Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 156_VVM
Họ tên: Hoàng Nghiệp
Địa chỉ: Việt Trì, Phú Thọ
—————————————————
Con bé được cuốn sơ sài bằng miếng vải xé từ tấm váy đã rách. Bàn chân non nớt thò ra, đỏ lựng vì buốt cóng. Hai má tím tái nên đôi mắt phải nhắm nghiền. Nó cất tiếng khóc oe oe vì đói nhưng người mẹ chưa kịp xoay lại cho con bú bởi đang mải giắt những đồng tiền lẻ vào trong cạp váy. Có tiếng chim kêu báo sáng, chợ thưa dần, vậy là đã ba đêm nay, giờ mẹ nó mới bán được cho ông tây một chiếc mũ thổ cẩm trị giá 15 nghìn đồng…
Khu du lịch này mùa nào cũng đông nhưng chủ yếu là khách Tây. Ngoài thưởng ngoạn cái thi vị của núi rừng Tây Bắc, người ta còn lên để đắm mình trong nét văn hóa đặc sắc của người Mông, người Dao. Một trong số những thứ đó là đêm chợ tình Sa Pa. Chợ chỉ mở vào tối thứ 7 và tối chủ nhật hàng tuần nên rất đông. Ngoài thưởng thức các món ẩm thực như ngô, chân gà, lòng lợn nướng… du khách còn được chiêm ngưỡng các điệu múa khèn điêu luyện của thanh niên dân tộc Mông trổ tài. Nhưng ở những góc khuất, sự bình lặng dưới chân cột đèn cao áp hoặc lờ mờ cạnh các ông bà Tây cao lớn là những người phụ nữ đang địu con trên lưng với vành ô nhỏ nhỏ. Tay cầm chiếc mũ, vòng đeo tay, chiếc kèn môi, thậm chí chỉ là chiếc vòng cổ được bện bằng sợi cây lanh sau đó nhuộm màu xanh đỏ mời chào khách.
Thứ đắt tiền nhất là chiếc mũ thổ cẩm với giá từ 15 – 20 ngàn. Thứ rẻ nhất là chiếc vòng cổ khoảng 2000 đồng. Tôi gọi những chị em đó là phụ nữ cho đúng với nghĩa của tạo hóa do họ đã có con, thậm chí còn 2 đứa. Nếu công bằng phải gọi bằng “trẻ con”, vì tất cả các mẹ này độ chừng 15 – 16 tuổi là cùng. Chuyện con gái Mông lấy chồng sớm cũng chẳng còn là sự lạ nhưng trong đêm chợ tình, những người phụ nữ bình dị ấy lại chất chứa bao nỗi niềm sâu thẳm.
Cái Giàng Thị Mỹ – Tôi gọi là “cái” vì lúc đầu tưởng nó bế em – nhà ở Tả Giàng Phình “cắp” theo một đứa con rất nhỏ. Đúng một mùa trăng, nương ngô sau nhà “nát bét” vì bước chân của người trai Mông lạ đến thổi khèn, thế là Mỹ cưới chồng. Gần một mùa trăng nữa, Mỹ đẻ con và chỉ nửa mùa trăng sau 2 mẹ con Mỹ phải tự xoay sở rau cháo nuôi nhau. Người chồng quá nát rượu nên đánh, chửi, đuổi cả 2 mẹ con ra khỏi nhà. Từ lúc sinh ra đến nay, đứa bé sống ở nơi không có “ánh sáng” nên mỗi đêm theo mẹ lang thang, vật vờ quanh chợ nó cũng ngỡ ngàng. Đôi má bầu bĩnh nhưng ánh mắt sắc nhọn như chứa ẩn sự ly kỳ của chuỗi ngày mưu sinh. Những thứ mẹ nó bán được mỗi đêm chỉ 20 – 30 ngàn là cùng, nhiều khi vài ba hôm mới bán được một sản phẩm, thậm chí cả tuần rong ruổi cũng không kiếm được đồng tiền lẻ để mua bịch sữa cho con.
Cuộc sống dù ở đâu cũng có sự nhân hậu, điều đó chia đều cho cả kẻ hiền lành và ác độc, cho cả người sung sướng và nghèo khổ. Giàng Thị Mỹ cũng thế, thi thoảng em được khách du lịch đồng cảm, chia sẻ bằng những đồng tiền tuy ít nhưng nặng nghĩa tình. Khi ấy ánh mắt em sáng lên niềm tin: Cái khổ sẽ có ngày đi qua cuộc đời…
Sa Pa về đêm huyền ảo đến lạ kỳ nhưng cũng kỳ lạ đến ngỡ ngàng. Đó là những ngôi nhà cao tầng cả đêm sáng rực từ ánh đèn cao áp, các quán đặc sản đồ nướng “thức” cả đêm. Vậy mà cách đó chỉ vài cây số, các bản làng ở Hầu Thào, Nậm Sài, San Sả Hồ hay Tả Giàng Phình… cùng lắm cũng chỉ có tiếng con chim lạc bầy gọi bạn trong đêm lặng thinh.
Và còn lạ hơn là người già, đàn ông trong các gia đình trẻ đều ở nhà ngủ, để người vợ địu con đi bán hàng đêm. Phần lớn các em không biết chữ hoặc “đã được” tái mù, tiếng Kinh chưa chắc đã biết nói nhưng tiếng Anh thì… như gió. Tôi có cảm giác chúng còn giỏi hơn bất cứ những ai đã từng được đào tạo bài bản môn trong các trường đại học, khách du lịch từng nhận xét điều đó. Đây là một lợi thế so với con gái dân tộc Dao ở Sa Pa về mức độ giao tiếp và khả năng bán hàng cho khách Tây. Bởi vậy, thâu đêm chỉ thấy bóng dáng những người mẹ trẻ dân tộc Mông mang theo con xuống chợ bán hàng mà không phải là con gái dân tộc Dao, mặc dù họ cùng sống trên một dải đất, cùng bán cùng một mặt hàng.
Dưới chân cột đèn cao áp đã tắt điện và trên trước hiên của những quán bán hàng đã đóng cửa, chỉ sót lại lờ mờ ánh sáng, những cặp mẹ con non nớt đang ôm nhau ngồi ngủ. Tấm chăn thổ cẩm nát bươm, trải xuống làm chiếu, phần còn lại kéo lên cuốn nửa kín, nửa hở cho 2 mẹ con. Đêm đã về sáng, tôi thấy con bé được cuốn sơ sài bằng miếng vải xé từ tấm váy đã rách. Bàn chân non nớt thò ra, đỏ lựng vì buốt cóng. Hai má tím tái nên đôi mắt phải nhắm nghiền.
Nó cất tiếng khóc oe oe vì đói nhưng người mẹ chưa kịp xoay lại cho con bú bởi đang mải giắt những đồng tiền lẻ vào trong cạp váy. Có tiếng chim kêu báo sáng, chợ thưa dần, vậy là đã ba đêm nay, giờ Mỹ mới bán được cho ông Tây một chiếc mũ thổ cẩm trị giá 15 nghìn đồng. Đấy là tốt lắm, những đứa trẻ 5- 7 tháng tuổi mới được ấm áp bên mẹ như thế.
Những người mẹ trẻ bồng con trong đêm, nhiều người tưởng là chị em. Chỉ khi thấy đứa bé rúc vào bầu ngực mẹ mới thấy thương cảm cho cho cuộc đời đã phải nằm sương, uống gió ngay từ tấm bé. Tạo hóa đã sinh ra, tạo hóa phải tạo ra sự thích nghi “bắt buộc”, trẻ miền xuôi như thế chắc đã nhập viện lâu rồi, còn ở đây chúng vẫn lớn như những cây rừng vươn mình trong đá, thô ráp nhưng chắc nịch. Thật cảm phục song cũng thương cảm khôn cùng…
Trong số đó, có đứa may mắn được người Tây lấy làm vợ. Thi thoảng về nước, cùng chồng lên Sa Pa thăm bố mẹ đẻ tít trên dải núi cheo leo và hiểm trở, thậm chí phải đi bộ cả ngày mới tới nơi. Về tới bản trẻ con chạy thật xa, người lớn nép mình sau hàng rào đá vì có một đứa gái lạ lẫm, tóc xoăn tít, vàng chóe, môi đỏ chót.
Số này không nhiều, nhưng chắc chắn đời con của nó sẽ không phải lớn lên từ những đêm chợ tình mua vui thì ít, bán nỗi niềm thì nhiều. Còn bố mẹ nó bỗng nhiên có cái nhà xây chắc chắn thay cho nhà cũ đắp bằng đất tối om, ẩm thấp. Bao nhiêu mùa ngô, bố mẹ trồng hạt lép kẹp vì núi cao ít nắng, lần này con gái lấy chồng Tây như mặt trời đã đi qua nương ngô. Có điều đôi khi con rể nhiều hơn tuổi bố mẹ vợ.
Tiếng sáo còn ngân, người nghe vẫn đến. Chợ tình chưa tan thì còn đó những mảnh đời ngang dọc. Chẳng đứa trẻ nào muốn lớn lên từ chân cột đèn cao áp hay bên góc khuất lờ mờ của chợ tình Sa Pa. Liệu rằng còn nữa không những mặt trời sẽ đi qua nương ngô?
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!