Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 555_VVM
Họ tên: Nguyễn Thị Bích Kiều
Địa chỉ: Quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng
————————————-
Cứ mỗi lần về quê thăm mẹ, lòng tôi lại đau quặn thắt khi nhìn thấy mẹ ngày càng gầy ốm hơn. Mẹ mới chỉ ngoài sáu mươi nhưng đã già hơn rất nhiều so với tuổi của mình. Khuôn mặt mẹ đen và gầy với những vết nhăn xếp thành từng lớp. Đôi bàn tay xương xương với các ngón tay rỉ máu vì nước phèn ăn sâu vào tận móng tay. Hai hàm răng của mẹ cũng đã rụng gần hết. Trên mái đầu xanh mướt ngày xưa, giờ đã chuyển sang màu bạc trắng. Tôi thương mẹ nhất nhất trên cuộc đời này.
Yêu mẹ bao nhiêu, tôi lại thấy mình bất hiếu với mẹ bấy nhiêu. Mẹ đã hy sinh cả cuộc đời, tuổi thanh xuân của mình để nuôi tôi khôn lớn nên người. Dù cuộc sống có nghèo khổ đến đâu, mẹ cũng lo cho tôi ăn học ra trường. Vậy mà, tôi chỉ biết yêu mẹ, biết nói, biết viết những lời yêu thương mẹ chứ không thể giúp được gì để mẹ bớt đi nỗi vất vả trong cuộc sống. Hằng ngày mẹ phải vất vả với không biết bao nhiêu công việc đồng áng. Tuy đã ở tuổi ngoài sáu mươi nhưng mẹ vẫn phải còng lưng đi làm để có cái ăn, cái mặc và chăm lo cho con cháu. Đã vậy mẹ phải sống với những căn bệnh đang từng ngày hành hạ mẹ. Nhiều lúc không có tiền đi bệnh viện, nhưng vì thương mẹ nên tôi cũng cố gắng khuyên mẹ hãy đi viện để điều trị. Nhưng mẹ kiên quyết không chịu vì mẹ sợ làm khổ con của mẹ. Mẹ biết đồng lương công chức như tôi không thể lo nỗi việc chạy chữa căn bệnh sỏi thận và huyết áp của mẹ nên mẹ luôn cố gắng, mẹ cắn răng chịu đựng và sống với bệnh tật. Càng nghĩ, tôi càng thấy mình thật bất hiếu vô cùng. Học cho lắm, cho nhiều vào làm gì mà chỉ việc mẹ ốm cũng không có đủ tiền để điều trị cho mẹ. Nhiều lúc, tôi cứ nghĩ đến mẹ là hai hàng nước mắt chảy ra. Tôi thương mẹ nhiều lắm, nên tôi rất sợ một ngày nào đó khi mẹ không chịu đựng nỗi căn bệnh của mình, tôi sẽ không còn được nhìn thấy mẹ nữa.
Tận sâu nơi đáy lòng tôi yêu mẹ vô bờ, nên bản thân luôn cắn rứt và dằn vặt vì đã bất hiếu với mẹ. Có đứa con nào yêu mẹ mà lại để mẹ phải sống với bệnh tật mãi như tôi không? Và rồi tôi nghĩ yêu mẹ tôi cần phải kiếm thật nhiều tiền. Đúng vậy, cần phải có tiền tôi mới có thể lo chạy chữa cho mẹ được. Tôi đã trở nên cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn vì quyết tâm kiếm tiền để chữa bệnh cho mẹ. Nhưng tôi lại bất tài vô dụng nên cũng không biết làm gì để có tiền giúp mẹ được. Quanh đi quẩn lại, cuộc sống của tôi cũng chỉ đủ ăn, có khi còn thiếu lên thiếu xuống nữa. Mỗi lần về nằm bên mẹ, được mẹ ẵm, mẹ ôm ấp, tôi lại thấy lòng bừng lên ngọn lửa yêu thương mẹ mãnh liệt. Nhưng tôi cũng chỉ là một đứa con chỉ biết nói suông thôi.
Nhớ lại lúc còn nhỏ, cuộc sống gia đình tôi cũng vất vả và thiếu thốn đủ thứ. Ngay cả cơm ăn ngày ba bữa bình thường như bao người cũng không đủ. Tôi nhớ nhất là vào mỗi dịp Tết đến. Dù có khó khăn, thiếu thốn bao nhiêu, mẹ cũng cố gắng để sắm đồ mới cho chúng tôi, cố gắng mua thịt, mua cá, gói bánh dù không nhiều nhưng cũng có để chúng tôi không phải nhịn thèm. Tôi nhớ nhất năm ấy, khi Tết gần đến nơi rồi mà mẹ vẫn chưa mua lại cho tôi một đôi dép mới. Tôi đòi mẹ rồi lại giận hờn mẹ, lẫy mẹ, trách mẹ không lo cho tôi như mẹ của các bạn trong xóm. Mẹ vẫn dịu dàng, nhỏ nhẹ bảo: “Mẹ thấy dép của con còn mới và lại chưa đứt nữa, sao phải mua lại dép mới? Con mang đỡ dép này rồi ra giêng vào mùa thu hoạch lúa mẹ lại mua cho một đôi thật xinh nhé!”. Tôi hờn mẹ, không chịu nói năng gì với mẹ mấy ngày liền. Chợt một hôm đang chơi đùa với thằng Bờm nhà bên cạnh, tôi thấy nó mang đôi dép của nó ra cắt làm đôi. Nó bảo, Tết này mẹ tau không chịu mua dép mới cho tau nên tau cắt đi, để xem mẹ có mua không? Chắc chắn là phải mua rồi! Rồi nó cấm không cho tôi mách mẹ nó. Nó biết tôi cũng bị mẹ bắt mang dép cũ nên bảo tôi đưa dép lại cho nó cắt luôn cho. Thế là tôi đi chân không về, hai tay xách hai chiếc dép vừa đi vừa giả vờ khóc. Mẹ nhìn thấy tôi như cũng đã đọc được ý nghĩ của tôi nên đã không hỏi gì thêm. Thấy vậy, tôi thanh minh là do thằng Bờm cắt chứ không phải tôi. Rồi chiều 29 Tết, mẹ chở tôi xuống chợ xã mua lại một đôi dép mới toanh. Tôi vui mừng trong bụng và thầm cảm ơn thằng Bờm, nhờ nó mà tôi có dép mới để đi chơi Tết với chúng bạn. Khi trở về nhà, tôi vui mừng nhảy chân sáo, còn mẹ thì vội vã lo gói bánh, nấu bánh để kịp cúng ông bà. Tôi cứ thấy mẹ loay hoay ngồi khâu cái gì đó chứ không vội đi gói bánh ngay. Chạy vào nhà thì thấy mẹ ngồi khâu lại đôi dép đã mòn hết mũi dép và đế dép, hai quai thì đã đứt hết cả rồi. Tôi vô tư, hồn nhiên bảo sao mẹ không mua lại một đôi mới mà may lại làm gì? Tôi đâu biết là nhà đã hết gạo ăn, trong nhà chỉ trông chờ vào mấy sào lúa đang còn xanh mướt ngoài đồng kia. Tôi đâu biết tiền ở đâu mẹ mua dép mới và mua đồ ăn thức uống để sắm cho chúng tôi ăn. Mẹ nhìn tôi không mắng lấy một lời bảo: “Thôi con à! Mẹ khâu lại mang đỡ được mà. Với lại Tết cũng có đi đâu mà lo mua dép mới. Còn bao công việc ngoài đồng chưa làm nữa. Sắp tới cần tỉa bắp, trồng khoai,…”. Lúc ấy, thật sự tôi thương mẹ nhiều lắm nhưng tâm hồn trẻ con vẫn còn rất ngây thơ, vô tư tôi nghe mẹ nói vậy cũng chỉ biết có vậy thôi.
Mỗi lần, nhìn những đồng nghiệp cơ quan, ăn diện quần này áo nọ, giày dép không biết bao nhiêu, tôi lại thấy rưng rưng nước mắt mỗi khi nghĩ đến mẹ. Với mẹ, mỗi một đôi dép luôn là một tài sản vô cùng quý giá mà không dễ gì mẹ vứt nó đi. Mặc dù, đi làm ở xa nhưng tôi vẫn thường xuyên gửi dép về cho mẹ, vì sợ mẹ vẫn mang dép đứt như ngày xưa. Nhưng những đôi dép mà tôi gửi về vẫn được mẹ cất giữ cẩn thận. Tôi nào biết mẹ vẫn cứ mang đôi dép đứt để ra đồng. Mỗi lần về thăm mẹ, tôi không chịu được khi nhìn thấy mẹ mang dép đứt nên mang tất cả dép đứt đi vứt vào các hố rác. Và ôm mẹ vào lòng khóc nức nở: “Đến bây giờ, mẹ vẫn còn mang đôi dép đứt sao, mẹ ơi!”. Mẹ bảo mẹ để dành những đôi dép mới để khi đi đây đi đó mang, còn ở nhà và ra đồng thì cần gì mang dép mới. Tuy mẹ nói vậy, nhưng tôi biết mẹ thương các con của mẹ. Mẹ sợ tôi không có tiền để mua dép hoài cho mẹ, nên mẹ rất tiết kiệm, mẹ không bao giờ dám tiêu những đồng tiền mà chúng tôi cho mẹ. Mẹ cất cẩn thận và để dành khi cần mẹ cho lại con cháu của mẹ. Vì thế mà cho đến bây giờ, mẹ vẫn không thôi mang những đôi dép đứt mỗi khi các con của mẹ không có ở bên để chăm sóc cho mẹ. Mẹ tôi là người mẹ vĩ đại nhất mà thế gian đã ban tặng cho tôi. Tôi thầm cảm ơn và yêu mẹ tha thiết!
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn! Cuộc thi ” Viết về mẹ” là một trong những chương trình nằm trong chuỗi hoạt động vì cộng đồng, tôn vinh những giá trị nhân văn của xã hội, khơi nguồn cảm xúc, viết lên yêu thương gửi đến người thân yêu, đặc biệt là người mẹ. ” Viết về mẹ” đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và gửi bài tham gia của độc giả. Hãy cùng Phụ Nữ Ngày Nay mạnh dạn bày tỏ tình cảm yêu thương với người mẹ đáng kính của mình nhé.