Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 017_VVM
Họ tên: Đặng Thiên Thanh
Địa chỉ: Mỹ Tho, Tiền Giang
——————————————-
Ngày lễ Vu Lan năm nay nhằm ngày thứ sáu các em tôi bận đi làm nên không đứa nào về thăm má tôi được. Sáng nay, chúa nhật các em tôi về nhà chơi đông đủ. Từ chiều qua, biết hôm nay các em sẽ về má tôi đã nhờ người bẻ sẵn buồng dừa xiêm để đợi các em tôi về uống nước. Dừa kỳ nầy còn hơi non chưa đủ ngày, đáng lý ra phải chờ tuần lễ sau mới được bẻ thì dừa sẽ ngọt ngon hơn. Vườn nhà tôi chỉ có một cây dừa thôi nhưng được cái là rất sai trái cứ tầm non mỗi tháng thu hoạch một lần. Nhưng má tôi hay chờ ngày nào có các em tôi về má mới cho bẻ dừa. Bởi vậy, có khi em tôi về gặp lúc dừa còn hơi non má cũng cho bẻ. Rồi có lúc dừa đã tới lứa nhưng em tôi chưa về thì má tôi nán chờ, rốt cuộc khi bẻ xuống thì dừa đã già, mà già hay non gì chị em tôi cũng thích. Riêng phần má, cứ hễ các con được ăn uống là má tôi vui rồi.
Tính má tôi cưng con, mỗi khi đến ngày thu hoạch trái cây má trông đứng trông ngồi, đếm từng ngày mong đứa này chờ đứa kia về để chia phần. Đứa nào về nhà được thì nhận phần mình và xách phần dùm cho đứa kia luôn vì đa số các em tôi đều ở nội ô thành phố Hồ Chí Minh. Vườn nhà tôi nhỏ hẹp, nên rất ít cây trái. Mỗi thứ vài ba cây để dành ăn thôi. Hàng năm đến mùa xoài chín, hai mẹ con tôi cùng nhau hái xoài. Những trái xoài chín cây vàng ươm thật đẹp mắt. Má sai tôi chọn vài trái ngon nhất, đẹp nhất rửa sạch xếp vào dĩa rồi đem lên bàn thờ thắp nhang cúng ông bà ngoại và ba tôi. Còn bao nhiêu, má đếm và chia đều cho mỗi đứa con. Má gọi điện thoại cho các em tôi về lấy phần của chúng. Má chỉ để lại cho má mấy trái xoài đèo đẹt, xấu xí…. Thậm chí còn mấy trái xoài ngon cúng trên bàn thờ Má cũng không ăn một mình. Chờ có con cháu nào về rồi đem ra để cả nhà cùng ăn chung cho vui. Má tôi hay nói:
– Chẳng mấy khi nhà có món ăn ngon, chia cho các con mình cùng ăn cho vui. Mình ăn một mình mà con mình không có thì mình cũng không đành bụng.
Dù biết rằng giờ đây các em tôi đã lớn, chúng nó có thể tự tay mình đi mua những thứ mà nó thích ăn nhưng má tôi vẫn cứ muốn được san sẻ cho từng đứa con.
Từ lúc chị em tôi còn thơ bé má tôi đã tạo một thói quen là mỗi khi muốn ăn món gì là má đi chợ mua về rồi nấu cho cả nhà cùng ăn chứ không bao giờ má ra hàng, ra quán ngồi lê la ăn uống một mình. Má bảo, để chồng con ở nhà nhịn thèm còn mình ra tiệm ngồi ăn một mình có vui vẻ gì mà ăn. Tôi đã học ở má tôi đức tính ấy. Tôi chả bao giờ lê la quán xá. Nó đã thành một thói quen trong cuộc sống hàng ngày của tôi…
Từ sau ngày ba tôi mất, ba má con tôi sống tiện tặn, gói ghém bằng tiền lương giáo viên hưu trí của má. Cũng chẳng nhiều nhỏi gì, chỉ trên ba triệu bạc thôi. Hễ mỗi đầu tháng sau khi lãnh lương là má đưa tiền cho tôi mua gạo, mắm, muối, đường…. Nói chung là những thứ nhu yếu phẩm có thể định mức trong một tháng. Tiền chợ quy định mỗi ngày là bao nhiêu thì gói ghém trong chừng đó thôi. Nếu ngày nào ăn món ngon, vượt tiêu chuẩn tiền chợ thì ngày sau giảm bớt xuống để bù cho ngày hôm trước….. rõ ràng căn bản. Còn tiền của tôi làm ra hàng ngày là tôi giữ lấy để nuôi con trai mình đang đi học… Má không dùng vào khoản tiền đó. Má không cho phép tôi tiều tiền một cách vung vãi như bao nhiêu người khác. Lúc có thì cứ tiêu pha cho thỏa thích khi không có thì phải vay mượn… Má tôi nói đó là tính vén khéo của người đàn bà.
Dạo nầy má còn tỉnh táo, khỏe mạnh má tranh thủ làm thủ tục chia tài sản cho các con. Má sợ khi má yếu quá, thần kinh không tỉnh táo má không làm giấy tờ được. Lúc ấy chị em tôi lại gặp rắc rối trong vấn đề thủ tục. Má làm trước để má được an tâm. Má nhắn gọi các em tôi về để má nói chuyện chia chác. Tài sản của má chẳng có chi nhiều ngoài một công đất sau nhà. Vì ngày xưa, chị em chúng tôi đông quá. Năm trai, năm gái. Ba má bận lo cho các con ăn học nên không dư dả gì mà tạo tài sản để lại cho con. Má chỉ có thể chia cho mỗi người con một cái nền nhà chưa đầy một trăm mét vuông. Nhưng với tôi thì má lại ưu tiên nhất. Má cho phần đất rộng nhất, vị trí thuận lợi nhất. Má nói:
– Đứa con nào thật thà, bạc phận thì má thương nhiều hơn. Xưa nay, con là đứa con từng thiệt thòi. Lúc nào gia đình gặp cảnh cơ cực nhất thì cũng có mặt con. Vất vả nhất nhà mà lại vô phước trong chuyện hôn nhân. Còn thằng Út thì khù khờ không biết gì, cần có người chăm sóc suốt đời. Má chỉ nuôi Út nhưng không tốn tiền cho ăn học như các con nên má có tằn tiện để dành phần cho Út chút tiền. Khi má mất đi má giao nhà nầy cho con trai trưởng làm nơi thờ cúng tổ tiên, con cất nhà ra riêng trên phần đất má cho, để buôn bán làm ăn. Đem Út về ở với con để con chăm sóc cho nó. Tiền của em, con đem gởi ngân hàng mỗi tháng lấy lãi rồi hai chị em nương nhau mà sống. Chẳng đứa nào chu đáo với Út bằng con, vì ai cũng bận với gia đình riêng, nên má gởi gắm em cho con. Con ráng thay má chăm sóc cho em. Miếng đất của con quay ra được hai mặt tiền. Con cất nhà và làm chỗ mua bán rất thuận tiện. Con ráng nuôi em cho má yên lòng nhắm mắt.
Người đời hay có câu:
Thương con thương đứa thật thà
Ghét con ghét đứa xấu xa tật nguyền.
Ba má tôi có mười đứa con. Năm trai năm gái. Tôi là đứa con gái xấu xí khờ khạo nhất trong năm đứa con gái và thằng Út là đứa con trai tật nguyền bẩm sinh từ lúc mới lọt lòng. Ba má tôi nói, có lẽ Út được sinh ra trong lúc sức khỏe của Má cạn kiệt vì má đã chia sẻ hết cho tám đứa con đầu. Út là người phải chịu thiệt nhất nên má luôn quan tâm đến hai chị em tôi nhiều nhất dù rằng má chẳng ghét bỏ gì tám người con kia….
Tình cảm của má dành cho chị em tôi luôn bao la lai láng như sông dài biển rộng. Suốt đời không bao giờ vơi cạn. Tôi mong má tôi sẽ sống lâu dài bên con cháu để mỗi khi đi xa trở về nhà tôi được gọi hai tiếng MÁ ƠI !!!!!!!
– Má ơi!!!!! Con mang ơn má suốt cuộc này.
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!