Viết về mẹ: Đừng buồn nữa, mẹ nhé!

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 792_VVM

Họ tên: Lê Trần Phong Phú

Địa chỉ: Q. Tân Bình, TP.HCM

——————————–

30 tuổi, đây là lần đầu tiên thằng con trai trải lòng viết về mẹ, người mà cả đời chỉ biết hy sinh vì chồng con. Sự tảo tần và lòng thủy chung son sắt, chịu thương chịu khó là đức tính đẹp ngàn đời của phụ nữ Việt Nam và mẹ tôi không phải là người ngoại lệ. Thế nhưng cuộc đời mẹ lại phải trải qua nhiều khổ đau và nước mắt, mà theo như lời mẹ nói: “Nó như một bộ phim buồn nhiều tập!”

Con thương và tự hào về mẹ lắm, mẹ ạ! Một người con gái xứ Quảng vào Nam lập nghiệp lúc 16 tuổi chỉ với hai bàn tay trắng, nhưng với ý chí và nghị lực phi thường mẹ đã tạo dựng cho con một chốn đi về bình an và vững chãi như hôm nay. Mẹ làm đủ mọi nghề kiếm sống miễn sao có thể bám trụ lại đất Sài Gòn này, khổ cực thế nào mẹ cũng chịu vì: “Quê mẹ nghèo quá, nhà lại đông anh em nên ông bà ngoại mới để mẹ đi!” Nghe mẹ kể mà con ứa nước mắt, vì con đã lớn thế này mà mỗi lần đi đâu xa là con lại nhớ gia đình, nhớ mẹ cha và mong muốn được quay về. Vậy mà ở cái tuổi cần được sự dạy dỗ yêu thương của người lớn, thì mẹ lại sớm rời khỏi vòng tay của họ. Chắc rằng, ở với người dưng thì tình thương làm sao có thể đong đầy như mẹ cha nếu không muốn nói là đầy khó nhọc.

Tuổi thơ con cũng không được ở gần mẹ, 8 tháng mẹ phải gửi con cho bà nội nuôi để đi làm thuê kiếm sống. Ở với nội riết con gọi bà bằng “má”, vậy là mẹ sợ mất con, mất thằng con trai mà mẹ đứt ruột sinh ra. Mặc dù phải chắt chiu từng đồng bạc kiếm được, nhưng mẹ vẫn đều đặn mỗi ngày đón xe lam từ Quận Tân Bình xuống Quận 4 thăm con, chủ yếu để con trai khỏi quên mặt mẹ. Nhà nội cũng nghèo mẹ không thể nhờ vả được gì, còn cha thì đi dạy học ở tận Trà Vinh lâu lâu lên Sài Gòn một lần vào mỗi dịp Tết. Vậy là có chồng cũng như không, một mình mẹ phải bươn chải với cuộc sống đầy chật vật. Và rồi con cũng lớn dần trong sự yêu thương của bà nội và cô chú, còn mẹ thì lặng thầm đi về một mình trong ngôi nhà tranh vách lá do mẹ dành dụm tiền mua được.

18 tuổi, con mới trở về trong vòng tay của mẹ, cha cũng thôi dạy học, vậy là gia đình mình được đoàn tụ. Hơn bốn mươi, mẹ xin được công việc dọn phòng khách sạn, còn cha thì làm bảo vệ, hàng ngày đi học về con cũng cố gắng đến phụ mẹ một tay. Những lúc ấy, con mới thấm thía sự cực nhọc của công việc này đến mức nào, nhưng mẹ ít khi than vãn và cố gắng làm để có tiền lo cho con đi học. Vì với mẹ: “Con phải học, chỉ có học mới thay đổi cuộc đời, để không phải như mẹ, con à!”. Mẹ ơi, từ nhỏ con đã ý thức được điều ấy, nên luôn cố gắng học thật giỏi, thật ngoan để không phụ lòng mẹ.

Gia đình hạnh phúc, con thấy mắt mẹ ánh lên một niềm vui khó tả, mỗi buổi sáng dù bận rộn cách mấy mẹ cũng phải chạy ra chợ, làm bữa ăn sáng cho cả gia đình rồi mới đi làm. Mẹ bắt nhà mình mỗi người phải ăn một chén cơm rồi mới đi học, đi làm cho nó “cứng cái bụng”. Lo cho chồng con là vậy, nhưng bản thân mẹ nhiều lúc ăn không kịp và cũng muốn tiết kiệm nên để bụng đói đi làm.

Tốt nghiệp đại học ra trường, con lao vào kiếm việc làm vì nhà mình không quen biết ai. Mẹ thì không ngừng an ủi con trai cố lên và đừng lo lắng, nếu không tìm được việc hoặc tìm được rồi mà người ta khó dễ thì ở nhà mẹ nuôi. Mẹ à, con nhớ mãi câu nói: “Ở nhà mẹ nuôi”, con trân trọng tấm lòng của mẹ và chính nhờ những lời động viên ấy, không bao giờ tạo áp lực và luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay đón con trước bão giông cuộc đời, con thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh rất nhiều. Vậy là công việc nào con cũng nhận làm dù đồng lương ít ỏi, trải qua nhiều công việc khác nhau, bây giờ con đã trở thành một biên tập viên, phóng viên của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM và bám trụ với Đài đến nay cũng đã tròn 5 năm.

Nhưng đúng là cuộc đời này bất công quá mẹ nhỉ? Cha đột ngột ra đi mãi mãi ở cái tuổi 52 vì tai nạn giao thông. Con nhớ mãi ngày mẹ con mình tất tả vào bệnh viện, nhìn mẹ hốt hoảng chạy vào phòng cấp cứu tìm cha mà lòng con cũng rối bời. Khi bác sĩ thông báo không qua khỏi, mẹ cắn chặt môi tươm cả máu, tiếng nấc nghẹn ngào không thành tiếng và mẹ đưa tay lau nước mắt một cách tuyệt vọng. Lúc ấy con thương mẹ biết bao nhiêu và chỉ biết ôm chặt mẹ dỗ dành: “Không sao, còn con mà mẹ!”. Giây phút ấy làm sao con quên được! Nhìn dáng mẹ liêu xiêu ngày tiễn cha về với đất, con thấy xót xa và thương mẹ vô cùng.

Đến nay đã gần 2 năm kể từ ngày cha mất, nhưng thỉnh thoảng con nghe mẹ trở mình thở dài lúc đêm về. Khi có ai đó nhắc về cha, mẹ thường lãng tránh không dám nhắc tới, sợ những ký ức chợt ùa về làm mẹ đau. Mắt mẹ buồn và quầng sâu, con cũng thấy mẹ ốm đi nhiều. Thói quen ăn cơm buổi sáng vẫn được mẹ duy trì cho đến hôm nay, chỉ khác một điều là không còn cha! Con biết mẹ buồn lắm. Nhưng không sao mẹ à, hãy xem sinh tử ở đời là chuyện thường tình và mẹ hãy nhớ còn có con, tình yêu thương mà mẹ dành cho con sẽ không bao giờ mất đi, mà nó sẽ được con nhân lên gấp vạn lần và dành cho mẹ.

Dù thế nào thì mẹ hãy luôn ở cạnh con nhé, có mẹ sẽ cho con thêm niềm tin và nghị lực để bước tiếp trên đường đời còn lắm chông gai, để biết rằng mình luôn phải phấn đấu nhiều hơn nữa để mẹ luôn tự hào về con. Quan trọng hơn, mẹ chính là chốn bình yên để con trở về để được nghe lời dạy dỗ và yêu thương. Ai đó đã nói rằng: “nước mắt thường chảy xuôi chứ có bao giờ chảy ngược”, nhưng mẹ ơi, đối với con nước mắt vẫn chảy ngược…chảy ngược về tấm lòng cao cả của mẹ đã nuôi nấng con khôn lớn nên người, biết phân biệt đúng sai, giàu lòng vị tha và luôn sống chân thành.

Con sẽ thay cha chăm sóc mẹ, đừng buồn nữa mẹ nhé!

Nhờ cuộc thi “Viết về mẹ” của báo Phụ Nữ Ngày Nay mà hôm nay con có dịp nói những lời từ tận đáy lòng rằng: “Thật tự hào vì được là con của mẹ, cám ơn mẹ rất nhiều, con yêu mẹ!”

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

 

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN