Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 492_VVM
Họ tên: Bùi Thị Ngọc Hoa
Địa chỉ: Thủ Đức, TP. HCM
———————————–
Con xin lỗi chưa bao giờ con có thể nói với mẹ rằng con yêu thương mẹ như bao nhiêu đứa trẻ khác cho tới lúc con 22 tuổi như hôm nay. Và lễ Vu Lan năm nay chính con lại làm mẹ buồn và suy nghĩ rất nhiều khi con đã cãi lại lời mẹ để quyết định mang vali lên và đi vào Sài Gòn chỉ vì đơn giản con muốn theo đuổi đam mê viết lách của đời mình chứ con không thể nào bằng lòng với cuộc sống hiện tại, với một công việc mà ngày nào con cũng phải tiếp xúc với những con số.
Con ra đi chẳng một ai ủng hộ con cả. Nhưng tính con “ngông” và luôn muốn cái gì con thích thì con cũng phải làm cho bằng được. Con biết ở nơi đây sẽ có nhiều cám dỗ dễ khiến con sa ngã, “con gái thì không nên quá bon chen với đời sẽ mệt mỏi lắm, mẹ con làm vậy là mẹ con cũng có lý do suy đi tính lại kỹ lắm rồi”- Cô Nguyệt đã khuyên con nhưng con vẫn bướng bỉnh và quyết ra đi. Còn chú Hải nghĩ con khinh thường mẹ. Nhưng tất cả mọi người chẳng ai hiểu con cả và mẹ cũng vậy? Con chưa bao giờ khinh thường mẹ đâu mẹ à. Cái ngày ba vào tù một mình mẹ phải lo cho con và em từng đồng tiền để học, để sống với những công việc từ phụ hồ, hái tiêu, gặt lúa thuê… Con biết có những lúc áp lực và mệt mỏi nên những lời bỗ bã chất phác – nông dân để mắng con khi con không làm được những công việc nhà. Con không buồn vì mẹ biết không khi mẹ điện thoại về hỏi “Mày có lên lớp không?” cũng đủ ấm lòng con rồi.
Trong suy nghĩ của ngoại thì tại ba con mà mẹ phải khổ, tại hai chị em con mà mẹ phải khổ nên mỗi lần ông ngoại say cũng là lúc những lời xỉ vả, chửi mắng hay đòi bóp cổ cũng không có gì lạ. Còn cậu mợ chỉ ban phát cho con một niềm tin giả tạo mà thôi. Con nhỏ bé nhưng từ chăn bò, bắt cua, bắt ốc,… cái gì con cũng làm được chỉ để mỗi lần mẹ điện thoại về sẽ không phải phiền lòng. Rồi con còn nhớ như in lúc con vào hệ công lập thời THPT ấy mẹ đi làm về nghe những người hàng xóm xì xầm rằng con học ngu cũng chỉ bởi con họ vô bán công vậy là mẹ nỡ hỏi con ngay bữa cơm: “Mày lên xem lại điểm đi… mày mà nói dối về tao bầm mày ra”. Con chỉ biết im lặng mà thôi khi mẹ không tin con.
Năm cuối lớp 11, con có kinh nhưng con chẳng biết phải làm thế nào cả? Đi hỏi đứa bạn mà thôi. Nhiều khi máu ra nhiều vậy mà ngoại lại tiếc tiền có cho thêm tiền để con đi mua thêm băng đâu. Rồi có những lần con đi học trời mưa mà không có tiền để mua áo mưa vì ngoại tiếc tiền. Con học thêu mà tối đến con phải thêu dưới bóng đèn trái ớt bé xíu. Rồi con đi học bị chúng bạn trêu con là con của kẻ giết người… và có rất rất nhiều tổn thương con đã phải im lặng, chui một góc và khóc chưa từng kể cho mẹ nghe vì mẹ bận kiếm tiền.
Rồi cái ngày con vào đại học. Con hạnh phúc vì đơn giản con để cho cậu Hai con thấy con không phải “cả đời chăn bò” như cậu đã từng ném những câu ấy vào mặt con. Ba mẹ vẫn không về, bác ruột con thì lại không qua với lý do: “Ba mẹ nó không có ở nhà thì ai chứng chứ?” Và ông ngoại dẫn con vào tới Sài Gòn tìm được phòng trọ thì chiều ngoại để mặc con lại và về với 1 triệu đồng. Con không trách gì cả vì đơn giản tất cả con đường này là con chọn.
Lúc con bắt đầu vào đại học thì ba cũng được mãn hạn tù và trở về. Nhưng con nhận thấy sức khỏe ba yếu đi, tính ba cũng cộc cằn và thô lỗ hơn xưa. Cũng có lẽ đã 10 năm sống chung với môi trường ấy cũng đã tiêm nhiễm những cái bản tính rất mực xã hội ấy. Rồi những người hàng xóm lại xì xào rằng “mẹ có bồ” để rồi những nắm đấm ba không suy nghĩ vung lên khuôn mặt, đôi mắt mẹ dẫu mới mùng 2 tết. Con chẳng biết phải giải thích sao cho ba hiểu, con cũng không ghét ba mà con chỉ thương mẹ để rồi tự động viên mình cố gắng sống thật tốt, học thật tốt để mẹ vui lòng. Con đã lao đầu vào những công việc làm thêm với đồng lương ít ỏi chỉ 7 ngàn một tiếng mà người ta cố bóc cho hết cái giá trị thặng dư mình tạo ra. Nhưng con chưa bao giờ nói cho mẹ biết suốt 4 năm con đi học nơi đây. Có những lúc mẹ chửi con: “Mày con nhà lính mà tính nhà quan…” con thấy ức nhưng con không muốn để mẹ phải lo lắng khi mỗi tối đường vắng, ở đây lại nhiều biến thái, rồi thì sức khỏe con vốn yếu đuối nên con im lặng mặc những hiểu lầm.
Nhỏ bạn phòng con lúc nào cũng có mẹ quan tâm và gọi điện hằng giờ mỗi ngày nhưng con thì chưa bao giờ. Nghe đài FM bất chợt một bài hát về mẹ làm con nhớ và nhấc điện thoại lên gọi thì mẹ lại kêu “Mày gọi tao làm gì…?” Cổ họng nghẹn đắng, mũi cay xè con trả lời “Dạ, không?” và cúp máy mà ngồi khóc một mình.
Mẹ à! Những tháng ngày con ở nhà cô Nguyệt con mới nhận thấy mẹ cực khổ đến vậy? Mẹ phải thức khuya, dậy sớm làm tất thảy những việc nhà. Có những đêm khi cả nhà đã ngủ say mẹ bưng tô cháo yến mới vét lại trong nồi bắt con ăn. Có con ghẹ mẹ cũng nhường con vì mẹ kêu mẹ ăn hoài còn con trong đó có tiền đâu mà ăn. Rồi mẹ rầy tôi khi phải cắt miếng dưa thế này, thế kia hay đơn giản là những tiếng “dạ, thưa”. Có những lúc tôi đã khóc vì ngày nào mẹ cũng la rầy con làm con thấy tủi thân nhưng thật con không thể kiềm nổi nước mắt khi đêm đến mẹ im lặng sụt sùi khi con chìm vào giấc ngủ.
Mẹ à! Đứa con nào cũng yêu thương cha mẹ của chúng hết đó mẹ. Nhưng mỗi người sẽ có một cách yêu thương khác nhau. Và con yêu mẹ nhưng con con chỉ biết im lặng và khóc để mẹ nghĩ con khinh mẹ. Con khóc vì con thấy mẹ cực khổ, vì mình thật vô dụng vì có những cái tưởng nhỏ nhặt đến vậy mà làm cũng không xong.
Con mong mẹ hãy tin đứa con gái như con sẽ thành công với ước mơ. Con sẽ sống hết mình với tuổi trẻ để một ngày con sẽ làm mẹ nhận ra rằng con cũng rất yêu mẹ và chưa bao giờ khinh thường mẹ dẫu cho mẹ có làm nghề gì? Con muốn hành động chứ không phải chỉ đơn giản là những câu nói “con yêu mẹ” trên đầu môi mà ai cũng có thể thốt ra. Mẹ ơi, con tin mình sẽ cãi lại được lời bà thầy bói nào đó đã phán rằng: “Người mẹ nhờ lúc về già chỉ có thể là em chứ không phải là con”.
Con sẽ thể hiện tình yêu của mình với mẹ nhưng là cách của riêng con với cái ngông của tuổi trẻ.
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn! Cuộc thi ” Viết về mẹ” là một trong những chương trình nằm trong chuỗi hoạt động vì cộng đồng, tôn vinh những giá trị nhân văn của xã hội, khơi nguồn cảm xúc, viết lên yêu thương gửi đến người thân yêu, đặc biệt là người mẹ. ” Viết về mẹ” đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và gửi bài tham gia của độc giả. Hãy cùng Phụ Nữ Ngày Nay mạnh dạn bày tỏ tình cảm yêu thương với người mẹ đáng kính của mình nhé.