“Việc em là lo cưới, công sở đã có các chị lo”

Trước ngày cưới, cô dâu là người bận rộn và nhiều lo lắng nhất. Không ít các nàng, nhất là nàng dâu chốn công sở băn khoăn: “Làm sao để lo đám cưới cho trọn vẹn, việc công ty vẫn suôn sẻ vận hành khi không có mình?”. Nếu bạn đang cùng cảnh ngộ, đừng lo lắng vì bạn vẫn có thể sử dụng “quyền trợ giúp” từ các chị em đồng nghiệp. Tuy nhiên, nhờ vả cũng là một nghệ thuật. Đừng để ngày vui của mình lại thành gánh nặng của người khác.

bc868712-75b6-47af-867c-f33f9708a0e7

  1. Thông báo lịch nghỉ từ sớm

Trước khi bạn nghỉ ít nhất là hai tuần, hãy gửi đơn xin nghỉ phép đến cấp trên và email thông báo nghỉ đến đồng nghiệp, đối tác và cả khách hàng bạn phụ trách chính. Trong đơn xin nghỉ phép và cả email thông báo, bạn cần đề cập rõ ràng khoảng thời gian bạn nghỉ phép.

Nếu có thể, hãy ghi rõ trong những trường hợp cấp bách, liệu mọi người có thể liên lạc với bạn qua email hay điện thoại hay không, giờ nào sẽ tiện lợi cho bạn? Yên tâm rằng mọi người đều hiểu “đám cưới, đời người chỉ có một lần” nên chẳng ai muốn làm phiền bạn đâu. Tuy nhiên, điều này lại giúp bạn ghi điểm với mọi người vì ít ra bạn cũng đã thể hiện mình rất có trách nhiệm ngay cả khi nghỉ phép.

  1. Lên danh sách công việc cần làm trước và sau khi nghỉ

Lên lịch hẹn với khách hàng/đối tác để giải quyết hết tất cả những việc còn tồn đọng. Nếu không, bạn cũng có thể chủ động báo lại với khách hàng/đối tác dời lịch giải quyết sau đám cưới để họ không phải quá lo lắng khi bạn “bỗng nhiên biến mất”.
Tuyệt đối không để lại những việc quan trọng đến cận kề ngày nghỉ. Hãy cố giải quyết hết để thực sự có một đám cưới an nhiên trọn vẹn.
Phân loại việc thành hai dạng: cần làm gấp và không làm gấp. Cái nào làm gấp, hãy giải quyết trong thời gian chưa nghỉ. Đối với việc không gấp, bạn cũng nên liệt kê rõ để sau kỳ nghỉ, bạn không bị lúng túng khi quay lại với công việc. Nên dùng giấy note để ghi chú và dán luôn vào máy tính hoặc ngay trên bàn để nhắc nhở mình không quên sau kỳ nghỉ. Tin tôi đi, sau đám cưới, đầu óc bạn vẫn còn dư âm hạnh phúc, chưa tỉnh táo để bắt tay vào việc ngay đâu.

  1. Nhờ đồng nghiệp hỗ trợ

Bàn giao những thông tin, dữ liệu cần giải quyết xuyên suốt cho một đồng nghiệp cùng mảng trong công ty. Tất nhiên là bạn phải liệt kê và chú thích rõ ràng những việc cần làm, thông tin cần thiết, thậm chí là các bước để tiến hành. Tránh giao cả gánh việc rối tinh rối mù lên vai đồng nghiệp. Họ đồng ý giúp đỡ bạn chứ không phải là có trách nhiệm làm thay bạn, nên nhớ điều đó.

Nếu bạn là trưởng nhóm, hãy tạm giao quyền lại cho một người trong nhóm mà bạn cho rằng họ có thể giúp bạn quản lý nhóm trong thời gian ngắn. Đây là người có thể nắm vững hoạt động nhóm, có khả năng kết nối các thành viên khác và giải quyết những việc liên quan. Một khi đã giao quyền thì bạn phải tin tưởng nhé. Họ có nhiệt tình, vui vẻ giúp bạn hay không một phần là do bạn có đặt niềm tin nơi họ hay không.

  1. Đặt chế độ email trả lời tự động

Nếu bạn hoàn toàn không thể tiếp nhận hoặc giải quyết việc khẩn bách của công ty trong thời gian nghỉ phép, hãy đặt chế độ email trả lời tự động. Trong email này, bạn nên trình bày ngắn gọn súc tích những thông tin cần thiết bao gồm:

  • Ngày bắt đầu nghỉ phép
  • Ngày trở lại làm việc
  • Người có thể liên hệ để giải quyết công việc khi bạn vắng mặt
  • Bạn không thể check mail được trong thời gian này

Thông thường cấu trúc đơn giản sẽ là: “Xin chào, cảm ơn bạn đã email cho tôi, tôi đang trong kỳ nghỉ phép từ ngày… đến… và sẽ không thể kiểm tra được email trong thời gian này. Tôi sẽ trả lời email ngay khi trở về. Trong trường hợp bạn cần được hỗ trợ ngay lập tức, vui lòng gọi điện cho anh/chị… theo số điện thoại…”.

tao_email

  1. Kiểm tra, sắp xếp lại công việc trước khi quay lại công ty

Trước khi quay lại với công việc, bạn hãy kiểm tra email để biết tình hình công việc trong những ngày bạn vắng mặt như thế nào. Hãy ưu tiên giải quyết những email khẩn và việc cần làm gấp ngay khi trở lại công việc.

Với danh sách việc mà bạn đã liệt kê trước khi nghỉ, hãy bắt đầu giải quyết từ những việc dễ hoặc viêc bạn có cảm hứng làm. Đừng nhảy vào những ca khó nhằn sẽ làm bạn thêm nản, cộng với dư âm ngày nghỉ sẽ làm bạn trở nên uể oải và lười biếng.

Để biết tình hình công ty trong những ngày mình nghỉ phép có những chuyển biến gì mới hay không, hãy gọi điện cho những đồng nghiệp thân thiết để hỏi thăm, tránh tình trạng bạn bị bỏ rơi và tụt hậu sau một kỳ nghỉ dài cho đám cưới.

  Trước khi nghỉ – cần làm gì?

  • Chắc chắn là bạn đã dành thời gian để giao tiếp và gặp gỡ với đối tác, khách hàng trước kỳ nghỉ kéo dài.
  • Kiểm tra lại những người quan trọng trong danh sách bạn cần gửi email và gọi điện cho họ để phòng khi thiếu sót.
  • Sắp xếp bàn làm việc ngăn nắp, gọn gàng trước khi rời khỏi văn phòng làm việc.
  • Sắp đặt cẩn thận những tài liệu quý giá để tránh bị thất lạc. Để những tài liệu có thể đồng nghiệp cần ở những vị trí dễ tìm thấy, tốt nhất bạn nên ghi ra vị trí của chúng ở đâu và gửi đồng nghiệp.
  • Ghi lại danh sách những đồng nghiệp và người chịu trách nhiệm công việc khi bạn vắng mặt, dán nó ở trước bàn làm việc của bạn để mọi người dễ nhìn thấy nhất.
  • Quyết định mình có tranh thủ làm việc trong kỳ nghỉ trăng mật hay không? trả lời câu hỏi trước khi bạn rời văn phòng để không đắn đo suy nghĩ trong suốt kỳ nghỉ.


Hồng Duyên

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN