật đầu: “Bụi thì sẽ rửa sạch trước khi nấu, còn bồ kết trong bếp được “ăn’’ nhiều bồ hóng có tác dụng làm tróc gàu, sạch da đầu hơn hẳn bồ kết tươi. Hoàng hậu, thứ phi trong Cung đình ngày xưa họ vẫn dùng bồ kết treo gác bếp pha với các loại hoa, cây cỏ để gội đầu cơ mà”. Mẹ nói tôi chỉ biết nghe mà cũng chẳng rõ thực, hư thế nào vì vô tình chưa tìm hiểu tính năng của nó.
Lần ấy mẹ bệnh không nặng lắm nhưng âm ỉ khá dài ngày, khi những trái bồ kết cuối cùng đã hết mẹ mới bảo tôi: “Con ra ngoài cô Năm Hồng gởi mua cho mẹ 2 lạng, bồ kết chỉ trên phố mới có chứ chợ quê tìm đỏ mắt chẳng ra lấy một trái đâu’’. Tôi tỏ ra ngạc nhiên, mẹ giải thích: “Phố đông nên có nhiều người lớn tuổi, thêm nữa họ rảnh rang hơn để có thời gian và điều kiện gội đầu bằng bồ kết, chứ cả huyện mình đa phần dân kinh tế mới, lớp trẻ ở mọi nơi về lập nghiệp, họ thường dùng dầu gội cho vừa tiện, vừa đỡ tốn thời gian. Ngay cả chị em cô (ám chỉ chị em tôi) cũng vậy, mẹ bảo dùng nước bồ kết vừa gội, vừa tắm cho đẹp tóc, đẹp da mà chẳng chịu…’’
Thú thật buổi đầu tôi cũng chẳng tin lời mẹ cho lắm vì chỉ nghe công dụng của bồ kết qua dân gian truyền miệng, nhưng sau đó những lúc rảnh tôi tranh thủ giúp mẹ nấu nước gội đầu, mẹ bảo “nấu nhiều đi để mẹ, con cùng gội cho vui’’, ấy vậy mà chỉ mấy lần thôi tôi đã thích thú với kiểu gội đầu “dân dã’’. Cái thú thứ nhất là, chính cái nước nong nóng có mùi thơm đặc trưng ngạt ngào đến khó tả của bồ kết, của hương nhu, vỏ bưởi khô, lá sả… hoà quyện, lại được múc từ cái gáo dừa nho nhỏ tưới chầm chậm lên mái tóc rồi thấm xuống da đầu có một cảm giác vô cùng khác lạ so với thứ nước từ trong bình nóng lạnh phun mưa trong nhà tắm. Nhưng thích thú hơn cả là trong lúc vừa gội mẹ vừa kể chuyện ngày xưa con nhà giàu “làm đỏm” ra sao và phụ nữ nhà nghèo giữ da, giữ tóc thế nào. Mẹ bảo: “Tuổi thiếu thời mẹ hay cùng các thiếu nữ cùng xóm cứ tối tối ra bãi bồi con sông cuối làng vét hố chằm nước bùn đặc, cả nửa giờ đồng hồ mới nhảy xuống sông kỳ cọ cho sạch bùn, rồi đập dập trái chòm gọng lấy bọt gội đầu và tắm khắp mình chứ hồi ấy làm gì đã có nhiều xà bông như bây giờ. 15 tuổi mới được mẹ, được bà chỉ cho gội và tắm nước bồ kết, ấy vậy mà chẳng hiểu sao không chỉ mẹ mà khắp lượt con gái cả làng tóc đều dài, da đều mịn làm trai trong làng ngoài xã đều mê mệt, chẳng cô nào ế chồng…’’
Rồi chẳng hiểu tôi đã “nghiện’’ mùi bồ kết từ lúc nào mà một tuần không gội đầu được hai lần bằng bồ kết với lá sả, lá hương nhu là tôi thấy bứt rứt và nhớ nhung cái mùi đặc trưng nồng nàn ấy vô cùng. Cũng vì lẽ đó mà mỗi tháng vài lần tôi phải chạy xe lên chợ tỉnh cách nhà hơn 30 km để mua bồ kết cho mẹ, cho tôi. Mỗi lần như vậy, thoáng thấy bóng tôi, bà lão bán bồ kết đã hồ hởi: “Bà giành cho con những trái to, hột nhiều, muốn cho thơm hơn thì về bẻ nhỏ sao lại trước khi nấu nghen con. Thời nay hiếm gặp những phụ nữ còn trẻ như con mà mua bồ kết vì họ có đủ mọi thứ dầu tiện dụng hơn. Nhưng thực ra bà kinh nghiệm rồi, tuổi nay đã hơn 70 mà tóc bà còn dày, ít bạc như vầy là nhờ bồ kết đấy’’.
Người đời thường nói “làn da, mái tóc là góc con người’’, dĩ nhiên mỗi người có cách giữ gìn khác nhau, song nhiều năm qua nước trái bồ kết nấu chung với những cây thảo mộc trong vườn là thứ nước chính để tôi tắm, gội chứ thi thoảng mới dùng tới sữa tắm và các loại dầu bán sẵn trên thị trường. Mới đây tôi có người yêu, anh ấy cứ trầm trồ khen: “Làn da bánh mật của em thật đẹp, nhất là mái tóc dày ấm như nhung, mềm như lụa và nó óng ả như… vừa được duỗi’’. Chẳng biết anh ấy khen thật hay khen nịnh?
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!