Viết về mẹ: Đóa hoa trên ngực áo

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 332_VVM

Họ tên: Nguyễn Văn Nhật Hoàng

Địa chỉ: Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng

 

 —————————————–

Có lúc ta quên màu tóc mẹ

Đã một thời dãi nắng dầm mưa

Có lúc ta quên nhìn trán mẹ

Còn bao nghĩ suy dù ta lớn khôn rồi.

 

Có lúc ta quên nhìn mắt mẹ

Còn chờ ta mỏi ngóng đêm sâu

Có lúc ta quên nhìn dáng mẹ

Chợt quạnh hiu ngày ta bước vào đời.

 

Có lúc ta quên thời gian qua

Đường ta càng xa vòng tay mẹ ngắn lại

Có lúc ta nghe từng nhịp đời

Mẹ thật gần, sao ta quá xa.

 

Có lúc ta quên nhìn áo mẹ

Chợt mỏng manh quang gánh chiều đông

Hát khúc hát ai quên mình có mẹ

Một ngày kia lặng lẽ bên cuộc đời.

 

Cánh cò cõng nắng, cõng mưa

Mẹ tôi cõng cả… bốn mùa gió sương.(*)

Ba tôi qua đời khi mẹ tôi chỉ vừa chạm sang ngưỡng trung niên. Năm đó mẹ chỉ mới vừa 43 tuổi, cái tuổi mà một người đàn bà đã vơi đầy những khó khăn và nồng ấm, và cái tuổi ấy lại cần được yêu thương hơn bao giờ hết. Buổi chiều đó không có những cơn mưa vùi cho lòng người u uất, nhưng con nắng cuối ngày thì tím thẫm một màu ly biệt?

Ai đó đã nói con cái là gia tài lớn nhất của mẹ. Sau này khi đã trưởng thành, tôi biết lúc ấy sự tuyệt vọng trong mẹ lớn đến nhường nào, nếu không có những gương mặt còn ngơ ngác của chị em tôi, thì chắc mẹ không còn thiết tha sống trên trần gian này làm gì nữa.
Ba mất, chị em tôi lớn lên trong tình yêu của mẹ. Và những buổi trưa nằm nghỉ sau hiên nhà, mẹ lại nhớ những ký ức về ba. Kỷ niệm tình yêu của mẹ và ba dường như lúc nào cũng đầy ắp trong lồng ngực mẹ. Mẹ kể về quãng thời gian gương mặt mẹ bị căn bệnh bạch biến làm cho loang lổ. Khuôn mặt đẹp ngày xưa của mẹ giờ chỉ còn là những mảng trắng đen loang lổ, khiến trẻ con nhìn vào khuôn mặt mẹ mà khóc thét. Tôi – lúc ấy chỉ mới là một đứa bé năm tuổi, cứ đưa bàn tay của mình miết miết lên da mặt mẹ mà hỏi mãi:

– Mẹ, mặt mẹ bị răng rứa. Mẹ có đau không?

Mẹ trả lời câu hỏi cứ được tôi hỏi tới hỏi lui đó bằng những cái ôm. Tôi ngây thơ đâu biết cứ sau những câu hỏi ấy, mẹ lại đóng cửa khóc một mình. Tất nhiên ba không ghê sợ khuôn mặt ấy. Đã có biết bao buổi ba chở mẹ đi khắp các bệnh viện da liễu để điều trị, mặc dù nhiều lần mẹ đã thở dài: “Thôi, người ta chỉ không dám nhìn thẳng vào một người khi quanh họ đã có quá nhiều nỗi buồn”.

Và khát khao khuôn mặt mình trở lại đẹp đẽ, đó không chỉ là ước nguyện của mẹ và còn là nỗi đau đáu của ba. Sau này, chỉ hơn một năm sau ngày ba mất, gương mặt mẹ như có phép nhiệm màu, lại trở về như cũ. Tôi không biết có phải ba tôi đã nhờ ông bụt hay bà tiên nào đó vung chiếc đũa thần để gương mặt của mẹ lại đẹp như xưa hay không?

Nhưng tất nhiên, một người đàn bà khi đã quá nửa đời người quẩn quanh với bao lo toan từ nhà ra ngõ, chạy ăn từng bữa cho cả nhà thì chắc chắn gương mặt đó không còn sự son sắt của ngày xưa. Nếp nhăn và những vết nám khiến gương mặt mẹ xạm đi. Vậy mà tôi vẫn thấy mẹ đẹp, lạ lùng chưa. Mà cũng chẳng có có gì lạ lùng cả, khi đối với những đứa con, mẹ chúng luôn là người đàn bà đẹp.

Mười lăm năm trôi qua, những đứa con bắt đầu xa nhà, đi học. Chẳng biết là số phận đã an bài hay là một sự ngẫu nhiên, cả bà nội và mẹ của tôi đều là những góa phụ khi còn rất trẻ. Hai người phụ nữ góa bụa lặng lẽ sống trong ngôi nhà nhỏ. Nỗi đau của một người phụ nữ mất chồng cả mẹ và nội đều hiểu rất rõ, sự hụt hẫng ấy đều khiến cả hai chia sẻ với nhau những điều nhỏ nhặt nhất, thành thử tôi chẳng mấy khi thấy hai người xung đột lẫn nhau mà chỉ có những tiếng cười đầm ấm. Dẫu vậy, tôi biết đôi khi mẹ trở buồn, dẫu cho sự cô đơn đã đeo bám lấy mẹ và mẹ cũng đã quen với sự hiện diện của nó suốt một khoảng thời gian dài. Cái buồn của tuổi 43 và tuổi 58 không biết có khác nhau không? Nhưng khi những đứa con, đứa cháu tìm về, mẹ lại giấu nó vào một góc riêng. Mẹ không muốn và cũng không bao giờ muốn phô bày nó ra trước sự hồn nhiên và sum vầy của con trẻ.

Tôi đã đủ lớn để nhận ra rằng, trong mười mấy năm trời đó, mẹ chưa nhắc đến tên một người đàn ông nào. Ở tuổi nào, dù mới chớm hay trên đầu đã có nhiều sợi bạc, báo hiệu quãng thời gian của bạn không còn nhiều nữa, con người ta cũng luôn cần niềm yêu thương và sự che chở. Và khi người ta đã chọn cho mình một cách sống lặng lẽ như một chiếc lá xanh, trong sâu thẳm của họ chỉ có duy nhất một mối tình. Tôi biết mẹ không đi bước nữa bởi với mẹ, ba là mối tình đẹp nhất, mẹ sợ một khi căn nhà có một người đàn ông xa lạ bước vào, những đứa con của mẹ không biết sẽ vào đời bằng niềm vui hay nỗi buồn.

Có lẽ, mẹ sẽ chẳng đơn lẻ trong cuộc đời này. Dẫu có thể những đứa con đều có cho mình một mái ấm riêng, mà lúc nào đó sẽ xa mẹ để tìm cho mình những buồn vui, bấp bênh trong cuộc đời. Chắc chắn mẹ sẽ thẫn thờ khi ngày qua, sự cô đơn khiến mẹ thở dài nào ai hay biết. Và cuộc đời của mẹ cứ trôi qua, trôi qua.

Những ngày Vu Lan đang cận kề rồi đó, khi một cái ngẩng đầu bất chợt khiến ta nhớ về, tôi vô thức hái một cành hồng đỏ mọc bên nhà bà chủ trọ cài lên ngực áo mình. Cảm ơn, cảm ơn lắm cuộc đời khi mỗi năm qua đi, khi nhìn xuống trái tim mình, vẫn là một màu đỏ thắm của một đóa hồng được cài lên. Đó là lúc tôi biết tôi cần mẹ, và mẹ cũng cần chúng tôi.

(*) Bài hát Lặng lẽ mẹ tôi của tác giả Minh Đức.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN