Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 171_VVM
Họ tên: Phạm Văn Trung
Địa chỉ: huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông
—————————————————
Bà nội ruột của tôi mất khi ba tôi mới lên 4 tuổi, ông nội tôi cưới bà Hai là con một người giàu có trong làng. 3 năm bà Hai sanh liền hai cô con gái, rồi chẳng hiểu sao không sanh thêm nữa mặc dù bà chạy chữa hết thầy nọ đến thuốc kia. Sau đó bà bỗng trở nên khó tính, khó nết đánh cha tôi như cơm bữa.
Mẹ tôi kể, ông nội là người hiền lành, tử tế luôn sợ to tiếng xóm làng cười chê, vì vậy mà bà Hai đã toàn quyền định đoạt tất cả. Ngay việc bà Hai thẳng tay hành hạ con mình ông cũng không làm gì được, đôi khi thấy con bị đòn đau quá ông chỉ biết khóc thầm.
Ba tôi lớn, ông tôi đánh tiếng dạm hỏi mấy đám trong làng, song họ đều lắc đầu vì “quá sợ bà Hai!”. Ông bà ngoại vì thấy ba tôi tội nghiệp đã nhận trầu cau hứa gả mẹ tôi cho. Mẹ bảo, mẹ cũng thương ba dữ lắm, nhưng nơm nớp lo sợ như thiên hạ từng sợ!
Mẹ về làm dâu mới được 124 ngày thì ba tôi theo người chú họ đi làm cách mạng biền biệt luôn. Mẹ im lặng một chặp như nhớ lại, rồi nói chua chát: “Đời mẹ cơ cực nhất 6 năm đầu, đói khổ không hề sợ, chỉ sợ bị đòn, bởi bà nội đánh dâu như bửa củi”. Tôi cau mày: “Ồ, con dâu cũng bị đánh nữa à? Sao mẹ không trốn về nhà ngoại?”. Mẹ thở dài: “Xuất giá tòng phu”, lấy chồng thì nhất mực phục tùng họ nhà chồng, trốn về ngoại cũng không dám “chứa” vì sẽ bị mang tiếng “binh con”. Sau đó, hai cô cùng cha khác mẹ với cha con lớn lên, may mắn không giống tính bà mà cả hai đều tốt bụng đã ra mặt chống đối mỗi khi bà hành hạ mẹ, dần dà tính bà nội hiền trở lại’’.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ 2 năm ba tôi mới trở về, sang năm mẹ sanh người con đầu lòng, là anh tôi. Rồi chưa đầy hai tháng ba tôi tập kết ra Bắc, hai cô tôi lần lượt có chồng, mình mẹ suốt tháng quanh năm lầm lũi, tảo tần, cần mẫn làm dâu, nuôi con, phụng dưỡng ông bà nội. Chiến tranh lại nổ ra, người làng ly tán mỗi người tìm một phương để sống, gia đình nội tôi nằm trong sổ bìa đen “thân Cộng” nên mẹ đành bỏ xứ đưa cả gia đình vào vùng kháng chiến tận trong rừng sâu. Cũng đúng lúc hai nội tôi tuổi đã cao, sức đã yếu đau bệnh liên miên, một mình mẹ cáng đáng tất cả từ miếng ăn hàng ngày đến thuốc thang cho ông bà nội.
Bốn năm sau bà nội mất trước, giờ hấp hối bà kêu mẹ và tôi lại bên giường nói đứt quãng: “Mẹ… xin lỗi… con với cháu, con … tha lỗi cho… để mẹ… nhắm được mắt…”. Mẹ tôi van nài: “Mẹ không có lỗi… gì cả, phận đàn bà với nhau… con hiểu mà…’’, ngay lúc ấy bà nội tôi rướn người mấy cái rồi buông thõng chân tay, mắt từ từ nhắm lại. Ông tôi mất sau bà 7 tháng, kể từ đó mẹ tôi dấu nước mắt vào trong vừa lo phục vụ cách mạng, vừa nuôi con mau khôn lớn chờ ba tôi trở lại. 14 -15 tuổi anh tôi đã là du kích địa phương, bởi chiến tranh chẳng kể gì phải là lớn hay nhỏ, giặc đến nhà thì trẻ già đều đánh. Ba năm sau trong một trận chống càn anh tôi đã hy sinh, mẹ bảo: “Lúc ấy không có lời nào tả được nỗi đau của mẹ…’’. Thế là niềm hy vọng cuối cùng của mẹ chỉ còn mình ba, nhưng chiến tranh thì biết đến bao giờ…
Rất may, chỉ năm sau miền Nam hoàn toàn giải phóng, mẹ bương bả trở lại mảnh đất quê xưa, ông bà ngoại mất từ lâu rồi, hai người em của mẹ cũng không còn, một là liệt sỹ, một bị chết khi chạy giặc. Mẹ nuốt nỗi đau cùng những người làng còn sống sót dựng nhà trên nền đất cũ đều mang một tâm trạng chờ người thân. Mỏi mòn miết rồi ba tôi cũng về sau đó một năm, vừa gặp mặt ông đã vội quỳ xuống chân mẹ tôi khóc lóc: “Thú thật anh đã có vợ ngoài ấy rồi, giờ thì tuỳ em, có xử sao anh cũng chịu vậy’’. Mẹ tôi khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc, đoạn nói: “Lỗi tại chiến tranh, không phải tại ai cả…”
Ba tôi ở quê được 3 tháng thì trở lại miền Bắc, vì ngoài ấy ba còn có vợ và 4 người con ruột với lời hứa sẽ thu xếp cho cả gia đình được sum họp một nhà. Mẹ mang thai tôi trong thời gian ấy.
Tôi được một tuổi thì nỗi đau đớn tột cùng lại ập về, mẹ nhận được thư vợ sau của ba gởi vô báo hung tin ba tôi đã mất do bệnh đột ngột. Nước mắt chảy dài mẹ kể: “Mẹ như muốn điên và muốn chết cho hết kiếp luân trần, nhưng chỉ vì con…’’. Năm ấy tôi mới tròn 15 tuổi, lần đầu tiên hiểu được phần nào cuộc đời của mẹ, tôi bật khóc như đứa trẻ lên ba rồi gục đầu vào vai mẹ nói giọng quả quyết: “Con lớn rồi, con quyết không để mẹ phải khổ thêm nữa”.
Thế nhưng, mẹ vẫn phải tiếp tục nuôi thêm 7 năm sau tôi mới tốt nghiệp cấp 3 và học được một cái nghề. Tôi định không lấy vợ để dồn hết tình thương yêu cho mẹ, nhưng mẹ lắc đầu: “Già rồi, ao ước duy nhất của mẹ lúc này là thấy con thành gia thất thì có chết mới mát lòng. Chiều ý mẹ tôi cưới vợ ở tuổi 25, được cái ngay sau đó thì mẹ chồng, nàng dâu sống với nhau như chén nước đầy, rồi chỉ được có 6 năm tạm gọi là an nhàn thì mẹ thong thả ra đi chỉ sau 2 ngày bệnh qua loa. Lần đầu tiên trong đời tôi phải chịu nỗi đau mất mẹ mà tưởng chừng như không thể chịu nổi, huống chi đời mẹ tôi cứ hết nỗi khổ này đến nỗi đau khác dập dồn.
Con thương mẹ lắm, mẹ ơi…
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!