Viết về mẹ: Lá thư gửi đêm trung thu

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 786_VVM

Họ tên: Lê Thị Ngọc Dung

Địa chỉ: Ba Vì, Hà Nội

———————————————-

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2015

Bố kính yêu của con!

Khi nhận được lá thư này chắc Bố ngạc nhiên lắm đúng không Bố? Đã 8 tháng con không về thăm nhà rồi, không biết dạo này bố mẹ có khỏe không? Em Hoàng có ngoan không? Ngày mai là Tết trung thu mà cũng là tết đoàn viên nhưng con không về được, mong bố mẹ đừng buồn nhiều.

Bố ơi! Năm nay bố có mua đèn lồng cho em Hoàng không bố? Nói đến đèn lồng con lại nhớ hồi con học lớp 4 vì nhà mình không tiền mua đèn lồng cho con, mẹ đã thức cả buổi trưa làm cho con một cái đèn lồng năm cánh mà giấy dán là những tờ giấy viết chi chít chữ, được dán bằng những hạt cơm nguội. Năm đó con vui lắm, tuy cây đèn lồng nham nhở hở trước hở sau nhưng đó là công sức cả buổi trưa của mẹ. Nhưng bây giờ, còn đâu những buổi trưa đó nữa hả bố?

Thời gian trôi qua nhanh bố nhỉ? Mới đấy mà con đã 22 tuổi rồi, giờ con không thích đèn lồng nữa, con chỉ muốn bố mẹ mãi thương nhau, gia đình mình mãi hạnh phúc thôi bố ạ. Bố ơi những lúc bố cáu giận xin bố hãy nghĩ đến chúng con, xin bố thương cả mẹ con nữa – người phụ nữ đã bao năm lam lũ vì chúng con, vì gia đình mình, bố không thấy sao? Con biết  gia đình mình nghèo, và để nuôi ba anh em con ăn học thì bố mẹ đã phải gánh gồng biết bao vất vả mệt nhọc, nhưng xin bố hãy yên tâm anh em con sẽ cố gắng học hành thật tốt, để bố mẹ có thể tự hào và để báo hiếu như bố đối với bà nội. Bố từng dạy anh em con rằng phải luôn nhớ công ơn sinh thành, có hiếu với ông bà. Vâng! Anh em con luôn khắc ghi trong lòng những lời dạy của bố. Thế mà tại sao bố lại cãi ông bà vậy bố? Lúc nghe tin lòng con đau quá. Tại sao bố lại làm những gì ngược lại những gì mà bố đã dạy anh em con? Ông bà đã già rồi, gần đất xa trời rồi sao bố vẫn còn cãi lại ông bà?  Sao bố lại nói bà là một người không có học, không biết chữ? Con biết bà nội mình không biết chữ nhưng không phải bà không có học. Bà không biết chữ nhưng bà là người đã sinh ra và tần tảo nuôi nấng 9 người con, ai cũng được đến trường, các bác các cô các chú ai cũng là người có chữ. Bà ít học nhưng bà đối xử với tất cả với mọi người đã ai phải chê trách đâu. Bây giờ bà già rồi, có lúc tinh thần không được minh mẫn nữa, đáng lẽ phải được con cháu chăm nom, vui vầy, thế mà giờ bố lại khiến bà đau lòng và lòng con cũng buồn nhiều bố biết không? Bố không thấy bà là người mẹ đáng kính, đáng nể hay sao? Riêng với con, bà là một bà tiên bố ạ.

Có những chiều con đi học về, gặp được cảnh bà đón cháu con lại nhớ đến bà nội mình bố à. Con như gặp được con của ngày thơ bé khi được bà đưa đi học. Suốt những ngày học Tiểu học, con được bà đưa đón đi học, nhưng dần dà con lớn lên cũng là lúc bà già đi. Con tự mình đi học và luôn thích tụ tập cùng bạn bè mà không còn muốn về nhà nữa. Mãi đến khi con học đại học, con mới chợt nhận ra lưng bà đã còng, tóc của mẹ đã bắt đầu điểm bạc. Thì ra, thời gian đã lấy đi tuổi xuân của mẹ, lấy đi sức khỏe của bà tự lúc nào không hay. Ngày con lên đường nhập học, khoác ba lô trên vai mẹ đã dặn dò chuẩn bị cho con từng thứ một, chỉ sợ con xa nhà rồi không lo được cho bản thân thật tốt. Còn bà nội thì gọi con ra một góc, giấu diếm đưa cho con những đồng tiền lẻ bà tích cóp được vì sợ cháu bà thiếu thốn. Bố à, lúc đó con chợt nhớ đến ngày bố nhập ngũ, chắc bà cũng lo cho bố như lo cho con ngày hôm ấy phải không bố? Và mỗi lần bố có việc đi xa, hẳn là mẹ cũng dặn dò nhiều thế đúng không?

Bà và mẹ là hai người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời bố, nhưng bố ơi, bố đã bao giờ tự hỏi xem mình đã đối tốt với họ chưa? Con biết cái làng quê mình vẫn còn trọng nam khinh nữ nhiều lắm nhưng xin bố hãy nhớ đến công ơn mà bà đã dành cho bố, nhớ đến những buổi trưa nắng bà cõng cõng bắt cua giữa trưa để lo cho gia đình 2 bữa cơm no, mùa đông không sợ lạnh. Xin bố hãy nhớ đến những lúc bố ốm đau luôn có bà bên cạnh, xin bố hãy nhớ đến những lúc bố đi bộ đội bà luôn là người lo trước lo sau cho bố. Bố có như con bây giờ, sau 4 năm Đại học mới chợt nhận ra một điều rằng, chỉ có mẹ là tốt nhất trên đời thôi. Bởi vì mẹ chưa bao giờ trách móc con khi con làm sai mà chỉ đứng bên cạnh con, động viên con, lo lắng cho con.

Khi con học lớp 12, thấy mỗi lần anh trai đi học xa nhà về đều được mọi người yêu mến, con cũng có ước mơ được đi học Đại học như anh, để mỗi khi về nhà mẹ sẽ đứng chờ ở cửa mà không biết rằng nước mắt mẹ lăn dài trên má mỗi lần tiễn con đi. Ước mơ học Đại học thật đẹp đúng không bố? Nhưng nó đẹp trên nỗi đau của mẹ khi mà mẹ lại phải lo nghĩ nhiều hơn, phải còng lưng kiếm thêm tiền để cho con, để cho con bằng bạn bằng bè. Mẹ nuốt nước mắt vào trong chỉ sợ con thiếu thốn và mẹ sợ cuộc đời con lại khổ như mẹ. Bố! Bố đã bao giờ thấm cái mệt của mẹ chưa? Hay bố chỉ biết quát mắng chúng con mỗi khi con về xin tiền đóng học? Thưa bố, bố đã bao giờ thấy bà khóc chưa? Con cũng chưa thấy mẹ khóc nhưng con biết mỗi lần con về rồi đi đôi mắt mẹ lúc nào cũng đỏ hoe. Mỗi lần về quê con lại thấy mẹ gầy hơn, da sạm hơn nhưng mẹ chưa bao giờ kể khổ mà chỉ hỏi thăm xem  con đi học có tốt không, có thiếu cái gì không, ở dưới đó con ăn uống ra sao. Bố ơi, năm tháng trôi qua bố có để ý thấy tóc mẹ đã điểm bạc nhiều thêm? Bố có thấy mẹ càng ngày càng gầy hơn không?

Gia đình ai chẳng có lúc xô xát, cũng có lúc cãi vã, nhưng xin bố hãy suy nghĩ lại tất cả. Xin bố những lúc bố bực tức  bố hãy nhớ về những ngày bố và mẹ mới gặp nhau, những ngày bố mẹ mới cưới, bố mẹ đã yêu thương nhau như thế nào?có chúng con ra sao? và cùng vượt qua khó khăn như thế nào? Bố biết không, bạn bè con nhiều đứa hỏi con sao không về quê, để mẹ ở quê nhớ con đến sắp khóc. Con biết con đã làm bố mẹ buồn và vất vả nhiều, con cũng nhớ nhà lắm ạ, con nhớ nụ cười của mẹ, nhớ nhũng buổi tối được ôm mẹ ngủ, nhớ bữa cơm gia đình ta, mọi người vui vẻ bên nhau, nhưng xin bố hãy hiểu cho con, dòng đời cứ đẩy con xa dần, con muốn kiếm tiền để gia đình mình bớt khó khăn, để lưng mẹ bớt còng thêm, để bố cũng không phải cằn nhằn mỗi khi con về nữa. Con cố gắng thật nhiều những mong sau này có cuộc sống tốt hơn, giống như mẹ đã mong muốn. Bố ơi những lúc con ốm đau, con nhớ nhà lắm, con nhớ mẹ luôn túc trực bên con khi con ốm, con nhớ mẹ khi con buồn. Ngoài đường nhiều người quá, con đi giữa phố xá sầm uất nhưng con biết, lo lắng cho con chỉ có gia đình thôi. Bố có biết không bố, nhiều lúc con tự hỏi con cố gắng như vậy là cho bản thân con hay cho người khác, và lắm khi mệt mỏi con muốn buông xuôi tất cả nhưng con nghĩ đến ước mơ của con khi học lớp 12, mỗi lần con trở về là niềm tự hào của bố mẹ, thế là con lại cố gắng bước thêm một bước.

Có người nói: “Người mẹ như là một người bảo mẫu lo cho con từng ly từng tí, mẹ là một thầy thuốc, mẹ là một đầu bếp, mẹ là chốn yên bình, mẹ là nhà chắn gió…..”. Bố có thấy thế không bố? Con thật lòng mong bố hãy yêu quý bà hơn, thương mẹ nhiều hơn bởi hai người họ là hai người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời bố ạ. Họ xứng đáng được tôn trọng và yêu thương bởi họ đã hy sinh tất cả cho chúng ta. Con luôn thương yêu bà và mẹ không đơn giản chỉ vì họ là người thân của con mà còn là vì họ đã vất vả, lo lắng, che chở cho con suốt những năm tháng qua. Và con gái bố sau này cũng sẽ cố gắng để trở thành một người mẹ, người phụ nữ vĩ đại như thế.

Bố kính yêu! Tất cả những gì con nói ở trên không phải con không yêu bố đâu nhé. Con lớn rồi, nên cũng biết phân phải trái đúng sai. Tất cả những gì con mong muốn cũng chỉ là gia đình mình hòa thuận êm ấm, cả nhà yêu thương nhau và vui vẻ, hạnh phúc hơn thôi. Thời gian cũng không còn sớm nữa, con xin dừng bút ở đây.

Con gái – Ngọc Dung

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN