Viết về mẹ: Em không có lỗi

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 066_VVM

Họ tên: Hoàng Thị Diệu Linh

Địa chỉ: huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận

—————————————————

“Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ

Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng”

– Nguyễn Trọng Tạo –

–     A, mẹ về rồi! Mẹ đi chợ về rồi tụi bây ơi!

Đang nô đùa ầm ĩ, nghe tiếng xe đạp lọc cọc quen thuộc của mẹ vừa đến sân nhà, ba anh em thằng Xệu đã hét toáng lên rồi lao như bay ra đón mẹ. Chúng cứ nhảy loi choi, tíu tít bên chân mẹ, làm rộn ràng cả khoảng sân đầy nắng.

Dì Minh đặt cái thúng cột ở sau xe xuống, ba cặp mắt dán chặt theo từng cử chỉ của mẹ với nỗi háo hức. Một nỗi háo hức mà sáng nào cũng thường trực trong lòng chúng. Vì chưa có buổi chợ nào về mà mẹ quên mua quà cho chúng cả. Cho đến khi dì Minh lôi từ trong thúng ra mấy chiếc bánh rán nóng hổi, thơm phức trao tận tay cho các con thì nỗi háo hức biến thành niềm sung sướng.

Trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi của người mẹ như có gì rạng rỡ một niềm vui khó tả khi nhìn ngắm những đứa con yêu. Niềm vui đó có lẽ chỉ người làm mẹ mới có. Ánh mắt nhìn các con ăn ngon lành quà mẹ sao nhiều trìu mến, sao ấm áp yêu thương. Cái nhìn bao dung, dịu hiền của mẹ làm sao ba đứa trẻ kia kịp nhận ra trong lúc đang ngấu nghiến ăn phần quà của mình. Làm sao những tâm hồn thơ bé đó có thể kịp lớn khôn để cảm nhận được và biết cảm ơn cuộc đời vì chúng đang còn có mẹ.

Có một thằng bé cứ ôm gốc khế nhà mình tần ngần nhìn sang. Cảnh êm đềm, hạnh phúc đó trở thành nỗi khát khao cháy bỏng trong lòng nó. Thằng bé có đôi mắt trong veo và rượi buồn đó là Kha. Nó còn đứng nhìn sang sân nhà hàng xóm một lúc nữa, cho đến khi ba anh em thằng Xệu ăn xong phần bánh và đã lại nô đùa ầm ĩ, nó mới lủi thủi ra ao cá ngồi khóc thút thít.

Mặt nước lăn tăn sóng, những con cá ngoi lên đớp bèo tinh nghịch, ngụp lặn trong nước. Bầu trời xanh trong soi bóng xuống mặt nước. Kha nhìn mặt nước nghĩ ngợi gì mà sao nước mắt cứ thi nhau chảy tràn. Kha không muốn để chị Liên thấy Kha khóc đâu. Chị thấy Kha khóc chị sẽ buồn. Chị Liên bảo con trai thì không được khóc nhè. Nhưng nó đâu muốn khóc. Nó không khóc nhè mà. Tự dưng nước mắt cứ chảy ra đó chứ! Mà Kha vẫn thường bắt gặp chị Liên ngồi lặng lẽ khóc một mình đấy thôi. Nhưng chị khi nào bị bắt gặp đều gạt thật nhanh nước mắt rồi cười tươi như không ấy, chị bảo: “ Bụi bay vào mắt chị cay quá”. Thế là Kha không nói được gì.

Tính nó trầm lặng nhưng sâu sắc. Nóng tính nhưng nhân hậu. Chị thường nói như vậy về Kha. Chị bảo nó giống như ông cụ non ấy. Mới tí tuổi đầu mà lúc nào cũng trầm tư.

Ôi chao! Một đứa trẻ như nó sao lại có lúc thấy lòng mình rõ ràng như thế chứ?

Chị Liên đã đến bên Kha từ lức nào. Chị nghe thấy nó khóc ư? Không! Chị đã trông thấy hết cảnh nó ôm gốc khế nhìn sang nhà hàng xóm. Nhìn thấy cả nỗi niềm trong lòng nó nữa. Chị hiểu nó lắm! Chị thương nó lắm!

Chị vòng tay ôm nó vào lòng, lặng lẽ ngồi bên Kha mà không nói gì cả.

      – Chị ơi, em muốn chị em mình cũng có mẹ như thằng Xệu. Nó nức nở.

      – Chị cũng vậy.

      – Tại sao lại là chị em mình hả chị? Tại sao lại chị em mình mất mẹ?

Liên cố ghim giữ để không bật lên tiếng khóc, để nước mắt không chảy tràn. Chị chỉ ôm chặt em vào lòng mình rồi ngước nhìn lên bầu trời cao rộng như để tìm câu trả lời, như để tra vấn ông trời:

“ Em ơi! Không chỉ riêng có chị em mình đâu em. Ở đâu trên thế gian này cũng đều có những đứa bé mồ côi. Cũng đều có nỗi đau vì mất mất mẹ, mất cha cả em ơi! Đứa em bé bỏng tội nghiệp của tôi! Nó sẽ chẳng bao giời được cất tiếng gọi mẹ và được mẹ trả lời nữa. Sẽ không được mẹ ấp ủ, vỗ về, không có được cái hạnh phúc ngóng mẹ đi chợ về như muôn vàn đứa trẻ khác. Vì ai? Vì đâu hả ông Trời?!”

sMẹ mất khi Kha chưa đầy ba tuổi. Ngày mẹ mất, Kha nhìn quan tài mà hỏi chị:

 – Sao họ lại bỏ mẹ mình vào đây hả chị?

Rồi ngày qua ngày không thấy mẹ về nó lại hỏi:

– Mẹ đi đâu mà lâu về với chị em mình thế?

Khi đó Liên chưa đầy 10 tuổi. Liên cũng ngây ngô chẳng kém gì. Liên cũng không tin mẹ sẽ đi mãi mà không về với chị em Liên nữa. Nhưng Liên biết, chết có nghĩa là vĩnh viễn. Lúc đó Liên đã trả lời em bằng cách chỉ lên trời: – Mẹ ở trên đó. Ông trời đón mẹ về trên đó rồi em ạ. Em đừng khóc nhè kẻo mẹ buồn. Phải ngoan rồi mẹ sẽ về với chị em mình.

Rồi thời gian cũng trôi đi thật nhanh như một giấc chiêm bao ấy. Mẹ mất khi Kha còn chưa biết gì. Nó không bao giờ biết được có mẹ hạnh phúc đến như thế nào. Khi Kha lớn lên thì cũng là khi nó hiểu rằng mẹ không về được với nó nữa.

Liên nhỏ nhẹ:

– Em ạ, chẳng có ai sinh ra trên đời này lại muốn mình mất mẹ cả. Nhưng nếu  điều đó xảy ra có nghĩa là cuộc sống muốn chúng ta dũng cảm hơn người khác thật nhiều để vượt qua mất mát đó. Em hiểu không em trai?

Kha ngước đôi mắt nhoè nhoẹt lên nhìn chị rồi ngập ngừng gật đầu. Liên thấy lòng mình se thắt lại khi nhìn vào ánh mắt ngây thơ của đứa em bé bỏng tội nghiệp.

–  Chị ơi. Kha đã thôi khóc. Nó nhìn gương mặt phúc hậu của chị nó.

–   Gì vậy em?

–   Mẹ mình có giống chị không?

–   Sao em lại hỏi vậy?

–   Vì em… em… em không nhớ được gương mặt của mẹ. Nó mếu máo chực khóc rồi cúi đầu xuống như một đứa trẻ biết mình có lỗi:

–   Em… em xin lỗi chị. Chị đừng buồn vì em chị nhé!

Giọng Liên ấm áp:

– Em không có lỗi. Chỉ tại ông trời đưa mẹ mình về sớm quá. Để chị em mình mất mẹ. Để em của chị phải buồn.

Liên bật khóc. Chị thấy thương em, thương cho chính mình và thương cho những đứa trẻ không may mắn trên cuộc đời này nữa.

“ Tại sao? Tại sao? Đến bao giờ cuộc đời này mới không còn cảnh những đứa trẻ mồ côi? Đến bao giờ những đôi mắt ngây thơ, bé dại thôi buồn vì mất mẹ, mất cha? Đến bao giờ hết những khổ đau, mất mát? Đến bao giờ hay chẳng bao giờ cả?” Liên luôn tự hỏi như thế biết bao lần rồi.

Kha giơ tay lên lau nước mắt trên mặt chị:

 – Chị đừng khóc nhè, xấu lắm!

Liên bật cười. Chị hôn lên trán em, lém lỉnh: – Người dũng cảm nhất cũng có lúc phải khóc đấy Kha ạ. Vì nước mắt sẽ mang nỗi buồn đi thật xa.

– Vậy khi buồn muốn khóc thì khóc chứ chị nhỉ?

– Ừ, nhưng nhớ chỉ khóc cho những điều quý giá thôi nghe Kha.

Những điều quý giá là gì Kha không hiểu hết được nhưng Kha hiểu rằng từ nay mình phải thật dũng cảm, thật mạnh mẽ để chị được vui lòng và tự hào về Kha.

 – Kha biết không? Ngày xưa còn sống, mẹ thương Kha nhất nhà đấy.

– Hơn cả thương chị nữa à?

– Ừ. Lúc nào mẹ cũng cho Kha nằm trước lòng mẹ để mẹ ấp Kha ngủ, còn chị thì chỉ được ôm lưng mẹ ngủ thôi.

– Thế chị có buồn vì mẹ thương Kha hơn không?

– Không! Mẹ cũng thương chị lắm chứ Kha tưởng à? Mẹ đi chợ về lần nào cũng  mua quà cho cả hai chị em mình đấy.

– Mẹ có hay đánh đòn chị và Kha không?

– Mẹ ít đánh đòn lắm. Nhưng mà đánh thì đau ơi là đau. Mẹ đánh chị thì chị đứng yên, còn mẹ vừa giơ roi ra doạ đánh Kha thì Kha đã nhảy vào bẻ cả roi của mẹ rồi.

– Kha hư thật chị nhỉ!

– Ừ. Hồi đó Kha hư thế nhưng mà mẹ vẫn thương Kha. Tối nào có trăng mẹ cũng kê ghế ra sân ngồi ngắm. Rồi chỉ cho chị em mình tên những chòm sao. Và trước lúc đi ngủ tối nào mẹ cũng ngâm thơ cho chị em mình nghe nữa. Mẹ rất hay cười. Mà mẹ đẹp lắm Kha ạ. Dáng mẹ cao cao, tóc mẹ dài …

Kha cứ lặng im nghe chị kể về mẹ như nuốt từng lời. Và nó cất giữ cho riêng mình hình ảnh về mẹ với niềm kính yêu vô hạn. Nó cố lôi trong kí ức ấu thơ của mình dù một chút về mẹ nhưng không tài nào nhớ nỗi. Rồi Kha  gạt nước mắt  và nhoẻn miệng cười. Nụ cười hồn nhiên và đôi mắt trong veo. Nó gối đầu lên lòng chị, chìm vào giấc ngủ ngon lành mang theo hình ảnh người mẹ với nụ cười rạng rỡ trên môi.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN