Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 117_VVM
Họ tên: Lưu Thị Ngọc Tuyết
Địa chỉ: Quận Gò Vấp, TP. HCM
—————————————————
2/9/2014
Năm 2009, lúc mới vô Nam, tôi tự bắt xe đi các tỉnh ven Sài Gòn cho biết, có lần về Phan Thiết, vì bắt xe dù dọc đường nên hên sao trúng ngay cái xe như từ thời mới giải phóng, cà tàng, xộc xệch. Trên xe có lồng nhốt nhím, lồng nhốt chuột… còn có cả nguyên cây chuối nằm chềnh ềnh giữa xe, gác chân tiện hết chỗ nói.
Tháng 9 năm 2014, sau 7 năm ở Sài Gòn, mỗi năm tôi chỉ về quê một lần đúng dịp Tết, thành ra năm nào về bất thường thì nhớ ngay. Dạo đó tôi cần về Huế có chút việc, rồi nhân tiện ra Quảng Bình thăm nhà luôn. Thời gian ít ỏi, tôi tranh thủ đến bến xe từ sớm để bắt chuyến gần nhất. Khi lên xe chỉ còn một chỗ trống duy nhất, chỗ bên kia là một người không biết trẻ hay già, đẹp hay xấu bởi người đó che kín hết từ đầu đến chân, chỉ biết là phụ nữ. Xe chưa chạy mà người đó đã nằm xiêu vẹo, nhìn rất mệt mỏi. Tôi hiểu tại sao cái ghế còn trống, chắc mọi người cũng nghĩ như tôi nên đều né, có thể người đó bị bệnh da liễu. Nhưng lỡ rồi nên tôi ngồi luôn, cố gắng né để không đụng chạm.
Dọc đường cũng đúng kiểu xe giải phóng, chủ xe bắt thêm người vô tội vạ, chứa phải gấp đôi số lượng cho phép, không còn chỗ đứng chứ đừng nói để ngồi được. Chặng đường gần 180km trên con đường đang thi công đúng như ác mộng. Đến nỗi mỗi lần có người xuống, không thể né đi đâu để có chỗ cho cửa kéo vào thế là mấy nam thanh niên xuống xe bằng đường cửa sổ, cho nhanh!
Xe càng chạy trời càng chập choạng tối, hai bên đường cảnh vật nhá nhem, im lìm, có phần tiêu điều, xác xơ, lâu lâu mới le lói lên một vài ánh đèn của những nhà ở ven quốc lộ. Tôi cảm giác như không phải tôi chỉ đang ngược đường về nhà, mà tôi đang ngược cả thời gian về với cái năm mười mấy tuổi lúc tôi ra đi. Cảnh vật vẫn vậy, vẫn âm thanh màu sắc đó, nào có khác gì đâu, quê tôi vẫn nghèo như cũ!
Đang miên man nghĩ vẩn vơ, người đàn bà ngồi cạnh tôi có điện thoại. Người nhà gọi hỏi thăm chị, chị thều thào nói không ra hơi, nhưng tôi có thể đoán nội dung câu chuyện là:
Ra tới mô rồi?
– Không biết, mệt, ngủ.
Bác sĩ nói bị chi?
– Nói chi đó, a` ừm… bị cái chi trong máu đó.
– Gọi là bệnh chi?
– Không nhớ tên.
– Rứa có mua thuốc không?
– Thuốc đắt.
… Ừ
Dặn thằng cu ở nhà nấu chi ăn, sáng tới chừ chưa ăn chi.
Tôi hiểu chắc phải sắp xếp lắm chị mới dứt ra khỏi nhà để tới bệnh viện, đau ốm mà một mình sáng đi tối về, lăn lóc trên xe, lớ ngớ ở bệnh viện… để rồi ra về mình bị bệnh gì còn chẳng biết, mà có khi biết cũng chẳng làm được gì… Nghĩ mà buồn, thôi thì hy vọng, về nhà chị có cơm chờ sẵn!
Xe dừng trả dần khách rồi lăn bánh, bỗng nhiên tôi phát hiện ra chị chưa có ở trên xe, nãy lơ xe hỏi điểm dừng tôi có nghe thấy thì rõ ràng chưa tới nhà chị. Tôi vội la lên:
– Chưa đủ người chú ơi!
Trời ngày càng tối, ai cũng nôn nóng muốn về nhà nên tài xế cọc cằn hỏi:
– Ai? Đi mô rồi?
Tôi đang bối rối không biết trả lời sao trong khi xe thì cứ dần dần lăn bánh, tôi sợ người người phụ nữ kia lỡ xe giờ này thì khổ. Bỗng nhiên từ đằng sau có tiếng người vừa chạy hớt hả vừa gọi xe dừng lại. Người phụ nữ lên được xe, ngồi xuống thở hổn hển. Tài xế nhăn nhó:
– Nhà ở mô đây mà xuống hả?
– Mua cho thằng cu chai C2 – Người phụ nữ nói lí nhí trong hơi thở.
Vậy đó, người mẹ có thể hững hờ với bệnh tật, với sống chết của chính mình, nhưng không bao giờ hững hờ với những ước muốn của con cái, có thể là những ước muốn nhỏ nhoi, bất kể là gì, chỉ cần mẹ có thể làm được!
Bỗng nhiên tôi thấy nghẹn ngào, tôi nhớ lại tuổi thơ mình, những món đồ mỗi lần mẹ đi xa về, biết đâu nó cũng từ hoàn cảnh như thế mà ra? Tôi rất ít nói về những điều mẹ đã làm bởi nào có văn thơ ngôn từ nào có thể diễn tả được chơ chứ! Nhưng mỗi lần nhìn người phụ nữ nào vất vả, nhất là những người có con còn nhỏ, không hiểu sao tôi luôn liên tưởng tới mẹ. Cảm giác những người phụ nữ trẻ phải gồng gánh quá nhiều thứ. Cứ vậy đứng lên chống đỡ mọi giông bão cuộc đời để con thơ có được điều tốt đẹp nhất. Còn trẻ, còn sức và vì con nên những người mẹ trẻ luôn muốn lội ngược dòng số phận. Mải miết bươn chải, hy sinh trong âm thầm đến nỗi một ngày nhìn lại, không thể nhớ được rằng mình đã từng có một thời tuổi trẻ như thế!
Thứ dễ chạm vào tâm hồn con người nhất là những kí ức về mẹ, dù xuôi ngược dòng đời như thế nào đi nữa, con người có hoen ố đi bao nhiêu phần đi nữa thì cũng không gì có thể thay đổi được tình cảm mẹ con thiêng liêng ấy. Không ai hy sinh cho bạn nhiều như mẹ, không ai khổ vì bạn nhiều như mẹ, và lẽ đương nhiên bạn nên yêu mẹ hơn hết thảy những gì trên cuộc đời này!
Người phụ nữ kia sẽ về nhà, bữa cơm của “ thằng cu” nấu có thể chẳng có gì để ăn, có thể sống, có thể cháy nhưng chắc chắn bữa ăn sẽ có tiếng cười. Vì tôi biết chắc người phụ nữ ấy sẽ nén bệnh tật, nén lo lắng, để cho con vừa uống C2 vừa cười, vì mẹ tôi hồi xưa cũng thế, mọi người mẹ đều hy sinh như thế… Tiếng cười trong những hoàn cảnh khó khăn mà mọi người dành cho nhau là tiếng cười vô giá, chỉ có tiếng lòng của mẹ là không biết đến bao giờ những người con mới hiểu hết được thôi!
Bỗng điện thoại reo, mẹ tôi gọi: “Gần tới chưa con? Chắc đói đọa rồi, mẹ chờ cơm nghe!”. Và tôi cũng về được nhà ăn cơm với mẹ.
Có thể trời rất tối, có thể đời rất tối… nhưng người ta vẫn tìm về được căn nhà nhỏ có mẹ ở đó, tôi cũng vậy. Bạn thì sao?
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!