Nhà thơ, nhà báo Khánh Chi: “Nội lực của phụ nữ, tự nhiên và mềm mại lắm”

Những người yêu thơ thời kỳ những năm 60-70 sẽ dễ biết Khánh Chi như một nhà thơ thiếu nhi, nhưng tôi thì không. Tôi chỉ biết đến chị khi đã là một nhà báo, nhà văn nhưng lại trở thành quen thuộc nhau vì chị là một người mẹ.

Cậu bé Rome của chị tình cờ có mặt trong một phóng sự ảnh của tôi và những câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu luôn là chuyện về con, cách dạy dỗ và chăm sóc con. Nhưng thời gian qua, những cuộc chuyện trò giữa chúng tôi đã lan sang các mối quan hệ, tình cảm, công việc… Gần đây nhất, chúng tôi nói đến những lo lắng về sức khỏe của ba mẹ, của bản thân mình… Khi vui, khi buồn, khi lo lắng… chỉ luôn nhận thấy ở chị một tình yêu đầy đặn với những người thân yêu, bạn bè…

Dù lắng xuống hay trên bề nổi, những gì Khánh Chi nói đến, nhắc đến, lo lắng và quan tâm đến… vẫn nồng nàn và tươi tắn như cuộc sống đang chảy quanh chị và những phụ nữ khác, như nội lực của tất cả những người phụ nữ đang sống và yêu…

Chị là một nhà thơ, nhà văn nữ thành danh từ rất sớm, hào quang từ thơ bé có ảnh hưởng gì đến cuộc sống và công việc sau này của chị?

Tôi sợ nói những điều to tát lắm. Nói thiệt hồi đó tôi chẳng thấy gì gọi là thành danh, là hào quang hết. Khi đó bao nhiêu đứa trẻ làm thơ, mình tôi đâu. Nói vui thì giống như “con chim ngứa cổ hót chơi” thôi.

Mà cái bầu trời xanh cho con chim ấy hót chắc là do ba tôi, ông cụ với tâm hồn treo ngược chín tầng mây!! Sau khi thơ in ra, lại biết bao nhiêu điều tiếng, kiểm tra, thử thách… nó làm tôi hồi bé phát mệt và phát cáu, vì tôi vốn bướng và lì. Cái danh hiệu lì này tôi được một vài nhà báo hồi đó gắn huân chương (cười).

Còn nói ảnh hưởng? Chắc cũng có, ảnh hưởng lớn nhất với tôi chắc là thái độ ngày càng an nhiên với những thứ gọi là danh tiếng, hào quang. Tôi biết rõ nhất mình cần gì, cái gì làm mình hạnh phúc, cái gì còn lại với mình và miễn nhiễm với những điều to tát như hào quang!

Chị là mẹ đơn thân hạnh phúc, ít ra là tôi cảm nhận thế vì tình yêu lúc nào cũng đong đầy trong mắt, trong chữ, trong hình của chị?

Xưa nay tôi đi viết báo, từng nhiều lần viết về phụ nữ đơn thân. Thế mà chưa bao giờ lại tự nghĩ rằng mình cũng là phụ nữ đơn thân nuôi con. Chắc bởi vì xung quanh tôi luôn có quá nhiều tình yêu thương, sự chia sẻ và cũng còn vì tôi cũng chú tâm vào sự quan tâm và chia sẻ với mọi người nhiều hơn là lủi thủi với chính mình.

nhabao khanh chi
Nhà thơ, nhà báo Khánh Chi

Có thời gian, chị lâm bệnh nhưng những đau đớn ấy chị giấu nó vào đâu? Tôi thấy chị cắt tóc trong thời gian đó, nhưng mái tóc còn ngắn hơn cả ngắn ấy lại làm cho chị trông nữ tính hơn… Có phải chị tự ám thị rằng ốm đau cũng chính là khi cần lạc quan nhất để mà vượt qua ranh giới của sống chết?

Thông thường, khi đã vượt qua mọi điều, người ta quay lại nhìn nó mới thấy nó thật là ghê gớm, khủng khiếp. bởi lúc đi, mình chỉ nghĩ tới chuyện đi tới, vượt qua một đoạn đường tất yếu phải đi mà thôi. Tôi cũng chẳng nghĩ tới chuyện giấu nỗi đau vào đâu, bởi vì tôi coi chuyện cười và được cười, chuyện được nhìn người thân mình cười và yên tâm là chuyện quan trọng hơn cả những gì mình phải gánh chịu.

Người ta gọi “một cách to tát” (như chị nói) đó là nội lực, người ta cũng cho rằng vượt qua tất cả bằng nội lực chính là bản năng sống mãnh liệt của phụ nữ. Chị có nghĩ thế không?

Trong thiên nhiên này, tôi nghĩ bất cứ cái gì cũng có nội lực. Cái cây ngàn năm vững chắc có nội lực của thớ gỗ rắn chắc, cọng cỏ mềm mại có nội lực của sự uốn dẻo trong phong ba bão táp. Con người cũng thế thôi. Phụ nữ không dễ buông xuôi, họ có thể như cọng cỏ mềm mại mà sinh sôi và sống bền hơn là những cây cao bóng cả nhưng bản năng sống của phụ nữ không phải là độc quyền của giới tính. ai cũng mong muốn sống và sống bằng nội lực chứ tác động của bên ngoài chỉ mang tính hoàn cảnh và hỗ trợ mà thôi. bản thân mình không muốn sống nữa thì không ai giúp mình được cả. Nhưng đúng là phụ nữ thì không dễ buông xuôi, sống là một chuyện, nhưng sống cho đàng hoàng, sống cho ra sống thì hình như đúng là phụ nữ có nhiều khao khát hơn, nhiều cố gắng hơn!

Nhưng nội lực của phụ nữ cũng tự nhiên lắm, mềm mại lắm nên nhiều khi ta cứ thấy họ sống vui, sống tươi tỉnh, mà không biết họ phải nỗ lực rất nhiều để có được cuộc sống bình thường như thế… Chỉ khi có chuyện gì đó, họ vượt qua, nhìn sâu vào đời sống của họ ta mới biết nội lực của họ mạnh mẽ và bền bỉ thế nào…

Tôi nhớ có lần đi công tác, gặp một chị bán cá biển ở Đà Nẵng, chồng chết khi đi biển, một mình nuôi hai mẹ già, ba đứa con thơ. Hai giờ sáng, chị ra biển mua cá đem đi chợ bán, 12 giờ trưa về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi, chiều 3 giờ lại một gánh chè trĩu vai đi các hẻm trong phố. Tối tối về nhà, tươi cười cơm tối với năm người thân yêu. ba đứa trẻ ấy đều học hành tử tế, hai bà cụ ở nhà lo cơm nước, dọn dẹp… Những người phụ nữ ấy không biết rằng nội lực của họ chính là yêu thương và tựa đỡ vào nhau, là chăm chỉ lao động, tự nhiên, không than thở, không tự hào là làm gì to tát cả…

Tôi cũng gặp những phụ nữ cào hến ở sông Hương giữa mùa đông lạnh buốt, họ có hiểu rằng nội lực của bản thân là gì đâu… nhưng mình thì ngưỡng mộ họ thật sự. Và như thế, chuyện có vượt qua những cơn đau để chữa bệnh, lạc quan để mà vui sống với người thân thì đó là việc cần làm cho mình, đáng gì gọi là nội lực?

Chị chăm cây, lắng nghe một búp lá cựa mình, ngày của chị lúc nào cũng nhàn nhã vì con đã lớn, kinh tế ổn định hay chị cố tình sống chậm để kéo giãn những công việc căng thẳng của một người làm báo trong thời điểm cái gì cũng cần tốc độ thế này?

Tôi cũng là một người làm báo, viết lách thông thường, nghĩa là muốn nhanh đôi khi không thể nhanh, mà muốn chậm cũng không thể. Nên điều chỉnh chính mình thôi chứ làm gì có ngày nhàn nhã. Nhưng không phải cứ vội, cứ làm nhiều, có nhiều tiền là vui. Chờ một cây con trổ lá, chờ một bông hoa hé nở, tôi cho rằng đó là cách mình cảm ơn cuộc sống, “sống một ngày là lãi một ngày”.

Trước nhà tôi là nhà thờ, trong sân nhà thờ có vài cái cây cao vừa vừa. Trong số những cây cao vừa vừa có một cây ra những trái nho nhỏ màu đo đỏ. Sáng nào cũng khoảng 5 giờ 30 (giờ tôi thường viết cái này cái kia, đọc cái này cái kia) có một con chim về hót líu lo.

Nó hót chừng 10 lần, giọng trong veo, cao vút và sắc nhọn. Chắc là nó còn rất trẻ. Nghe nó hót, tôi hay dừng tay bước ra hiên nhà. Sau tiếng hót của nó, một lúc, trời rạng dần và ồn ào dần. Khi đó thì nó bay đi đâu mất. Nó là những nốt nhạc vui đầu ngày của tôi và có thể còn của nhiều người khác nữa. Ai thì không rõ, nhưng khi nào nghe nó hót, dù đang tâm trạng thế nào, tôi cũng rũ sạch, ngóng cổ về phía bụi cây và mỉm cười.

Vậy thôi, đời thật đơn giản. Niềm vui cũng thật đơn giản.

Cm ơn chị và chúc chị luôn giữ được những niềmvui và truyền tải nó trong những con chữ của mình.

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN