Viết về mẹ: Mẹ ơi con viết trang nhật ký này

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 143_VVM

Họ tên: Hoàng Nghiệp

Địa chỉ: Việt Trì, Phú Thọ

—————————————————

         Sáng ấy trời u ám, mới 7 tháng tròn nhưng con đã “đạp tan” bụng mẹ. Thế là bà bảo:

          – Mày vỡ ối rồi, đi cấp cứu ngay.

          Xe đi nửa chừng, chút nữa thì đâm vào một sản phụ băng qua đường. Sau này bác lái xe phân bua: “Vì lo không cứu được đứa bé nên tôi phải phóng nhanh”. Mẹ vừa nằm lên bàn khám, bác sỹ nói luôn:

          – Đứa bé rất yếu, mổ đẻ gấp, may ra còn kịp.

           Mẹ không thể cảm nhận được cơn đau, bởi biết đâu, liệu rằng có gì hệ trọng, vì mẹ đã gần 40 tuổi rồi, bao nhiêu lần mang thai nhưng chưa sinh được đứa nào. Chỉ 15 phút, bà ngoại từ trong hành lang bệnh viện chạy ra kêu rõ to:

          – Đẻ rồi, con trai, nặng 2,3 kg…

          Hai giọt nước từ trên má mẹ lăn dài. Lần đầu tiên mẹ thấy nước mắt có vị ngọt. Vì quá đau mẹ chẳng kịp nhìn mặt con nhưng cũng thật may lúc bác sĩ cuốn tã mẹ đã trông thấy cái cuống rốn của con vẫn còn đỏ hỏn, sau đó mọi người chuyển mẹ qua phòng khác.

          Do sinh thiếu tháng nên con phải nằm lồng kính gần ba chục ngày. Thật buồn, mấy hôm sau vết mổ của mẹ bị nhiễm trùng nên không được vào thăm con trong phòng kính. Bác sỹ thông báo:

          – Cháu yếu lắm, không biết thế nào, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức. Chị để lại số điện thoại nhé!

          Nhiều người đàn bà nơi dãy nhà trọ thường bàn tán về các đứa trẻ trong lồng kính yếu quá nên không thể sống nổi. Có những bà mẹ trẻ khóc vật vã và ngất lịm khi các cô y tá thông báo vào phòng làm thủ tục nhận cháu về quê…

           Mẹ chờ mãi, thấp thỏm, chẳng biết con mình thế nào. Rồi một đêm rất khuya, bác sĩ trưởng khoa gọi điện, giọng nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc: “Cháu rất yếu, có gì sáng mai tôi gọi lại”. Thế là hết, chân tay rụng rời, mẹ lao đi mà bỏ cả cơn đau từ vết nhiễm trùng đang mưng mủ. Cửa phòng khép hờ nhưng không ai được phép vào. Thi thoảng một cô y tá xách chiếc làn nhỏ, bên trong xếp đầy quần áo, tã lót mang ra. Họ đi qua, mẹ nghe thấy tiếng thì thào: “Lại có một đứa trẻ qua đời, nó nằm trong chiếc làn kia đấy”. Ai cũng cúi đầu, rơi lệ.

          Mẹ đứng thất thần nhìn theo mãi. Đã quá đêm mẹ gần như lả trong cái lạnh mùa đông nhưng mẹ vẫn cố vịn tay, lần từng bước theo mép tường chọn  một nơi yên tĩnh nhất. Gió đông rít liên hồi. Giờ này chắc bố con đang bồng súng đứng gác ngoài đảo xa. Mẹ chắp tay trước ngực, khấn đất trời linh thiêng phù hộ cho con  kiếp này được làm người. Rồi mẹ lịm xuống. Sớm mai mẹ đã thấy mình nằm ở góc tường bệnh viện, nơi đó cũng rất nhiều người thân đưa con đi đẻ như thế. Tiếng chuông điện thoại của mẹ reo liên hồi: “Chúng tôi xin thông báo, cháu đã hồi phục, sức khỏe rất tốt…” Hình như đêm ấy mẹ không có đêm.

 Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi và tôi cũng lớn dần theo năm tháng. Một hôm mẹ đi làm về, thấy cái âu đựng gạo bỗng nhiên vơi đi thật nhiều, mẹ tưởng đàn gà vào lục tung nhưng không phải. Mẹ gọi tôi về, trên tay vẫn cầm mấy viên đất nhão để nặn đồ chơi. Mẹ hỏi:

 – Sáng nay có ai sang đây vay gạo không?

 Tôi ấp úng, len lén nhìn mẹ rồi cúi xuống, cuối cùng tôi khóc. Mẹ bẻ một cái roi thật to, định vụt cho tôi một trận, rồi sẽ tra khảo cho rõ ngọn ngành:

          – Mẹ hỏi, con mang gạo đi đâu hả?

          – Dạ, con không mang, con cho rồi.

          – Hư quá, mày cho ai, nói mau, đứa nào nó nịnh mày, sao mà dại thế, hôm nay tao sẽ cho mày nhừ đòn.

          – Không phải ai nịnh con, mà con tự cho.

          – Cho ai?

          – Dạ… dạ… Con cho một bà ăn xin…

          – Trời ơi, ai cho mày làm như thế hả…

          Mẹ muốn giơ cái roi đánh cho con một cái thật mạnh, thật đau. Nhưng bất chợt mẹ nghĩ đến những tháng ngày đã qua. Mẹ nghĩ về ngày mẹ sinh con, rồi sau này cuộc sống quá cơ cực mà hiếm lần nào con được ăn bát cơm trắng. Ngày ấy mẹ cũng chẳng được bữa nào no, dù nó là sắn, hay khoai. Cơn bực tức trong mẹ cũng dần nguôi ngoai bởi mẹ thấy con còn bé nhưng cũng biết chia sẻ, yêu thương với những người khổ đau, cùng cảnh ngộ.

          Một hôm vô tình mẹ thấy trên bàn học, con phân tích câu thơ: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Bài văn đó cô giáo cho con điểm 9, bài văn đó con đã nhắc lại những nhọc nhằn ngày mẹ vượt cạn sinh con… Mẹ đọc xong thì nhắm mắt, mẹ cầm lên xem mà rưng rưng lệ. Cũng từ bài văn ấy mà mẹ nhớ lại hình ảnh ngày con còn bé, khi được một bát cơm trắng con đã thưởng thức nó bằng một sự quý trọng, dù chỉ một hạt cơm rơi con cũng nhặt vào bát mình. Có thể vì thương bà ăn xin cũng đói khát, khổ đau mà dù còn rất nhỏ nhưng con đã biết rủ lòng thương rồi vào xúc gạo cho người ta nên mẹ đành cất roi đi.

          Giờ đây, cuộc sống đầy đủ hơn, con đã lớn rồi nên con thích ngồi viết lại những  điều bình thường trong cuộc sống để mong sao con người ở đâu cũng sống thật tốt với nhau…

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN