Điều bạn ghét nhất trong công việc và cách trả lời khôn khéo

Khi đảm nhận vị trí làm việc hẳn sẽ có những điều bạn thích và không thích ở các góc độ, nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, bạn không nên quá thẳng thừng khi trình bày về những điều bạn ghét nhất trong công việc nếu nhà tuyển dụng hỏi đến.

Vậy nên trả lời sao cho khéo trong trường hợp này? Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết thông qua bài viết dưới đây của CareerLink nhé!

Dẫn dắt lý do lựa chọn công ty, vị trí ứng tuyển hiện tại

Nếu khéo léo và tinh ý hơn nữa, bạn hoàn toàn tận dụng được câu trả lời “Điều bạn ghét nhất trong công việc là gì?” này để dẫn dắt đến lý do lựa chọn công ty hay vị trí ứng tuyển. Ví dụ, bạn có thể đưa ra quan điểm rằng bạn không thích dậm chân tại chỗ ở một vị trí, không thích mỗi ngày công việc giống nhau lặp đi lặp lại. Sau đó, bạn có thể liên kết với ý “Đó là lý do tôi muốn ứng tuyển vào vị trí này, công ty này bởi quý công ty là nơi tôi có thể tự do phát triển bản thân và thể hiện cá tính riêng của mình. Ngoài ra, với kế hoạch phát triển 2-3 năm của quý công ty thì tôi hoàn toàn mong muốn gắn bó lâu dài, tạo thành tựu cho riêng mình”.

Giải quyết điều không thích trong công việc bằng khả năng của bản thân

Chẳng hạn như bạn không thích việc doanh nghiệp thiếu các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề cho nhân viên, thế nên bạn đã nỗ lực nghiên cứu và tìm hiểu cách để chia sẻ với cấp trên, cố gắng chứng minh giá trị thực tiễn của các khóa học là có thể giúp nâng cao hiệu suất. Kết quả sau quá trình này là sếp đã đồng ý tài trợ một khóa học trực tuyến có lợi cho cả bạn, đồng nghiệp và cả công ty. Nói một cách đơn giản, bạn có khả năng xoay chuyển và thương lượng tốt, thế nên việc bạn không thích nhất trong công việc vẫn không thể nào làm khó bạn.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Tự hạn chế điều bạn ghét khi làm việc một cách chuyên nghiệp

Khi đề cập câu trả lời như thế này chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ rất ấn tượng về khả năng thích ứng với thử thách cũng như cách nhìn tích cực của bạn. Chẳng hạn như công việc đòi hỏi bạn phải tăng ca cuối tuần nếu cần thiết và bạn cực kỳ không thích làm việc ngoài giờ thì cũng không nên nói thẳng như vậy.

Thay vào đó, bạn có thể đề cập về khả năng tính toán, dự trù và sắp xếp thời gian để tạo cho mình sự chủ động. Từ đó, bạn vừa đảm bảo công việc mặc dù không cần tăng ca quá nhiều, vừa có đủ thời gian bên gia đình, bạn bè hoặc làm những điều mình thích. Tuy nhiên, bạn vẫn sẵn sàng làm ngoài giờ vào một số khoảng thời gian nào đó để tiến độ công việc ổn định.

Tránh than vãn và phàn nàn về cấp trên hay đồng nghiệp

Dù điều bạn không thích nhất trong công việc là gì, bạn không cần phải nói quá nhiều về nó, nhất là khi nó liên quan đến cấp trên. Thế nên dù bạn không thích thì cũng không nên đề cập rằng môi trường sếp cáu gắt hay khó tính làm bạn thấy mệt mỏi; những người bạn cùng team “toxic”; môi trường thị phi nói ra nói vào,… Lý do là bởi không nhà tuyển dụng nào có thiện cảm với ứng viên thích nói xấu hay phàn nàn người khác, đặc biệt là sếp. Thay vào đó, hãy cố gắng thể hiện thái độ tích cực nếu được hỏi. Chẳng hạn bạn nói rằng bạn mong muốn sẽ được làm việc với đội ngũ giàu kinh nghiệm, lãnh đạo giỏi và thấu hiểu để bạn có thể phát triển nhiều hơn trong tương lai.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Không đề cập cụ thể mình ghét điều gì nhất trong công việc

Đây được xem là một trong những cách trả lời khéo léo cho câu hỏi “Điều bạn ghét nhất trong công việc là gì?” vì sẽ tránh được việc “nói hớ”. Ví dụ bạn nói ghét việc công ty không có chế độ ưu đãi cho nhân viên khi mua hàng, nơi chi trả lương thấp, ban quản lý không có năng lực,… thì đều có thể gây bất lợi cho bạn bởi nhà tuyển dụng sẽ lưu ý những điểm này để đánh giá bạn.

Vậy nên bạn chỉ cần nói chung chung các điểm ghét “vô thưởng vô phạt”, chẳng hạn như công việc không thoải mái, gò bó hoặc bạn không muốn làm việc trong môi trường thiếu sự mới mẻ. Tiếp đó, bạn hy vọng rằng sẽ có nhiều cơ hội để khám phá công ty mới, vị trí mới. Tuy nhiên, đây chỉ là cách “chữa cháy” tạm thời trong trường hợp bạn không có ý tưởng gì hợp lý hơn bởi suy cho cùng nhà tuyển dụng vẫn muốn nghe một câu trả lời có chính kiến.

w1
Pha Lê

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN