Đúng một năm nữa, cô 9x này mới tròn 20 tuổi. là cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, từ chối một học bổng toàn phần tại Mỹ, khăn gói ra Hà Nội học vì một ước mơ, giờ thì Phương Anh cũng trở thành cựu sinh viên đại học! Quyết định bỏ học, trở thành thực tập sinh toàn thời gian dường như cũng chỉ làm cho bố mẹ, người thân của cô hơi bàng hoàng nhưng không ai phản đối. Cô gái trẻ đã nghĩ gì trước một quyết định như vậy?
Đầu tháng 3 vừa rồi, tôi có một quyết định khiến gia đình không khỏi sửng sốt, nhất là sau khi mới đi trao đổi sinh viên ở Trung Quốc về và bắt đầu kỳ thực tập tại công ty kiểm toán quốc tế KPMG tại Hà Nội. Tôi bỏ học.
Tôi vẫn nhớ mẹ đã hỏi đi hỏi lại về quyết định đường đột đó, như mẹ không hề tin việc một đứa con gái ngoan lúc nào cũng nghe theo lời bố mẹ lại dám làm cái việc tày đình ấy. Tôi cũng đã nhắc lại từng ấy lần: “Vâng, con quyết định thôi học rồi.”
Học đại học ở Việt Nam vì một mơ ước riêng
Để hiểu quyết định này của tôi, trước hết phải lần về cái thuở ban đầu mộng mơ còn nhiều hoài bão lúc trước khi thi đại học. Tôi là một học sinh giỏi, hoạt động xã hội tích cực, ngoại ngữ cũng thuộc loại “hổ báo” của trường, lại có sự hậu thuẫn lớn về kinh tế từ bố mẹ. Tôi thừa năng lực và đủ tự tin để đi du học ở các trường top ở Anh, Mỹ. Thế nhưng, trái ngược với sự dự đoán của nhiều người, tôi an phận thi Đại học tại Việt Nam, với nguyện vọng duy nhất là vào được một trường danh tiếng ở Hà Nội.
Bố tôi và tôi đã có những cuộc nói chuyện dài về vấn đề này. Bố luôn muốn tôi “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” và mong tôi có một sự giáo dục thuần Việt. Việc này ban đầu khiến tôi ngạc nhiên, vì bố mẹ tôi đều là dân Tây học, xa gia đình khi chỉ mới 17, 18 tuổi. Nói thế để hiểu, bậc cha mẹ nào cũng muốn con cái sung sướng, học ở nước ngoài nhiều khi phải nếm mật nằm gai, chứ còn ở Việt Nam, người đưa kẻ đón nắng chưa tới mặt, mưa chưa tới đầu. Tôi cũng hiểu cho bố, và quan trọng hơn, tôi cũng có một ước mơ riêng của mình. Tôi đăng ký học Luật Quốc tế, với mong muốn sau này với kiến thức và vốn ngoại ngữ, có thể giúp đỡ người nông dân Việt Nam chiến thắng đơn kiện bán phá giá, tăng giá trị cho nông sản Việt Nam trên trường quốc tế và làm giàu cho người dân một cách chân chính. Bố tôi cũng góp phần thổi lên trong tôi ngọn lửa quyết tâm và tinh thần yêu nước của một người dân Việt Nam. Bố bảo, học ở Việt Nam mới biết được những vấn đề của Việt Nam, mới tìm được cách giúp nước, còn nếu đi nước ngoài rồi chỉ còn cách ở và làm việc tại nước ngoài thôi. Nghe lời bố, tôi từ chối một học bổng toàn phần đi Mỹ và khăn gói ra Hà Nội sau thông báo trúng tuyển đại học.
Học cũng được mà không cũng chẳng sao!
Là một người Sài Gòn, Hà Nội đối với tôi có nhiều khác biệt. Lúc ban đầu tôi cũng gặp cú sốc văn hóa, như phong cách phục vụ và giao thông. Nhưng tôi dần nhận ra ở đâu cũng có mặt tốt mặt xấu, ra đường gặp một người tốt thì ắt phải gặp một người không tốt. Dần dần biết cách tôn trọng nền tảng văn hóa của họ, tôi cảm thấy gần gũi với từng con đường. Tuy nhiên, phải thú thật, tôi đã bớt ngây thơ và cả tin hơn, nói năng cũng trả treo và đốp chát hơn chỉ sau vài tháng. Mẹ lo lắng lắm, mà tôi cũng nhận ra những thay đổi của bản thân, không hẳn là xấu, vì suy nghĩ của tôi vẫn còn nguyên, chỉ là cách sống ít nhiều đã bị ảnh hưởng. Tôi cũng buồn, tôi luôn tâm niệm người tốt phải “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, vậy mà mình đã khác, bạn bè cũ cũng nhận không ra.
Năm đầu nhiều môn đại cương, tôi đến lớp không thường xuyên vì các môn học thường không hấp dẫn và đặc sắc, trừ môn Lịch sử văn minh thế giới, sau này tôi sẽ nói thêm.
Tôi và các bạn Hà Nội cũng không hợp nhau, nói là không hợp vì gu nói chuyện khác nhau, chứ các bạn rất tốt, hay giúp đỡ tôi. Tôi cảm thấy chán chường và mất dần động lực. Tôi mệt mỏi khi nghĩ đến việc sáng mai phải dậy đi học, ngồi 4, 5 tiếng đồng hồ trong phòng chật chội, bức bối mà cái nhận được chỉ là một tràng đọc sách vô hồi tận của giáo viên, những bài thuyết trình cứng nhắc của bạn bè, và quan trọng hơn, một cảm giác vô cùng đáng sợ, đó là: học cũng được mà không học cũng được. Lý do cũng thật kỳ khôi, trường tôi nổi tiếng khó vào, vậy mà vào rồi học hành ngày càng đi xuống vẫn được qua. Có bạn nghỉ học quá ba buổi một tín chỉ, theo luật là không được thi, vậy mà ngày thi vẫn thấy lò dò đi tới, lại có bạn quay cóp trong giờ thi bị giám thị bắt, quy định là không thi nữa, về nhà, môn đó coi như hỏng, vậy mà ra kết quả vẫn đậu. Bản thân tôi trước khi đi thi cũng chẳng học hành gì, vào phòng thi ngồi hú họa viết lấy viết để, vậy mà cũng đậu. Tôi đọc bảng điểm, thấy không rớt môn nào, lòng buồn khôn tả!
Chợt nhớ đến hồi học cấp 3 ở trường chuyên tại TP.HCM, tôi giỏi Hóa, bài nào cũng được điểm cao. Bài hệ số 2 đầu tiên làm được 9,7, cô giáo hài lòng lắm, cho làm tròn thành mười. Ỷ y mình giỏi, bài sau tôi chẳng học gì nhiều, phát bài được 3,5 điểm.
Tôi hãi lắm, cô nhìn tôi nhưng không nói gì, điểm bài thi vẫn giữ nguyên. Thế là thành ra học bạ tôi có vết nhơ ấy, 3,5 là con điểm thấp hãi hùng, kéo cả cột xuống loại trung bình.Thế nên tôi mới bắt đầu học hành đàng hoàng, ổn định hơn để gỡ lại, không chủ quan thờ ơ như trước. Đấy là một bài học hay và tôi nghĩ, đời cần nhiều bài học như vậy. Cái gì cũng đẹp, cũng 99,99% như kỳ thi tốt nghiệp thì con người ta còn mơ ngủ, phải giáng thật mạnh, như tát vào mặt, vậy mà lại tỉnh ra, lại khá lên. Tôi cần lắm một môi trường như vậy để hoàn thiện bản thân. Chính vì vậy mà tôi cảm thấy tôi trưởng thành nhiều nhờ những năm tại trường trung học, vì toàn gặp những “ông thầy, bà cô” sống thật.
Quay lại chuyện học đại học, lúc ấy cũng chẳng có suy nghĩ đặc biệt sâu xa gì, thấy người ta thế nào thì mình thế ấy. Bạn bè làng nhàng, lên lớp bàn chuyện trai gái, học hành hời hợt, mình không tham gia được thì trốn học, ở nhà tham gia các hoạt động xã hội mình thấy thích. Mẹ tôi và bác bạn thân mẹ ra Hà Nội thăm, bảo đi du học đi, tôi vẫn còn ngập ngừng, lưỡng lự. Vì ở đâu lâu rồi cũng quen, rồi cũng tâm lý ngại thay đổi. Tôi vẫn cứ băn khoăn đi hay ở, mà phần ở lại nặng hơn, yên phận học tiếp ba năm ở đây, lấy tấm bằng cử nhân? Nhưng may mà tôi vẫn còn muốn mình vận động.
Tôi muốn sống để tự hào, và đó là lý do tôi bỏ học
Trở lại với lớp “Lịch sử văn minh thế giới” thay đổi cuộc đời tôi thế nào. Tôi là trùm trốn học nhưng lại luôn cố gắng dậy sớm đi học lớp “Văn minh” vì tôi thích nhiệt huyết của cô giáo và cũng bởi bài học về các nền văn hóa lớn quá hấp dẫn và sinh động. Cô nói về Ai Cập với ánh mắt sáng rỡ, kể về các công trình với giọng hào hứng của một đứa trẻ. Chúng tôi bị cuốn vào từng bài giảng, vào mơ ước được chinh phục những kỳ quan thế giới. Tôi hâm mộ lắm, rồi cũng mơ ước được đi du lịch thế giới một ngày không xa. Cơ hội đến khi Tổ chức Sinh viên quốc tế chọn tôi vào chương trình trao đổi văn hóa, sáu tuần tại một quốc gia bất kỳ do mình lựa chọn. Tôi mê lắm, tôi luôn muốn đi trao đổi như thế này lâu rồi mà chưa có dịp, nay lại có cơ hội và cũng bởi mơ ước được thăm thú thế giới đang âm ỉ cháy trong tim, tôi nhận lời ngay. Phải mất hơn một tuần thư từ, điện thoại ra vào, tôi mới thuyết phục được bố mẹ cho phép (và cho tiền) đi. Vì chi phí vận chuyển và ăn uống là do mình tự lo nên tôi không dám đi xa, chọn Trung Quốc, điểm đến là Bắc Kinh, trung tâm của đế chế Trung Hoa hùng mạnh một thời nhưng vì thời tiết, môi trường, cuối cùng tôi chọn Quảng Châu.
Sáu tuần ở Trung Quốc, tôi tham gia dạy học cho các em học sinh tiểu học ở vùng sâu vùng xa, gia đình nhập cư thiếu thốn. Làm quen các bạn sinh viên bên này và trực tiếp tiếp xúc với môi trường học tập, tôi nhận thấy hai nước có rất nhiều điểm tương đồng, nhưng cái khiến họ trở thành nỗi sợ của thế giới như ngày nay là tinh thần lao động cao và đầu óc lý luận. Về tinh thần lao động, đó là sự tôn trọng bản thân và khách hàng, dù là làm dịch vụ hay sản xuất, mọi người đều tập trung cao độ và luôn thể hiện sự nhiệt tình. Nghiêm túc và tự giác là hai nét chính mà tôi khâm phục. Điều thứ hai là lý luận, thật ra cũng không hề cao siêu như tên gọi, họ đơn giản biết mình là ai, biết phân tích hoàn cảnh phải trái. Điều này chắc cũng không mới, vì Trung Hoa là nơi sản sinh những bậc hiền triết nổi tiếng uyên thâm của nhân loại. Nhưng chính suy nghĩ của người bình thường khiến tôi ngạc nhiên. Từ ông lái xe từ tốn đợi người khách cuối cùng lên xe mới nổ máy cho đến chị bán hàng nhiệt tình hướng dẫn khách dù không bán được hàng, họ ý thức được rằng: việc của người khác cũng quan trọng không kém việc của mình.
Từ lúc ở Quảng Châu và tiếp xúc với các bạn quốc tế từ nhiều quốc gia khác nhau như Indonesia, Malaysia, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ… tôi nhận ra: Muốn thay đổi bất kỳ điều gì, trước tiên phải thay đổi bản thân.
Nếu ngay cả quay cóp mà cũng xem là việc bình thường thì tôi còn tư cách nào thay mặt Việt Nam nói lý lẽ? Mà để học được việc nào đúng, việc nào sai thì trước hết phải học ở một môi trường minh bạch.
Tôi yêu quê hương mình lắm nhưng không thể vì nói yêu, mà yêu luôn cả thói hư tật xấu, chấp nhận nó mà không thay đổi? Người lớn làm mãi mà vẫn không làm được, vì tư tưởng đã bị đóng rễ trong lề lối ấy rồi, người trẻ, có điều kiện đi nhiều, thấy nhiều, phải biết thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy. Tôi biết đến đây nhiều người sẽ nghĩ tôi không tự lượng sức nhưng tôi nhớ có một câu ngạn ngữ: “Không là bạn thì là ai”.
Nếu tôi không thay đổi, ai sẽ thay đổi? Nếu ngay cả việc nói rằng tôi sẽ thay đổi Việt Nam mà cũng ngại vì sợ người khác chê cười thì ai sẽ thực sự thay đổi đất nước? Vì vậy tôi không còn sợ dư luận nữa, ra Hà Nội học là ý của tôi, mà bây giờ bỏ học, ở nhà học tiếng Đức để đi du học cũng là ý của tôi. Chậm hơn người ta 1, 2 năm nhưng mình tự tin cái mình học được sẽ là vô giá thì… ngại gì mà không thử? Tuổi trẻ chỉ đến một lần, mỗi người chỉ có một cuộc đời, tôi muốn làm một người tốt, một người đáng để tự hào và đó là lý do tôi bỏ học.
Phụ Nữ Ngày Nay