Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 747_VVM
Họ tên: Nguyễn Thị Hải Yến
Địa chỉ: P.12, TP.Vũng Tàu
———————————————–
Hồi nhỏ, lúc học bài “Đôi bàn tay của mẹ”, tôi từng xúc động đến mức về nhà liền kiểm tra thử xem. Ngày ấy, bên dưới mu bàn tay màu bánh mật, quả thật có những vết chai sần lờ mờ nhưng áp lên má vẫn cảm thấy được sự mềm mại, ấm áp và bình yên tựa như cảm giác mỗi lần tôi bệnh mẹ sờ lên trán. Về sau tình cờ trong lúc dạy em học, tôi lại gặp bài văn ấy lần nữa. Cảm xúc xưa trào về và tôi cũng tìm mẹ để kiểm tra. Mu bàn tay màu bánh mật năm nào đã hơi sạm đen, lấm tấm vài vết đồi mồi, làn da cũng không căng đầy như xưa nữa mà những vết chai sần giờ đã hiện rõ, trồi lên. Lòng bàn tay vẫn còn nguyên sự ấm áp thế kia nhưng không còn mềm mại mà thô ráp và thay thế cho cảm xúc bình yên chính là một niềm đau. Tôi chợt phát hiện, hóa ra thời gian đã trôi qua rất lâu rồi, mẹ đã thay đổi nhiều mà tôi thì chưa từng quan tâm năm tháng qua mẹ đã sống như thế nào. Chúng ta thường như vậy, chạy nhảy vui chơi ở bên ngoài và chỉ khi đau buồn, tổn thương mới nhớ quay trở về với gia đình. Nói cho cùng, là bởi vì chúng ta ỷ vào tình yêu vô bờ bến của cha mẹ dành cho mình. Nhưng chúng ta lại quên, không có gì là bất biến, sẽ có một ngày lúc quay đầu về, bến bờ vẫn ở đó nhưng người đứng đợi ta đã chẳng còn trên đời.
Người ta thường có câu, ông trời cho bạn cái này thì sẽ lấy đi của bạn cái khác. Có lẽ vì mẹ tôi quá đảm đang cho nên cuộc đời mẹ chẳng mấy khi được bình yên, thoải mái. Cho đến bây giờ, tôi luôn chỉ thấy mẹ sống vì người. Thuở thiếu thời là vì ba mẹ, hai em; sau kết hôn thì vì chồng; cuối cùng là vì con cái. Tôi biết mẹ có rất nhiều bệnh trong người, nhưng mỗi lần khuyên đi khám mẹ đều lắc đầu với lí do tiền đâu mà chữa, còn bao việc đang cần dùng đến. Những lúc như thế, tôi thực rất hận năng lực hạn hẹp của bản thân. Mỗi lần thấy mẹ chạy ngược chạy xuôi vì người nào đó, tôi vừa thương vừa bực, nhưng mẹ chỉ cười và dạy rằng: “Mình sống tốt sẽ được người tốt lại”. Và mẹ tôi đúng là nhận được, sự tôn trọng và quý mến từ người dưới và ngang tuổi cũng như sự tín nhiệm, tin cậy của bề trên. Với mẹ, như vậy là đủ. Song tôi vẫn luôn tự hỏi, còn những vất vả sau lời khen “Đảm việc nước giỏi việc nhà”, “Người phụ nữ mẫn cán” đó, mấy ai hiểu cho mẹ?
Mẹ thường khen tôi lớn lên mạnh mẽ hơn mẹ. Dù gia đình có bao chuyện sóng gió tôi vẫn chưa từng khóc. Mẹ bảo mẹ may mắn vì có tôi, luôn rất hiểu chuyện và lí trí, dù đối mặt với sóng gió trong gia đình vẫn có thể bình tĩnh phân tích mọi việc. Thực ra tôi muốn nói với mẹ rằng, con cũng chỉ là một đứa con gái bình thường mà thôi. Sẽ biết buồn lúc gặp chuyện không vui, đau lòng khi bị tổn thương hay nhụt chí sau vấp ngã, trắc trở. Những khi như thế, con cũng muốn gọi cho mẹ kể hết tất cả, khóc một trận thật to rồi sà vào lòng mẹ cảm nhận sự bình yên và bảo bọc như hồi còn nhỏ. Nhưng con cũng biết, nếu con thể hiện tất cả ra sẽ chỉ làm mẹ thêm lo lắng và mệt mỏi. Con sợ lắm nếu mình gục ngã ai sẽ thay con chống đỡ cho mẹ vào lúc này?
Tiếng nói đầu tiên trong đời tôi là gọi “Mẹ!”. Người đầu tiên khi bất kể chuyện gì xảy ra tôi muốn gọi là mẹ. Dường như cái chữ “mẹ” ấy với tôi chứa đựng một sức mạnh vạn năng, chỉ cần gọi lên mọi điều xấu sẽ trở nên tốt đẹp, chuyện tốt sẽ càng tăng thêm. Mẹ là niềm tự hào của cuộc đời tôi và tôi dĩ nhiên cũng muốn trở thành niềm tự hào nhất của mẹ! Cho nên, bây giờ, tuy đôi cánh của tôi chưa đủ lớn để bảo vệ mẹ khỏi tất cả đau khổ và tổn thương song tôi đã tự hứa với lòng mình từ lâu, sẽ trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn nữa đến khi có thể thành chỗ dựa của mẹ thì thôi.
“Mẹ à, hãy để con thay mẹ chịu đựng nỗi đau nhé! Hai mươi năm sống vì con, như thế là quá đủ rồi!”
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!