Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 238_VVM
Họ tên: Lê Hoành Khanh
Địa chỉ: Quận 12, TP. HCM
—————————————————
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”
Lời thơ da diết ấy nhắc nhở tôi lẽ sống của chính mình, đơn giản thôi chỉ vì tôi yêu mẹ.
Mầm xanh nhỏ bé kia được đất mẹ nuôi dưỡng từng ngày, mong sao cho nó lớn lên sinh hoa thơm quả ngọt. Bầy sói hoang dã được rừng già cho nơi nương tựa. Con cá vàng thỏa thích vẫy vùng trong vòng tay của nước mẹ bao la. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta vô cùng hạnh phúc khi được tạo hóa ban tặng cho một người mẹ, một người để giúp cuộc sống ta ý nghĩa hơn. Đối với tôi, mẹ là tất cả, mẹ đã truyền cho tôi niềm tin vào sự sống cho dù cuộc đời này quá bất công. Trong tim tôi sáng lên hình bóng mẹ, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam cao cả, giản dị…
Giữa đất Sài thành rộng lớn, bao la; giữa sự khắc nghiệt của hoàn cảnh; giữa những đau khổ trong một gia đình thiếu vắng tình yêu hạnh phúc; mẹ đã nhân từ cưu mang và sinh ra tôi, cho tôi được nếm trải mùi vị của cuộc sống này. Với tôi, mẹ cao quý lắm, mẹ là người mà tôi dành cả cuộc đời này cũng không đủ để đáp đền ân tình mẫu tử. Một chữ “mẹ” sao đơn sơ, giản dị và gần gũi quá. Mẹ – người cho ta sự sống, mẹ – người ban tặng tình thương: giản dị vậy thôi nhưng sao cao quý và thiêng liêng quá. Có làm con mới hiểu được lòng mẹ, có làm con mới thấu nỗi đau khổ mà mẹ phải chịu. Tình mẹ là cao cả nhất.
Đầu những năm 90, một người phụ nữ ốm yếu mang trong mình một sinh linh bé nhỏ phải bươn chải kiếm từng đồng bạc lẻ mong sao sống đỡ qua ngày. Về đến nhà mẹ lại vùi đầu vào cả núi công việc nhà mà chẳng ai sẻ chia cùng. Trong nhà lúc nào cũng ngập tràn mùi rượu của cha tôi, nó như là một thứ “hương vị” đặc trưng của gia đình tôi lúc bấy giờ. Mặc dù gia đình có nhiều sóng gió nhưng mẹ vẫn nhẫn nhịn chịu đựng, mẹ vẫn sống, vẫn làm việc vì mẹ yêu tôi. Chính mẹ đã giúp tôi thấy được hình ảnh người phụ nữ Việt Nam lặng thầm hi sinh, nhẫn nhịn cống hiến.
Càng nghĩ tôi càng thương mẹ. Những giọt nước mắt của mẹ như giấu vào tận khóe mắt sâu thẳm, cắn chặt đôi răng để nén nỗi đau thân xác lại:
“Mẹ ơi đời mẹ khổ nhiều
Trong đời mẹ giận bao nhiêu cho cùng
Mà lòng yêu sống lạ lùng
Mẹ không phút nản thương chồng, nuôi con.”
(Mẹ ơi, đời mẹ – Huy Cận)
Cả cuộc đời mẹ được đo bằng tiếng khóc, tiếng nấc nghẹn ngào. Trước mặt tôi, mẹ luôn tỏ ra là người cứng rắn nhưng tôi hiểu mẹ hơn ai cả. Mẹ không khóc bằng lời nhưng bằng con tim. Lúc mang thai tôi, mẹ khóc vì lo cho hài nhi bé bỏng của mẹ có được cất tiếng khóc chào đời hay không. Lúc sinh tôi ra, mẹ khóc vì vui mừng và cũng khóc vì không biết có nuôi nổi đứa con nhỏ này không. Nhìn tôi lớn lên từng ngày mẹ cũng khóc vì sợ đứa con của mẹ không đương đầu với cuộc đời này được. Mẹ khóc vì sợ không lo nổi cho tôi. Và cho đến bây giờ, khi tôi đã là sinh viên của một giảng đường đại học mẹ vẫn lo lắng cho tôi như đứa trẻ ngày nào. Tôi thương mẹ, muốn ở bên mẹ mỗi ngày nhưng thời gian học quá nhiều. Tôi biết mẹ sẽ rất buồn khi không có tôi bên cạnh. Những lời ru, câu hát về lẽ sống, về ân tình ở đời được mẹ gieo vào lòng tôi và là hành trang cho tôi bước vào đời. Xin mượn lời thơ của nhà thơ Nguyễn Duy để dành tặng mẹ:
“Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ…Mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ không?”
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)
Công ơn mẹ tôi nào dám quên, ân tình này lẽ nào tôi phủ nhận. Mẹ dành tất cả những gì mẹ có được để cho tôi, mong sao tôi khôn lớn và thành đạt. Có người mẹ nào mà không mong con mình sống tốt nhưng đối với tôi thì khác, tôi cảm nhận được tâm huyết của mẹ. Tôi được như ngày hôm nay phải đánh đổi bằng máu và nước mắt bao nhiêu năm khốn khổ của mẹ. Vì vậy trái tim tôi luôn thì thầm rằng “cần lắm một người mẹ”. Phải, nếu tôi không may mắn bị mất đi người mẹ này chắc tôi không bao giờ đủ can đảm để bước tiếp cuộc đời còn lại của mình. Mỗi chúng ta ai cũng cần có mẹ, không chỉ riêng tôi mà xã hội này cũng vậy. Nhìn những đứa trẻ bơ vơ, không người thân, không nơi nương tựa thật đáng xót thương… Chúng cần lắm một ngươì mẹ, một người để chúng khỏi phải bơ vơ, một người để môi chúng còn nở một nụ cười, một người để xóa đi những giọt nước mắt cay đắng, tủi nhục. Bước chân trên vỉa hè một cách mệt mỏi, bỗng một đứa trẻ đen đuốc, mắt mở to chạy đến níu tay áo tôi xin tiền. Cảm động, xót thương, tôi trao cho nó tờ mười nghìn nhăn nhúm. Chưa kịp nói lời cảm ơn, nó đã bỏ chạy thật xa… Nhìn theo bóng nó tôi thầm trách cuộc đời sao bất công quá. Chính vì không có mẹ nên nó phải tự kiếm sống, tự bươn chải; không có mẹ nên không ai dạy nó hai tiếng “cảm ơn”. Nước mắt lại rơi khi thầm nghĩ mình may mắn hơn nó khi còn có mẹ. Tôi chạy thật nhanh về nhà, ôm lấy mẹ khóc nức nở trong sự ngỡ ngàng của mẹ. Trong thâm tâm người phụ nữ từng trải ấy chắc hiểu rất rõ nỗi lòng của đứa con này. Nhưng bên cạnh đó, tôi vẫn còn xót xa lắm khi xã hội còn những người con coi thường tình mẹ, tình người….
Gánh nặng của người đàn ông là nuôi sống gia đình, là trụ cột; vậy có khi nào chúng ta nghĩ đến nỗi vất vả của người phụ nữ. Đằng sau thành công luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Người phụ nữ nói chung và mẹ tôi nói riêng, họ tạo nên mái ấm cho mỗi gia đình, họ vun vén hạnh phúc và là nguồn an ủi, lời động viên cho người chồng, người con. Họ là sứ giả của tình yêu, bởi chỉ có tình yêu họ mới âm thầm hi sinh chăm lo cho gia đình, mới đem lại tiếng cười cho mọi người, mới đắp xây hạnh phúc cho xã hội. Cao cả lắm người phụ nữ tôi yêu, người mẹ – người bạn thân nhất của tôi, người mà tôi sẵn sàng sẻ chia mọi thứ. Nhiều lúc tôi muốn gục ngã, muốn dừng lại mọi thứ, muốn chấm dứt ngay từ bây giờ. Nhưng những lúc như thế tôi lại nghe văng vẳng bên tai lời thì thầm của mẹ: “Con phải đứng bằng đôi chân của mình”. Phải! Chỉ mẹ hiểu tôi, chỉ mẹ luôn quan tâm và bên cạnh tôi từng giây từng phút mà thôi. Nhiều lúc tôi làm bài thi không dược, tôi bị bạn bè hiểu lầm, tôi đánh mất một cơ hội nào đó… tôi thật buồn… Lúc ấy tôi cần mẹ, cần vòng tay ấm và lời an ủi ngọt ngào của mẹ. Cuộc đời đầy khó khăn và thử thách… để tồn tại cần một niềm tin và nghị lực vững vàng. Tự mình phải vượt qua và chỉ có mình mới làm chủ được tương lai và cuộc đời của mình. Mẹ là một minh chứng, bao nhiêu năm sóng gió đối với mẹ thật khó quên, mẹ đã vượt qua tất cả để nuôi dưỡng và cho tôi một mái ấm như ngày hôm nay. Đôi chân của mẹ không bao giờ quỵ ngã, đôi chân ấy là điểm tựa làm nền tảng cho tôi bước vào đời. Đôi chân yếu ớt của người phụ nữ ấy sao lại mạnh mẽ và kiên cường thế? Trong thâm tâm của một người mẹ, chắc mẹ luôn mong muốn đứa con của mình phải mạnh mẽ như mẹ nó vậy. Phải biết chấp nhận và vượt qua, không được khóc và quay đầu lại cho dù cuộc đời không bao giờ như ý ta muốn, không bao giờ hoàn hảo cả.
Cuộc đời vất vả của mẹ tôi là động lực để tôi bước vào tương lai, là nền tảng tiếp thêm sức mạnh để tôi có thể đối diện với cuộc đời này. Một cuộc sống đủ đầy như bao người phụ nữ khác, mà đáng lẽ ra mẹ tôi phải có nhưng tạo hóa đã không ưu ái ban tặng cho mẹ tôi ân huệ đó. Thoáng nghĩ về hình ảnh của người đàn bà trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, sao giống mẹ tôi thế. Người đàn bà khốn khổ ấy vẫn cặm cụi lặng lẽ sống từng ngày mong sao gia đình hạnh phúc, chịu mọi trận đòn roi từ người chồng nhẫn tâm. Cố nén cơn đau, cố cầm nước mắt để tiếp tục sống, tiếp tục hành trình “chia sẻ yêu thương”. Cứ tưởng rằng người đàn bà ấy sẽ căm hận người chồng của mình lắm nhưng không, người đàn bà khốn khổ ấy lại chọn giải pháp tha thứ, không chút oán hận. Từ đó ta thấy hiện lên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam ta đó, cao cả và thiêng liêng. Người phụ nữ Việt Nam chân yếu tay mềm, âm thầm hi sinh, lặng lẽ cống hiến. Biết bao vị nữ anh hùng đã góp phần dựng xây non nước này. Từ Bà Trưng, Bà Triệu… cho đến Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, những bà mẹ Việt Nam anh hùng… họ đã hi sinh để tạo nên trang sử hào hùng cho dân tộc. Giờ đây trong những tháng ngày thanh bình, họ lại lặng lẽ hi sinh vì đàn con thơ, đào tạo ra những người con có ích cho xã hội. Người phụ nữ Việt Nam là thế đấy, chịu khó và âm thầm cống hiến.
Mẹ tôi cũng vậy, để góp phần làm đẹp cho phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam, mẹ luôn dạy dỗ tôi và vun đắp hạnh phúc cho gia đình… “Mẹ ơi hạt giống nhỏ của mẹ giờ đây đã lớn. Một quá trình đâm chồi nảy mầm, vươn những chiếc lá đầu tiên đón nhận sự sống và trở thành một cây trưởng thành như ngày hôm nay đã được mẹ vun xới từng ngày. Nhớ ơn mẹ lắm, người phụ nữ cao cả mà suốt đời con gọi bằng hai tiếng “thần tượng” thân thương. Cảm ơn mẹ vì bầu sữa ngọt đã nuôi lớn con. Đến khi môi con bập bẹ hai tiếng “mẹ ơi”, mẹ vui mừng khôn xiết. Nhìn con lớn lên từng ngày trong vòng tay mẹ, mẹ bật khóc vì vui sướng. Rồi sẽ đến một ngày con sẽ bay vào đời bằng chính đôi cánh của con, để lại hình bóng mẹ sau lưng. Có câu chuyện kể rằng: Cò mẹ sinh thành, vất vả nuôi đàn con khôn lớn. Ngày ngày cò mẹ chăm chỉ kiếm mồi từ sáng sớm đến chiều tối, nhường nhịn, dành dụm tất cả cho con. Cò mẹ gầy rộc đi, bộ lông xơ xác, mình mẩy đầy thương tích sau những lần che chở cho con trước lũ diều quạ độc ác. Thế rồi một ngày thấy đàn con đã đủ lông cánh, cò mẹ dẫn các con mình ra cửa tổ. Những chú cò con nhìn ra ngoài… cả một vùng rộng lớn với núi non, cây cỏ… chúng sợ hãi kêu toáng lên, nép mình bên mẹ. Cò mẹ chậm rãi đẩy từng đứa con của mình ra khỏi tổ… Những tiếng kêu hãi hùng… Và rồi những đôi cánh chấp chới, đôi chân non nớt quẫy quẫy… Giữa đường rơi, từng con vụt bay lên… Chúng không kịp quay lại nhìn người mẹ còm cõi đang rạng ngời hạnh phúc thầm nói lời “cảm ơn”. Bài học đầu đời cò mẹ đã dạy con thế đấy! Hình ảnh cò mẹ gầy guộc, chịu khó chính là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam đơn sơ, giản dị, gần gũi mà cao cả thiêng liêng.
Mẹ ơi! Lời cảm ơn con chưa nói được, lời xin lỗi còn ngập ngừng trên môi. Lỗi lầm của con xin mẹ tha thứ, cả cuộc này con chỉ yêu mẹ mà thôi. Gió ơi gió bay về phương nào, nước kia mãi chảy về nơi đâu, mây vô tình cứ trôi đi thế mãi, xin cho tôi gửi đến mẹ lời yêu thương, câu cảm tạ nhé. Trong tim tôi đã ngập tràn tiếng mẹ, bóng mẹ đã dõi theo cả cuộc đời của tôi, hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam cao quý. Văng vẳng đâu đó trong tâm trí của đứa con này nơi đất Sài thành rộng lớn là câu hát về mẹ: “…mẹ là chiếc áo ấm cho con khi đông lạnh về…..mẹ là những ánh nắng cho con soi trên đường đi…”
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!