Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 793_VVM
Họ tên: Lê Thị Hạnh Nguyên
Địa chỉ: Thủ Đức, TP. HCM
—————————————
Có những người mãi chẳng thể nào quên, bởi vì họ có một vị trí quan trọng trong cuộc đời ta. Có những kỷ niệm, cho dù đã qua bao lâu chăng nữa, nhưng bất chợt, ta vẫn mỉm cười hay bật khóc khi nhớ lại. Còn riêng tôi, tôi có riêng cho mình một người quan trọng, mà những kỷ niệm đã qua của người có thể khiến tôi dù có phải nghe đi nghe lại cả trăm lần cũng sẽ chẳng bao giờ chán. Vâng, đó chính là những câu chuyện của mẹ với nhân vật chính là các thành viên trong gia đình tôi – những câu chuyện hình thành “bệnh tim của mẹ”.
Bố tôi – theo lời mẹ là người rất cứng đầu. Nhà tôi vào thời điểm bố mẹ vừa mới ra riêng, đơn giản được tạo thành từ bùn đất trộn với rơm khô, mái lợp bằng cỏ tranh xen thêm một ít lá dừa. Vụ trí lại khá tách biệt với mọi người khi xung quanh chỉ toàn rừng cây với ruộng đồng. Phía sau nhà tôi có một bàu nước lớn, cây cối um tùm. Mùa khô, bố quét lá đốt cho sạch. Mẹ bảo bố cẩn thận kẻo tàn lửa làm cháy nhà. Bố tự tin bảo gió thổi hướng khác, chẳng sao đâu. Kết quả là mẹ đúng. Lá dừa, cỏ tranh nhanh chóng bắt lửa rồi vụt cháy toàn bộ căn nhà. Năm đó, chị tôi vừa biết chạy nhảy, anh trai còn ẵm ngửa trên tay, sợ nguy hiểm nên mẹ chỉ có thể trơ mắt đứng nhìn nhà cháy. Chỉ có bố chạy vào mang ra được chút đồ. Lần thứ hai cháy nhà, cũng là tàn lửa từ bàu nước, cũng do bố không nghe lời mẹ. Chỉ khác là lần này, chị tôi đã lớn hơn, anh tôi vừa biết chạy nhảy, còn tôi thì được ẵm ngửa trên tay mẹ. Mẹ lại trơ mắt nhìn, hệt như lần đầu tiên. Có lẽ đó cũng là khởi đầu hình thành “bệnh tim” của mẹ tôi.
Chị tôi, từ bé rất hay đau ốm. Mẹ bảo chăm ba đứa con, nhất là chị riết mà mẹ có thể làm bác sĩ được luôn rồi. Năm chị học tiểu học, có lần chị bị sốt cao, uống thuốc mấy ngày vẫn chưa hết. Hôm đó, mẹ bảo bố chở chị đi khám nhưng nhà chưa có tiền, phải qua hôm sau mới có. Mẹ lo quá, đi bán chiếc nhẫn cưới mà mẹ gìn giữ bấy lâu, khi khám người ta bảo chị bị sốt xuất huyết, phải truyền nước ngay kẻo không kịp. Nhờ vậy mà chị thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Cũng từ đó về sau, mỗi lần chị em tôi bị sốt, mẹ đều bắt đến trạm xá kiểm tra sốt xuất huyết. Tôi chẳng nhớ nổi hình ảnh chị lúc đó thế nào, nhưng chắc hẳn phải rất đáng lo mới khiến mẹ bị ám ảnh như thế. Và tim mẹ lần đó chắc hẳn phải đau lắm…
Anh trai tôi, chỉ có sở thích duy nhất là leo trèo, vì vậy cũng không ít lần làm mẹ phiền lòng. Giai đoạn đó, câu cửa miệng của mẹ là: “Có phước là có con biết lội, có tội là có con biết trèo” để khuyên anh. Ấy vậy mà thỉnh thoảng sau khi ngủ trưa dậy (Mẹ tôi có thói quen ngủ trưa mỗi ngày 2 tiếng rồi mới tiếp tục làm việc), mẹ lại thấy rất nhiều trái thốt nốt chất đầy trước sân. Mà cây thốt nốt thì có thấp bao giờ, lại chẳng có cành để bám víu. Mỗi lần như thế mẹ lại kéo anh vào một góc riêng mà dạy bảo. Và sự lo lắng này của mẹ chỉ chấm dứt khi người dân quê tôi đồng loạt chặt bỏ thốt nốt để lấy đất làm nông.
Tôi là con Út, có lẽ vì thế mà trong mắt mẹ, tôi lúc nào cũng còn bé, cũng rất được mẹ cưng chiều. Năm tôi năm tuổi mẹ dắt tôi đi chợ ở tỉnh. Lần đầu tiên nhìn thấy cảnh tấp nập, nhộn nhịp. Tôi ngỡ ngàng rồi ngẩn ngơ quên cả nhận biết có một người phụ nữ lạ nắm tay dắt tôi đi xa. Chỉ đến khi nghe tiếng mẹ gọi thất thanh từ phía sau thì tôi mới giật mình quay lại. Mẹ không mua đồ nữa. nhanh chóng dẫn tôi về. Ngày hôm sau, không chỉ riêng tôi mà cả chị gái và anh trai đều được mẹ lần lượt đèo đi chụp hình. Lúc đó, phải đi rất xa mới có tiệm chụp, dù vậy, mẹ vẫn kiên nhẫn đạp chiếc xe cũ kỹ chở chị em tôi đi. Mẹ bảo với bố: “Nếu con đi lạc mà cũng không có tấm hình đăng báo thì mình làm cha mẹ thật tệ”. Và mỗi khi chị em tôi phải đi xa (dù đã lớn) thì dường như “bệnh tim” của mẹ lại chuyển biến xấu đi ít nhiều.
Khi tôi vào tiểu học, có hôm bị ốm, buổi tối nôn thốc nôn tháo. Lúc đó nhà chưa có đèn điện như bây giờ. Dưới ánh đèn dầu mờ ảo, mẹ run sợ nhìn vũng máu trước mặt rồi nhanh chóng cùng bố chở tôi đi bệnh viện. Cuối cùng, bác sỹ kết luận, tôi nôn do ăn không tiêu. Đến sáng về nhà thì vũng máu ban sáng đã “biến” thành nước cà chua do món cá sốt cà ban chiều của mẹ. Chắc lúc ấy lo lắng quá nên chẳng ai nhìn kỹ. Giờ mẹ hay kể lại như thể đấy là một câu chuyện vui, nhưng tôi biết lúc đó tim mẹ có lẽ lại một lần đau nhói.
Tôi vào đại học, có đêm đang ngủ, khoảng ba giờ sáng thì có điện thoại của mẹ. Mẹ bảo mẹ nằm mơ thấy tôi gặp chuyện không may. Hỏi thăm đủ thứ, dặn dò cẩn thận rồi mới yên tâm ngắt máy. Tôi nhận ra được giọng mẹ run run, nghèn nghẹn mà thương mẹ quá. Hóa ra, cả trong mơ cũng khiến mẹ hoảng sợ, cả những chuyện không thực cũng có thể khiến mẹ bất an.
Thời gian thấm thoát trôi. Bố tôi giờ tuổi cũng đã cao, chẳng mấy khi khiến mẹ phải bận lòng. Chị em tôi đều đã khôn lớn. Chị hai tôi, giờ không chỉ có thể tự lo cho mình mà còn là một dược sĩ, chữa bệnh cho bao người. tôi và anh trai đều học năm cuối, sắp có thể tự lo cho bản thân mình Dù vậy, tôi biết, bệnh tim của mẹ sẽ chẳng bao giờ hết, bởi nó xuất phát từ tình yêu thương, sự quan tâm, lo lắng của dành cho những người thân trong gia đình. Mà tình yêu thương ấy thì có hết được bao giờ…
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!