Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 736_VVM
Họ Tên: Nguyễn Thị Thuận
Địa chỉ: Đống Đa, Hà Nội
————————————————–
Hà Nội những ngày “chớm thu” làm lòng ta thêm đa sầu, vương vấn và đâu đó nặng trĩu hơn vì những gánh lo toan của cuộc sống.
Mùa thu năm nay cũng tìm về với thủ đô theo lẽ tự nhiên như thế, những cơn mưa cứ đua nhau tìm về, để rồi những hình ảnh mộc mạc, giản dị đời thường nhưng đầy xúc cảm lại “đập” vào mắt và “chạm” vào trái tim của mỗi người. Đó là hình ảnh “mẹ già với gánh hàng rong” là hình ảnh những người phụ nữ bên chiếc xe đạp cọc cạch với những “thúng xôi” thơm phức mùi gạo nếp, mùi ngô, mùi lạc…và đâu đó là những chiếc xe hoa, giàn quả tươi ven đường trong tiếng mời gọi của những người phụ nữ tuyệt vời nhất, ẩn nấp sau tiếng gọi “mẹ”của đàn con thơ.
Bên này bến xe bus chờ đợi tuyến xe số 50, lòng tôi “thắt lại” lồng ngực bên trái có gì đó “nhói”. Không phải đây là lần đầu tiên một cô sinh viên năm cuối như tôi bắt gặp hình ảnh này. Nhưng điều đáng nói, khác với những lần trước dù có đập vào mắt tôi nghìn lần cũng chẳng nhận được cái nhún mày đáp trả. Vậy! Sao giây phút đó tôi lại thấy lòng nặng trĩu. Chẳng lẽ khi hòa cùng mưa những hình ảnh đó lại có sức gây “bão lòng” như thế. Đúng rồi! Có lẽ là vậy. Tôi tự thổn thức với lòng mình. Tôi lại nhớ cuộc điện thoại lúc 8:30 phút tối qua của bố tôi chỉ vẻn vẹn nghẹn ngào trong mấy câu: “Con à! Bố xin lỗi nhưng do hoàn cảnh, mẹ con phải ra Hà nội làm giúp việc rồi. Con thu xếp xuống xem tình hình công việc mẹ thế nào nghe.”
Ngoài trời vẫn mưa, chiếc ô vẫn trút nước xối xả và hàng mi của tôi như chớp cơ hội đó để dễ dàng giấu cảm xúc hơn. Trong đầu tôi lúc này với một đống cảm xúc hỗn độn…
Vừa lúc đó, tuyến xe bus 50 đang tiến gần. Tôi nhanh chóng kịp chuyến xe. Lần theo địa chỉ bố cung cấp ngày hôm qua, đi bộ qua một con phố khá vắng vẻ tôi dừng lại ở địa chỉ 46 Lương Khánh Thiện. Trước mắt tôi lúc này là một ngôi nhà cao lớn nhìn vừa cổ kính vừa hiện đại được tô nền chủ đạo là màu trắng sữa và chiếc cổng màu xám. Tôi đang lúng túng chưa biết phải làm gì? Có tiếng nói của một cô hàng nước đối diện bên kia đường: “ Cháu tìm ai? Vào thì ấn chuông một lần rồi đợi chứ đứng vậy cháu sẽ bị mắng đấy. Nhà đó khó tính lắm, lúc nào cũng xem vỉa hè là của luôn họ thôi.” Sau câu nói đó, làm tôi như đứng lặng người, bàn tay chậm rãi từ từ đưa lên chiếc chuông cửa. Trong khoảnh khắc đó tôi chưa kịp ấn chuông nhưng cánh cửa đã vội mở ra, một giọng nói nghe có vẻ “chua chát” của một người phụ nữ ngoài 50 tuổi: “Có việc gì? Mày tìm ai hả? Sao cứ đứng trước cổng như thế?”. Tôi chưa kịp trả lời, bỗng mẹ tôi hốt hoảng chạy ra. “Ôi! Con! Răng con biết mẹ ở đây?” Trước câu nói của mẹ tôi như trả lời cho tất cả những thắc mắc của người phụ nữ kia. Bà ấy vội bỏ vào nhà với cái nhìn không mấy lịch sự dành cho chúng tôi và câu nói vọng lại: “Nhớ khóa cổng đấy.”
Theo bàn tay mẹ, tôi bước nhẹ nhàng về phía căn nhà. Trong lúc tôi tháo đôi giày thể thao ra khỏi chân để vào nhà, tôi nghe giọng nói trầm ấm, nhỏ nhẹ của mẹ bên trong rằng: “Thưa cô, cháu nó là con út của tôi, nó học ngoài này, tôi ra làm được một tuần rồi nhưng chắc hôm nay bố mới cho nó biết nên nó tìm xuống đây. Mong cô cho cháu vào chơi một lát ạ!” Đáp lại bằng một giọng nói: “Ừ! Bảo nó vào đây xem nào”. Tôi từ tốn bước vào, dường như tôi đến không đúng lúc khi đúng vào giờ ăn trưa. Tôi vội đưa mắt lướt qua chiếc đồng hồ đang chỉ 12:30 phút. Nhìn xuống thấy tất cả các cặp mắt đang nhìn tôi, mở một nụ cười và tôi cúi đầu chào lễ phép. Không khí có phần dễ thở hơn lúc nãy. Phía đối diện bên kia bàn ăn một người phụ nữ cất tiếng: “Cháu lại đây, ăn cơm chưa? Sao đến muộn thế?” Tôi trả lời và từ chối lời mời dùng bữa của gia đình cô chủ rồi tiến về chiếc ghế đặt kế bên bàn ăn ngồi đợi. Bỗng hai đứa con gái nhà cô chủ đứng dậy tỏ thái độ có vẻ không hài lòng điều gì đó. Bàn tay cô gái lớn vung mạnh để dịch chiếc ghế lấy đường đi nhưng bằng vẻ mặt khó chịu hành động đó vô tình cuốn theo hai chiếc ly uống nước đặt trên bàn rơi xuống sàn nhà vỡ vụn ra. Ai cũng giật mình, đưa cặp mắt nhìn cô lớn. Không một lời giải thích, cô bước tiếp về phòng mình rồi nói: “Nhà nuôi đến hai người giúp việc mà”. Sau cảnh tượng đó,mọi thứ trở nên tĩnh lặng. Tôi đưa cặp mắt mình lên nhìn mẹ, mẹ vỗ về tôi bằng cái nhìn trìu mến và mỉm cười.
Cuối cùng, bữa ăn cũng kết thúc, mẹ tôi loay hoay thu dọn chén, bát ra phía sau nhà rửa. Cô Thành, người làm cùng mẹ tôi cũng nhanh chóng lau chùi, dọn dẹp, đưa hoa quả tráng miệng. Cô chủ nhà vội gọi tôi lại bên bàn uống nước. Thế nhưng bỗng chốc cô ấy quay sang nói với cô Thành. “Thành này, sao chỉ mãi mà mày ngu thế? Đầu mày như không có óc nhỉ?” Rồi với sự đổ vào của hai người phụ nữ kia một trận chửi tràng giang được tuôn ra từ miệng của ba người đàn bà lên đầu cô Thành trong sự phản hồi im lặng của khuôn mặt đáng thương. Tôi thực sự choáng váng không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cứ mở to đôi mắt của mình. Cô chủ nhà dường như vô tình bắt gặp ánh mắt của tôi và có vẻ hơi ngại ngùng vội dịu giọng xuống. Tôi hiểu ý nên xin phép ra vườn với mẹ. Bước chân ra phía cuối góc vườn nhìn hình ảnh mẹ tôi đang cặm cụi rửa chén bát, tôi không cầm nổi nước mắt. Tôi bảo để con, mẹ tôi xua tay như thể xin tôi đừng làm. Tôi biết chắc lúc nãy đến giờ mẹ đã cố giấu nước mắt nhưng đôi mắt mẹ đã không giúp mẹ điều đó khi quầng mắt đỏ ửng lên. Trong nhà vẫn văng vẳng tiếng chửi đối với cô Thành.
Tôi ngước nhìn giàn hoa lan để mong nước mắt không tuôn ra nữa nhưng bất lực. Tôi quay lại nói: “Mẹ à! Về nhà đi, khổ thì khổ rồi, sao phải sống thế này!” Mẹ tôi bảo: “Tại con đến không đúng lúc thôi, nhà chủ hơi kĩ tính cơ tốt lắm”. Rồi như nghẹn nấc ở cổ, mẹ im lặng cúi đầu làm việc tiếp. Phải đến gần một tiếng sau hai người phụ nữ của tôi mới xong việc, lúc này đã một rưỡi chiều. Chúng tôi cùng nhau về phòng nghỉ ngơi. Bước vào căn phòng nghe cô Thành kể lể, nhìn đầu cô có vết xước nhẹ. Hỏi ra mới lẽ bị chủ nhà “giúi” đầu vào tường. Trong lúc bức xúc, tủi nhục cô Thành kể hết. Mẹ tôi có vẻ muốn ngắt lời cô Thành lại nhưng không được. Tôi vội nói: “Sao họ đối xử vậy mà vẫn trụ làm gì? Mẹ và cô về đi”. Họ trả lời bằng cái lí lẽ chua xót, biết thế nhưng vì quê tôi, cái vùng đất Hà Tĩnh ấy mùa này chỉ có nước mênh mông, mà sống thì vẫn phải sống. Giờ già rồi chỉ có giúp việc thôi, còn có tiền cho các con ăn học nữa. Mẹ tôi còn nói thêm: “Mẹ không bị chửi đâu, con yên tâm, đừng nói gì với ai nhất là bố đó nghe!” Tôi khóc vỡ òa lên, đây là thật sao? Tôi muốn nắm lấy tay mẹ và cô Thành dắt ra khỏi đây nhanh chóng. Nhưng tôi lại không làm được, tôi còn không lo được cho mình mà. Mà có lẽ vì những tháng ngày sinh viên của tôi mới làm mẹ tôi cười trong nước mắt như thế, 30 phút trong nước mắt của chúng tôi trôi rất nhanh, có tiếng gọi dưới nhà. Chúng tôi lau nước mắt đi xuống, sau lời chào tạm biệt kiểu xã giao với gia đình nhà chủ. Mẹ và cô Thành tiễn tôi ra cổng trong ngậm ngùi, với vẻ lưu luyến như thể còn nhiều điều muốn nói. Cô Thành nói vội: “Qua cánh cổng màu xám này con phải vui vẻ, cười lên nhé, con rất dễ thương, hiền lành con gái ạ!” Mẹ tôi tiễn tôi thêm một đoạn, đưa tay mở cổng rồi nhìn tôi trong nước mắt, tôi chỉ vội dặn dò thêm câu: “Khó quá thì về mẹ nhé!” và cũng chẳng nói được gì nữa.
Cánh cổng màu xám khép lại trong tiếng nấc nghẹn ngào của mẹ và hai dòng nước mắt cùng những thổn thức trong lòng tôi. Ngoài đường, tuyến phố vẫn diễn ra nhộn nhịp, chỉ có phía sau cánh cổng kia hai người phụ nữ vẫn đang chăm chỉ, tủi nhục hy sinh vì gia đình, vì những đứa con và vì trọng trách “đè” nặng lên vai “Mẹ”.
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!