Viết về mẹ: Mẹ tôi

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 086_VVM

Họ và tên: Nguyễn Thị Thu Huyền

Địa chỉ: Ba Đình, Hà Nội

—————————————————

Từ nhỏ mỗi lần được nghe mọi người kể về mẹ tôi đều chăm chú lắng nghe và rất tự hào về mẹ mình, nhưng khi nhận thức của tôi ngày một tốt hơn thì tôi chỉ thấy xót cho mẹ và tôi muốn lên tiếng tìm lại hai tiếng công bằng cho cuộc sống của mẹ vì cuộc đời mẹ như một chuỗi bi kịch dài liên tiếp!

 Mẹ sinh ra đúng vào năm Ất Dậu – chết đói năm 45, sự khó khăn khốn cùng có lẽ cũng gắn với cuộc đời mẹ từ ngày đó. Học đến lớp 2 thì mẹ bị buộc thôi học để lên tỉnh ở đợ cho nhà ông chú – nhà ông chú có một dãy nhà trọ cần mẹ quét dọn mỗi ngày và 5 đứa em cần mẹ chăm sóc! Hàng ngày mẹ chỉ biết cố làm sao để bà thím khó tính vui vẻ cho ăn ngày 3 bữa và những đứa em nó không nghĩ ra những trò ma quỷ để hành xác, bắt nạt. Thời gian cứ như vậy trôi đi đến năm mẹ 18 tuổi, mẹ xin bà thím cho ra ngoài để đi làm công nhân, học bổ túc  để làm kế toán trưởng sau này.

Trong thời gian thoát ly mẹ đã gặp bố tôi tại xí nghiệp nơi cả hai cùng làm việc. Bố là con út trong gia đình nên được bà nội rất chiều không phải làm gì từ nhỏ đến khi lấy mẹ mọi công việc cũng một tay mẹ lo thú thật cho đến bây giờ bố cũng không biết quần con áo lót của mình nằm ở đâu! Lấy mẹ một thời gian thì bố đi học ở Trung Quốc để mình mẹ ở nhà lo toan mọi việc. Việc sinh con đối với mẹ cũng không dễ dàng, mãi đến tận lúc mẹ 32 tuổi mẹ mới sinh được chị gái tôi. Khi sinh chị bố về nhà được một tuần rồi đi, mọi chuyện từ kinh tế đến chăm sóc gia đình con cái một tay mẹ hết. Hai năm sau mẹ sinh tôi, đứa con gái thứ hai, bố vừa về nhìn thấy tôi là con gái bố không buồn nhìn mặt mẹ mà đi luôn! Mẹ sinh tôi cũng không dễ dàng tưởng cả hai mẹ con đều không qua khỏi vì nhiễm trùng máu! Bao đau đớn như vậy nhưng mẹ không có lấy một bờ vai nương tựa, không có sự chăm sóc, yêu thương! Nuốt nước mắt vào trong mẹ vẫn kiên cường vượt qua tất cả không một lời oán thán, kêu than. Bố đi biền biệt bỏ mặc mẹ tự xoay sở mọi việc. Tuy nhiên, hai năm sau mẹ lại mang bầu. Đứa trẻ thứ ba ra đời như là một sợi dây khiến bố quay trở về bên mẹ vì đó là một cậu quý tử.

Sau khi bố về sống và làm việc gần nhà, mọi người đều nghĩ mẹ sẽ được yêu thương chăm sóc của bố nhiều hơn. Nhưng không, hầu như tôi không thấy mấy ngày mà nhà không có những tiếng ầm ĩ vì bố là một người đàn ông gia trưởng luôn quát tháo, nếu không vừa ý điều gì là mâm cơm bị lia ra ngoài hay đồ đạc gì đó sẽ bị vỡ vụn. Ký ức trong tôi là những bữa cơm mẹ chan nước mắt, tôi thương mẹ lắm tôi muốn làm gì đó để bênh vực bảo vệ mẹ nhưng tôi biết tôi là đứa trẻ không được ưa gì và cũng chẳng thể làm gì khác chỉ còn biết sợ hãi đến nỗi chỉ ước cái gầm bàn có thể có phép tàng hình giấu kín mẹ con tôi cho bố không nhìn thấy. Những lúc bị bố đánh mẹ toàn phải chạy ra ngoài đến khi bố nguôi giận mẹ lại trở về và nói những điều hay lẽ thiệt để bố hiểu chuyện hơn. Mặc dù sống trong những thương tổn về thể xác và tinh thần nhưng mẹ luôn vững vàng.

Sau khi bố mẹ nghỉ hưu con cái vẫn nhỏ vẫn cần kinh tế để lo học hành cho con mẹ xoay đủ nghề cũng may mẹ là người khéo léo làm gì cũng ngon nên cũng đông khách. Kinh tế gia đình cũng dần dần khá hơn vì lúc đó bố mẹ đã mở được công ty riêng. Lúc này mẹ không chỉ phải lo cho ba đứa con mẹ còn phải lo cho 10 đứa cháu họ nhà chồng (lo học, lo việc, lo dựng vợ gả chồng dạy dỗ chúng nên người). Được một thời gian mẹ bị tai nạn nằm liệt giường mọi công việc để cháu lo nhưng người cháu đó không những phá hỏng hết mọi mối làm ăn mà còn tìm cách lấy đi không ít tài sản của mẹ. Đến khi bà khỏe lại thì mọi thứ lại khiến bà phải đứng ra để lo toan tháo gỡ. Nhưng mọi thứ đã mất thì không dễ lấy lại được. Không chỉ kinh tế mất mà bố tôi cũng mải mê cờ bạc hơn, em trai tôi cũng mải chơi đua đòi theo chúng bạn hơn.

 Mẹ là người mẹ tài giỏi có tầm nhìn xa rất tốt nên chúng tôi không chỉ được học ở những trường tốt mà mẹ còn tạo điều kiện tối đa cho chúng tôi không chỉ học kiến thức mà chúng tôi được học rất nhiều nghề, từ đan áo, móc khăn, học may, thêu, đàn… Trong ba đứa từ nhỏ em trai tôi luôn là người mẹ tôi phải mất công nhất để dạy dỗ nhưng bố tôi thì lại rất chiều con trai nên kết quả dù mẹ có cố gắng thế nào em trai tôi cũng không tự đứng trên đôi chân của mình được. Học không đến nơi đến chốn nhưng mẹ đã dồn hết đồng tiền cuối cùng của mình lo cho em có được một cái nghề ổn định – làm chức to trong sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi em trai tôi nhận công tác trong Sài Gòn mẹ thấy kinh tế ở một tỉnh lẻ ngày một khó khăn hơn mà bố thì ngày lại một ham chơi hơn. Chính vì lẽ đó mẹ quyết định bán nhà chuyển hết vào Sài Gòn sinh sống làm ăn. Tiền vào đó không đủ mua nhà mẹ cũng cố gắng vay để mua nhà mặt đường gần chợ và đặc biệt gần chỗ em trai tôi làm việc. Lúc đó bố mẹ tôi cũng lớn tuổi đáng nhẽ đó là lúc nên nghỉ ngơi dưỡng già nhưng mẹ vẫn xoay đủ nghề lo cho bố tôi có một sạp báo để làm còn mẹ ở nhà mở quán (hết bán ăn sáng, giặt ủi, bán dưa cà…). Một thời gian sau mẹ cũng trả nợ xong và xây nhà khang trang để chuẩn bị cưới vợ cho em trai tôi, bên cạnh đó mẹ cũng tích góp được gần 1 tỷ lo dưỡng già.  Ở cái thời điểm mà bệnh tật luôn hành mẹ nhưng mẹ vẫn còng lưng làm việc. Giá như mọi chuyện cứ bình yên trôi thì bây giờ mẹ thế là cũng mãn nguyện vì con nào cũng trưởng thành, tuy nhiên cuộc sống vẫn liên tiếp thách thức sự can đảm của mẹ. Em trai ngày một chơi bời không biết điểm dừng đã lấy đi hết sạch những đồng tiền lao động của bà bằng cách nghĩ ra đủ trò lừa gạt và vắt cạn sức lực của mẹ. Tệ nạn xã hội “ma túy đá” đã cướp mất người con trai của mẹ. Mẹ lại một lần nữa bán nhà để trả nợ cho con những mong con hồi tâm chuyển ý và tu tỉnh công việc. Sau khi bán nhà mẹ lại cùng bố về quê mua căn nhà nhỏ để ở, tuy nhiên em trai tôi cũng vẫn chưa để cho mẹ tôi được yên, em bỏ việc về dựa dẫm và hành mẹ tôi. Ban ngày thì mẹ đau đáu hoang mang xem có giải pháp nào giúp cho em trai tôi bây giờ. Ban đêm thì những cơn ác mộng hoành hành và những người nghiện lại hay hoạt động về đêm nên đâu có để mẹ được yên. Hơn thế nữa, bệnh tật cũng liên tục khiến mẹ tôi đau đớn, yếu hơn và già hơn so với tuổi của bà. Tôi đã tìm đủ mọi cách trong khả năng có thể để giúp mẹ nhưng mọi cách đều không có lối thoát lúc này. Đến giờ tôi chỉ còn biết chắp tay cầu nguyện thượng đế hãy giúp tôi nghĩ ra được cách tối ưu nhất giúp mẹ có được một ngày bình yên!

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN