Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 656_VVM
Họ tên: Nguyễn Đặng Hải Chánh
Địa chỉ: Hai Bà Trưng, Quy Nhơn
—————————————
Ngày đầu tiên về ra mắt, mẹ nhìn một lượt từ đầu xuống chân rồi nói ngắn gọn: “Hai đứa xuống dọn chén ăn cơm.”
Con sợ lắm, vì nghe chồng con nói mẹ ăn nói không ngọt ngào nhưng con vẫn sốc. Trong lúc ăn cơm, con gần như nghẹt thở, mẹ chỉ hỏi con vài câu rồi thôi. Lúc ấy con vẫn tưởng như bữa cơm dài vô tận.
Rồi khi về ở với mẹ, sáng đầu tiên, mẹ lên phòng đập cửa gọi. Con giật mình tưởng đã 8 giờ như mọi khi, quýnh quáng tung chăn chạy ra mở cửa, chưa kịp tỉnh mẹ đã nói ngắn gọn thay đồ đi thể dục với mẹ. Con vào nhìn đồng hồ, mới có 5 giờ, nhưng cũng vội vàng kiếm đồ thay rồi xuống nhà xỏ đại đôi dép. Đi bên mẹ, con chẳng biết nói gì, chỉ ấm ức vì không được ngủ. Mãi lúc sau mẹ mới hỏi, sáng con thường dậy mấy giờ. Con thành thật: “6 giờ 30, thứ 7, chủ nhật có hôm tới 8 giờ”. Mẹ bảo từ nay, sáng 5 giờ mẹ qua gọi đi cùng mẹ. Lúc đó con chỉ biết than thầm trong bụng sao chưa gì đã khổ thế này? Đúng là mẹ chồng, chả bao giờ tốt với con dâu cả. Trên đường đi bộ về, mẹ dẫn vào một con hẻm, con đã vô cùng ngạc nhiên sao trong con hẻm này lại bán nhiều tôm cá tươi thế. Hóa ra họ là những người đánh bắt nhỏ lẻ, kiếm được thứ gì là mang ra đây bán cho mấy người đi thể dục sớm. Tuy ít nhưng con tôm nào cũng nhảy tanh tách, cá thì tươi cong, mắt lấp lánh. Mẹ chọn mua một ít rồi về bảo con nhặt tôm, mẹ cho cả vào máy xay vèo một phát, rồi vắt từng viên nhỏ bỏ vào nồi nước sôi bùng, chan vào tô. Lần đầu tiên ăn món này, con thấy cay cay vị tiêu, ngọt thơm mùi tôm tươi và tí hành xắt nhỏ. Con húp sạch tô và còn muốn ăn thêm tô nữa.
Cứ như thế, sau một tháng, mẹ bảo con cân xem nay được bao nhiêu ký? Con đã không tin vào mắt mình, con lên những gần hai kg. Đây là điều không tưởng. Thảo nào mấy cái quần mặc có vẻ chật chật. Vì con có cố mấy cũng chả ăn thua gì, vậy mà mới một tháng sao lại thế này nhỉ? Lúc này mẹ mới bảo, con hay dậy muộn, ăn sáng thất thường, trong khi sáng là bữa quan trọng, rồi lại lười vận động nên thấy lúc nào cũng mệt mỏi. Từ mai, con thích đi với mẹ nữa hay không tuỳ con.
Sau lần đó, con bắt đầu để ý những việc làm và lời nói của mẹ. Đúng là mẹ cực kỳ thẳng tính, nhưng làm đâu ra đó, lại rất nhanh. Mẹ giao con nấu cơm trưa, con loay hoay mãi mà chưa xong, mẹ quát một câu mà con xanh mặt “Dâu với chả con, cả tiếng không xong bữa cơm thì làm được cái gì”. Con lúc ấy chỉ chực rơi nước mắt. Mẹ nấu bữa sáng, bữa trưa, bữa tối tí là xong. Mẹ bảo con phải tập làm, làm được rồi thì tập làm cho nhanh, sau này có con còn lo cho con và lo cho mình.
Ngày Bống hai tuổi, đột nhiên mẹ bảo, thay đồ đi với mẹ. Con vội vàng đưa con cho chồng rồi đi với mẹ. Mẹ dẫn con tới cửa hàng quần áo, bảo mẹ tặng con hai bộ, con cứ chọn. Chọn mãi mới được hai bộ, mẹ bảo con tuy chưa đi làm nhưng rồi cũng phải gởi con mà đi, không thể ở nhà mãi được. Phụ nữ muốn hạnh phúc là phải tự lập con ạ, con phải kiếm tiền để dùng cho cá nhân con, để lo cho con của con, để thỉnh thoảng mua tí quà biếu cha mẹ con. Con phải ra ngoài giao tiếp với mọi người, có như thế, vợ chồng con mới sống hạnh phúc được. Rồi mẹ kể, ngày bố con mất, mẹ gần như không có gì trong tay. Lúc đó mẹ tưởng như đất trời sụp đổ vì biết lấy gì để nuôi chồng con đây, nhà cửa đã bị người ta lấy mất, mẹ lại chẳng có nghề nghiệp gì. Nhưng nhờ hàng xóm thương tình cho mẹ ở tạm khu đất trống của họ, rồi mẹ kiếm chỗ gởi chồng con, đi kiếm việc làm, làm từ rửa chén, lột vỏ điều, osin theo giờ… tất cả những việc chân tay thấy làm được mẹ đều làm hết. Rồi nhờ rửa chén cho hàng phở nổi tiếng, mẹ đã học lỏm được công thức và có hàng phở như ngày nay. Hàng tuy không lớn nhưng lượng khách ổn định và đấy chính là nguồn sống của mẹ và chồng con mười mấy năm qua.
Con, một đứa con gái lấy chồng khi 18 tuổi, không nghề nghiệp, không bằng cấp. Mẹ không những không chê trách, không đòi hỏi, mà còn dạy con từ kinh nghiệm của chính cuộc đời mẹ. Mẹ đã cho con một cái nhìn khác về hai tiếng mẹ chồng. Khi con viết lại những dòng này, mẹ đã đi xa lắm, tới một nơi mà Bống nói với em mình đó là cung trăng. Mỗi khi trăng tròn, Bống dắt tay em ra sân, chỉ cho em về mẹ, chỉ cho em thấy cái bóng mờ mờ ấy là mẹ, mẹ đang bán phở cho chú Cuội và chị Hằng.
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!