Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 462_VVM
Họ tên: Thái Hoàng
Địa chỉ: P. Tân Sơn Nhì, TP. Hồ Chí Minh
———————————–
Năm nay mẹ đã bước sang tuổi chín mươi hai. Tuy tuổi đã cao, sức đã yếu, song mẹ còn minh mẫn lắm. Những lần tới thăm mẹ, tôi lại được nghe mẹ kể những câu chuyện ngày xưa mẹ từng trải qua thời chiến tranh cùng đồng đội hay nghe mẹ kể về người chồng, người con trai của mẹ đã hi sinh. Mẹ là bà mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Năm, người mẹ mà mấy năm nay tôi thường dẫn học trò tới thăm.
Đã ba năm nay, kể từ khi trường THPT Thành Nhân thành lập, năm nào tôi cũng dẫn học trò đến thăm mẹ vào những dịp đặc biệt trong năm, đó là những ngày 8/3, 27/7, 20/10,… Mỗi lần đến thăm mẹ, tôi dẫn những học trò mới, bởi tôi muốn nhiều học sinh được tới thăm mẹ để các em được nghe mẹ kể “chuyện ngày xưa”, những câu chuyện mà mẹ đã trải qua trong thời mưa bom bão đạn, từ đó giúp thế hệ trẻ hiểu, tự hào và luôn ghi nhớ công ơn của những thế hệ cha anh nói chung và các mẹ Việt Nam Anh hùng cũng như mẹ Năm nói riêng.
Mỗi lần đến thăm mẹ, dù có những câu chuyện tôi đã được nghe mẹ kể nhưng mỗi lần nghe, tôi luôn xúc động. Tôi cảm nhận được sự hy sinh mất mát to lớn của mẹ, của những bà mẹ Việt Nam Anh hùng vì non sông, đất nước, để cho chúng ta có cuộc sống như hôm nay. Từ ngày trường THPT Thành Nhân thành lập, với cương vị là một thủ lĩnh thanh niên (Trợ lí Thanh niên) của Đoàn trường, tôi đã trực tiếp lên Quận Đoàn Tân Phú để hỏi về những mẹ Việt Nam Anh hùng ở quận để có cơ hội đến thăm các mẹ, để biết uống nước phải nhớ đến nguồn, nhất là giáo dục đạo lí đó cho thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống ấy. Và… kể từ đó, hình ảnh của mẹ Năm luôn trong trái tim tôi.
Mẹ có chồng là anh hùng, có người con trai anh hùng. Và mẹ cũng là nữ anh hùng. Chồng của mẹ là Trần Ngọc Danh, trung đội trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày 7/2/1952, đó là một nỗi đau lớn của mẹ. Nhưng, nỗi đau chưa dừng lại ở đó. Ngày 12/4/1975, chỉ còn mười mấy ngày nữa là miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập, thế mà người con trai Văn Sao của mẹ, cũng là người con duy nhất đã hy sinh.
Mẹ Năm, mẹ Việt Nam Anh hùng, nguyên quán phường 14, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, đã có chồng và một con hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Cả mẹ và anh Sao đã được nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Con đường Tân Kỳ Tân Qúy, quận Tân Phú là con đường thân thuộc nối nhịp cho thế hệ trẻ đến thăm và nói lên lời biết ơn sâu sắc đối với mẹ nói riêng và mẹ Việt Nam Anh hùng nói chung.
Mẹ Năm – người phụ nữ anh hùng đã tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1947 cho đến ngày đất nước thống nhất. Gần 30 năm gắn bó với đồng đội, sống giữa mưa bom bão đạn, trải qua biết bao gian nan thử thách, để giờ đây, mẹ kể cho thế hệ trẻ nghe những câu chuyện cảm động, lay động trái tim thế hệ trẻ hôm nay. Mẹ đã ba lần bị bắt, nhiều lần bị tra tấn, mẹ kể cho chúng tôi nghe như những gì chúng tôi xem ở sách báo, phim ảnh, chỉ có điều khác hơn là chúng tôi được nghe trực tiếp lời kể của người trong cuộc.
Nhiều học sinh sau khi thăm mẹ, trên đường về lại nói với tôi rằng: “Thầy ơi! Lần sau cho con đi thăm mẹ nữa nhé!” Có những em đã được đi thăm mẹ rồi, khi biết tôi chuẩn bị tổ chức đi lần khác lại xin đi tiếp. Tôi cũng giải thích cho các em rõ vì sao dành cho các bạn khác đi. Tôi rất muốn nhiều học trò đến thăm mẹ, được nghe mẹ kể những câu chuyện có ý nghĩa giáo dục thiết thực. Có những em khi về trường lại kể cho các bạn khác nghe và nói lên cảm xúc của mình sau khi thăm mẹ. Còn tôi, sau mỗi lần tổ chức thăm mẹ, tôi lại tâm sự với các em trong giờ sinh hoạt đầu tuần để các em biết, hiểu, đồng thời gửi tới các em thông điệp truyền thống tốt đẹp của ông cha ta: “Uống nước nhớ nguồn”.
MẸ NĂM
Mẹ Năm tuổi đã già rồi,
Run run tay nắm mỗi lần con thăm.
Mẹ nay chín mốt mùa xuân,
Tóc tuy bạc trắng, tinh thần mẫn minh.
Miệng cười móm mém, mẹ Năm,
Nói không tròn chữ, tháng năm tuổi già.
Mẹ ơi con viết bài thơ,
Kính dâng tặng mẹ thay lời tri ân.
Lời thơ mộc mạc, chân tình,
Của thế hệ trẻ một lòng ghi ơn.
Đưa học trò đến thăm mẹ, nghe mẹ kể “chuyện ngày xưa”, đó là những bài học vô cùng quý báu cho thế hệ trẻ hôm nay. Nhiều lần đến thăm mẹ, những lúc mẹ khỏe, mẹ kể cho thầy trò nghe, lúc mẹ yếu, tôi là người “phiên dịch” cho học trò qua lời nói rất yếu từ mẹ và nói cho mẹ nghe những câu hỏi mà học trò muốn biết. Những lúc đó, tôi lại thương mẹ nhiều.
Mẹ Năm. Tôi vẫn thường gọi mẹ bằng hai tiếng thân thương ấy. Đã ba năm nay, hình ảnh của một người mẹ già, da nhăn nheo, miệng móm mém kể chuyện,… luôn ở trong tâm trí tôi, tâm hồn tôi – Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Năm.
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!