Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 150_VVM
Họ tên: Phạm Hoàng Ninh
Địa chỉ: huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông
—————————————————
Bà nội kể, bố con cưới mẹ khi cả hai mới 18 tuổi, lúc ấy mẹ to khoẻ ít ai bằng, tính mẹ rất hiền lành và tốt bụng nhưng chẳng hiểu sao nhiều năm trời mẹ chẳng hề sinh đẻ được. Mãi 10 năm sau do sức ép của gia đình mà bố mới cưới vợ hai. U, người đẻ ra anh em chúng con, hồi con gái thuộc diện đẹp có tiếng trong làng, nhưng có chồng được 3 năm thì chồng bị bệnh và chết nên đành chấp nhận làm lẽ. Rồi cứ hai năm u sinh một lần, con thứ tư, trên con là hai người anh và một người chị, dưới còn thêm 3 em nữa. Nội còn kể, nói cho công bằng ra thì u chỉ có công sinh, chứ nuôi nấng, chăm bẵm tới 7 đứa con từ một tháng trở đi hầu như đều do một tay mẹ nâng lên, đặt xuống.
Khi lớn con mới hiểu rõ, có lẽ do đẻ nhiều mà u mỗi ngày một yếu đi, đến nỗi công việc đồng áng không làm được chỉ ở nhà nội trợ. Còn mẹ ngoài 8 tiếng đồng hồ lao động ở hợp tác xã mỗi ngày, thời gian về nhà mẹ vẫn phải luôn tay chẳng mấy khi được ngơi nghỉ. Bất kể ngày mưa hay ngày nắng, thời tiết nóng bức hay rét đến cắt da, cứ tối đến là mẹ tranh thủ vớt bèo, băm rọc khoai nấu cám lợn cho sớm để rồi ôm đứa bé nhất vào buồng mình ngủ, vài đứa kế cũng lẽo đẽo bám áo vào theo chứ chẳng chịu ngủ bên buồng u. Mỗi đêm u chỉ thức giấc qua buồng mẹ cho con nhỏ bú một lần, còn mẹ tự nhận cái trách nhiệm lo giấc ngủ cho mọi đứa; lúc con cái khoẻ mạnh mẹ còn tranh thủ ngủ được ít tiếng, chứ khi có đứa bệnh đau coi như mẹ thường thức trắng đêm. Ngày nào cũng như ngày nấy, cứ 4 giờ sáng mẹ đã lừa các con lén bò dậy cùng với u lo cơm nước cho người và cám bã lợn gà để sao cho kịp 7 giờ đã phải ra đồng sản xuất. Hồi ấy có lẽ cả cái xã mình chỉ mình mẹ mới có cái địu trẻ con mà mẹ tự may, về đến nhà bất kể trưa, tối chỉ kịp rửa sơ chân tay mẹ đã đeo địu vào người rồi bỏ đứa nhỏ lên lưng vừa đeo con vừa cuốc đất, nhặt cỏ trong vườn hoặc trồng rau, hái cà…, chỉ đến giờ ra đồng mẹ mới cởi địu ra trả em lại cho u trông chừng.
Mẹ không biết được nhiều chữ, vì trước kia mẹ chỉ mới học qua lớp bình dân học vụ, thế nhưng ngay từ khi anh cả con vào học lớp vỡ lòng mẹ đã cố gắng học thêm ở bố để dạy lại cho anh và các con sau này. Chữ thì ít nhưng nhân nghĩa mẹ dạy nhiều, mẹ bảo trẻ con trước tiên phải học đức tính thật thà, vì người thật thà đi đâu cũng được người thương, người quý. Mẹ ít chữ nhưng thuộc rất nhiều bài hát ru, bài nào cũng hay, cũng dễ thuộc; nhờ mẹ mà con biết ru em, rồi từ những bài hát ru truyền miệng ấy con đã sống nên người để sau này biết dạy lại các em, các con, các cháu cái nhân nghĩa ở đời.
Ngày qua, tháng lại chân tay mẹ càng nổi thêm nhiều những chai sần chỉ vì những đứa con chồng, làm không ít lần bà nội khóc bảo: “Con đã cực khổ với chúng nó quá rồi, hay là con ăn riêng ra…’’, chưa hết câu mẹ đã vội thưa: “Con cái người ngoài thấy còn thương huống gì là con chồng. Vất vả với chúng nó, mai lớn lên chúng nó nuôi lại mẹ ạ’’. Nhưng lớn rồi có ai nuôi mẹ được ngày nào đâu, 17 tuổi anh cả xung phong đi bộ đội vì đất nước có chiến tranh, nước mắt lưng tròng mẹ dặn: “Làm trai thời nào cũng phải đặt Tổ quốc là trên hết, nói dại lỡ có phải hy sinh thì sự hy sinh ấy là vinh quang con ạ’’, và mẹ lội bộ tiễn anh tận đến nơi giao quân cách nhà hơn 10 cây số. Anh thứ hai lên tỉnh học Trung cấp cũng một tay mẹ bòn nhặt từng đồng gửi lên cho anh có được cái bánh mì ăn thêm bữa sáng. Năm 1980, trước cái đêm con lên đường nhập ngũ mẹ gục đầu vào vai con nức nở: “Con yên tâm đi làm tròn nhiệm vụ của mình, mẹ hứa với con bằng mọi giá cũng chung lưng, đấu cật cùng bố, cùng u con phải nuôi cho 3 em của con ăn học thành người…’’ Lúc ấy do trời lạnh con mặc tới hai cái áo vải khá dày nhưng nước mắt mẹ vẫn thấm vào làm da thịt con ấm hổi, con hiểu mẹ đã thương những đứa con chồng như chính con mẹ sinh ra.
Năm 1983, con xuất ngũ với lý do sức khoẻ, bố cũng về hưu và cũng là lúc kinh tế gia đình lâm vào cảnh khó khăn nên bố con con quyết định bỏ quê đưa cả gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp. Mẹ nói với bố: “Các bác trai người thì đi lập nghiệp xa, người đã mất, mồ mả các cụ, ông bà, cô bác bên nội không ai chăm sóc tôi đi nữa không đành. Ông bán tất cả nhà cửa, thổ ải lấy tiền đem theo làm vốn, chừa lại cho tôi cái bếp và miếng vườn xéo phía sau chuồng lợn thôi, một mình tôi ăn, ở là mấy…’’ Mấy ngày gia đình chuẩn bị để đi mẹ đã không còn nước mắt để khóc, rồi mẹ ngất xỉu khi cả nhà lên xe, lúc ấy người chị gái kế con cầm lòng không được vội vàng xin bố cho ở lại quê cùng mẹ.
Tây Nguyên không dễ làm ăn như người ta tưởng, nghe tin cuộc sống của chúng con cứ sập sụi mãi, mẹ hết viết thư rồi đánh điện tín vô năn nỉ bố, u đưa các con về. Thư mẹ viết: “Cái bếp trước kia nay tôi đã cất thành nhà, nếu ông bà và mấy đứa lớn không về thì cho mấy đứa nhỏ về với tôi, chứ để chúng nó đói khổ và thất học là có tội với con cái…’’ Bố nghe có lý nên đã đưa chú em thứ sáu và cô em út trở lại quê, dù tuổi đã già, sức đã yếu mẹ và chị cũng cố tần tảo, chắt chiu nuôi 2 đứa học hết cấp 3 và mỗi đứa đều có được cái nghề rồi cũng trở vào Tây Nguyên lập nghiệp, chị không lấy chồng mà ở với mẹ đến giờ.
Do chứng tăng huyết áp mà mẹ đột quỵ ở tuổi 72, đó cũng là lần đầu tiên mà con cái chúng con mới có dịp đền đáp. Nói là “đền’’ vậy thôi chứ có được gì đâu, chỉ 10 ngày nằm ở bệnh viện huyện thì bác sĩ đã cho về và bảo “già rồi, có tiền tấn cũng vô cùng khó phục hồi’’, thế là mẹ bị liệt nửa người. 12 năm qua mẹ chỉ lết quanh cái giường, thỉnh thoảng được con cháu bỏ lên xe lăn chở đi quanh xóm. Có điều chúng con vô cùng mừng rỡ khi đầu óc mẹ vẫn tỉnh táo, lần nào điện thoại vào mẹ cũng nhắc các con “cố gắng làm ăn và nuôi dạy các cháu của mẹ thành người…’’
Con viết về mẹ bằng cả một tấm lòng kính trọng và niềm tự hào, vì con đã từng nói với rất nhiều người rằng “tôi có một người mẹ tên là bà Phạm Thị Tư, ở xóm 8, xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, mẹ vô sinh nhưng thương những đứa con chồng hơn cả bản thân mẹ’’. Quả vậy, suốt cả một cuộc đời mẹ đã từng vất vả, khổ sở vì chúng con, con nghĩ rằng dù con có học cao, hiểu rộng đến mấy cũng không thể nào tìm được những lời tri ân xứng với công ơn dưỡng dục cao dày của mẹ, mà mỗi lúc nghĩ về mẹ con chỉ biết kêu lên bốn tiếng: “Mẹ của con ơi’’.
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!