Viết về mẹ: Má ơi!

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 234_VVM

Họ tên: Nguyễn Thị Thúy Hằng

Địa chỉ: Tam Kỳ -Quảng Nam

 

—————————————————

Chuyến đi viện lần này con không biết có về kịp ngày giỗ của má không nữa, đứa con như con có rất nhiều nỗi niềm ngậm ngùi!

Con sẽ bắt đầu từ ngày ba má bén duyên nhau. Hai con người với hai mảnh khuyết sau cuộc chiến tranh đã đến với nhau. Má kém ba hơn hai mươi tuổi. Khi sinh con thì ba đã hơn năm mươi tuổi. Sự ra đời của con đã không trở thành cầu nối hạnh phúc của ba má mà ngược lại là chương lao đao tiếp theo của cuộc đời ba má. Con sinh ra không là một đứa trẻ khỏe mạnh như bao đứa trẻ cùng lứa. Con đau ốm dặt dẹo cứ phải nằm viện suốt. Má kể lại lúc con được 18 tháng tình trạng nguy kịch đến nỗi bác sĩ đã gọi ba má ra nói thẳng gia đình chuẩn bị lo hậu sự. Nhưng rồi không biết sao con lại vẫn sống, và sau này con cứ lớn lên và nhiều lần chết hụt như thế nữa.

Từ di chứng của những tháng năm ác liệt ở các chiến trường, ba sau khi về hưu thì cũng gắn liền với bệnh viện, cảnh nhà thường chỉ có 3 má con lủi thủi với nhau, từ việc nhỏ đến việc lớn má đều phải lo toan gánh vác hết. Đến 8 tuổi con vẫn không thể ăn cơm được, thậm chí cháo thì phải thật lỏng và nhuyễn mịn hoàn toàn không còn một tí lợn cợn nào mới ăn được, mọi thức ăn đều phải ninh hầm kỹ và cho vào bọc vải để nghiền vắt lấy nước cho con uống, rất kỳ công để chuẩn bị cho cái sự ăn uống của con, mà đâu phải con uống được dễ dàng, sau khi làm thức ăn xong má đi làm, bà ngoại bồng bế con đi khắp xóm dỗ dành từng muỗng nhỏ, chén súp vơi đi chưa kịp mừng thì con lại nôn ào ra hết. Thế là công cốc, quy trình công phu ấy lại quay về điểm khởi đầu vừa mất công vừa tốn kém và mỏi mệt cho cả nhà, rồi lại nôn hết ra lần nữa. Có nhiều khi giữa đêm con nôn ra đầy giường, cả nhà phải nháo nhào thức dậy thu dọn và đi nấu nướng gạn lọc thành nước cho con uống kẻo đói hạ đường huyết. Con đã lớn lên như thế với sự vất vả cao độ của gia đình. Sau khi con học xong lớp 1, má quyết định phải chữa bằng được bệnh cho con, má bán đứt ngôi nhà đang ở để lấy tiền đưa cả hai chị em con và ba đi chữa bệnh, má tâm niệm chữa cho con khỏe mạnh thì dù ở ngoài bụi bờ ăn cháo rau cũng được. Thế là cả nhà cơm đùm cơm nắm mang theo cả gạo từ Quảng Nam lăn lóc gần như hết các bệnh viện lớn ở Hà Nội suốt 6 tháng ròng. Chuyến đi đó mang lại kết quả là con dần ăn được cơm.

Con tiếp tục đi học dù vẫn hay đau ốm. Đến năm lớp 7 thì những cơn máu tươi trào ra từ cơ thể mà không tìm ra nguyên nhân mặc dù đã nằm viện cả năm trời từ các bệnh viện tỉnh đến trung ương và ra cả Hà Nội lần thứ 2. Vẫn không tìm ra bệnh cho con, má nát lòng mang con về quê, nguyện vọng rất muốn đưa con vào tiếp trong các bệnh viện lớn trong Sài Gòn nhưng kinh tế lúc đó hoàn toàn kiệt quệ, nợ nần chồng chất nên má lực bất tòng tâm. Sau đó con yếu dần nằm một chỗ kèm theo những trận máu tươi ra thường xuyên buộc con phải nghỉ học. Những năm tháng đó thật sự kinh hoàng, cả gia đình mình luôn sống thấp thỏm lo âu như cảnh địa ngục. Bất cứ lúc nào, kể cả đêm hôm, nhiều lần máu trào dữ dội con không kịp nhổ vào bao ni lông, máu túa văng tung tóe ra giường chiếu mùng mền trong mùa đông lạnh cóng cả nhà phải thức đêm lau chùi dọn dẹp. Luôn phải cắt cử một người túc trực 24/24 với con để có bất thường là tức tốc chạy đi gọi nhờ điện thoại xuống cơ quan để má về tiêm thuốc cầm máu cấp cứu cho con. Bởi vậy nên má ở chỗ làm hay đi đâu thì lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng lao chạy về nhà như chạy giặc thời chiến tranh.

Hạnh phúc là một khái niệm hoàn toàn không tồn tại trong gia đình mình. Con rất đau khổ khi mình là nguyên nhân lớn nhất cho cảnh bi ai này của gia đình mình, không ít lần con mong mình nhanh chóng rời khỏi thế giới này để giải thoát cho những người thân yêu. Đến năm thứ 9, tình trạng của con chuyển biến nguy kịch, những trận máu tăng cả về số lượng và tần suất, những cơn khó thở dày đặc phải thường xuyên đưa xuống cấp cứu thở oxy, sự sống của con lay lắt yếu ớt như ngọn đèn sắp hết dầu trong cơn gió mạnh. Ngay thời điểm không còn chút hy vọng gì, má đã có một quyết định mà lúc đó ai cũng phản đối, song má đã bất chấp cả búa rìu dư luận để bỏ cả công việc, chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền khắp nơi và sắp xếp chuẩn bị để đưa con vào Sài Gòn chữa bệnh. Má đã đặt cược tất cả vào sự sống của con. Sau này má tâm sự nếu lần đó con mà chết trên đường đi thì người đời sẽ phỉ nhổ và kết tội cho cái sự điên khùng của má biết nhường nào nhưng má đã mặc kệ, má muốn làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, làm tất cả những gì còn có thể với con dù không còn chút hy vọng gì đi nữa. Con không đi lại được, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào má, di chuyển đến đâu má đều phải bồng vác, lúc đó con 65 kg còn má chỉ có 35 kg nhưng không biết má lấy sức mạnh từ đâu để có thể bồng bế con từ nơi nọ đến nơi kia!

Hai tháng con nằm tìm bệnh ở Sài Gòn má và dì đã nhịn đói nhịn khát vạ vật tại bệnh viện để chăm sóc cho con (khi đó chưa biết có chương trình cho cơm chay miễn phí ở bệnh viện). Con trải qua cuộc mổ sinh tử để cắt một phần phổi có khối u và bác sĩ đưa ra kết luận “ung thư phổi” và tiên lượng con sống lâu thì khoảng được 6 tháng nữa thôi. Với một người mẹ khi đón nhận tin đó về đứa con thương yêu của mình thì làm sao có thể đong đếm hết nỗi đau. Cùng lúc đó ba ở nhà đau nặng và mất đột ngột. Con vết mổ chưa lành, má đưa về đến nhà thì ba vừa được chôn cất xong, những gì còn lại chỉ là chiếc bàn thờ, bức di ảnh và khói hương nghi ngút. Những biến cố tai ương dồn dập xảy đến khiến mấy má con mình tê dại khóc không ra nước mắt nhưng cuộc sống dù khắc nghiệt đến thế nào cũng vẫn phải tiếp tục!

Chuyến đi Sài Gòn tuy không chữa được dứt bệnh nhưng đã giúp con không còn ra máu tươi nữa, con dần hồi phục đi lại được. Tuy vẫn yếu ớt nhưng con đã tự chăm lo được sinh hoạt cá nhân. Ba mất cùng với nỗi đau là gánh nặng đứa con lớn mắc bệnh nan y, còn cậu con nhỏ vừa tập tễnh bước vào cổng trường đại học hoàn toàn trút lên vai má oằn trĩu. Hễ nghe đâu có bài thuốc nam hay cho bệnh của con là má lại lặn lội lần mò đi tìm bất chấp đường sá xa xôi cheo leo hiểm trở. Rồi má chạy đôn chạy đáo khắp nơi để xin làm bất cứ công việc gì để có tiền thuốc thang hàng ngày cho con rồi phải lo chạy tiền gửi cho em trai con đóng tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền học nữa. Nhưng mọi công việc đang làm đều phải nghỉ giữa chừng vì cách tháng phải đưa con vào Sài Gòn điều trị tiếp tục. Những ngày hai má con lăn lóc tại bệnh viện nằm vạ vật tại hành lang, đêm đến má chẳng dám ngủ, cứ chốc chốc mở mắt nhìn xem hành lý có còn không?! Vừa đi viện về hôm trước là hôm sau má lại phải dò dẫm đi tìm việc nhưng đều bị từ chối vì người ta cần người làm ổn định. Hoàn cảnh đã không cho phép má được đắn đo gì nữa, má buộc phải chọn công việc cuối cùng là đi bán vé số dạo. Má đi bán từ sớm tinh mơ khi con chưa thức dậy và kết thúc công việc một ngày khi quán xá đã đóng cửa hết, hàng xóm đã ngủ từ lâu. Khi đó má mới mỏi mệt vật vờ đạp xe trở về nhà, trong không gian vắng lặng má ngồi gật gà gật gù rệu rạo với chén cơm nguội như nhiệm vụ phải hoàn thành “nhai và nuốt” dù chẳng biết ngon lành gì để sống cho con! Đã không ít lần quá mệt mỏi không gượng được khiến cả cơm và má ngã đổ lộn mèo lên nhau. Từ một trưởng trạm y tế phường, má phải thân cò rong ruổi trên khắp các nẻo đường để bán từng tờ vé số bất chấp thái độ dè bĩu miệt khinh của người đời. Má bảo với chị em con “dù có ai nói gì đi chăng nữa vì các con má sẽ chịu hết!”. Nhìn sức khỏe của má ngày càng mòn mỏi suy kiệt mà tâm trí lúc nào cũng rối bời những lo toan, lòng con đau đớn xót xa vô cùng mà bất lực!

Và trong một đêm con đang ở nhà đợi má về thì có người hốt hoảng tông cửa vào nói với con “má con đi bán vé số bị xe tông chết đang nằm ở nhà xác bệnh viện”. Con như bị sét đánh ngang tai nhưng vẫn phải định thần lại, trong tình thế em trai con đang học ở Sài Gòn chưa về kịp, con buộc mình phải bình tĩnh để xử lý mọi chuyện trong nhà. Sau khi nhờ người hàng xóm trông giữ bà dì đang gào thét hoảng loạn trong cơn đau đớn mất em gái để tránh dì có hành động bộc phát làm tổn hại bản thân, con xuống bệnh viện làm thủ tục và đưa xác má về nhà. Đêm đó con thức trắng. Sáng hôm sau pháp y đến làm việc xong, con mới được lau cơ thể bê bết máu của má, cái cảm giác lạnh ngắt cứng đờ từ cơ thể má vẫn ám ảnh con từ đó đến nay! Gần đến giờ liệm em con mới về đến nhà, em trai con vuốt mãi thì mắt má mới nhắm lại được. Gần 30 năm trời từ khi sinh con, má triền miên với những đau khổ, lo toan, giằng xé cả tinh thần và thể xác, gương mặt má khắc sâu nỗi khắc khổ, má chưa có một ngày nào được thảnh thơi thanh thản… Và sự ra đi đau đớn đột ngột của má đã khiến chị em con không bao giờ còn cơ hội dù chỉ một lần được báo hiếu má, đó mãi mãi là nỗi uất nghẹn nơi sâu thắm cõi lòng của chị em con!…

Mùa Vu Lan năm nay là vừa tròn 5 năm má rời bỏ chị em con. 5 năm qua dù thiếu thốn vất vả nhiều nhưng em trai con vẫn kiên tâm theo đuổi việc học, nó sắp bảo vệ thạc sĩ đó má. Còn con vẫn tiếp tục hành trình chữa bệnh. Nhưng má ơi, con vẫn hay tủi lòng khi nhìn người khác có mẹ chăm sóc, có mẹ để được nũng nịu tâm tình. Chỉ có má mới cảm nhận được sự bất ổn trong âm điệu mà con đang tỏ ra bình thường, chỉ có má mới hiểu được điều con không nói, chỉ có má mới yêu thương hy sinh cho con vô điều kiện, chỉ ở trong lòng má con mới ở vị trí quan trọng nhất! Có những lúc con cảm thấy vô cùng cô độc khi một mình giữa những máy móc phức tạp trong bệnh viện và phải tự ký giấy cam kết cho những mũi thuốc có phần tỷ lệ rủi ro nhất định. Nhưng xin má hãy yên lòng, con chỉ yếu mềm trong khoảnh khắc thôi.

Mọi người mẹ trên đời đều vĩ đại nhưng với một đứa con đau ốm nan giải từ lúc lọt lòng như con thì sự hy sinh của má còn hơn cả sự vĩ đại, má đã trao cho con sự sống, má đã cho con cả cuộc đời của má. Đến hôm nay con còn có mặt trên đời tất cả là nhờ gia đình và đặc biệt là má đã không từ bỏ con khi ai cũng khuyên nên để con ra đi, cả nhà mình đã giằng co triền miên xuyên suốt hằng mấy chục năm dài với tử thần để níu giữ mạng sống cho con một cách thần kỳ! Nên những sự đánh đổi to lớn ấy phải đáng giá! Nhớ về những thăng trầm gập ghềnh đã qua của gia đình để nhắc con trân quý hơn sinh mạng mà con đang có. Giờ ba má ở một cõi nào đó, xin yên lòng nhìn con vui sống, chặng đường phía trước của con chông gai nhiều lắm nhưng con biết mình không được phép bỏ cuộc, ba má tin con nhé!

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN