Viết về mẹ: Mặt trời của con

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 129_VVM

Họ tên: Phạm Thị Tâm Ngọc

Địa chỉ: TP. Đà Lạt, T. Lâm Đồng

—————————————————

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào

Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào”.

Đâu đó văng vẳng vang lên câu hát ngọt ngào thấm đậm tình mẫu tử… Tôi nằm trên thảm cỏ thả hồn theo những đám mây xanh lơ lửng trôi về cõi vô định mà chợt nước mắt khẽ rơi. Giọt nước mắt cứ lặng lẽ rơi mà chưa bao giờ dám nấc lên thành tiếng. Tôi nhớ mẹ! Dẫu biết rằng ước mơ cũng mãi mãi chỉ là mơ ước nhưng tôi vẫn thầm cầu nguyện: “Cô Tiên Xanh ơi, ước gì con cũng được sống với ba mẹ như bao đứa trẻ khác.”

Năm ấy, tôi chỉ mới 6 tuổi thôi, cái tuổi mà bao đứa trẻ khác hồn nhiên ngây thơ bên bố mẹ thì tôi phải chịu bao  nỗi đắng cay, bất hạnh. Bố mẹ đi làm xa, tôi sống với bà ngoại từ lúc 3 tuổi, bà cháu rau cháo có nhau. Tôi còn nhớ một buổi sáng tinh mơ khi vừa tỉnh giấc, có một người phụ nữ khẽ hôn lên má tôi và tôi cảm nhận được một tình thương ấm áp lan tỏa khắp huyết mạch tâm can truyền vào tim tôi một sức mạnh diệu kỳ. Tôi dụi mắt khẽ gọi “Mẹ ơi!” lòng thật xúc động, tôi nghẹn ngào nói không nên lời, sự im lặng đủ để diễn tả nỗi lòng của mẹ và con. Tôi nghe tiếng ngoại gọi:

– Ngọc ơi! Mẹ con về thăm con đấy.

Có lẽ đó là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời, tôi khóc nhiều lắm, khóc cho vơi đi bao nỗi niềm thầm giấu kín tận sâu thẳm trái tim. “Ngoại ơi! Vậy mà bấy lâu nay cái Thương với thằng Dương nó bảo con là đứa không cha, không mẹ. Bọn nó không chơi với con”.

Mẹ ôm tôi vào lòng, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được ngắm nhìn kỹ khuôn mặt của mẹ bởi lẽ đây là lần đầu tiên mẹ về thăm tôi. Niềm vui rồi cũng vụt thoáng qua chẳng khác nào ánh chớp ngang qua bầu trời giữa cơn giông bão, để rồi sáng hôm sau mẹ tôi lại lẳng lặng đi vào Nam làm ăn. Cuộc sống là thế, vì miếng cơm manh áo mà con người phải xa lìa tình mẫu tử đi tha phương cầu thực. Tôi chợt nhớ nhà thơ Chế Lan Viên có câu thơ:

“Con cò ăn đêm

Con cò xa tổ

Cò gặp cành mềm

Cò sợ xáo măng…

Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ

Cành có mềm mẹ đã sẵn tay nâng.”

Năm tôi 8 tuổi mẹ đón tôi vào Đồng Nai sống cùng, khoảng một tuần sau tôi hay tin ngoại đã qua đời. Giọt nước mắt ứ đọng trong khóe mắt tưởng chừng như chảy ngược vào tận tâm can. Giữa rừng cao su bạt ngàn heo hắt, tôi hét lên: Ngoại ơi!

“Nghe tin ngoại mất, con đau đớn

Tấc dạ nghẹn lòng, tim đau thắt

Ngoại ơi! Ngoại ở đâu rồi?”

Hồi đó, mẹ tôi nghèo lắm, mẹ không còn đủ tiền để về lại Quảng Ngãi trong đám tang của ngoại. Tôi khóc, mẹ tôi cũng khóc. Tôi biết ngoại đang ở một chân trời nào đó xa lắm, viễn mộng huyền ảo, hình hài ngoại đang tan rã hủy diệt theo thời gian. Để rồi sau này khi trở thành một chú tiểu tôi hiểu được rằng có những lúc con người phải bất lực trước hoàn cảnh và khuất phục bởi quy luật tự nhiên: sinh lão bệnh tử.

Vào những buổi chiều tà khi công nhân của nông trường cao su đã về, tôi và mẹ đi mót những mảnh cao su còn sót lại. Đó là nguồn thu nhập chính của gia đình. Mẹ tôi một đời gian khổ là thế. Tóc mẹ tôi đã bắt đầu điểm bạc. Ôi! Còn đâu mái tóc thuở xuân xanh, còn đâu vầng trán phẳng phiu, còn đâu đôi má hồng thuở thiếu nữ và còn đâu… Cả cuộc đời mẹ đầy nỗi truân chuyên. Có những lúc tôi thầm tự nhủ, không! Không phải tóc mẹ bạc đâu, ấy đó là những giọt mũ cao su trắng vô tình vương trên tóc mẹ.

Có một thi sĩ đã từng nói:

“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”.

Vâng! Tôi không cần mẹ tôi phải là một kiệt tác giai nhân như ai đó, tôi chỉ cần mẹ sống mãi bên tôi. Tháng ngày trôi… mẹ nuôi con khôn lớn. Sự cơ cực vất vả hằng in những vết nhăn theo năm tháng, mẹ chắt chiu từng đồng nuôi tôi đi học. Ngày đó nào tôi có hiểu được đó là sự hy sinh đầy cao cả mà mẹ đả bao lần lên bờ xuống ruộng, gánh chịu bao sự vùi dập vinh nhục của cuộc đời. Tình thương của mẹ hòa quyện vào những giọt mồ hôi lam lũ, trở thành dòng sữa ngọt ngào thấm đượm yêu thương, là chất liệu nuôi dưỡng con trưởng thành. Mẹ là mặt trời chiếu sáng, soi lối tôi vững bước trên đường đời. Ôi! Nhớ, nhớ lắm những ngày tôi đau ốm mẹ thức trắng canh khuya lo lắng cho tôi…

Rồi một ngày nọ… trời chợt mưa buồn… tôi nói lời từ giã mẹ để xin đi xuất gia, vì tôi đã phần nào nhận dần được sự giả tạo, khổ đau của kiếp người, giữa sự ra đi của ngoại, nỗi cơ cực của mẹ giữa kiếp người sống phù sinh đầy vướng bận. Mẹ tôi nghẹn ngào khóc, buồn vui lẫn lộn. Vui vì đứa con bé nhỏ của mình biết hướng đến con đường thánh thiện, đạo đức, con đường mà ít có ai dám nghĩ đến. Khóc vì mẹ phải mãi xa đứa con thân yêu. Rồi mẹ tôi cũng xuất gia theo tôi, tôi hạnh phúc lắm vì sống gần mẹ tôi được hiếu dưỡng, săn sóc, chăm lo cho mẹ.

Các bạn ơi! Ai còn cha mẹ thì hãy thương yêu và trân trọng nhé. Bởi lẽ: Không hạnh nào cao cả cho bằng hạnh hiếu, không tội nào nặng hơn cho bằng tội bất hiếu. Người Tây phương có Ngày của Mẹ – Mother Day thì dân tộc Việt Nam ta có ngày lễ Vu Lan vô cùng ý nghĩa bởi giá trị bề dày lịch sử được hình thành trên tinh thần từ bi và tính nhân hậu bình dị đầy tình người của dân tộc, một triết lý sống đầy nhân tính. Kinh thi cũng có câu rất cảm động: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân hiệu thiên võng cực”. Có nghĩa là: Cha sinh ra ta, mẹ nuôi nấng ta. Than ôi! Cha mẹ sinh ta nhọc nhằn, muốn báo ân sâu ấy như trời cao không tột. Tất cả những lời đó nhằm khuyên chúng ta sống phải biết hiếu đạo với cha mẹ.

Nắng hạ vừa tàn, gió thu hiu hắt lá vàng khẽ rơi rơi, mùa Vu Lan sắp về trên khắp mọi miền đất nước. Mẹ ơi! Con muốn nói rằng: “Con yêu mẹ nhiều lắm! Cảm ơn mẹ vì tất cả! Mẹ mãi là mặt trời sáng chói của con”. Nguyện cầu mẹ và tất cả người mẹ trên nhân gian luôn được mạnh khỏe và có một cuộc sống thật an lạc.

129 Phạm Thị Tâm Ngọc

Bài dự thi viết tay của thí sinh Phạm Thị Tâm Ngọc gửi về cho BTC

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

 

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN