Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 766_VVM
Họ tên: Dương Thị Nhung
Địa chỉ: Thị Xã Thuận An, Bình Dương
—————————————–
Mẹ tôi là người phụ nữ tuyệt vời nhất mà tôi từng biết. Kể cả trên phim ảnh, sách báo tôi cũng chưa thấy có người phụ nữ nào lại sống bao dung, độ lượng như mẹ tôi. Mẹ là người phụ nữ suốt một đời chịu nhiều gian truân, cay đắng và tủi nhục. Cuộc đời mẹ là một chuỗi ngày đầy nước mắt.
Cuộc sống của mẹ thật vất vả, nghe mẹ kể lại. Hồi sinh tôi, bố tôi còn đi bộ đội chưa về, chỉ có một mình mẹ phải vừa nuôi heo và làm ruộng. Sáng dậy từ 3 giờ sáng để đi làm đồng. Tôi mới được hai tháng rưỡi là mẹ đã gởi trẻ để mẹ còn phải đi làm tính công, chấm điểm chứ không thì chẳng có gì ăn. Khi tôi được hai tuổi thì em trai tôi lại ra đời. Mẹ đã vất vả nay còn thêm bội phần vất vả. Mọi việc trong nhà, ngoài xã hội đều một tay mẹ tôi gánh vác. Nhất là những hôm trái gió, trở trời chị em tôi thường bị ốm. Mẹ thức cả đêm để chăm sóc chúng tôi, có lần sốt cao quá em tôi lên cơn co giật, mẹ sợ quá khóc sưng hết cả mắt. Mẹ vất vả như thế mà được một người chồng thương yêu, quan tâm và lo lắng thì không có gì đáng nói. Nhưng mẹ thật không may mắn khi bố tôi là người đàn ông đa tình, trăng hoa, không quan tâm đến cuộc sống gia đình. Sống ở quê người ta cứ nói ra nói vào. Nào là bố tôi đi với cô này, cô nọ và có con riêng. Mà hình như cái tin có con riêng là chính xác. Cho đến giờ phút này tôi cũng chưa biết mặt người em đó. Dư luận ì xèo thế đó nhưng mẹ tôi cứ để mặc ngoài tai mà sống để nuôi con. Bao đêm mẹ ôm con vào lòng mà khóc, mẹ chỉ mong một ngày nào đó bố tôi sẽ thay đổi tính tình mà chăm lo con cái. Công việc ở quê quá vất vả cộng thêm nhiều lời đàm tiếu về bố tôi nên nghe lời chị gái, mẹ tôi dắt díu cả nhà vào Lộc Ninh, một huyện miền núi xa xôi của tỉnh Bình Phước để sinh sống. Nhưng cũng chẳng được bao lâu, cả nhà tôi lại khăn gói đi đến huyện Bù Đốp, cũng thuộc tỉnh Bình Phước để sinh sống. Mẹ tôi làm công nhân cao su còn bố tôi thì làm việc nhàn hơn: làm ở phòng tổ chức của Nông trường. Đồng lương công nhân ngày ấy quá thấp, không đủ chi tiêu cho cả nhà. Hồi ấy nhà tôi toàn ăn cơm độn với khoai khô. Cơm thì ít mà khoai thì nhiều. Mẹ tôi ngày đi làm công nhân, tranh thủ giờ nghỉ trưa mẹ đi cắt ngọn lang mà người ta đã lấy củ bỏ lại thân và mót những củ lang còn sót lại để về phơi khô độn với cơm. Ngọn lang thì buổi tối mẹ bó lại từng bó để sáng mai 4h sáng là mẹ dậy đi chợ để bán. Chợ cách nhà tôi cả gần chục cây số, thỉnh thoảng những hôm nào có nhiều rau thì tôi và em trai cũng đẩy phụ mẹ ra chợ bán. Những giọt mồ hôi rồi cả nước mắt của mẹ cứ thi nhau rơi xuống. Mẹ khóc vì thương chúng tôi, còn nhỏ đã phải làm việc vất vả.
Cuộc sống vất vả và kham khổ thế nhưng bố tôi vẫn tính nào tật ấy, lại bỏ mẹ con tôi đi mấy tháng. Ngày đó còn nhỏ nên tôi cũng không hiểu vì sao bố tôi lại bỏ mẹ con tôi, tôi nghe mọi người đàm tiếu rằng: Bố tôi đi theo gái, bỏ mẹ con mày rồi. Tôi thấy thương mẹ và hận bố nhiều lắm nhưng tôi chẳng biết làm gì khác ngoài việc cố gắng học. Có những đêm đang ngủ, tôi chợt thức giấc thấy mẹ khóc. Sao lúc ấy tôi căm thù cái người mà tôi gọi là Bố đến thế. Bỏ đi được mấy tháng bố lại quay về, mẹ vẫn tha thứ.Tôi dù còn nhỏ nhưng cũng không thấy tôn trọng bố nữa. Mẹ làm công nhân quá vất vả mà lương bổng lại thấp, bố tôi thì cũng chẳng phụ gì cho mẹ tôi. Vì thế nhà tôi lại một lần nữa chuyển nhà. Năm ấy tôi vừa học xong học kỳ I lớp 6. Giờ này dù đã hơn 20 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in cái ngày tôi đặt chân đến mảnh đất Bù Gia Mập, nơi mà hiện nay bố mẹ và các em tôi vẫn còn làm sinh sống. Buổi trưa nắng như đổ lửa, chúng tôi sau mấy tiếng đồng hồ ngồi trên xe đò chật ních, rồi cũng xuống đến nơi. Trời nắng to, bố mẹ tôi phải chở đồ đạc bằng xe đạp còn tôi và em trai phải khiêng một thùng đồ, vừa đói, vừa mệt lại phải khiêng đồ giữa trời nắng to, tôi và em tôi như muốn xỉu đi. Đi bộ khoảng 2 cây số thì chúng tôi đến nhà người quen để tá túc ít ngày. Ở đây bố mẹ tôi phải đi vào làng người Ba Na để đổi những thứ họ cần rồi lấy thóc đem về xay thành gạo đem bán. Được một thời gian, bố mẹ tôi mượn được nhà của một người Ba Na để ở (làng họ chuyển đi nơi khác ở nên họ cho mượn nhà). Thế là chúng tôi chuyển đến nơi ở mới. Qua nơi ở mới một thời gian thì một điều khủng khiếp đã xảy ra, có một người đàn bà đem đứa con còn đỏ hỏn, mới có một tháng tuổi sang cho mẹ tôi, bà ta nói rằng đứa bé là con của bố tôi và bà ta. Đây chính là kết quả của cuộc tình mà bố tôi bỏ đi khỏi nhà mấy tháng. Giờ bà ta không nuôi được nên giao lại cho bố tôi. Mẹ tôi bị sốc nặng. Mẹ đã khóc thật nhiều. Mẹ không ngờ cuộc đời mẹ lại có ngày như thế này. Như những người đàn bà khác chắc sẽ làm to chuyện và không bao giờ nuôi đứa bé ấy, vậy mà mẹ tôi đã nhận nuôi đứa trẻ mới 1 tháng tuổi đó. Nhà đã nghèo túng, giờ lại phải nuôi thêm một đứa nhỏ. Ngày ấy không có sữa công thức như bây giờ. Đứa trẻ ấy lớn lên là nhờ những hộp sữa đặc Ông Thọ pha với nước cơm.Cũng may nhờ trời mà nó ít khi ốm đau lại hay ăn nên cứ thế mà lớn. Chị em tôi phải thay nhau trông em rồi giặt tã cho nó. Những tưởng có đứa con riêng của bố mà mẹ vẫn phải nuôi thì bố tôi sẽ biết điều mà sống tu tâm, tu chí lo làm ăn nuôi con cái. Nhưng không, bố tôi vẫn tính nào tật ấy. Vẫn cặp bồ hết cô này đến cô khác, về nhà còn đánh mẹ con tôi. Có lần tôi đi học về, thấy cảnh bố đánh mẹ, thằng em tôi thì đang bế con bé, tôi tức quá liền hét lên: “Vứt nó đi”. Đành rằng nó cũng là máu mủ với tôi nhưng lúc ấy sao tôi căm nó thế. Tôi hận đến thấu xương thấu tủy người bố luôn làm mẹ tôi phải khổ. Lần ấy mẹ tôi định ly dị với bố tôi nhưng nghĩ đến các con mà mẹ lại nhẫn nhịn sống. Sự nhẫn nhịn của mẹ thật là phi thường. Cũng nhờ vậy mà tôi mới được ăn học đến nơi đến chốn chứ nếu ngày ấy bố mẹ ly hôn thì có lẽ chị em tôi đã có một số phận khác rồi. Đứa bé ấy giờ đã là mẹ của một cậu con trai kháu khỉnh. Mẹ tôi vẫn luôn chăm sóc và thương yêu nó như con ruột. Người ngoài nhìn vào cứ tưởng là con gái mẹ tôi.
Giờ đây khi ngồi viết lại những dòng tâm sự này tôi thấy thương mẹ quá. Cũng một đời người mà sao mẹ chịu nhiều thiệt thòi đến thế. Lúc này khi đã ở tuổi 60 nhưng mẹ vẫn phải phơi nắng, phơi sương đi làm rẫy để trồng mì, trồng bắp vì nợ nần vẫn còn oằn lên đôi vai mẹ. Chẳng biết bao giờ mẹ mới được sung sướng như người ta. Mẹ ơi, con thương mẹ lắm nhưng vì cuộc sống của con chẳng dư dả gì nên con cũng chẳng giúp được mẹ nhiều. Con mong rằng có một phép màu nào đó, giải phóng cho mẹ bớt gánh nặng nợ nần để tuổi già mẹ được vui vẻ, thoải mái bên con cháu. Con mong mẹ sống thật lâu với chúng con. Chúng con yêu mẹ nhiều!
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!